Ta là ai là con của Đức Chúa Trời ta được Chúa dựng nên một cách lạ lùng

Chúng ta ‘được dựng nên cách lạ-lùng’

“Tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng”.—THI-THIÊN 139:14.

1. Tại sao nhiều người có óc suy xét tin rằng Đức Chúa Trời tạo ra những công trình kỳ diệu trên đất?

THẾ GIỚI tự nhiên đầy dẫy những công trình sáng tạo kỳ diệu. Chúng xuất hiện như thế nào? Nhiều người tin rằng không thể tìm ra câu trả lời nếu không đề cập đến sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa thông minh. Một số khác cho rằng việc phủ nhận Đấng Tạo Hóa làm giới hạn khả năng hiểu biết về thiên nhiên. Họ nghĩ các sinh vật trên đất quá đa dạng, phức tạp và kỳ diệu để cho rằng chúng xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Đối với nhiều người, kể cả một số nhà khoa học, các bằng chứng cho thấy vũ trụ có một Đấng sáng tạo khôn ngoan, quyền năng và nhân từ.

2. Điều gì thúc đẩy Đa-vít ca ngợi Đức Giê-hô-va?

2 Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa là người tin rằng Đấng Tạo Hóa đáng được ca ngợi về các công trình tạo dựng kỳ diệu của Ngài. Dù đã sống rất lâu trước thời đại khoa học ngày nay, ông nhận thấy xung quanh mình đầy dẫy công việc tuyệt diệu của Đức Chúa Trời. Chỉ cần xem xét cơ thể của mình cũng đủ để Đa-vít ngưỡng mộ khả năng sáng tạo của Ngài. Ông viết: “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng, lòng tôi biết rõ lắm”.—Thi-thiên 139:14.

3, 4. Tại sao mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc về các công việc của Đức Giê-hô-va?

3 Nhờ suy nghĩ nghiêm túc, Đa-vít có được niềm tin vững chắc này. Ngày nay, những môn học và phương tiện truyền thông đầy các học thuyết về nguồn gốc loài người làm hủy hoại đức tin. Để có đức tin như Đa-vít, chúng ta cũng phải suy nghĩ nghiêm túc. Chúng ta không thể để người khác nghĩ thay cho mình, nhất là trong những vấn đề cơ bản như sự hiện hữu và vai trò của Đấng Tạo Hóa.

4 Hơn nữa, khi suy ngẫm về công việc của Đức Giê-hô-va, chúng ta củng cố lòng biết ơn và tin chắc vào các lời hứa của Ngài trong tương lai. Nhờ thế, chúng ta càng muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va và muốn phụng sự Ngài. Vậy hãy xem xét làm thế nào khoa học hiện đại xác nhận lời kết luận của Đa-vít là chúng ta ‘được dựng nên cách lạ-lùng’.

Sự phát triển kỳ diệu của cơ thể

5, 6. [a] Sự sống của tất cả chúng ta bắt đầu như thế nào? [b] Vai trò của thận là gì?

5 “Chính Chúa nắn nên tâm-thần [“thận”, “NW”] tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi”. [Thi-thiên 139:13] Khi bắt đầu hiện hữu trong bụng mẹ, tất cả chúng ta chỉ là một đơn bào, nhỏ hơn cả dấu chấm ở cuối câu này. Tế bào cực nhỏ này vô cùng phức tạp—như là một phòng thí nghiệm hóa học thu nhỏ! Nó phát triển rất nhanh. Vào cuối tháng thứ hai, các bộ phận chính của bạn đã thành hình trong tử cung. Trong số đó có thận. Khi chào đời, thận bắt đầu lọc máu—bài tiết độc tố và lượng nước dư nhưng giữ lại những chất có ích. Nếu hai quả thận của bạn khỏe mạnh, mỗi 45 phút chúng sẽ lọc 5 lít nước trong máu!

6 Hai quả thận cũng giúp kiểm soát lượng khoáng chất, độ axit và áp suất của máu. Chúng còn thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác, chẳng hạn chuyển hóa vitamin D sang một dạng cần thiết cho sự phát triển bình thường của xương và sản xuất hormon erythropoietin, chất kích thích sự sinh sản hồng cầu trong xương. Thảo nào thận được gọi là “nhà hóa học siêu đẳng của cơ thể”!

7, 8. [a] Hãy miêu tả quá trình phát triển của một thai nhi trong giai đoạn đầu? [b] Một em bé “chịu nắn nên cách xảo tại nơi thấp của đất” nghĩa là gì?

