Bác giáp (võ nguyên giáp) mất năm bao nhiêu ?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.

Từ năm 1925 đến 1926, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng [một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam]; năm 1930, bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh; năm 1936, hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên báo của Đảng như: "Tiếng nói của chúng ta", "Tiến lên", "Tập hợp", "Thời báo", "Tin tức"...; tham gia phong trào Đông Dương đại hội; được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp [đứng hàng thứ 2 từ trên xuống, từ trái qua, người thứ 4] cùng một số sinh viên trường Luật ở Hà Nội năm 1937. Ảnh tư liệu BTLSQG

Tháng 6/1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Đầu năm 1941, đồng chí về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng; năm 1942, phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.

Tháng 12/1944, đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí được cử vào Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, đồng chí là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc.

Tháng 8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương cử vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam] và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội lập tháng 11-1946. Trong ảnh Đ.c Võ Nguyên Giáp đứng hàng thứ 2, vị trí thứ 2 từ phải sang. Ảnh tư liệu BTLSQG

Tháng 1/1946, đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I; tháng 3/1946, là Chủ tịch Quân sự ủy viên Hội, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam [Đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 10/1946 - 8/1947; 8/1948 - 12/1979].

Tháng 1/1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, đồng chí là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, VI của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.

Từ tháng 1/1980, đồng chí là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng [nay là Phó Thủ tướng Chính phủ].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp-vị tướng huyền thoại của đất nước, của nhân dân Việt Nam. Ảnh tư liệu BTLSQG

Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Đồng chí từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 04/10/2013 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.

Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

HQVN [Tổng hợp]

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp [25-8-1911/25-8-2021], Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu loạt bài: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tấm gương trọn đời vì nước, vì dân”, góp phần khắc họa thêm chân dung, bản lĩnh của một CON NGƯỜI tài ba lỗi lạc với trái tim chan chứa nhân văn.

Bài 1: Đời riêng trong đời chung của đất nước

Là danh tướng lẫy lừng khiến kẻ thù phải kính nể, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại là người có trái tim chan chứa yêu thương, sâu nặng nghĩa tình. Trong cuộc đời Đại tướng, không có sự khác biệt giữa đời chung và đời riêng, cái riêng luôn nằm trong cái chung, kể cả niềm vui và nỗi buồn.

Nước mắt học trò bên dòng Kiến Giang

Nhà sử học người Anh, Đại tướng Peter Macdonal chọn cuốn sách “Tướng Giáp: Người chiến thắng ở Việt Nam” [Giap: The Victor in Vietnam], viết: Ba năm trước đại chiến thế giới, có một cậu bé đã chào đời ngày 25-8-1911, tại làng An Xá, Quảng Bình, gần vĩ tuyến 17. Trên thế giới này, hiếm có người có thể thay đổi dòng chảy lịch sử, nhưng cậu bé này là một trong số đó, lưu danh trên toàn cầu này với tư cách là một vị tướng, với một đội quân thô sơ mà đã chiến thắng hai cường quốc phương Tây. Đó là Võ Nguyên Giáp.

Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: qdnd.vn

Theo cuốn Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm, Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, hiếu học. Ngay từ nhỏ, Võ Giáp đã được cha dạy chữ thánh hiền. Triết lý nhân văn về cách ứng xử, lý tưởng và đạo đức làm người trong Tam Tự Kinh, Ấu học tân thư. Rồi những câu chuyện tuổi ấu thơ nghe mẹ kể ông ngoại theo Văn Thân, làm đến chức Đề đốc coi đại đội tiền vệ, bà ngoại đi tiếp vận cho nghĩa quân Cần Vương chống Pháp. Mỗi lần giặc kéo đến, bà ngoại đặt các con hai đầu quang gánh chạy khỏi làng. Mẹ còn đọc cho nghe bài vè “Thất thủ kinh đô”… Những bài học khai tâm từ thuở vỡ lòng đã in đậm trong tâm trí Võ Giáp, đến mãi sau này, khi bước vào tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn đọc lại cho con cháu nghe.

“Tổ ta là Hồng Bàng

Triệu Thủy, Kính Dương Vương

Sự tích thời Bắc thuộc

Mối nhục cũ khó quên.

