Review phim đúng cách

Việt Anh   -   Thứ năm, 26/11/2020 09:30 [GMT+7]

Những video “review phim” thu hút số lượng khổng lồ lượt người xem. Tuy nhiên, theo ý kiến của các reviewer chuyên nghiệp, chúng đang dần gây ra một khái niệm sai về review, trong khi đó chỉ là video tóm tắt bị chắp nối, với lời dẫn hời hợt, không đem lại những đánh giá khách quan về bộ phim – điều mà khán giả cần nhất.

Review được định nghĩa là những cảm nhận, đánh giá của người từng trải nghiệm một dịch vụ, theo quan điểm cá nhân hoặc có sự tham khảo từ những người khác. Review có nhiều hình thức lĩnh vực, review phim, review đồ ăn, review các dịch vụ...

Tràn lan video “review phim” không đúng “chất”

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, ta dễ dàng bắt gặp những video với dòng title Review Phim. Chúng thu hút mọi người ấn vào, xem tóm tắt toàn bộ nội dung của video. Khán giả Quỳnh Đỗ [quận Đống Đa] nói: “Tôi thường dành thời gian rảnh để xem, vì rất cuốn hút mà có thể giúp tôi tiết kiệm thời gian”. Bạn Minh Châu [quận Cầu Giấy] chia sẻ: “Nhiều bộ phim tôi chưa từng biết tới trước đây, nhờ những video review đó mà tôi đã biết tới chúng”.

Nhiều khán giả khác có những ý kiến ngược lại. Bạn Xuân Hiếu [quận Nam Từ Liêm] nói: “Tôi xem xong mà chỉ mấy phút sau là không nhớ nổi diễn biến phim như thế nào. Tóm gọn trong vài phút là quá ngắn đối với một bộ phim được nhà làm phim dành nhiều tâm huyết, đôi khi còn cắt xén, sai lệch, không thể hiện được hết những thông điệp mà bộ phim mang lại". Khán giả Thành Long [quận Hai Bà Trưng] thì chia sẻ, anh không thấy được những đánh giá về bộ phim sau khi xem xong, chỉ đọng lại là những câu dẫn chuyện vô cảm và thứ nhạc chèn lặp đi lặp lại đến mức ám ảnh.

Vô vàn những video gắn mác “review phim” trên mạng xã hội.

Anh Dương Minh, 21 tuổi, hiện đang làm review phim chuyên nghiệp tại W2W Studio [Hà Nội], đồng thời là quản trị viên của một hội nhóm review chuẩn với hàng ngàn người tham gia.

Về công việc review phim, anh nói: “Mỗi bài review cần phải ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề đánh giá bộ phim đó có hay hay không. Ngày trước thì tôi đã review qua bài viết là chủ yếu và đôi khi cũng có cả ảnh kèm text. Nhưng nếu để một bài review tiếp cận được với nhiều người nhất có thể thì sản xuất video là lựa chọn tối ưu”.

Những bài review phim chuẩn chỉnh của các reviewer chuyên nghiệp. Ảnh: trích từ fanpage Review cùng Minh và Cuồng Phim.

Nói về những video “review phim” trên mạng xã hội, với chuyên môn của mình, anh Minh cho biết, những video này thường chỉ trong vòng 5-8 phút, và chỉ là tóm tắt, kể lại diễn biến của bộ phim, nhanh và tiện. Nhưng chúng là sự chắp nối nội dung. Toàn bộ những tình tiết trong phim, kể cả diễn biến quan trọng,... bị cắt ghép, lấy hoàn toàn từ Trung Quốc và sau đó chèn nhạc vào, dẫn đến tình trạng dính bản quyền.

Nhiều page được xây dựng khá sơ sài với mác review phim đã bị facebook đánh sập. Những câu dẫn chuyện mang đậm tính copy paste, thiếu sự chỉn chu trong biên tập. Ngay cả giọng đọc của người dẫn cũng dễ dàng nhận ra đó là của "chị Google", không mang lại cảm xúc.

