Thuốc trị thận ứ nước độ 1

Thận ứ nước độ 1 là mức độ nhẹ nhất của tình trạng ứ đọng nước tiểu ở thận. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể gặp phải thận ứ nước, từ thai nhi còn trong bụng mẹ đến người lớn tuổi. Vậy thận ứ nước độ 1 có nguy hiểm hay không? Làm sao để phát hiện? Chữa trị như thế nào? Kính mời quý độc giả tham khảo bài viết này của Docosan.

Tóm tắt nội dung

  • 1 Thận ứ nước là gì?
  • 2 Tại sao phải phân độ thận ứ nước?
  • 3 Triệu chứng thận ứ nước độ 1
  • 4 Nguyên nhân của thận ứ nước độ 1
  • 5 Thận ứ nước độ 1 có nguy hiểm không?
  • 6 Nơi khám thận khi có biểu hiện thận ứ nước độ 1
  • 7 Chẩn đoán thận ứ nước độ 1
  • 8 Điều trị thận ứ nước độ 1
  • 9 Kết luận
          • 9.0.0.0.1 Tư liệu tham khảo

Thận ứ nước là gì?

Thận ứ nước [tiếng Anh: hydronephrosis] là tình trạng thận tăng kích thước do có sự tích tụ nước tiểu, xảy ra khi có sự tắc nghẽn cơ học trên con đường thải nước tiểu từ thận xuống bàng quang và ra bên ngoài cơ thể. 

Ở người khỏe mạnh, thận là cơ quan lọc thải các chất độc trong máu và thải vào nước tiểu. Nước tiểu sau đó được bài tiết ra ngoài cơ thể theo đường tiết niệu, bao gồm niệu quản, bàng quang và niệu đạo. 

Đây không phải là một bệnh lý nguyên phát, chính xác là hậu quả của một bệnh lý gây nên mà điểm chung là có hiện diện sự tắc nghẽn tại một [hoặc nhiều] vị trí trên đường tiết niệu.

Thận ứ nước có thể xảy ra ở một hoặc đồng thời cả hai thận, nhưng phần lớn là ở một bên thận. Độ tuổi mắc phải cũng không được giới hạn. Thậm chí, một em bé còn trong bụng mẹ vẫn có thể mắc thận ứ nước do dị tật bẩm sinh.

Thận ứ nước có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng

Tại sao phải phân độ thận ứ nước?

Thận ứ nước có nhiều mức độ với biểu hiện, dự hậu và các chữa trị khác nhau. Do đó cần có các phương tiện để xác định đúng mức độ.

Để phân độ, bác sĩ cần dùng đến các công cụ hình ảnh học, phổ biến nhất là siêu âm nhờ ưu điểm gồm chi phí rẻ và độ chính xác cao. Chụp cắt lớp vi tính [CT scan] có thể được dùng đến trong một số trường hợp.

Thận ứ nước có thể được chia làm 3 độ hoặc 4 độ, tùy vào hệ thống phân độ. Chính vì sự hiện diện của nhiều bảng phân độ khác nhau, có thể xảy ra hiểu nhầm khi diễn giải một độ thận ứ nước nào đó. 

Tại sao phải phân độ thận ứ nước?

Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng vì công việc diễn giải kết quả là của nhân viên y tế. Bạn chỉ cần biết rằng độ càng cao thì càng nguy hiểm [như độ 3, độ 4]. Nhìn chung, độ 1 trong tất cả các hệ thống phân độ đều là tình trạng nhẹ, với những biểu hiện có thể không rõ ràng.

Nhưng cũng cần biết rằng, độ 1 có thể tiến triển nhanh thành độ cao hơn nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Do đó nếu có biểu hiện của thận ứ nước, bạn cần đến gặp bác sĩ của mình.