“Phong tuy độc, bất thích đồng quần/Hổ tuy bạo, bất thực đồng loại” [Ong tuy độc, không đốt cùng đàn/Hổ tuy ác, không ăn đồng loại]…

Ngày đi học ở trường tổng, gần chợp Hôm, có ty rượu do Sica do một tên thực dân Pháp làm chủ. Để mua vui cho bọn Pháp và lý trưởng, chánh tổng vào những ngày tết Tây, ngày quốc khánh của Pháp, thầy giáo trường tổng thường bắt bọn trẻ hát. Cậu Giáp tỏ ra rất khó chịu khi thầy giáo của mình khúm núm trước tên chủ ty rượu Pháp. Đến lớp 3, Võ Giáp rời làng, đi học ở trường huyện, phải đi đò dọc lên huyện Lệ Thủy và ở trọ nhà một người thân. Mẹ đưa cậu đi, trước lúc về còn dặn: Con ở lại đây, ngoan, học giỏi, mai mốt thím [mẹ] lên đón con! Cậu Giáp không cầm được nước mắt òa khóc nức nở, túm chặt áo mẹ nằng nặc đòi về, rồi chạy thẳng xuống đò. Về đến nhà, cậu không dám vào nhà ngay sợ thầy mắng. Cậu lủi thủi một mình sau vườn, không thấy thầy la gì lại thân mật gọi vào, thế rồi hôm sau cậu thuận lên trường trọ học.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bố mẹ, con gái Hồng Anh [áo trắng] và các cháu năm 1946. Ảnh: quangbinh.gov.vn

Thần tượng đầu đời trên Bến Ngự

Học xong lớp 3, Võ Giáp lên trường tỉnh học ở Đồng Hới. Ở đây, vốn tư chất thông minh, Võ Giáp luôn đứng đầu lớp, đến kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đã đỗ đầu tỉnh. Mùa hè năm 1925, Võ Giáp thi đỗ vào trường Quốc học Huế. GS. Nguyễn Thúc Hào, bạn học của Võ Giáp, kể: “Anh Giáp hơn tôi một tuổi nhưng đã có những suy nghĩ người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là cậu bé chăm học, ngoan và dễ bảo thôi”.

Lúc này, phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đang sôi sục. Với “những suy nghĩ người lớn”, Võ Giáp nhanh chóng hòa mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng, cùng với những người anh như Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn [Hải Triều] đi vận động lấy chữ ký đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Năm ấy, Võ Giáp mới 15 tuổi.

Khi cụ Phan Bội Châu được trả tự do và bị giam lỏng ở Bến Ngự. “Ông già Bến Ngự” trở thành một biểu tượng có sức thu hút, thức tỉnh lòng người mạnh mẽ. Võ Giáp cùng các bạn học thường xuyên đến thăm và được cụ Phan giáo huấn. Những Hải ngoại huyết thư, Lưu Cầu huyết lệ tân thư như thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình yêu nước, thương nòi trong lòng cậu học trò Võ Giáp. Ông cùng những người bạn tiến bộ rủ nhau lên thượng nguồn sông Kiến Giang, tuyên thệ lập hội kín với mục đích đánh Tây.

Sau này, trong bộ phim tài liệu: “Giọt nước giữa đại dương”, Đại tướng kể lại rằng: Cứ thứ 5 hằng tuần, chúng tôi đến thăm “Ông già Bến Ngự”, nghe cụ Phan hô hào thanh niên phải yêu nước, phải đứng lên. Những câu thơ “Dậy! Dậy! Dậy! Bên án một tiếng gà vừa gáy”, “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”… khiến thanh niên chúng tôi bừng bừng lên như lửa. Học sinh mỗi người đều có một quyển vở đẹp nhất, ghi lại những bài thơ ca yêu nước, rồi bí mật đọc trong lớp hoặc ban đêm thắp đèn đọc trong ký túc xá.

Những tờ báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp tham gia sáng lập và tổ chức. Ảnh: qdnd.vn

Đầu năm 1927, Võ Giáp viết bài "Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học", đăng trên tờ báo tiếng Pháp L'Annam của luật sư Phan Văn Trường, tố cáo nền giáo dục ngu dân và quy chế cấm đọc sách báo yêu nước. Bài báo gây tiếng vang lớn ở Sài Gòn và Huế, từ đây cùng những hoạt động trước đó, Võ Giáp bị mật thám Pháp theo dõi sát sao.

Khi Nguyễn Chí Diểu bị nhà trường đối xử bất công, Võ Giáp đã dẫn đầu đoàn học sinh lên gặp Tổng giám thị Harter, đưa đơn phản đối nhưng không được chấp nhận. Võ Giáp bàn với Nguyễn Khoa Văn phát động bãi khóa. Cuộc bãi khóa khởi đầu từ trường Quốc học Huế nhanh chóng lan rộng ra các trường khác, thành một cuộc tổng bãi khóa toàn thành. Nhà cầm quyền phải trả tự do cho các học sinh bị bắt, nhưng Võ Giáp cùng nhiều người khác bị buộc thôi học và bị cấm thi cử trên toàn cõi Đông Dương trong vòng hai năm.