“Cục nợ hóa cục cưng” [Pawn] là một bộ phim của Hàn Quốc mới ra rạp gần đây vào tháng 10. Nhưng chỉ một thời gian sau, đã xuất hiện “review” bộ phim này trên Facebook. Một tác phẩm đứng đầu phòng vé Hàn Quốc và được công chiếu rất thành công tại các rạp ở Việt Nam, nhưng lại được dựng lên 1 clip review tường thuật lại toàn bộ diễn biến một cách cực sơ sài, vô cảm.

Đặt đúng tên và đừng giết chết khái niệm “Review phim” đúng nghĩa

“Với những ai thực sự thích phim ảnh như mình thì đương nhiên rất ghét những video như vậy, họ cơ bản là “tóm tắt” nhưng luôn thêm nhận xét của cá nhân vào, điều này khiến ý nghĩa của phim đôi khi bị hiểu sai. Chắc mọi người cũng đồng ý rằng điều tối kỵ trong việc tóm tắt một văn bản hay bất cứ một thứ gì là không được cho thêm đánh giá cá nhân vào nhằm mục đích điều hướng người xem theo ý hiểu của mình.” – anh Minh cho biết.

Một sản phẩm review cần mang lại cho khán giả sự tò mò, cung cấp được đúng và đủ những thông tin của bộ phim, và đặc biệt không được spoil những tình tiết quan trọng trong phim [như cái kết, những chi tiết quan trọng và plot twist]. Không phủ nhận sự tiện lợi, nhanh chóng và thu hút của kiểu video này mang lại cho những người xem vì mục đích giải trí. Tuy nhiên với những ai yêu thích điện ảnh, chúng không hề mang chất “review” như cái tên được đặt.

Anh Minh cũng như những reviewer khác không hề lên án việc tóm tắt phim. Nhưng đã là thể loại video tóm tắt, đừng đặt tiêu đề là review, đừng giết chết từ “review phim” đúng nghĩa. Người xem không hề có lỗi. Lỗi là ở những người đã dựng lên những video tóm sơ sài, cắt xén và làm sai lệch nội dung khi chưa có sự cho phép từ nhà sản xuất; hướng khán giả theo ý hiểu riêng và sai tinh thần gốc mà người biên kịch muốn truyền tải.

Hàng ngày, lướt Facebook, đặc biệt là ở phần lối tắt Watch [nơi tổng hợp các video], một trong số những điều bạn cực kỳ dễ gặp ắt hẳn và giọng đọc chuẩn mác “chị Google” cùng nội dung quen thuộc: “Xin chào các bạn, lại là abc đây, hôm nay chúng tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một bộ phim...”. Dưới mỗi video dạng như vậy là hàng ngàn lượt cảm xúc, hàng trăm bình luận đa chiều về bộ phim vừa bị đem ra mổ xẻ. Vâng, thứ chúng ta nhắc đến ở đây chính là trào lưu review phim bằng những clip có độ dài khoảng trên dưới 5 phút với chất lượng thú thật là, khá tệ!

Bất kì bộ phim nào, không kể truyền hình hay điện ảnh, kinh điển hay dở tệ, đều trở thành đối tượng của trào lưu này [ảnh minh họa]

Thực chất đây là trào lưu recap núp bóng review đang nở rộ trên mạng xã hội thời gian gần đây. “Treo đầu dê bán thịt chó” là khuyết điểm dễ dàng nhận thấy ở những đoạn clip này, đặt tiêu đề là review [nêu lên cảm nhận, đánh giá], nhưng xem nội dung lại là recap [tóm tắt nội dung], một số đoạn clip còn cao hứng cho thêm vài dòng cảm quan cá nhân vào phần cuối. Những kiểu clip tưởng chừng như là “vô phạt vô thưởng” này đang ảnh hưởng đến vấn đề bản quyền phim, đến những người làm review chân chính hoặc cái hại dễ dàng nhìn thấy trước mắt là có thể đem đến cho khán giả một cái nhìn sai lệch về phim,... Thế nhưng, kỳ lạ thay những trang review vẫn liên tiếp được lập ra, sản xuất hàng chục clip mỗi ngày. Như một thói quen, chỉ cần bỏ ra 5-10 phút mỗi ngày mà chẳng mất một đồng phí nào bạn có thể trở thành “thần thông thái” đủ loại phim, đúng chất một mọt phim “xanh chín”. Đây là mặt tích cực hiếm hoi hướng tới một bộ phận khán giả xem để cho biết, để giải trí tạm thời chứ không quá quan tâm đến trải nghiệm điện ảnh. Chúng tôi đã kết nối với một số nhân vật trong ngành sản xuất phim, nhà báo, truyền thông,... để khai thác rõ hơn quan điểm của từng người về vấn đề này.