7 “Khi tôi được dựng-nên trong nơi kín, chịu nắn nên cách xảo tại nơi thấp [“ở nơi sâu”, Bản Dịch Mới] của đất, thì các xương-cốt tôi không giấu được Chúa”. [Thi-thiên 139:15] Tế bào gốc sinh sản bằng cách phân chia và sau đó các tế bào mới tiếp tục quá trình này. Chúng bắt đầu chuyên biệt hóa để trở thành các tế bào thần kinh, cơ, da và các loại khác. Những tế bào cùng loại hợp thành các mô và sau đó là các bộ phận. Thí dụ, trong tuần thứ ba của sự thụ thai, cơ thể bạn bắt đầu phát triển khung xương. Khi bạn được bảy tuần tuổi và chỉ dài 2,5 centimét, dạng ban đầu của tất cả 206 xương trong cơ thể đã hiện diện mặc dầu chưa thành xương cứng.

8 Quá trình phát triển lạ lùng này diễn ra trong bụng mẹ, con người không thấy được như thể ở sâu trong lòng đất. Thật vậy, con người vẫn chưa hiểu biết nhiều về quá trình phát triển của mình. Chẳng hạn, điều gì khiến một số gen nào đó trong tế bào bắt đầu tiến trình phân loại tế bào? Có thể sau này khoa học sẽ tìm ra câu trả lời, nhưng như Đa-vít nhận xét, Đấng Tạo Hóa của chúng ta—Đức Giê-hô-va—ngay từ đầu đã hiểu rõ quá trình này.

9, 10. Sự hình thành các bộ phận của bào thai “đã biên vào sổ” của Đức Chúa Trời như thế nào?

9 “Mắt Chúa đã thấy thể-chất vô-hình [“bào thai”, “Tòa Tổng Giám Mục”] của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy”. [Thi-thiên 139:16] Tế bào đầu tiên chứa một chương trình hoàn chỉnh cho toàn bộ cơ thể. Chương trình này điều khiển sự phát triển của bạn suốt chín tháng trong tử cung, và sau đó tiếp tục hơn hai mươi năm cho đến tuổi trường thành. Trong thời gian ấy, cơ thể bạn trải qua nhiều giai đoạn, được điều khiển bởi thông tin đã cài đặt trong tế bào gốc.

10 Đa-vít không có sự hiểu biết về tế bào và gen, ông cũng không có kính hiển vi. Nhưng ông nhận biết chính xác rằng sự phát triển của cơ thể ông chứng minh có một chương trình đã được quy định trước. Đa-vít có thể hiểu biết phần nào về sự phát triển của phôi, hay bào thai, thế nên ông có thể lý luận rằng mỗi giai đoạn phải diễn ra theo một thiết kế và thời gian biểu định sẵn. Bằng lời lẽ bóng bẩy, ông miêu tả thiết kế này “đã biên vào sổ” của Đức Chúa Trời.

11. Điều gì xác định những đặc điểm của cơ thể chúng ta?

11 Ngày nay, người ta biết rằng những đặc điểm mà bạn thừa hưởng từ cha mẹ và ông bà—chiều cao, nét mặt, màu mắt, màu tóc và hàng ngàn đặc tính khác—đều do gen của bạn xác định. Mỗi tế bào chứa hàng chục ngàn gen, và mỗi gen là một đoạn của chuỗi dài DNA [deoxyribonucleic acid]. Những thông tin hướng dẫn sự hình thành cơ thể được “biên” vào cấu trúc hóa học DNA của riêng bạn. Mỗi khi các tế bào trong cơ thể phân chia—để tạo thành tế bào mới hoặc thay thế tế bào cũ—DNA truyền những thông tin hướng dẫn đó, nhờ thế bạn tiếp tục sống và giữ được những nét chính của ngoại hình. Thật là một thí dụ tuyệt vời về quyền năng và sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa!

Bộ óc độc đáo

12. Điều gì đặc biệt khiến loài người khác loài vật?

12 “Hỡi Đức Chúa Trời, các tư-tưởng Chúa quí-báu cho tôi thay! Số các tư-tưởng ấy thật lớn thay! Nếu tôi muốn đếm các tư-tưởng ấy, thì nhiều hơn cát”. [Thi-thiên 139:17, 18a] Loài vật cũng được dựng nên cách lạ lùng, và một số loài có những giác quan và khả năng hơn hẳn loài người. Nhưng Đức Chúa Trời ban cho con người khả năng trí tuệ vượt trội hơn bất cứ loài vật nào. Một sách giáo khoa về khoa học nói: “Loài người giống các loài khác về nhiều phương diện, nhưng trong số những sinh vật trên đất, loài người độc đáo vì có khả năng dùng ngôn ngữ và biết suy nghĩ. Chúng ta cũng độc đáo vì rất tò mò muốn tìm hiểu về chính mình: Cơ thể chúng ta được thiết kế ra sao? Chúng ta được tạo thành như thế nào?” Đa-vít cũng từng thắc mắc về những điều này.