Mối tình đầu trong xà lim

Năm 1930, Võ Giáp thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ [Huế]. Sau khi xét hỏi nhưng không thu được thông tin gì đặc biệt, chúng nhốt anh vào xà lim tối suốt 15 ngày liền, rồi cho ra buồng giam thường và tuyên án ba năm tù. Cũng tại đây, ông gặp lại người đồng chí, người vợ của mình sau này - bà Nguyễn Thị Quang Thái. Bà Quang Thái bị thực dân Pháp bắt, khi đó mới 16 tuổi, “gương mặt còn những nét ngây thơ nhưng tinh thần thì bất khuất”, nổi tiếng với câu nói dặn bạn tù: Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai.

Năm 1930, Võ Giáp thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ [Huế]. Ảnh tư liệu

Trước đó, hai người đã có lần gặp mặt. Trong tập sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, Trung tướng Phạm Hồng Cư kể:

Cô tìm anh để xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng. Lúc ấy, anh Giáp ở trong một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế. Trong nhà treo la liệt các bức trướng phúng viếng cụ Phan Chu Trinh. Cô đi ngay vào nhà. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng.

“Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Xem thư giới thiệu, anh nhận ra: Đây là Quang Thái, em chị Minh Khai.

Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh, cán bộ phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó, anh không chú ý.

Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái…

Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: dáng vẻ dịu hiền, điềm đạm nhưng không kém phần kiên định, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.

Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tàu” - anh thầm nghĩ…

Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.

Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ. Anh mong có dịp gặp lại….

Ở trong tù, Quang Thái làm thơ được lưu tuyền khắp nhà lao:

“Mười sáu xuân qua sống ở đời

Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi

Trông phường đế quốc lòng ngao ngán

Thấy bạn cần lao dạ rối bời

Quyết chí hy sinh thây kệ chết

Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi

Ngọn cờ vô sản bao giờ phất

Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.”

Bài thơ càng khiến Võ Nguyên Giáp thương mến, cảm phục Nguyễn Thị Quang Thái. Tình yêu của họ nảy nở từ lý tưởng chung về cách mạng. Cuối năm 1931, Võ Giáp được ra tù với điều kiện phải trở về quê và bị quản thúc. Chị Quang Thái cũng được trả tự do trong đợt này. Sau thời gian thư từ qua lại, hai người quyết định tổ chức đám cưới. Lúc đó chị Thái tròn 20 tuổi, anh Giáp 24 tuổi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái. Ảnh tư liệu

Tình yêu và lý tưởng

Năm 1940, một bước ngoặt lớn trong đời đã đến khi Võ Nguyên Giáp nhận chỉ thị của tổ chức sang Trung Quốc để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, lần thoát ly này ông phải vượt qua một tình cảm lớn: Để lại người vợ mới cưới và con gái Hồng Anh mới được hơn một tuổi.

Một buổi chiều thứ Sáu, tháng 5-1940, hai vợ chồng chia tay nhau ở đường Cổ Ngư. Thấy chồng phân vân, lo lắng, chị Thái động viên: “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà. Chờ con lớn thêm chút nữa em gửi con cho ông bà nuôi, em sẽ đi sau”.

Sau này, khi kể về người cha của mình, nhà khoa học Võ Hồng Anh chia sẻ:… Khi Ba tôi chia tay hai mẹ con để sang Trung Quốc thì tôi còn quá bé, chưa biết gì. Người đầu tiên gợi lại hình ảnh của người cha trong tôi là bà nội. Điều bà nói nhiều nhất về Ba với tôi là: từ lúc Ba tôi còn bé cho đến lúc đi hoạt động cách mạng, bà luôn tin những điều Ba tôi làm… Vì thế trong suốt thời gian xa cách, tôi luôn nghĩ về Ba với niềm tự hào thơ trẻ và tình cảm tin yêu gần gũi. Thế nhưng, năm 1946 – khi tôi được gặp Ba lần đầu trong dịp Ba ghé thăm ông bà nội và tôi ở Đồng Hới – trên đường đi kinh lý Nam Bộ - thì tôi lại ngậm thinh, nhất định không chịu nói một lời nào, kể cả khi ông bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: Có nhớ, có thương bà không? [Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm, NXB Trẻ]

Anh Giáp lên đường, hẹn ngày trở về hai người lại sẽ cùng hoạt động, nhưng không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn của đôi vợ chồng trẻ-hai người đồng chí. Trong tập Hồi ký Từ nhân dân mà ra, Đại tướng nhớ lại:

Một buổi chiều, vào đầu tháng 5 năm 1940.

Đến giờ đi dạy học, ra khỏi nhà một quãng, tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà nhỏ, biết còn lâu mới quay trở về đây, khi đó chắc có nhiều sự thay đổi rồi.

Hôm đó là thứ Sáu. Tôi đã sắp xếp dạy dồn cả chương trình ngày thứ bảy vào thứ năm và thứ sáu, để có được một khoảng cách hai ngày, thứ bảy và chủ nhật, không phải đến trường.