Là recap [tóm tắt nội dung phim] thì đúng hơn chứ review chỉ là đặt cho “quen thuộc” để câu view, trục lợi mà thôi!

Những clip review phim tràn lan trên mạng xã hội hiện nay là hình thức biến tướng, rất tệ hại, nhà báo Nguyễn Phong Việt đã khẳng định góc nhìn cá nhân vô cùng khách quan và thực tế của mình: “Đó không phải là review phim mà là tóm tắt phim, kể lại phim một cách ngắn gọn và xúc tích. Cách này làm cho người xem bị mất cảm xúc, mất sự bất ngờ và trải nghiệm cần thiết của một khán giả yêu điện ảnh. Bản chất của review là kích thích cảm giác của khán giả để họ ra rạp xem bộ phim đó, để biết được bộ phim có hay, có thú vị hay không. Khán giả sẽ chờ đợi sự bất ngờ mà bài review chỉ gợi mở để bạn phải đi xem phim.

Nhà báo Nguyễn Phong Việt

Đây là cách làm rất tệ hại, khiến cho doanh thu của phim ở rạp bị giảm xuống. Có một bộ phận khán giả, họ không phải là người yêu điện ảnh thật sự thì họ chỉ cần những clip review này để họ hiểu và biết phim. Trong khi một bộ phim là sản phẩm tâm huyết của rất nhiều người, tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.”

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cũng có quan điểm tương tự: “Theo tôi, những clip này thực sự không tốt. Đây không phải là review mà chính xác là recap [tóm tắt bộ phim]. Bên nước ngoài họ cũng làm kiểu clip thế này rất nhiều, nhưng họ rất hiểu nội dung phim nên họ làm rất kỹ và họ nói từ đầu là clip có spoil [cảnh báo sẽ tiết lộ những nội dung phim quan trọng], nhằm tạo ý thức cho khán giả về chuyện chúng tôi tiết lộ nội dung phim còn người xem thì phải chịu trách nhiệm về chuyện biết trước nội dung.

Còn ở Việt Nam lại làm rất “bừa”, từ giọng đọc voice, cách cắt ghép,... nó rất nghiệp dư. Bản thân việc tóm tắt này còn để cho khán giả có cái nhìn sai về phim. Có những phim rất dở nhưng qua cách tóm tắt lại trở nên thú vị hấp dẫn, ngược lại, có những bộ phim rất hay thì qua những kiểu tóm tắt này lại làm mất hết những cái hay mà phim vốn có, đem lại cảm giác nhạt nhẽo và khiến khán giả không muốn xem.”

Anh Phúc Du - một Content Creator lại có cái nhìn mới mẻ và cởi mở cho trào lưu này. Anh cho rằng mọi người đã quen với review phim - những bài viết có nhắc lại một chút ít nội dung phim và nêu lên đánh giá cảm nhận cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh review thì chúng ta còn có một hình thức khác là recap phim mà rất nhiều báo hay làm, thường mọi người chỉ recap phim truyền hình mà không recap phim điện ảnh, nghĩa là hình thức recap [tóm tắt nội dung phim] vốn đã có từ trước chứ không phải bây giờ. Nhưng recap mà gọi là review và dựng thành clip trên mạng xã hội thì những người review chuyên nghiệp, nhà báo họ sẽ cảm thấy đây là hiện tượng có vấn đề, thậm chí là xúc phạm đến nghề nghiệp của họ.

