Những bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh thi đại học trung quốc (2006 - 2012)

2013-06-06 16:06:53     cri


Xin giới thiệu tiếp với các bạn bài văn đạt điểm tối đa của thí sinh Trung Quốc trong mùa tuyển sinh năm 2012.

Đề thi và bài làm của thí sinh tỉnh Chiết Giang.

Đọc bài thơ sau đây, làm bài theo yêu cầu: 

Tay nắm lấy một giọt nước

Một giọt nước có phải lệ của mặt trời

Có hình xưa kia và tương lai của tuyết

Có thềm lục địa và sa mạc

Có sự sống của loài người...

Tôi nắm trong tay một giọt nước

Chính là nắm cả một thế giới

Song một bất ngờ, ví dụ như đứng không vững

Là có thể mất đi hết thảy

Căn cứ bài thơ , mời anh/ chị lấy "nước" làm đề tài, trình bày cảm nhận và liên tưởng của mình.

Yêu cầu:

Tự chọn góc độ, tư lập ý, tự chọn thể loại, tự đặt tiêu đề

Không được thoát khỏi ngụ ý của bài thơ, không được lặp lại, không được sao chép

Chữ viết chân phương quy phạm.

Làm bài văn trên 800 chữ.

Bài làm:

Tay nắm một giọt nước

 

Tôi leo lên Phong hỏa đài, phóng tầm mắt nhìn xuống chiến trường đã bị sói mòn cát vàng che lấp. Tiếng gióng trống khua chiêng ầm vang và tiếng hô hào gào thét của các tướng sĩ từ trên không trung vọng xuống, rồi âm vang giữa đất trời bao la. Trong lòng tôi, phẳng lặng như mặt nước hồ, rồi gợn lên dần các vòng sóng nước lăn tăn. Một giọt nước, bị tôi nắm chặt trong lòng bàn tay. Đối với tôi mà nói, giọt nước này chính là cả thế giới của tôi.

Một giọt nước, trong cát vàng mêng mang, đã bớt đi phần trong vắt, thêm vào thứ vẩn đục; ít đi một phần ngọt ngào, thêm vào một phần đắng chát. Đó không phải là một giọt nước, mà là một giọt nước mắt.

Hình như vẫn là hôm qua, một con ngựa gầy, một gói cẩm nang và một lưỡi dao dài chính là toàn bộ hành trang của tôi. Tôi từng uống nước sông Hoàng Hà, từng ngắm hoàng hôn trên núi Hắc Sơn, trèo đèo lội suối mà đến, chỉ vì thay cha đi tòng quân. Hoa Mộc Lan, tôi mang cái tên gọi này từ nơi xa ngàn dặm đến tận nơi đây. Chiến trường, không cần phải nghi ngờ gì đó chính là pháp trường, biết bao sức sống tươi mới, hoặc là bị bắt buộc, hoặc là tự nguyện đến với nơi đây. Họ chỉ có hai kết quả, một là sống mà trở về, có thể quỳ gối hân hoan cho chọn lòng hiếu thảo; hai là, chết tại nơi đây, làm bạn với đất vàng, biến thành hạt cát trong sa mạc bay theo chiều gió. Tại nơi mịt mùng đổ máu, căm phẫn và tuyệt vọng này, tôi đã trải qua biết bao đêm thâu mất ngủ, nỗi niềm nhớ nhung từ bốn phương tám hướng tràn đến, cứ dan díu bám chặt lấy tôi, khiến tôi nghẹt thở. Tôi thầm hỏi mình rằng, như vậy có đáng hay không? Tuy mớ tóc dài đã được vấn lên, cải trang thành nam giới, thế nhưng nói cho cùng, tôi vẫn là người con gái cần có tình thương và sự nuông chiều của cha, tôi không muốn phải sống trên sa trường. Thời gian đang chạy trốn trong giằng co, khổ đau và nhớ nhung, khi mà làn da mặt trắng mịn trở nên khô nẻ như mảnh đất màu vàng, khi đôi bàn tay nõn nà đã mọc đầy lớp chai dầy cứng, thì tôi đã ý thức được rằng, tôi đã không còn lối thoát. Tuổi xuân đã hao mòn đi bất ngờ trong suốt mười năm, tôi không còn lại thứ gì nữa, chỉ còn một giọt nước mắt trong lòng bàn tay, nó là toàn bộ sự sống của tôi.