13. [a] Làm sao Đa-vít có thể suy ngẫm về các tư tưởng của Đức Chúa Trời? [b] Chúng ta có thể noi gương Đa-vít như thế nào?

13 Khác với loài vật, điều quan trọng nhất là chúng ta có khả năng suy ngẫm về các tư tưởng của Đức Chúa Trời.* Khả năng đặc biệt này là một trong những cách cho thấy chúng ta được tạo nên “giống như hình Đức Chúa Trời”. [Sáng-thế Ký 1:27] Đa-vít đã tận dụng khả năng ấy. Ông suy ngẫm về bằng chứng cho thấy sự hiện hữu và những đức tính cao quý của Ngài qua các tạo vật xung quanh ông trên trái đất. Đa-vít cũng có những sách đầu của Kinh Thánh, qua đó Đức Chúa Trời tiết lộ về Ngài và các công việc Ngài làm. Những sách được soi dẫn này đã giúp Đa-vít hiểu các tư tưởng, cá tính và ý định của Đức Chúa Trời. Khi suy ngẫm về Lời Ngài, sự sáng tạo và cách Ngài đối xử với ông, Đa-vít đã ca ngợi Đấng Tạo Hóa.

Đức tin bao hàm điều gì?

14. Tại sao chúng ta không cần biết hết mọi điều về Đức Chúa Trời rồi mới đặt đức tin nơi Ngài?

14 Càng suy ngẫm về sự sáng tạo và Kinh Thánh, Đa-vít càng nhận thức là ông không thể hiểu hết tri thức và năng lực của Đức Chúa Trời. [Thi-thiên 139:6] Đối với chúng ta cũng vậy. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được mọi điều về công việc sáng tạo của Ngài. [Truyền-đạo 3:11; 8:17] Nhưng qua Kinh Thánh và thiên nhiên, Đức Chúa Trời “đã trình-bày” hay cung cấp đủ tri thức để những người tìm kiếm lẽ thật ở mọi thời đại có thể xây dựng đức tin dựa trên bằng chứng chắc chắn.—Rô-ma 1:19, 20; Hê-bơ-rơ 11:1, 3.

15. Hãy minh họa sự liên hệ giữa đức tin và mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

15 Đức tin không chỉ bao hàm việc thừa nhận sự sống và vũ trụ hẳn phải đến từ một Nguồn thông minh. Điều đó còn có nghĩa phải tin Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng có thật—Ngài muốn chúng ta biết về Ngài và duy trì mối quan hệ tốt đối với Ngài. [Gia-cơ 4:8] Chúng ta có thể nghĩ về sự tin cậy của một người con đối với cha yêu thương của mình. Nếu có người nghi ngờ bạn sẽ không được cha sẵn sàng giúp đỡ trong giai đoạn khủng hoảng, có thể bạn thấy khó làm cho người đó tin rằng cha mình đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu trong cuộc sống, bạn nhiều lần cảm nhận được lòng yêu thương nhân từ của cha mình, thì bạn có thể luôn tin cậy vào sự hỗ trợ của cha. Tương tự thế, chúng ta tin cậy nơi Đức Giê-hô-va nhờ biết về Ngài qua việc học hỏi Kinh Thánh, suy ngẫm về sự sáng tạo và cảm nghiệm được sự trợ giúp khi Ngài nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Vì vậy, chúng ta càng muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va. Vì tình yêu thương bất vị kỷ và lòng trung thành đối với Ngài, chúng ta muốn ca ngợi Ngài mãi mãi. Đó là mục tiêu cao quý nhất mà một người có thể theo đuổi.—Ê-phê-sô 5:1, 2.

Hãy tìm sự hướng dẫn của Đấng Tạo Hóa!

16. Chúng ta học được gì từ mối quan hệ mật thiết của Đa-vít với Đức Giê-hô-va?

16 “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra-xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử-thách tôi, và biết tư-tưởng tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời”. [Thi-thiên 139:23, 24] Đa-vít ý thức rằng Đức Giê-hô-va biết rõ về ông—mọi tư tưởng, lời nói và hành động của ông đều trong tầm mắt của Đấng Tạo Hóa. [Thi-thiên 139:1-12; Hê-bơ-rơ 4:13] Vì Đức Chúa Trời hiểu rõ Đa-vít như thế nên ông cảm thấy an tâm, như một đứa bé trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Đa-vít quý trọng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va; ông nỗ lực duy trì mối quan hệ ấy bằng cách suy ngẫm về các công việc của Ngài và cầu nguyện với Ngài. Thật thế, nhiều bài Thi-thiên của Đa-vít—kể cả bài 139—chủ yếu là những lời cầu nguyện có nhạc đệm. Cũng vậy, việc suy ngẫm và cầu nguyện có thể giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va.

