Theo Hồ Chí Minh kinh tế quốc doanh có vai trò như thế nào trong nền kinh tế quốc dân

Song, với bản chất, âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách để phủ nhận vai trò chủ đạo của KTNN, đồng nhất KTNN với doanh nghiệp nhà nước [DNNN], xuyên tạc chủ trương cổ phần hóa DNNN. Lợi dụng và khoét sâu vào sự yếu kém của một số DNNN để bóp méo và làm lu mờ vai trò của KTNN. Coi sự yếu kém của bộ phận DNNN là sự yếu kém của KTNN.

Cần khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN là một trong những vấn đề mấu chốt của việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Khẳng định này dựa trên những luận cứ khoa học sau:

Công trình trên biển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.Ảnh: MINH SƠN

Một là, tuy chưa sử dụng thuật ngữ “kinh tế thị trường” nhưng các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nghiên cứu, luận giải sâu sắc những vấn đề cơ bản như: Thị trường, cạnh tranh, cung-cầu, giá cả... Chỉ ra vai trò của kinh tế tập thể, KTNN. Trong tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức", K.Marx và F.Engels viết: “Những người nông dân đó không thể tự tổ chức theo chủ nghĩa cộng sản được vì họ không có đủ những phương tiện cần thiết để thực hiện điều kiện đầu tiên của một hiệp hội cộng sản, tức là sự quản lý kinh tế tập thể” [1].

Từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, V.I.Lenin đã nghiên cứu và khẳng định vai trò của KTNN trong nền kinh tế quốc dân; đồng thời đấu tranh chống lại những quan điểm không đúng về KTNN ở nước Nga, nhất là phái dân túy. Với sự ra đời của Chính sách kinh tế mới [NEP] mà không ít người cho rằng chính quyền Xô viết thực hiện tô nhượng là quay trở lại chủ nghĩa tư bản. Về vấn đề này, V.I.Lenin chỉ rõ: “Tô nhượng là không đáng sợ, chừng nào mà chúng ta vẫn nắm trong tay tất cả các xí nghiệp quốc doanh và chừng nào mà chúng ta cân nhắc một cách chính xác và nghiêm túc xem chúng ta có thể tiến hành tô nhượng những gì, với điều kiện như thế nào và với mức độ ra sao. Thứ chủ nghĩa tư bản phát triển như vậy sẽ bị kiểm soát, bị kiểm kê, và chính quyền nhà nước vẫn nằm trong tay giai cấp công nhân” [2].

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Khi chỉ ra các thành phần kinh tế ở nước ta [vùng tự do], Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới”[3].

Từ khi đổi mới đến nay, vai trò chủ đạo của KTNN luôn được khẳng định trong Hiến pháp và các văn kiện của Đảng. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN, đó là: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, KTNN giữ vai trò chủ đạo”; và “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của KTNN”. Như vậy, nội hàm của KTNN rộng hơn DNNN. Việc đánh đồng KTNN với DNNN không chỉ là sự nhầm lẫn về tên gọi mà còn dẫn đến sự ngộ nhận, đánh đồng vai trò của toàn thể với bộ phận, hiểu sai về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Ba là, những thành tựu đạt được trong 35 năm đổi mới tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là minh chứng không thể phủ nhận vai trò của KTNN. KTNN đã có những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo; điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt trong phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Nhiều DNNN thành công không chỉ trong nước mà vươn tầm quốc tế như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam...

Giữ vững vai trò chủ đạo của KTNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta trong tình hình mới. KTNN là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Trong khi chỉ rõ vai trò của KTNN, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, nhất quán rằng, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Đại tá, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAI, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

[1]. K.Marx và F.Engels, Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 1995, tr.513.

[2]. V.I.Lenin, Toàn tập, Tập 43, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2005, tr.191.

[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tr.267.

Bài viết nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam vào hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay.