Năm giờ chiều, tan học. Tôi lững thững đi về phía Hồ Tây như một người dạo mát…

Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Võ, thấy chị Thái ẵm cháu Hồng Anh đã đứng đợi ở gốc cây vắng người. Chị Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với chị Thái, ở nhà giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật. Chị Thái nhắc tôi, hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong khi hoạt động, gắng tìm cách cho nhà biết tin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạm nghỉ trên đường tới Chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh: quangbinh.gov.vn

Sau khi ông đi thoát ly, bà Quang Thái gửi con về quê chồng ở Quảng Bình để tiếp tục hoạt động cách mạng, làm nhiệm vụ vận động phong trào phụ nữ, trí thức, công thương ở Hà Nội và các vùng lân cận, đồng thời làm liên lạc cho Trung ương. Năm 1942, bà bị bắt, bọn mật thám tra tấn để truy tìm đầu mối liên lạc với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Bà kiên quyết không khai một lời, rồi hy sinh trong tù khi không kịp gặp con gái lần cuối. Đến tận tháng 4-1945, sau khi về nước và dự Hội nghị Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ, Võ Nguyên Giáp mới biết vợ mình đã hy sinh.

Đại tướng kể lại trong hồi ký:

“Từ ngày lên đường đi họp, tôi hy vọng về đây gặp các anh, sẽ được biết tin nhà. Mấy năm qua không được tin gì về gia đình. Tôi có đôi lần gửi thư về nhà, nhưng không rõ có đến nơi hay không. Tôi cảm thấy ngày chúng tôi gặp nhau không còn xa nữa... Tôi đang ngồi nghe các anh kể lại chuyện địch khủng bố gắt gao dưới xuôi, thì anh Trường Chinh nói:

- Chị Thái chỉ vì gửi cháu chưa được, chưa kịp đi bí mật thì bị chúng bắt. Cũng không ngờ chị lại mất ở trong tù.

Tôi lặng người đi. Lát sau tôi hỏi: Anh nói sao? Thái mất rồi ư?

Anh Trường Chinh có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: Anh chưa biết tin à?

Khi ở Cao Bằng, các anh cũng đã có lần nghe tin đâu như Thái bị bắt, nhưng vẫn giấu, chưa muốn cho tôi biết. Tôi bàng hoàng đi vào buồng bên, vẫn chưa tin hẳn điều các anh nói là sự thật.

Tôi nằm nhớ lại ngày chúng tôi mới gặp nhau ở Huế trong khi cùng hoạt động bí mật, nhớ đến những lời hứa hẹn sẽ cùng nhau phấn đấu trọn đời cho chủ nghĩa cộng sản, nhớ lại những điều đã dặn dò nhau khi chia tay, nghĩ đến Hồng Anh...

Nợ nước, thù nhà, oán hờn giai cấp, đối với người đảng viên cộng sản chỉ có thể trả bằng cách: vượt lên những khó khăn, đau thương, kiên quyết tiến lên trên con đường Đảng đã chỉ rõ, dốc hết sức mình chiến đấu tiêu diệt quân thù, hy sinh tất cả cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, của dân tộc”.

Gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với người vợ Đặng Bích Hà cùng các con năm 1963. Ảnh tư liệu

Việc nước, việc dân lại cuốn ông đi, đến khi Tổng khởi nghĩa thành công, ông mới có tổ ấm riêng với PGS Đặng Bích Hà, con gái GS Đặng Thai Mai. Trong suốt hai cuộc trường chinh kháng chiến rồi những năm tháng về già, phu nhân Bích Hà trở thành chỗ dựa bình yên, hạnh phúc cho ông. Nhưng chỉ một năm sau [1947] nỗi đau mất người thân lại ập đến khi cha ông - cụ Võ Quang Nghiêm, bị địch bắt và thủ tiêu vì có con đi làm cách mạng. Mãi đến sau ngày giải phóng miền Nam, gia đình mới đưa được phần mộ cụ về an táng ở quê nhà. Cụ Võ Quang Nghiêm được Nhà nước suy tôn truy tặng danh hiệu liệt sỹ chống Pháp và bằng Tổ quốc ghi công. Giống như hàng triệu người khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành "Con liệt sỹ" từ đó.

Một đêm giao thừa của mùa Xuân năm 1976, người ta thấy Đại tướng trong bộ trang phục giản dị, khoác tay con gái Hồng Anh đi giữa dòng người hân hoan, náo nức ở công viên Thống Nhất. Một hình ảnh rất đỗi bình dị nhưng mang ý nghĩa lớn lao về cuộc đời một con người huyền thoại mà mọi niềm vui, nỗi buồn luôn gắn liền với dòng chảy lịch sử của dân tộc.

NGUYỄN VĂN DUYÊN

[còn nữa]

Video liên quan

Chủ Đề