Biểu hiện của thận ứ nước thay đổi tùy vào thời gian, mức độ và nguyên nhân của thận ứ nước. Nhìn chung, những trường hợp nặng [như độ 3, độ 4] có các biểu hiện rõ rệt và rầm rộ.  Trong khi đó, thận ứ nước độ 1 có thể không có triệu chứng, mà chỉ được phát hiện thông qua siêu âm [hay CT scan]. Nếu mức độ nhẹ biểu hiện ra triệu chứng, bạn có thể tiểu thường xuyên hơn hoặc có cảm giác tiểu gấp tăng dần.

Sau đây là một số triệu chứng nặng hơn của tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu [gây thận ứ nước]:

  • Đau vùng hông lưng hoặc đau bụng
  • Nôn
  • Buồn nôn
  • Đau buốt khi đi tiểu
  • Đi tiểu không hết
  • Sốt
Đau vùng hông lưng là triệu chứng thường gặp khi bị thận ứ nước độ 1

Sự ngắt quãng con đường thải nước tiểu là nguy cơ của nhiễm trùng đường tiểu. Sự xuất hiện của nhiễm trùng tiểu phụ thuộc rất nhiều yếu tố, và không hoàn toàn phụ thuộc mức độ tắc nghẽn đường tiểu. Do vậy thận ứ nước độ 1 [mức độ nhẹ] vẫn có thể có các biểu hiện của nhiễm trùng tiểu như sau:

  • Nước tiểu đục
  • Tiểu đau, buốt, nóng rát
  • Dòng nước tiểu yếu
  • Đau lưng
  • Đau vùng trên xương mu [vùng của bàng quang]
  • Sốt, kèm ớn lạnh, vã mồ hôi

Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng của thận ứ nước hay nhiễm trùng đường tiểu.

Nguyên nhân của thận ứ nước độ 1

Thận ứ nước được gây ra bởi một bệnh lý nguyên phát hoặc do yếu tố nguy cơ nào đó. Sau đây là một số bệnh lý nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ thường gặp của thận ứ nước:

  • Sỏi niệu [tên gọi chung của sỏi hình thành tại thận, có thể đi xuống các phần dưới của đường tiết niệu]
  • Tắc nghẽn đường tiểu do dị tật bẩm sinh
  • Huyết khối [cục máu đông]
  • Mô sẹo trong đường tiết niệu [do chấn thương hoặc phẫu thuật trước đó]
  • Khối u hoặc ung thư chèn ép vào đường tiểu [ở bàng quan, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, ruột già]
  • Phì đại tuyến tiền liệt lành tính [không phải ung thư]
  • Mang thai [tử cung to đè vào niệu quản]
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
Phụ nữ mang thai có khả năng cao bị thận ứ nước độ 1

Thận ứ nước độ 1 có nguy hiểm không?

Thận ứ nước độ 1 có thể tiến triển thành các độ cao hơn. Tình trạng tắc nghẽn không được giải quyết trong khi thận vẫn liên tục sản xuất nước tiểu, làm sự tích tụ nước tiểu ngày càng nhiều. 

Khi vượt quá sức chịu đựng, thận bên tổn thương sẽ giảm chức năng lọc máu, gọi là suy thận cấp. Hàng loạt hậu quả khác sẽ xảy đến như rối loạn điện giải, hội chứng ure huyết cao, tổn thương nhu mô thận không hồi phục…

Ngoài ra, sự ứ trệ nước tiểu là cơ hội cho vi khuẩn phát triển bên trong đường tiểu, gây nhiễm trùng đường tiểu. Nếu không điều trị kháng sinh thích hợp, người bệnh có thể bị nhiễm trùng huyết, khi vi khuẩn đi vào máu và lan khắp cơ thể. Suy thận cấp và nhiễm trùng huyết là những trường hợp khẩn cấp y khoa, có thể gây tử vong.

Thận ứ nước độ 1 có nguy hiểm không?