Ảnh minh họa: Internet

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và vận dụng sáng tạo học thuyết kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác-Lênin; đặc biệt là kế thừa và phát triển những quan điểm của V.I.Lênin về chính sách kinh tế mới [NEP] vào thực tiễn xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam với những nội dung cụ thể và nổi bật là: 

Thứ nhất, thừa nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế  

Nhận thức rõ tính quy luật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam sẽ tất yếu tồn tại đan xen nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Từ nhận định: “Trong nước ta hiện nay có những hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất như sau: sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động, sở hữu của người lao động riêng lẻ, một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”[1], Người kết luận: “Mục đích của chế độ ta là xóa bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất, dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể”[2]. Tuy nhiên, mục đích đó phải được thực hiện từng bước phù hợp với điều kiện cụ thể. 

Thứ hai, xác định tính chất của các thành phần kinh tế và chính sách của Nhà nước đối với từng thành phần kinh tế.

Trong tác phẩm Thường thức chính trị [năm 1953], Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, ở vùng tự do của ta còn tồn tại sáu thành phần kinh tế: kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô; kinh tế quốc doanh, có tính chất chủ nghĩa xã hội; các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, có tính chất nửa chủ nghĩa xã hội; kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ; kinh tế tư bản của tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia [Nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh và do Nhà nước lãnh đạo]. 

Khi nước ta hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước tiền tư bản [Trung Quốc, Việt Nam] phải “kinh qua chế độ dân chủ mới”. Trong chế độ dân chủ mới có 5 loại kinh tế khác nhau: “A- Kinh tế quốc doanh [thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân]. B - Các hợp tác xã [nó là nửa chủ nghĩa xã hội và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội]. C - Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ [có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội]. D - Tư bản của tư nhân. E - Tư bản của Nhà nước [như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh]. Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”[3]. Thực chất, đó là quan điểm về nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, Nhà nước cần quan tâm đến sự phát triển của các thành phần kinh tế ở các mức độ phù hợp.

Kinh tế quốc doanh [hay kinh tế nhà nước] là thành phần kinh tế có tính chất xã hội chủ nghĩa, thể hiện ở chế độ sở hữu toàn dân: tài sản các xí nghiệp ấy là của chung của nhân dân, của Nhà nước, chứ không phải của riêng. Trong quan hệ tổ chức quản lý sản xuất, “xưởng trưởng, công trình sư và công nhân đều có quyền tham gia quản lý, đều là chủ nhân. Việc sản xuất thì do sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ nhân dân”[4]. Kinh tế quốc doanh có vai trò lãnh đạo nền kinh tế quốc dân, do đó, Nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên nhằm xây dựng nền tảng vật chất cho chủ nghĩa xã hội.

Kinh tế hợp tác xã [bao gồm các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, các hội đổi công ở nông thôn] là thành phần kinh tế có tính chất nửa xã hội chủ nghĩa, được hình thành từ hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Bởi vì, trong thành phần kinh tế này, “nhân dân góp nhau để mua những thứ mình cần dùng, hoặc để bán những thứ mình sản xuất không phải kinh qua các người con buôn, không bị họ bóc lột”[5]. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi hợp tác hóa nông nghiệp là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thông qua hình thức tổ đổi công và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đó cũng là sự thống nhất với quan điểm của V.I.Lênin về tổ chức hợp tác xã: đảm bảo tính dân chủ, tự nguyện, bình đẳng, chú trọng lợi ích của hội viên và phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đó là “kinh tế lạc hậu” bởi nó mang tính tự cung tự cấp, tự túc, ít trao đổi mua bán. Đối với thành phần kinh tế này: “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện”[6]. 

Kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế mang tính bóc lột. Họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần quan trọng vào xây dựng kinh tế. Do đó, Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ nhưng phải hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Người nhấn mạnh: “Nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội”[7]. Đồng thời, những hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế chính đáng có lợi cho Việt Nam của kiều bào cũng được Nhà nước giúp đỡ và bảo hộ. 

Kinh tế tư bản quốc gia [hay kinh tế tư bản của Nhà nước] là thành phần kinh tế hỗn hợp. Nhà nước và tư nhân hùn vốn để kinh doanh, tư bản của tư nhân là chủ nghĩa tư bản, tư bản của Nhà nước là chủ nghĩa xã hội. Nhà nước thực hiện việc lãnh đạo hoạt động của thành phần kinh tế này theo kế hoạch thống nhất. Để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ các nhà tư sản công thương cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác.