17. [a] Tại sao Đa-vít muốn Đức Giê-hô-va dò xét lòng ông? [b] Cách chúng ta sử dụng sự tự do ý chí ảnh hưởng thế nào đến đời sống?

17 Được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời, chúng ta được phú cho sự tự do ý chí. Chúng ta có thể chọn làm điều thiện hay điều ác. Sự tự do này đi kèm với trách nhiệm đạo đức. Đa-vít không muốn bị xếp vào hàng kẻ ác. [Thi-thiên 139:19-22] Ông muốn tránh những lỗi lầm gây phiền muộn. Vì thế, khi suy ngẫm về sự hiểu biết vô cùng sâu rộng của Đức Giê-hô-va, Đa-vít khiêm nhường cầu xin Ngài dò xét con người bề trong và hướng dẫn ông trên đường dẫn đến sự sống. Tiêu chuẩn đạo đức công bình của Đức Chúa Trời áp dụng cho mọi người; thế nên chúng ta cũng cần chọn lựa đúng. Đức Giê-hô-va khuyên giục tất cả chúng ta hãy vâng lời Ngài. Làm vậy, chúng ta sẽ nhận được ân huệ của Ngài và gặt hái nhiều lợi ích. [Giăng 12:50; 1 Ti-mô-thê 4:8] Bước đi với Đức Giê-hô-va mỗi ngày, chúng ta sẽ có sự bình an nội tâm, ngay cả khi gặp vấn đề nghiêm trọng.—Phi-líp 4:6, 7.

Hãy đi theo Đấng Tạo Hóa kỳ diệu!

18. Khi suy ngẫm về sự sáng tạo, Đa-vít đã đi đến kết luận nào?

18 Lúc còn trẻ, Đa-vít thường chăn chiên ngoài đồng. Khi chiên cúi đầu ăn cỏ, ông ngước mắt lên ngắm bầu trời. Vào chiều tối, Đa-vít ngẫm nghĩ về sự bao la của vũ trụ và ý nghĩa của mọi điều ông thấy. Đa-vít viết: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia, đêm nầy tỏ sự tri-thức cho đêm nọ”. [Thi-thiên 19:1, 2] Đa-vít hiểu rằng ông phải tìm kiếm và đi theo Đấng đã dựng nên mọi vật một cách vô cùng tuyệt diệu. Chúng ta cũng cần làm thế.

19. Người lớn tuổi và người trẻ có thể học được gì từ việc ‘được dựng nên cách lạ lùng’?

19 Con trai Đa-vít là Sa-lô-môn đã đưa ra lời khuyên cho người trẻ: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi. . . Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”. [Truyền-đạo 12:1, 13] Đa-vít là gương mẫu về điều này. Khi còn trẻ, ông đã nhận biết mình ‘được dựng nên cách lạ-lùng’. Sống phù hợp với sự hiểu biết này mang lại cho ông nhiều lợi ích trong suốt cuộc đời. Nếu chúng ta, cả già lẫn trẻ, ca ngợi và phụng sự Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại, thì đời sống của chúng ta trong hiện tại và tương lai sẽ rất thích thú. Nói về những người luôn ở gần Đức Giê-hô-va và sống theo đường lối công bình của Ngài, Kinh Thánh hứa: “Dầu đến buổi già-bạc, họ sẽ còn sanh bông-trái, được thịnh-mậu và xanh-tươi, hầu cho tỏ ra Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng”. [Thi-thiên 92:14, 15] Chúng ta có hy vọng vui hưởng mãi mãi những công việc tuyệt diệu của Đấng Tạo Hóa.

[Chú thích]

Lời của Đa-vít nơi Thi-thiên 139:18b dường như có nghĩa là nếu ông dành trọn ngày cho đến lúc thiếp đi vào ban đêm để đếm các tư tưởng của Đức Giê-hô-va, thì khi thức dậy vào buổi sáng, ông vẫn chưa đếm xong.

Bạn có thể giải thích không?

• Cách bào thai phát triển cho thấy chúng ta ‘được dựng nên cách lạ-lùng’ thế nào?

• Tại sao chúng ta nên suy ngẫm về các tư tưởng của Đức Giê-hô-va?

• Đức tin và mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời liên hệ thế nào?

[Các hình nơi trang 23]

Trong bụng mẹ, em bé phát triển theo một thiết kế đã định trước

DNA

[Nguồn tư liệu]

Bào thai: Lennart Nilsson

[Hình nơi trang 24]

Như đứa bé tin nơi người cha yêu dấu, chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 25]

Ngẫm nghĩ về công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va khiến Đa-vít ca ngợi Ngài

Video liên quan

Chủ Đề