Tôi là cô gái Hà Nội có ngôi sao trên mũ

 ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II NĂM HỌC 2017 - 2018

MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9

Thời gian làm bài : 90 phút ( không kể thời gian giao đề)

Phần I. Đọc - hiểu (3,0 điểm):

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

“Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”.

Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng.

Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi. Hỏi thăm hoặc viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách nhau hàng nghìn cây số, mặc dù có thể chào nhau hằng ngày. Tôi không săn sóc, vồn vã. Khi bọn con gái xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, tôi thường đứng ra xa, khoanh hai tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng chẳng qua tôi điệu thế thôi. Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.”

Câu 1. (0,5 điểm): Đoạn văn trích trong văn bản nào, tác giả là ai?

Câu 2. (0,5 điểm): Xác định nội dung chính của đoạn văn.

Câu 3. (1,0 điểm): Thế nào là khởi ngữ? Tìm khởi ngữ trong câu văn sau: Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”.

Câu 4. (1,0 điểm): Xác định hai phép liên kết câu có trong đoạn trích trên, chỉ rõ từ ngữ thực hiện phép liên kết.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm): Trong trái tim của thế hệ trẻ một thời “…, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Hôm nay, trong trái tim em, ai là người đẹp nhất? Hãy trình bày suy nghĩ của em bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 1/3 trang giấy thi).

Câu 2. (5,0 điểm): Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao…”

(Mùa xuân nho nhỏ-Thanh Hải)

-------------------Hết------------------

PHÒNG GDĐT PHÚ LƯƠNG

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ II

 NĂM HỌC 2017 - 2018

Môn: Ngữ văn lớp 9

I. Hướng dẫn chung

- Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá đúng bài làm của học sinh. Tránh cách chấm đếm ý cho điểm.

- Khi vận dụng đáp án và thang điểm, giáo viên cần chủ động, linh hoạt với tinh thần trân trọng bài làm của học sinh. Đặc biệt là những bài viết có cảm xúc, có ý kiến riêng thể hiện sự độc lập, sáng tạo trong tư duy và cách thể hiện.

- Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu hỏi trong đề kiểm tra (làm tròn đến 0,5).

II. Đáp án và thang điểm

Phần I. Đọc – hiểu (5 điểm)

Câu 1 (0,5 điểm)

- Yêu cầu trả lời:

+ Văn bản: Những ngôi sao xa xôi

+ Tác giả: Lê Minh Khuê

- Hướng dẫn chấm:

+ Điểm 0,5: Trả lời đúng các ý trên.

+ Điểm 0,25: Trả lời đúng một trong hai ý trên.

+ Điểm 0: Trả lời không đúng các ý trên hoặc không trả lời.

Câu 2 (0,5 điểm)

- Yêu cầu trả lời: Nội dung đoạn văn: Vẻ đẹp ngoại hình, tâm hồn, tính cách của nhân vật tôi – Phương Định. Niềm cảm phục của cô đối với các anh bộ đội.

- Hướng dẫn chấm:

+ Điểm 0,5: Trả lời đúng các ý trên (có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau)

+ Điểm 0,25: Có ý trả lời đúng nhưng chưa đầy đủ/chưa rõ ràng.

+ Điểm 0: Trả lời không đúng các ý trên hoặc không trả lời.

Câu 3 (1,0 điểm)

- Yêu cầu trả lời:

+ Khái niệm khởi ngữ: Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.

+ Thành phần khởi ngữ: (Còn) mắt tôi

- Hướng dẫn chấm:

+ Điểm 1,0: Trả lời đúng các ý trên.

+ Điểm 0,5: Trả lời đúng 1/2 các ý trên.

+ Điểm 0: Trả lời không đúng ý trên hoặc không trả lời.

Câu 4 (1,0 điểm)

- Yêu cầu trả lời:

+ Phép thế: “nó” thay thế cho “mắt tôi” (liên kết câu)

+ Phép nối: “còn” (liên kết câu)

+ Phép lặp:  “tôi - tôi” (liên kết câu và liên kết đoạn văn) “xa xăm - xa” (liên kết đoạn văn)

- Hướng dẫn chấm:

+ Điểm 1,0: Trả lời đúng 2/3 ý trên.

+ Điểm 0,5: Trả lời đúng 1/3 ý trên.

+ Điểm 0: Trả lời không đúng ý trên hoặc không trả lời.

Câu 5 (2,0 điểm)

- Yêu cầu chung: Học sinh biết tạo lập đoạn văn nghị luận. Có quan điểm riêng, diễn đạt trôi chảy bằng ngôn ngữ của mình, đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu cụ thể:

+ Đảm bảo thể thức đoạn văn, xác định đúng vấn đề nghị luận. (0,25 điểm)

+ Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo định hướng sau:

Hình ảnh những con người gắn với công việc và nghề nghiệp cụ thể. Đó là những con người có lí tưởng sống đẹp, có lòng nhân ái, bao dung, biết cống hiến, hi sinh, say mê công việc… đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước. (1,0 điểm)

Hướng phấn đấu của bản thân trong học tập, trong cuộc sống. (0,5 điểm)

+ Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, chuẩn ngữ pháp của câu, ngữ nghĩa của từ. (0,25 điểm)

Phần II. Làm văn (5,0 điểm)

- Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp các kiến thức, kĩ năng về dạng bài nghị luận (nghị luận về một đoạn thơ) để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục đầy đủ, luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, đảm bảo tính liên kết. Lời văn sinh động, cảm xúc chân thành, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu cụ thể:

A - Mở bài: (0,5 điểm)

- Giới thiệu nhà thơ Thanh Hải, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, đoạn trích thơ.

- Nêu vấn đề nghị luận: Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước.

B - Thân bài: (3,5 điểm)

* Khái quát về bài thơ, đoạn thơ:

- Bài thơ được sáng tác tháng 11 năm 1980  khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh chưa đầy một tháng sau thì ông qua đời. Bài thơ là lời tâm niệm cuối cùng cùng của ông để lại cho đời.

- Đoạn thơ là khổ 1,2 của bài thơ khắc họa bức tranh mùa xuân của thiên nhiên, đất nước tràn đầy sức sống.

* Phân tích, cảm nhận đoạn thơ :

- Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên xứ Huế tươi đẹp, tràn đầy sức sống:

              "Mọc giữa dòng sông xanh

              Một bông hoa tím biếc"

+ Bức tranh mùa xuân xứ Huế đã bắt đầu được hoà phối bởi những gam màu rất đặc trưng ( xanh – tím): Một bông hoa tím biếc khiêm nhường dung dị mọc giữa dòng sông xanh dịu dàng, thơ mộng. Trời xanh, nước xanh, in đậm sắc màu cây cỏ thành dòng sông xanh, vừa làm nổi bật màu tím của hoa, lại vừa tạo nên sự hài hoà sắc màu thanh khiết giữa một vũ trụ trong trẻo của đất trời xứ Huế.

+ Phép đảo trật tự giữa hai câu thơ làm cho tứ thơ động hẳn lên trong sự sinh thành, nảy nở, khởi sắc của sự sống.

-> Chỉ vài nét phác hoạ, tác giả đã tái hiện trước mắt ta một bức tranh xuân tươi đẹp, thoáng đãng mang màu sắc và hương vị xứ Huế.

+ Tiếng hót của chim chiền chiện: Tiếng hót ngân vang rót sự sống vào bức tranh xuân tươi vui sống động.

 “Ơi con chim chiền chiện

 Hót chi mà vang trời"

Phân tích giá trị biểu cảm của các từ ngữ: ơi...hót chi mà... Câu thơ tràn đầy cảm xúc bởi tình yêu quê hương và thiên nhiên đất trời vào xuân.

- Cảm xúc của nhà thơ: say sưa, ngây ngất, sự nâng niu trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời khi vào xuân :

"Từng giọt long lanh rơi

 Tôi đưa tay tôi hứng."

+ Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, ngôn ngữ giàu tính tạo hình, cảm nhận tinh tế, nhạy cảm.

+ Nhà thơ cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân một cách tinh tế bằng nhiều giác quan: thị giác, thính giác và cả xúc giác. Hình ảnh "Tôi đưa tay tôi hứng" cho thấy sự trân trọng, nâng niu từng nguồn sống bé nhỏ bằng một chỉ đầy khát khao.

- Khổ 2: Mùa xuân đất nước:

+ Từ mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ hướng cảm xúc của mình về mùa xuân đất nước với hình ảnh “người cầm súng”, “người ra đồng”  biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động xây dựng đất nước. Chú ý phân tích ý nghĩa điệp ngữ “lộc”.

-> Ý thơ mang ý nghĩa triết lí sâu sắc: Máu của người lính và mồ hôi của người nông dân đã làm nên mùa xuân bất diệt của tộc.

+ Sức sống của mùa xuân còn được cảm nhận trong nhịp điệu hối hả và âm thanh xôn xao. Phân tích các điệp ngữ, từ láy và lối so sánh trực tiếp:

                       Tất cả như hối hả

                       Tất cả như xôn xao

-> Cả dân tộc đang chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Tác giả bộc lộ niềm tự hào, tin tưởng vào mùa xuân của đất nước.

C - Kết bài: (0,5 điểm)

- Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ.

+ Về nghệ thuật: Thể thơ năm chữ gần với làn điệu dân ca miền Trung mang âm điệu nhẹ nhàng, tha thiết; Hình ảnh thơ đẹp, giản dị gợi cảm và các biện pháp tu từ : đảo ngữ, ẩn dụ, điệp ngữ…

+ Về nội dung:

Đoạn thơ khắc họa bức tranh mùa xuân thiên nhiên, đất nước tươi đẹp với nhịp sống sôi động.

Bài thơ là tiếng lòng tha thiết muốn góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân chung của cuộc đời.

- Bài học liên hệ.

* Sáng tạo: Có sự sáng tạo trong cách trình bày như: dùng từ, viết câu… với cảm xúc chân thành.  (0,25 điểm)

* Đảm bảo cấu trúc bài văn, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu: (0,25 điểm)

........................................... Hết...........................................