Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam

[TBTCVN] - Việc Trung Quốc liên tục hạ giá đồng Nhân dân tệ [CNY] nhằm đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng khá nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông sản.

Đóng gói sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc

Xuất khẩu nông sản gặp khó

Gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục nóng trở lại khi Mỹ đe dọa sẽ tiếp tục bổ sung áp thuế 10% trên 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Dường như ngay lập tức, phía Trung Quốc đáp trả bằng cách phá giá đồng CNY để xuất khẩu hàng hóa được nhiều hơn. Động thái này của Trung Quốc nhằm bù đắp phần thiệt hại do thuế nhập khẩu của Mỹ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Chỉ trong 5 ngày đầu tháng 8/2019, đồng CNY đã mất khoảng 1,8% giá trị so với đồng USD.

Theo phân tích của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn [IPSARD], việc Trung Quốc phá giá đồng CNY sẽ tác động trực tiếp đến nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trước mắt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu của Việt Nam so với Trung Quốc trên thị trường thế giới, đặc biệt là những sản phẩm nhiều lợi thế và có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê và hồ tiêu sang thị trường Mỹ, châu Âu. Cùng với đó, là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, với thị phần chiếm khoảng 20,8%, việc đồng CNY giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nước này, khi nông sản xuất khẩu của Việt Nam như rau quả, cao su, thủy sản, gỗ có giá cao hơn tương đối so với trước đây và kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại tại thị trường Trung Quốc.

Đánh giá tác động của việc đồng CNY giảm giá trị đối với mặt hàng gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, khi đồng CNY mất giá thì kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Trung Quốc cũng giảm khoảng 3% giá trị so với đồng USD…

Theo dự báo của VASEP, cuối năm 2019, xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản do lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra cũng sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nhờ thị trường Trung Quốc. Hiện các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu. Với mặt hàng cá ngừ, xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam nằm trong top 10, chiếm thị phần 3% xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của nước ta sang Trung Quốc chỉ đạt 1,2 - 1,3 tỷ USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu biên mậu. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm thị phần lớn là tôm và cá tra. Còn theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam [VASEP], khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng CNY sẽ tạo ra chênh lệch rất lớn giữa đồng tiền của nước này so với VND, vì thế, giá trị của VND so với CNY đã tăng lên. Điều này, dẫn đến giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam nói chung, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu nói riêng sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử, trong cơ cấu hàng thủy sản, mặt hàng tôm của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, tại thị trường Trung Quốc, Ấn Độ cũng có nguồn cung tôm giá rẻ trong khi đồng Rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với CNY ít hơn so với VND. Khi Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa của Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.

Đa dạng hóa thị trường để bù đắp thiệt hại

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp [DN] cũng cho biết đã bị ảnh hưởng nhiều khi đồng CNY mất giá. Rõ nhất là ở chiều nhập khẩu, đồng CNY mất giá kéo theo hàng nông sản, nhất là rau quả từ Trung Quốc giá vốn đã rẻ sẽ càng rẻ hơn và được nhập nhiều vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt trên sân nhà. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, động thái phá giá đồng CNY của Trung Quốc không kéo dài quá lâu do những lo ngại sẽ kích hoạt một làn sóng rút vốn nước ngoài mạnh hơn nữa tại quốc gia vốn được coi là “công xưởng của thế giới”, gây thêm bất ổn kinh tế vĩ mô tại đất nước này. Ông Nguyễn Tôn Quyền chia sẻ: “Nguy cơ tiếp tục phá giá đồng CNY thời gian tới sẽ không cao và việc phá giá này sẽ sớm dừng lại, do vậy, các DN xuất khẩu nông lâm thủy sản không nên quá lo lắng mà cần tiếp tục đa dạng hóa, mở rộng thị trường, thay vì chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, hiện các DN gỗ đã mở rộng thị trường sang Trung Đông, Nga… để giảm thiệt hại”. Ngoài ra, hiện nhiều DN nhỏ của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là qua đường tiểu ngạch, thiếu thông tin nên thụ động trước những thay đổi trong quy định xuất nhập khẩu biên mậu của nước này. Chính vì vậy, vừa qua nhiều DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như cá tra, mực khô, tôm hùm… đã bị lỗ nặng do Trung Quốc siết buôn bán tiểu ngạch. Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, DN cũng phải nâng cao chất lượng, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Để làm được điều này, chất lượng phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu, đặc biệt đối với hàng thực phẩm.