Anh Phúc Du - một Content Creator

Là đơn vị sở hữu các nội dung bản quyền, và với 7 năm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp nội dung có trả phí, Truyền hình FPT lên tiếng: “Chúng tôi cho rằng đây là hình thức biến tướng, bắt theo xu thế xem các video dạng ngắn của digital và mạng xã hội. Đây là xu hướng mới nhưng cũng có nhiều vấn đề bất cập cần xem xét như: Sử dụng các nội dung một cách bất hợp pháp và không có bản quyền chính thức; Tiết lộ nội dung của bộ phim [spoil phim] ảnh hưởng đến việc tiếp cận người xem của ngành phát hành phim; Định hướng sai lệch cho khán giả Việt trong thói quen thưởng thức phim đặc biệt khi tiếp cận các phim bản quyền; Làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất phim trong nước và nước ngoài; Gây mất uy tín ngành kinh doanh dịch vụ VOD tại Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế, khiến khó tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng, nếu hình thức này được các đơn vị chủ sở hữu bản quyền nội dung thực hiện hợp lý thì đây có thể coi là một phương án quảng bá, tiếp cận người xem rất tốt và hợp xu thế mới.”

Trải nghiệm dù đúng hay sai cũng là một loại lựa chọn xuất phát từ ham muốn cá nhân, còn chuyện bản quyền là cái khó phân trần ở Việt Nam lắm!

Đạo diễn - NSX Phan Gia Nhật Linh - cha đẻ loạt dự án tên tuổi của điện ảnh Việt như Em Là Bà Nội Của Anh, Tiệc Trăng Máu, thể hiện thái độ phản đối vô cùng cương quyết: “Tôi không quan tâm và cũng không xem. Khán giả thích thì họ xem, không thích thì đừng xem, và về mặt luật pháp, các video này đều vi phạm nghiêm trọng bản quyền, nhưng chúng ta đều biết ở Việt Nam, vấn đề bản quyền chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn và nghiêm túc. Vì thế nên chuyện bản quyền lớn hơn còn chưa xử lý được thì bản thân tôi cũng không quan tâm nhiều đến những video này.”

Đạo diễn - NSX Phan Gia Nhật Linh

Bản thân là người làm phim, viết phê bình phim và rất yêu điện ảnh nên chuyện xem clip review trá hình này không ảnh hưởng đến trải nghiệm điện ảnh của nhà báo Phong Việt khi xem phim tại rạp, thế nhưng, vì những đoạn clip kiểu này được phát sóng rộng rãi trên mạng xã hội và tác động đến nhiều đối tượng khán giả khác nên: “Phải sớm thôi chúng ta nên đưa trào lưu review phim 5 phút này vào điều luật, nếu có thể. Trên thế giới nói chung, phần lớn chúng ta là những khán giả văn minh, người review phim là những người review văn minh họ biết cách để review bộ phim theo hướng kích thích khán giả đến rạp, chứ không phải kiểu review để khán giả hiểu hết nội dung phim mà không cần đến rạp xem nữa.

Rõ ràng, chúng ta cần có chế tài nhất định cho những trào lưu này, nhằm bảo vệ bộ phim, bảo vệ sản phẩm sáng tạo, bảo vệ nhà phát hành và cả NSX. Chúng ta cần kêu gọi ý thức của tất cả khán giả, fan của điện ảnh. Nếu như trong trường hợp vô tình xem được những đoạn clip review biến tướng này, thì mọi người nên hiểu rằng mình phải bước chân ra rạp, trải nghiệm bộ phim đúng chất điện ảnh và chính điều này mới làm gia tăng cảm xúc và kiến thức của một người yêu điện ảnh. Chúng ta nên hạn chế hoặc anti những clip, những page mà họ sử dụng clip review theo kiểu kể tất tần tật về phim. Nếu chúng ta có xem những clip review đó thì cũng hãy bước chân ra rạp để ủng hộ bộ phim, giúp cho những nhà làm phim có thêm động lực để cho ra đời những sản phẩm tốt hơn tiếp theo.”

[Ảnh minh họa, phim Parasite]

Là người không lên án hình thức review phim này, Phúc Du chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là một loại hình đang phổ biến thì trong tương lai nó sẽ có một chỗ đứng riêng. Bây giờ là thời đại 4.0 rồi, đây cũng là một cách thức khác sau khi xem phim thôi, nếu tôi là người không xem thì cũng có những người khác xem và đó là lựa chọn riêng của mỗi người thôi.”