Thứ ba, phải có các nguyên tắc đảm bảo đoàn kết, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế 

Một là, công tư đều lợi: "công" là kinh tế quốc doanh, là thành phần kinh tế lãnh đạo của nền kinh tế dân chủ mới. Đảng, Nhà nước phải ra sức phát triển kinh tế quốc doanh, Nhân dân phải ủng hộ kinh tế quốc doanh; đồng thời phải trừng trị những người có hành động phá hoại kinh tế quốc doanh như trộm cắp của công, khai gian lậu thuế. "Tư" bao gồm những nhà tư bản dân tộc, kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. 

Hai là, chủ thợ đều lợi: thừa nhận sự bóc lột của nhà tư bản là tất yếu, nhưng Chính phủ cần phải “ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay”[8]. Đối với công nhân, Đảng và Chính phủ phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Để đảm bảo lợi ích lâu dài, Người cũng căn dặn: “Anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”[9]. Sự hợp tác trong sản xuất, việc chấp nhận những quyền lợi trong chừng mực nhất định của cả chủ và thợ cũng là một trong những động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. 

Ba là, công nông giúp nhau: lĩnh vực công thương đẩy mạnh phát triển thương nghiệp và chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nông nghiệp để làm sợi dây đoàn kết “Liên minh công nông”.

Bốn là, lưu thông trong - ngoài, tức là phải thực hiện chính sách mở cửa phát triển hợp tác kinh tế theo hướng các bên cùng có lợi. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế, tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị.

Những quan điểm nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa là cơ sở lý luận nền tảng trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng và phát triển vào thực tiễn xây dựng chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam

Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng [năm 1986] đã hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần nhằm khai thác sức mạnh toàn dân trong các thành phần kinh tế, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Đại hội lần thứ VII của Đảng [năm 1991] tiếp tục chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế gia đình tuy không phải là một thành phần kinh tế độc lập nhưng được khuyến khích phát triển. Đại hội lần thứ VIII của Đảng [năm 1996] xác định nền kinh tế nước ta gồm các thành phần: kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân. 

Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng [năm 2001] chỉ rõ: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[10], với các thành phần: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là sự bổ sung mới, thể hiện rõ tầm quan trọng của sự thu hút các nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Đây là sự vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc "lưu thông trong - ngoài". 

Trên cơ sở ba chế độ sở hữu [toàn dân, tập thể, tư nhân], Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng [năm 2006] chỉ ra các thành phần kinh tế gồm: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân [cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân]; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; và khẳng định: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”[11]. Nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, song Đảng cũng chỉ rõ “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”[12]. Quan điểm này thể hiện sự đổi mới, kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong tư duy kinh tế của Đảng ta, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển chung của nền kinh tế nước nhà. 

Đại hội lần thứ XI của Đảng [năm 2011] tiếp tục chủ trương phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [bổ sung, phát triển năm 2011] nhấn mạnh: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”[13]. 

Đại hội XI, Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng đều thống nhất hoạch định phương hướng phát triển nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, đó là: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Đảng ta đã có những khái quát mới về lý luận: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[14]. 

Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng làm rõ hơn vị trí, vai trò và chính sách phát triển đối với các thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. 

Chủ trương thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế là sự vận dụng sáng tạo và phát triển những quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, góp phần quan trọng trong việc huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế vào chiến lược phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.

--------------

Ghi chú: 

[1],[2],[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.372, tr.372, tr.373.

[3],[4],[5],[8],[9] Sđd, tập 8, tr.294, tr.266, tr.267, tr.267.

[7] Sđd, tập 10, tr.391.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG - ST, H.2001, tr.86.

[11], [12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG - ST, H.2006, tr.83.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.73.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.128-129; tr.139-141.

ThS Nguyễn Thị Liên, Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo: tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề