Nhà tù phú lợi phải giải tán vào năm nào

Nhà tù Phú Lợi - một "địa ngục trần gian"

Cập nhật lúc 08:58, Thứ Năm, 29/12/2016 [GMT+7]

Về thăm Thủ Dầu Một, nhạc sĩ Võ Đông Điền - Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Bình Dương, tác giả nhạc phẩm “Tiếng hát chim đa đa” đã ngấm vào lòng công chúng, đưa đoàn văn nghệ sĩ Lâm Đồng đến thăm Nhà tù Phú Lợi [đường 1 tháng 12, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một] nay là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia được xếp hạng ngày 10/7/1980. Nhạc sĩ bồi hồi cho biết: Tại đây, thời gian bị giam cầm, nhà văn Sơn Nam đã viết bài thơ thay lời tựa truyện “Hương rừng Cà Mau” nổi tiếng.
 

Phục dựng cảnh tù nhân bị đọa đày ở Phú Lợi. Ảnh: Đ.Thanh


Nhà tù Phú Lợi do chế độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ xây dựng năm 1957 để giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước Việt Nam. Đây là 1 trong 6 nhà tù lớn nhất miền Nam [Côn Đảo, Phú Quốc, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp và Phú Lợi] được dựng lên phục vụ quốc sách “tố Cộng, diệt Cộng” nhằm bình định miền Nam. Nhà tù nguyên là căn cứ quân sự của Pháp, Nhật để lại, Mỹ - ngụy cải tạo, mở rộng thành trại giam chính trị phạm kiên cố và quy mô. Từ trại giam cấp tỉnh, Phú Lợi được nâng cấp thành Trung tâm cải huấn chính trị quốc gia - một mô hình nhà tù mới. Phú Lợi là nơi biểu hiện cụ thể nhất chương trình “chinh phục trái tim và khối óc” những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước. Trong suốt 8 năm tồn tại [1957 - 1964], Phú Lợi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” với đủ thứ cực hình tra tấn dã man, tàn khốc. Nhà tù giết hại tù nhân cả về thể xác và tinh thần. Phú Lợi thực hiện chính sách lao động khổ sai, đặt 14 điều nội quy mục đích để kìm kẹp và tra tấn tù nhân với những hầm kỷ luật, xà lim… Hành hạ tù nhân về tinh thần bằng cách tẩy não, buộc mọi người phải ly khai cách mạng, suy tôn chế độ Việt Nam cộng hòa… Thế nhưng âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù vẫn không dập tắt được ngọn lửa cách mạng trong trái tim những người cộng sản: 

Đừng hỏi tên ai còn ai mất.

Sáu ngàn người chỉ một tên chung.

Chỉ một tên: hòa bình, thống nhất.

Tên những người bất khuất, kiên trung.

[Nhà thơ Hoàng Trung Thông]

Vào tháng 11/1958, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức các đợt đày tù nhân chính trị [tù nhân “loại A” hay gọi là “tù Cách mạng”] ra Côn Đảo. Do biển động, tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo nên chuyến đi hoãn lại. Ngày 30/11/1958, nhà tù bỏ thuốc độc vào khẩu phần ăn của tù nhân khiến hàng trăm người bị trúng độc. Đến ngày 1/12, số người tử vong lên đến hàng ngàn. Trước tình hình đó, các chi bộ Đảng Cộng sản trong nhà tù vừa tổ chức tự cứu chữa cho tù nhân bị trúng độc, vừa đấu tranh tố cáo hành động này. Tù nhân đã tung nóc nhà giam, chiếm đài phát thanh, dùng các tấm tôn cuộn thành loa lên tiếng tố cáo. Vụ việc lan truyền rộng khắp, gây nên làn sóng căm phẫn không chỉ trong nước mà còn chấn động cả thế giới. Nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa sự bi tráng này: 

…Trong một ngày - 

mùng một tháng mười hai

Nào ai ngờ không có nữa ngày mai

Chúng tôi chết trong đêm dài tàn khốc

Đứt ruột gan, nắm cơm thuốc độc.

Tím xương da nanh nọc lũ đê hèn.

Trái tim hồng chết uất máu bầm đen.

Trước tội ác Mỹ - ngụy gây ra, khi sang thăm Việt Nam vào năm 1959, Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Đức gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng chia sẻ: “... Chúng tôi tin chắc rằng các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam sẽ thắng mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chế độ khủng bố hèn hạ. Bởi vì các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam đấu tranh cho sự nghiệp chính đáng nhất, cao quý nhất của dân tộc...”. Trước dư luận phẫn uất, phản đối từ trong nước và quốc tế, nhà tù Phú Lợi buộc phải giải tán vào năm 1964.