Nước, chảy xuống một cách thầm lặng, đã thấm nhuần cát vàng bay tứ tung; nước mắt, rơi xuống một cách lặng lẽ, đã nhuộm vào dải lụa màu trắng bệch cất trong buồng con gái. Tôi từ từ giang rộng cánh tay, giọt nước mắt đó im lặng nằm trong lòng bàn tay tôi, ánh nắng từ bốn phương tám hướng rọi tới, giọt nước trong lòng bàn tay tôi chiếu ra vô số thế giới. Tôi dường như trông thấy cha mẹ tôi đang ngồi ở ngoài cửa chờ mong tôi trở về, trông thấy chị gái đang nhìn vào bộ quân phục màu đỏ của tôi rồi lặng lẽ rơi nước mắt... hết thảy những thứ đó, đều ngưng tụ trong giọt nước mắt ở lòng bàn tay tôi.

Bất chợt, chân tôi đứng không vững, thế là "tách" một tiếng, giọt nước mắt rơi xuống mặt đất, tiếng giọt lệ rơi sao mà nhẹ nhàng đến vậy, thế nhưng tôi lại nghe thấy tiếng trái tim bị rạn vỡ. Trong nháy mắt, cả thế giới của tôi bị tan nát hết, những mảnh vỡ vụn bị gió cát thổi lên không trung, rồi biến mất; hoặc đã ngấm vào lớp đất vàng, không thấy nữa.

Một giọt nước mắt, đã khúc xạ bộ mặt xinh đẹp 10 năm; một vốc đất vàng, đã chôn vùi biết bao sinh mệnh anh hùng?

Tôi giơ bàn tay hơi run run, nhìn mặt trời rọi chiếu trên sa mạc qua kẽ ngón tay, ánh nắng chói chang làm tôi không thể nào mà mở mắt ra được, lại chính là một giọt nước.

Tôi đã không còn hơi sức nào mà giữ lại giọt nước nữa, giọt nước quý báu nhất đã bị vận mệnh trêu đùa một thời giơ chân ra làm tôi bị vấp, 10 năm như một tích tắc, thế giới của tôi như một giọt nước đã bị tan biến mãi mãi rồi.

Mất đi một giọt nước, một lần đứng không vững, thế là đã đủ lắm rồi ...

Lời bình

Một, lập ý mặt trái, có nhiều gợi ý. Thí sinh đã mạnh dạn phá vỡ định hướng tư duy làm văn trong trường thi, đưa nàng Hoa Mộc Lan, một nhân vật lịch sử Trung Quốc đi vào trong bài văn với góc độ mới mẻ, một giọt nước tượng trưng cho thế giới của mình, sự đùa bỡn của số phận đã làm rơi giọt nước này, làm giọt nước bốc hơi rồi tan biến không còn trông thấy nữa, biết bao thương cảm, thí sinh lập ý như vậy, đã tránh khỏi khuôn phép sẵn có, phần kết "Mất đi một giọt nước, một lần đứng không vững, thế là đã đủ lắm rồi ..." chính là lời cảnh báo của Hoa Mộc Lan, từ đó lập ý ngược lại, gửi gắm ngụ ý một cách khéo léo vào trong giọt nước quý giá, trình bày triết lý về sự ảnh hưởng to lớn của giọt nước đối với sự sống.

Hai, cấu tứ rất đặc biệt, cho người đọc có cảm giác mới mẻ. Bài văn này đã từ góc độ tầm nhìn của người anh hùng dân tộc Hoa Mộc Lan dẫn dắt tư duy của bạn đọc đến với chiến trường cổ xưa, trình bày vận mệnh bi tráng của các tướng sĩ ngoài biên thùy xa xưa, nỗi niềm xa nhớ quê hương da diết của họ, và tuổi xuân bạc tình trôi đi không bao giờ trở lại, thí sinh còn hư cấu mô tả trong tưởng tượng quang cảnh bà con ruột thịt xóm làm nhớ nhung mình, dung hòa giọt nước mắt bằng giọt nước nhân sinh, khiến cho người ta không khỏi bâng khuâng nao núng vô hạn.

Những dòng cảm xúc trên nằm trong bài văn 800 chữ đã đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi tuyển sinh Đại học của Trung Quốc năm 2016. Bài viết rất đáng suy ngẫm của nam sinh Quảng Đông, Trung Quốc được thầy giáo Trịnh Quỳnh [giáo viên Văn học Trường THPT Lương Thế Vinh, tỉnh Nam Định] dịch và giới thiệu trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ lớn của người đọc.