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi cha đẻ Anh Trai Yêu Quái - Vũ Ngọc Phượng - người đã từng xem clip review nhận thấy cách làm rất vớ vẩn và đi sai tinh thần phim chia sẻ ngắn gọn như sau: “Về vấn đề bản quyền, tôi thấy khó để cấm được theo luật pháp vì trên thế giới những người làm YouTuber kiểu tóm tắt này rất nhiều. Những clip kiểu này ảnh hưởng rất xấu đến trải nghiệm bộ phim của khán giả. Đây là trải nghiệm không tốt cho những người chưa xem phim và cả những người đã xem phim.”

Đứng ở góc độ một người yêu phim, bà Tô Nam Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền hình FPT thể hiện ý kiến cá nhân: “Xem phim không chỉ là chuyện tìm hiểu nội dung mà còn là hành trình khám phá cảm xúc, làm sống dậy các giác quan của khán giả mà đạo diễn, biên kịch... đã dày công chuẩn bị. Nếu bạn muốn thưởng thức, hãy đầu tư thời gian của mình để cảm xúc được trọn vẹn nhất.”

Cũng là một người làm phim, đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa tuyệt đối không ủng hộ trào lưu này và cho rằng phải đánh vào kinh tế để nó sớm kết thúc: "Đó chỉ là trào lưu, không thể đi dài được. Trong xã hội quá nhanh hiện nay, mọi người hạn chế thưởng thức mà muốn tìm kiếm thông tin nhiều hơn, ở đó mang đến nhiều thông tin cho mọi người, cảm xúc bằng lời nói chứ không phải hình ảnh nữa. Dạng này sẽ dành cho những người lười, họ coi 5 phút nhưng tưởng chừng đã biết cả bộ phim nhưng không hề, họ không thấy được cái hay chuẩn nghệ thuật. Để ngăn chặn chuyện đó cần rất nhiều thứ, tới một lúc luật bản quyền siết chặt thì những kênh “ăn xổi” đó sẽ chết thôi. Họ làm để kiếm tiền, muốn dẹp nhanh nhất thì bóp vào vấn đề kinh tế là xong. Thêm nữa, nếu xem thử một hai clip, khán giả sẽ thấy vui vui nhưng nếu xem nhiều cái, sẽ chẳng còn thấy hay ho nữa, rồi khán giả sẽ chán, trào lưu tự thoái trào.

Về mặt tích cực, với người làm phim, mình phải làm được cái hay ho gì đó thì mọi người mới có cái để kể. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn không ủng hộ cũng không cho con cháu trong nhà xem cái đó luôn. Hi vọng trào lưu này sẽ sớm qua."

Võ Thanh Hòa

Cái lợi là có với một bộ phận khán giả nhưng tiêu cực thì đang hiện rõ lên đấy thôi!

Không nhìn trào lưu này ở góc độ tích cực nhiều nhà báo Phong Việt chia sẻ: “Ví dụ, một nhà phát hành thấy bộ phim của mình được review và được khoảng 10 triệu hay 5 triệu lượt view thì cái sự vui mừng này không đáng kể, vì niềm vui này không biến thành tấm vé để khán giả đi vào rạp xem phim. Nếu như đó là cách chúng ta làm PR, Marketing để chuyển đổi hành vi tiêu dùng của người xem, khiến họ quyết định ra rạp mua vé thì đó mới là tín hiệu tích cực cho thị trường điện ảnh nói chung và những nhà làm phim nói riêng. Phần lớn những người xem clip này chỉ đang thỏa mãn cảm giác rằng tôi không cần mất một tiếng, hai tiếng để đi ra rạp rồi lại tốn thêm một số tiền để xem phim thì giờ đây tôi chỉ mất khoảng 5-7 phút hoàn toàn miễn phí để biết về nội dung bộ phim là đủ. Điều này có thể giết chết thị trường điện ảnh của Việt Nam, một thị trường còn nhiều non trẻ.”