Nơi khám thận khi có biểu hiện thận ứ nước độ 1

  • Bệnh viện Quốc tế City– Quận Bình Tân
  • Bệnh viên đa khoa Tân Hưng – Quận 7
  • Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn – Q. Bình Chánh

Chẩn đoán thận ứ nước độ 1

Thận ứ nước độ 1 có thể được phát hiện vì bạn có triệu chứng hoặc một cách tình cờ. Chẳng hạn, bạn được siêu âm để khảo sát một vấn đề sức khỏe khác nhưng lại phát hiện thêm tình trạng thận ứ nước, và nó không đủ nặng để làm bạn biết đến nó.

Siêu âm chẩn đoán thường là đủ để khẳng định thận ứ nước và phân mức độ. Đây là phương pháp an toàn, không xâm lấn, chi phí lại rẻ nhưng độ chính xác cũng rất cao. Nhưng đôi khi siêu âm là chưa đủ để tìm ra nguyên nhân.

Tùy trường hợp, bác sĩ có thể cần một số hình ảnh cận lâm sàng khác để chẩn đoán, phân độ hoặc lên kế hoạch điều trị, bao gồm: x-quang đường niệu, chụp cắt lớp vi tính [CT scan], chụp cộng hưởng từ [MRI].

Chẩn đoán thận ứ nước độ 1

Ngoài ra, bác sĩ cần thêm xét nghiệm máuxét nghiệm nước tiểu để đánh giá chức năng của thận có bị ảnh hưởng vì thận ứ nước hay không, cũng như tìm ra các thành phần bất thường có trong nước tiểu.

Điều trị thận ứ nước độ 1

Một số trường hợp nhẹ có thể không cần phải can thiệp điều trị gì, nhưng cần theo dõi sát định kỳ. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn đường niệu, như sỏi niệu hay nhiễm trùng tiểu. Nhiễm trùng sẽ được điều trị với kháng sinh. Sỏi niệu có thể tự đi ra ngoài qua đường tiểu hoặc được lấy ra bằng phẫu thuật.

Trong trường hợp bị tắc nghẽn nghiêm trọng, có thể cần phải loại bỏ lượng nước tiểu dư thừa ra ngoài bằng:

  • Đặt ống thông tiểu [sonde tiểu] để dẫn nước tiểu từ bàng quang [thường gặp ở nam giới lớn tuổi bị phì đại tuyến tiền liệt]
  • Đặt stent để nước tiểu từ niệu quản có thể xuống bàng quang
  • Đặt ống dẫn lưu qua da ở lưng để lấy nước tiểu trực tiếp từ thận
Gặp bác sĩ trao đổi rõ hơn về bệnh thận ứ nước độ 1

Nguyên tắc của điều trị thận ứ nước độ 1 là giải quyết sự tắc nghẽn càng sớm càng tốt để tránh bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào cho thận. Những trường hợp nặng rơi vào suy thận cấp sẽ phải lọc máu nhân tạo [hay chạy thận]. Nhưng hầu hết người thận ứ nước có thể hồi phục tốt nếu được điều trị thích hợp.

Kết luận

Thận ứ nước độ 1 là mức độ nhẹ của bệnh thận ứ nước, triệu chứng không rõ rệt và thường được phát hiện qua siêu âm hay chụp CT. Bệnh thận ứ nước độ 1 cũng có thể biểu hiện như nhiễm trùng tiểu. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển đến các mức độ cao hơn, thậm chí gây suy thận. Vì vậy, khám sức khỏe định kỳ và đi khám khi có các biểu hiện nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong điều trị và chặn đứng biến chứng.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.

Tư liệu tham khảo

  • Onen A [2020] Grading of Hydronephrosis: An Ongoing Challenge. Front. Pediatr. 8:458. doi: 10.3389/fped.2020.00458
  • Hydronephrosis – National Kidney Foundation – Kidney.org
  • Urinary Tract Obstruction – Medscape

Chủ Đề