Nhà tù Phú Lợi như một bằng chứng về tội ác của chế độ Việt Nam cộng hòa. Đến thăm Di tích, nay khu vực trung tâm nhà tù có dựng bức tượng bằng đồng cao 3,5 m của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu ghi lại sự kiện “Phú Lợi căm thù”. Các khu nhà giam C, nền nhà giam A, B, nhà kỷ luật, tháp canh, lô cốt đều được giữ nguyên vẹn hoặc tôn tạo lại....

58 năm đã đi qua, giờ đây khu trại giam Phú Lợi ngày xưa đã và đang được kiến tạo thành công viên cây xanh, nơi vui chơi, giải trí. Di tích là điểm tham quan giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho thế hệ mai sau.

ÐAN THANH

,

Ai đã từng ghé thăm di tích Nhà tù Phú Lợi [phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một] hẳn không thể nào quên được những hình ảnh, chứng tích còn lưu dấu nơi đây. Từ những tội ác mà Mỹ - Diệm đã gây ra với những chiến sĩ cách mạng, người yêu nước bị giam cầm nơi đây, nhà tù Phú Lợi còn được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Nơi đây không chỉ ẩn chứa nhiều đau thương, mất mát, mà còn thể hiện lòng kiên định, ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, người yêu nước trước những âm mưu thâm độc của kẻ thù...

Chứng tích lịch sử

Nhà tù Phú Lợi được chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm xây dựng vào khoảng giữa năm 1957 để giam cầm, tra tấn những chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ.

Với mưu đồ xâm lược miền Nam, bằng các thủ đoạn mị dân, khủng bố đến chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, Mỹ - Diệm đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác trên khắp miền Nam nước ta. Để thực hiện “thà bắt nhầm hơn bỏ sót”, Mỹ - Diệm đã dựng nhà tù, trại giam ở khắp nơi để giam cầm các tù nhân chính trị, các chiến sĩ cách mạng và những người Việt Nam yêu nước, trong đó có nhà tù Phú Lợi.

Lúc đầu, nơi đây chỉ là một trại giam với số tù nhân khoảng 100 nam và 4 nữ. Đến cuối năm 1957, con số tù nhân đã tăng lên 3.000 người. Đến cuối năm 1958, số tù nhân bị giam cầm nơi đây tăng lên khoảng 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ. Chúng chia trại giam thành nhiều khu vực: khu hành chánh, khu gia đình binh sĩ, khu An trí viện. Mặc dù được gọi với cái tên “An trí viện” nhưng thực chất đây là khu trại giam. Khu trại giam gồm có 3 trại [với 9 phòng giam được đánh dấu theo thứ tự A, B, C, D…] và ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh 3 trại là 2 bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai, có hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm và hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có một nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt.

Theo những nhân chứng từng bị giam cầm nơi đây mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trong những lần họp mặt sau này chia sẻ, bị giam cầm ở đây họ bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man, chế độ sinh hoạt ăn uống cũng hết sức khắc nghiệt, thiếu thốn. Cơm nấu bằng gạo mục, ăn với cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi. Sinh hoạt thì dơ bẩn, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai, khi bệnh đau không thuốc chữa trị… Chúng còn đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để tìm mọi cách đánh đập tù nhân bất cứ lúc nào.

Vụ thảm sát Phú Lợi - đỉnh điểm tội ác

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng từng nghe nói đến vụ thảm sát Phú Lợi diễn ra vào cuối tháng 11 đầu tháng 12-1958. Đó là đỉnh điểm tội ác mà Mỹ - Diệm đã gây ra đối với những người bị giam cầm nơi đây. Theo thường lệ hàng năm, Mỹ - Diệm sẽ tổ chức 4 đợt đày tù nhân “loại A” ở các nhà tù trong đất liền ra Côn Đảo. Sau khi phân loại, trại giam Phú Lợi có 450 tù nhân loại A là đối tượng bị đày ra Côn Đảo vào cuối tháng 11-1958. Trong chuyến đi này, ý đồ của chúng là sẽ bí mật thủ tiêu các tù nhân trên đường đưa ra Côn Đảo.

Theo kế hoạch mà chúng đã tính toán, trong đợt này mỗi tù nhân bị đày sẽ nhận một khẩu phần bánh mì [có trộn thuốc độc] và thức ăn kèm theo. Chúng đã chuẩn bị xong mọi việc vào ngày 28-11-1958, nhưng liên tiếp những ngày sau đó biển động mạnh nên tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo. Không từ bỏ dã tâm, Mỹ - Diệm vẫn thực hiện âm mưu hãm hại tù nhân Phú Lợi lần nữa. Ngày 30-11-1958, theo thường lệ ngày chủ nhật tù nhân trại giam sẽ thực hiện chế độ “ăn tươi”, gồm bánh mì và các thức ăn khác. Ngoài số bánh mì cũ [có tẩm thuốc độc], để đủ khẩu phần, chúng trộn lẫn bánh mì mới vào nhau và phát cho tù nhân. Nhiều tù nhân sau khi ăn bị ngộ độc đau bụng, nôn ói, nằm co quắp... Đến ngày 1-12-1958, số tù nhân bị ngộ độc tiếp tục tăng lên hàng trăm người, nhiều người chết, nhiều người nằm hôn mê bất tỉnh… Hai ngày liên tiếp sau đó, số bệnh nhân nặng và chết càng nhiều hơn. Những bệnh nhân nặng bị chuyển đi, nhưng sau đó không thấy được chuyển lại Phú Lợi.

Với tinh thần kiên cường, ý chí kiên định, Đảng ủy [hoạt động bí mật trong trại giam] đã quyết định đấu tranh công khai trực tiếp. Các tù nhân Phú Lợi cùng đứng lên đoàn kết đấu tranh, tung nóc nhà giam, phát loa phóng thanh kêu cứu trong ngày bi thảm 1-12-1958. Nhờ đó, thông tin địch đầu độc tù nhân đã được lan truyền khắp nơi. Nhân dân ở các xã gần đó đã nổi dậy phối hợp với tù nhân ở Phú Lợi đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm. Để chạy tội Mỹ - Diệm tìm cách phi tang nhân chứng. Sự kiện này đã làm dấy nên sự phẫn nộ của người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đối với tội ác của bọn Mỹ - Ngụy và làn sóng đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Sự phẫn nộ ấy sau này đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”:

Trong một ngày - mồng một tháng mười hai

Nào ai ngờ không có nửa ngày mai!

Chúng tôi chết, trong đêm dài tàn khốc

Đứt ruột đứt gan, nắm cơm thuốc độc

Tím xương do nanh nọc lũ đê hèn

Trái tim hồng chết uất máu bầm đen

Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận quốc tế, đến năm 1964, nhà tù Phú Lợi không còn tồn tại. Hệ thống trại giam chuyển thành tiểu khu quân sự Mỹ - Ngụy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4- 1975. Mặc dù chỉ tồn tại trong vòng 8 năm, nhưng với chế độ hà khắc mà Mỹ - Diệm đã thực hiện, Nhà tù Phú Lợi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” của người dân yêu nước và chiến sĩ cách mạng bị tù đày.

Phát huy giá trị di tích

Bỏ lại những ồn ào của phố thị bên ngoài, từ đầu đường Một tháng mười hai [đối diện chợ Hàng bông [phường Phú Hòa], chạy thêm tầm vài trăm mét chúng ta sẽ thấy cổng khu di tích Nhà tù Phú Lợi nằm im lìm dưới những tàng cây xanh mát mẻ. Từ cổng chính di tích bước vào, ấn tượng đầu tiên mà chúng ta bắt gặp đó là biểu tượng “Phú Lợi căm thù” sừng sững giữa đất trời. Biểu tượng được nghệ sĩ điêu khắc Diệp Minh Châu chuyển hóa từ sự kiện lịch sử đau thương ngày 1-12-1958 với vụ đầu độc tù nhân tại nhà tù Phú Lợi làm chấn động cả thế giới. Hai hình tượng trong bức tượng thể hiện rõ nét ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết [hình tượng người phụ nữ trúng độc trong tư thế ngã gục xuống như vừa trải qua một sự đau đớn đến tột cùng và hình tượng người nam, một tay đưa ra đỡ ngang thắt lưng người phụ nữ, một tay đưa thẳng lên ngực hơi dồn về phía trước, miệng mở rộng như đang thét vang, biểu hiện sự căm hờn đến tột đỉnh]. Bức tượng như một nhân chứng lịch sử, nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ đau thương của dân tộc. Đó cũng là biểu tượng về tinh thần đấu tranh bất khuất mà cha anh đi trước đã để lại cho thế hệ đi sau soi mình để ra sức học tập, rèn luyện, để góp phần dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Cùng với biểu tượng Phú Lợi căm thù, trong khuôn viên khu di tích còn có một số hạng mục đã được sửa chữa, phục dựng lại để lưu giữ giá trị di tích và phục vụ khách tham quan, tìm hiểu. Đó là những khu nhà giam với hình tượng những tù nhân được phục dựng hết sức sinh động, thể hiện chế độ giam cầm khắc nghiệt mà Mỹ - Diệm đã thực hiện với những tù nhân từng bị giam cầm, tra tấn nơi đây.

Nhiều năm qua, di tích nhà tù Phú Lợi đã được tỉnh, ngành văn hóa quan tâm đầu tư, phát huy giá trị di tích. Hàng năm, di tích đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với người dân Bình Dương nói riêng, đặc biệt là thế hệ trẻ, các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên các trường... thường chọn khu di tích Phú Lợi như một địa chỉ không thể thiếu trong hành trình về nguồn nhiều ý nghĩa.

 CẨM LÝ

Theo Báo Bình Dương online

Video liên quan

Chủ Đề