Bày tỏ quan điểm với chúng tôi, đạo diễn Ngọc Phượng thẳng thắn: “Tôi chưa nhìn thấy mặt tích cực nào cả. Có lẽ mặt tích cực sẽ thuộc về những người quá bận bịu nhưng muốn biết nhiều phim, nội dung phim hoặc những người không kiên nhẫn để xem hết phim. Và với những người này thì họ lại không phải là khán giả chân chính. Còn mọi người muốn biết phim này, phim kia có nên xem hay không thì nên xem review chân thực không spoil.”

Ngăn chặn bằng chế tài hay pháp luật thì rất khó, quan trọng vẫn nằm ở ý thức mỗi cá nhân

“Thứ nhất chúng ta nên có quy định. Thứ hai là về mặt ý thức của người xem và thứ ba là sự chung tay của những người yêu điện ảnh tại Việt Nam. Chúng ta phải có tiếng nói phản biện để những người sản xuất ra đoạn clip review 5 phút này họ ý thức được việc làm của họ là sai và phải dừng lại hoặc review bộ phim đó theo cách văn minh hơn.” - nhà báo Phong Việt thể hiện những trăn trở về trào lưu này.

Đạo diễn Ngọc Phượng mong rằng những người làm clip kiểu này hãy làm có tâm và chất lượng hơn, nên đánh dấu là clip sẽ spoil và phân biệt rõ giữa review và recap, giữa việc đánh giá hay tóm tắt phim, đừng tiết lộ những tình tiết quan trọng của phim.

Đạo diễn Ngọc Phượng

Và hơn nữa, những người làm clip kiểu này họ cũng yêu phim hoặc họ thấy đây là nội dung mà họ lấy được view tốt, thì đây lại là chuyện họ làm kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội thì mình lại không cấm được. Đồng thời cũng đưa ra hướng giải pháp tích cực: “ Nếu thực sự muốn làm review thì sẽ có một nguyên tắc chung của những người review trên thế giới, sẽ có một phần gọi là spoiler alert [tiết lộ nội dung phim]. Nội dung đã được nhà sản xuất tiết lộ trong trailer hay teaser, thì người làm review hoàn toàn có thể đưa vào và coi đó là spoiler alert.”

Bản chất của hình thức review phim mà thực chất là recap, tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung phim đang có là hình thức xâm phạm bản quyền tác phẩm, quyền chủ sở hữu tác phẩm. Nên phía bà Tô Nam Phương không ủng hộ: “Đứng trước thực trạng này, chúng tôi đã tăng cường phối hợp cùng các đối tác sở hữu bản quyền trong nước và quốc tế rà soát các trang fanpage hoặc các cá nhân/ tổ chức vi phạm và sẽ có các hành động kịp thời ngăn chặn việc phát tán nội dung không được phép này. Chúng tôi cũng mong muốn có sự can thiệp mạnh mẽ của các cơ quan chức năng tại Việt Nam về việc xác định và ngăn chặn triệt để các trang web phim lậu tại thị trường Việt Nam...

Chúng tôi cũng cho rằng đối với các đơn vị sở hữu nội dung bản quyền, đây có thể là một cơ hội khi tận dụng xu hướng này để quảng bá nội dung phim ảnh, và tiếp cận với nhu cầu xem của một bộ phận không nhỏ khán giả trên cả nước. Tìm ra hướng đi đúng, chắc chắn sẽ chuyển mối nguy thành cơ hội.”

[Ảnh minh họa]

Tóm lại đây là trào lưu đang còn gây nhiều tranh cãi cho đến thời điểm hiện tại, tuy nhiên, mặt tích cực hay tiêu cực của vấn đề này là điều dễ dàng nhận thấy nhưng rất khó để tìm ra một giải pháp thực tế. Đây là một hình thức mới liên quan đến điện ảnh, kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội nhưng nó đang đi lệch với bản chất vấn đề, khiến khán giả có cái nhìn sai lệch về phim, “mất chất” cái gọi là điện ảnh đúng nghĩa,... Bởi thế, những người sản xuất clip review này nếu đã làm thì hãy làm có tâm và có tầm, nên tìm ra một tên “khai sinh” đúng chuẩn cho những đoạn clip này là recap thay vì review như hiện nay.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

Video liên quan

Chủ Đề