Qua hình thức một bức thư gửi mẹ, nam thí sinh đã mượn dịp này lần đầu “trút” nỗi lòng của một đứa con luôn được mẹ kỳ vọng trở thành người xuất sắc nhất. Một đề văn hay và một bài làm giản dị, súc tích, giàu cảm xúc, có khả năng “thức tỉnh” nhiều vị phụ huynh.

Dân trí đăng tải bài văn thi đại học đạt điểm 10 giới thiệu cùng quý độc giả, đặc biệt là các bậc cha mẹ!

Đề bài:

Trên một bức tranh châm biếm vẽ hai học sinh đang giơ số điểm thành tích bài thi lên, trên má một học sinh có in hình chiếc môi vừa hôn lên đó, trên má một học sinh khác in hằn cát tát của bàn tay… Yêu cầu: kết hợp nội dung và ngụ ý của bức tranh châm biếm, lựa chọn góc độ, lập ý và thể loại văn phải rõ ràng, tự đặt mệnh đề cho bài làm. Không được rập khuôn, không được sao chép. Làm bài văn trên 800 chữ.

Hình ảnh xuất hiện trong đề thi.

Dưới đây là bài làm đạt điểm tối đa:

Bức thư gửi mẹ

Mẹ thân yêu!

Trước hết con xin mượn một câu danh ngôn như sau: “Con người có thể leo lên đỉnh cao của danh dự, nhưng lại không thể nào sống lâu dài ở trên đó”. Con biết rằng mẹ gửi gắm niềm hy vọng tha thiết vào con, mong con mãi mãi là người con xuất sắc nhất, con cảm thông trước tâm trạng của mẹ mong con có thể như cá chép hóa rồng, trên thế gian này có người mẹ nào mà không mong con cái mình trở thành người con xuất sắc? Nhưng hôm nay con muốn thưa với mẹ rằng, xin mẹ tha thứ cho con không thể lúc nào cũng có thể trở thành đứa con xuất sắc nhất.

Con nhớ hồi con còn nhỏ, mẹ luôn đem con ra so sánh với con cái của người khác... Con nhớ thằng em họ có khi đến nhà mình ăn cơm lại nói: “Nào… đứa nào ăn nhanh nhất nào”. Mỗi lần thấy con ăn xong nhanh nhất mẹ lại gật gật đầu hài lòng.

Con nhớ hồi con tập đàn piano, mỗi lần tập mẹ lại ngồi nghe con đánh cho đến lúc âm điệu các nốt nhạc dưới ngón con trở nên trôi chảy rồi mẹ mới mỉm cười hài lòng và cho phép con rời khỏi cỗ đàn. Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano. Mọi thứ đều từ kỳ vọng quá cao của mẹ.

Khi đứa bạn cùng lớp con cầm lá đơn thành tích được đánh giá trình độ trung bình mà vẫn hớn hở về nhà vì thành tích bạn đó có sự tiến bộ hơn. Nhưng trong lòng con thì lại hồi hộp vì mẹ yêu cầu con lần thi nào cũng phải đạt thành tích 95 điểm trở lên. Cho nên con mới lo sợ mặc dù thành tích của con đã rất tốt so với các bạn cùng lớp rồi.

Mẹ ơi, con mong mẹ có thể hiểu được mà cảm thông với con. Đôi khi áp lực cũng chính là động lực thật nhưng nhiều khi áp lực như quả trứng gà vậy. Trứng gà mà nứt mà bị nứt từ bên trong ra ngoài thì đó là sự sống nhưng trứng gà bị vỡ từ bên ngoài vào trong thì đó là sự diệt vong. Con mong được mẹ tôn trọng ý nguyện chân thật nhất của con từ trong nội tâm chứ không phải chỉ cứ gây áp lực cho con. Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu. Cũng như nhà tư tưởng nhà văn Pháp Rousseau nói: “Trước khi trẻ em khôn lớn nên người, thế giới tự nhiên mong muốn trẻ em được sống như những trẻ em thực sự”.

Đôi khi con cũng liên tưởng đến các hiện tượng “mẹ hổ cha sói” trong xã hội. Họ là những phụ huynh nghiêm ngặt nhất chỉ mong con cái mình từ nhỏ đã có thể giành thắng lợi ngay trên vạch xuất phát có thể khác hẳn so với số đông người. Thế nhưng con cảm thấy con cái của họ không có niềm vui thực sự.