Tổng cục Thủy sản [Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn] cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang thị trường Trung Quốc, nhưng theo hướng xuất khẩu chính ngạch. Việc thị trường Trung Quốc đã chính thức phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam được miễn thuế vào nước này càng giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta theo đường chính ngạch vào thị trường này thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Nam Khánh

Những ngày đầu tháng 11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm 0,11% giá trị đồng NDT so với USD, khiến đồng tiền nước này tiệm cận mức 7 NDT đổi được 1 USD. Trong ngày 30/11, 6,94 NDT đổi được 1 USD. Từ đầu năm 2018 đến nay, đồng NDT đã mất tới gần 6,5% giá trị so với đồng USD. Có thể nói, đây là thời điểm đồng tiền Trung Quốc “yếu” nhất kể từ giữa năm 2008.

Theo nhiều nhà phân tích, mức giảm này khá cao, nếu tiếp tục giảm trên ngưỡng đó thì sẽ gây ra nhiều biến động cho kinh tế Trung Quốc và các nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Nếu đây là cách để Trung Quốc vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng thì Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi những biến động tỷ giá của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Đồng NDT mất giá, ít nhiều đều ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. [Ảnh minh họa: KT]

Còn với Việt Nam, việc mất giá của đồng NDT đương nhiên sẽ tác động tới kinh tế đất nước dù ít hay nhiều.Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, một trong những biến động khi giá trị của đồng NDT xuống quá thấp  là sẽ ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn đầu tư của nước ngoài ở Trung Quốc, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư vào đất nước này. Bởi nếu các nhà đầu tư không rút tiền ra khỏi Trung Quốc, khi sinh lời, họ mang lợi nhuận về nước, một thời gian sau, nếu tỷ giá của NDT lại tăng lên so với đồng USD sẽ gây thiệt thòi, bất lợi cho các nhà đầu tư.

TS. Hiếu cho biết, từ đầu năm đến nay, VND giảm giá so với đồng USD ở mức gần 3%, trong khi đồng NDT mất giá so với đồng USD khoảng 8%, thành ra chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VND là rất lớn. Vì thế, giá trị của VND so với NDT tăng lên.

“Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ rẻ đi, còn giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đắt đỏ hơn, tạo sự thuận lợi cho nhà nhập khẩu và gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ xảy ra”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Nhìn nhận việc mất giá của đồng NDT trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, đồng NDT giảm giá cũng có tác động nhất định tới thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng sự tác động ấy không nhiều. Bởi hiện nay, phần lớn các hợp đồng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc về cơ bản vẫn được tính bằng USD, chỉ có một số hợp đồng được tính bằng NDT.

TS. Lực khẳng định, chắc chắn với những hợp đồng được tính bằng NDT, khi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam, giá hàng hóa sẽ rẻ hơn và có thể khiến hàng hóa xuất từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa thị trường và có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Chia sẻ thêm về vấn đế này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, những tác động đến nền kinh tế Việt Nam do đồng nhân dân tệ mất giá dù ít hay nhiều là không thể tránh khỏi, trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải có những biện pháp để giảm tác động tiêu cực đến kinh tế đất nước. Một trong những cách tốt nhất lúc này là cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với doanh nghiệp Trung Quốc mà cả những doanh nghiệp các khu vực khác; Cần kiểm soát tốt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là đường tiểu ngạch vì khi đồng NDT mất giá như vậy, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam sẽ rất nhiều.

“Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị hạn chế và ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Khi hàng Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh với hàng trong nước sẽ khiến hàng trong nước mất lợi thế trên sân nhà và đưa nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vào thế khó khăn. Trong trường hợp ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam như vậy thì phải điều chỉnh tỷ giá giữa Việt Nam đối với đồng USD và tỷ giá giữa VND với đồng NDT để hạn chế hàng của Trung Quốc vào Việt Nam và giá không rẻ đi nhiều so với việc điều chỉnh tỷ giá”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói./.

Nguồn: vov.vn

Video liên quan

Chủ Đề