Mẹ ơi, con biết, mẹ lúc nào cũng thương yêu con. Cái vẻ bên ngoài lúc nào cũng nghiêm nghị của mẹ chẳng qua cũng vì mẹ mong muốn con càng xuất sắc hơn mà thôi. Có lẽ mẹ nên chọn biện pháp khác để chỉ bảo hướng dẫn cho con, động viên con. Con càng mong muốn có thể thấy mẹ của mình là một người phụ nữ dịu dàng hiền hòa.

Hôm nay con đang ngồi trong trường thi tuyển sinh đại học, rất có thể con đường đời dài dằng dặc sau này sẽ được viết bằng hoặc có sự thay đổi ngay dưới ngòi bút của con. Con chỉ muốn mượn dịp này muốn thưa với mẹ một câu rằng: lần này mẹ hãy để con là một người của chính con thực sự. Bất kể kết quả ra sao con cũng không hối hận.

Cảm ơn mẹ!

Con trai mẹ.

[Bài làm của thí sinh ở Quảng Đông - Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2016 ở Trung Quốc]

***

Thầy Trịnh Quỳnh - người giới thiệu bài văn trên cho hay, vì quá ấn tượng với đề và cả bài làm nên anh đã quyết định dịch lại chia sẻ cùng mọi người.

Theo thầy Quỳnh, hướng ra đề văn này rất mở từ việc không giới hạn thể loại, không giới hạn số từ, không giới hạn về văn bản… Nhưng quan trọng nhất là đề thi hoàn toàn mở về cách nghĩ, thậm chí còn không có hướng dẫn chấm [điểm] cụ thể. Điều đó tạo nên những bài văn hoàn toàn khác nhau. Học sinh được nói lên tiếng nói của chính mình không câu nệ vào suy nghĩ quan điểm của người chấm chứ không phải là một bài giáo dục đạo đức đơn thuần.

Đánh giá về bài văn đạt điểm tuyệt đối của nam sinh Trung Quốc, thầy giáo trẻ cho biết, anh rất ấn tượng với lối hành văn giản dị nhưng chân thành, giàu cảm xúc. Đó là những suy nghĩ giản đơn nhưng khó nói, em học sinh mượn đề bài để chia sẻ tới phụ huynh của mình.

Đọc bài làm không ít phụ huynh phải giật mình vì đã tạo áp lực từ bên ngoài cho con em mình. Có những câu văn khiến chúng ta phải suy nghĩ lại: Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano; Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu; Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt… Qua đó người đọc có thể cảm nhận được sự dũng cảm khí dám nói lên tiếng nói riêng, sự trưởng thành trong suy nghĩ của tuổi trẻ.

Đặc biệt, bài văn nói về áp lực học tập là vấn đề không mới nhưng luôn “nóng” trong xã hội nhiều nước châu Á - nơi học sinh đều phải trải qua những kỳ thi đại học khốc liệt nhất.

“Nguyên nhân có thể do truyền thống thi cử lập thân lập danh trọng bằng cấp. Áp lực từ những bậc cha mẹ muốn con trưởng thành ngay từ vạch xuất phát, áp lực từ đánh giá dựa vào số điểm thành tích dành cho học sinh, giáo viên và ngay cả nhà trường phổ thông.

Nhiều học sinh chỉ biết học để đi thi còn thi xong để làm gì thì chưa trả lời được. Việc học để đi thi bỗng dưng trở nên vô ích. Học tập không phải vì mục đích thi cử, thi cử chỉ là cơ hội thể hiện mình”, thầy giáo Trịnh Quỳnh nêu quan điểm.

Bài văn đạt điểm tuyệt đối như một lời thức tỉnh cho nhiều phụ huynh châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nói về điều này, thầy Trịnh Quỳnh cho rằng: “Nhiều cha mẹ Việt ép con em phải tham gia các cuộc thi từ âm nhạc, thể thao... mong muốn các em đạt thành tích từ rất nhỏ mà không biết các em có thực sự đam mê. Nhiều em bị tổn thương khi bị loại khỏi các cuộc thi. Nhưng nhiều em tích lũy cho bảng thành tích của mình những giải thưởng, những hồ sơ toàn điểm mười, những bằng khen... khi mọi thứ bão hòa thì những con số đó trở nên vô nghĩa, thậm chí là có hại”.

Theo dantri

8,989 người xem

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề