Chính sách của Đảng trong giáo dục đại học

Chính sách đối với giáo dục đại học ngoài công lập hiện nay

01/07/2015

ThS. HÀ THỊ THÙY DƯƠNG

Học viện Chính trị khu vực IV.

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập [ĐHNCL] là biểu hiện cụ thể về chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, rất đúng đắn, phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, sau gần 20 năm phát triển, vấn đề chất lượng đào tạo của giáo dục ĐHNCL vẫn đang tiếp tục được bàn luận. Lý giải sự yếu thế về năng lực cạnh tranh trong chất lượng đào tạo của các trường ĐHNCL so với các trường công lập, đã có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có góc nhìn về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Bài viết tập trung phân tích những bất cập trong cơ chế, chính sách đang tạo ra những “rào cản” cho sự phát triển của giáo dục ĐHNCL và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện.

Ảnh minh họa: [Nguồn internet]

1. Những bất cập về cơ chế, chính sách

Không ai phủ nhận những đóng góp của hệ thống giáo dục ĐHNCL đối với việc phát triển nguồn nhân lực của đất nước cũng như sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Vì chỉ với mức chi khoảng 20% ngân sách cho giáo dục thì chúng ta sẽ không đủ kinh phí để tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng cao. Chính hệ thống giáo dục ĐHNCL đã tháo gỡ những hạn chế về nguồn lực của Nhà nước cho sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Nguồn lực tài chính rất lớn từ trong nhân dân và các thành phần kinh tế đã được đầu tư cho giáo dục đại học để xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện… thông qua hệ thống giáo dục ĐHNCL, đến nay, tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã lên tới 1.555 tỷ đồng[1]. Cùng với sự ra đời, phát triển của hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập [đến năm 2013, cả nước đã có 90 trường ngoài công lập, trong đó có 61 trường đại học và 29 trường cao đẳng, chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc][2] là việc huy động một nguồn nhân lực, trí lực của xã hội khá lớn cho phát triển giáo dục đại học, đó là những giảng viên, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, trình độ làm việc cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Nếu như giáo dục đại học trước đây được gọi là dành cho giới tinh hoa thì với việc phát triển hệ thống giáo dục ĐHNCL đã góp phần xây dựng một nền giáo dục mở ở nước ta, mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học cho mọi tầng lớp nhân dân. Số lượng sinh viên đại học, cao đẳng chính quy của các cơ sở giáo dục ĐHNCL hiện nay là 314.054 sinh viên, chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước[3]. Các cơ sở giáo dục ĐHNCL đã góp phần nâng cao năng lực giáo dục đại học ở nước ta không chỉ là vấn đề quy mô, số lượng mà cả chất lượng, với một số trường đại học công lập đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, từ đó góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp của các cơ sở giáo dục ĐHNCL, có thể nói sự phát triển của giáo dục ĐHNCL ở nước ta thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa trở thành mũi nhọn, niềm tự hào của giáo dục đại học như ở một số nước khác trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia… thậm chí còn phát triển thiếu bền vững. Nhìn tổng thể, chất lượng đào tạo của giáo dục ĐHNCL vẫn bị coi là thua kém so với giáo dục đại học công lập, cho dù giáo dục đại học công lập ở nước ta vẫn đang bị đánh giá là tụt hậu nhiều so với thế giới. Lý giải tại sao các cơ sở giáo dục ĐHNCL chưa có được vị trí xứng đáng trong nền giáo dục đại học ở Việt Nam, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân chủ quan thuộc về nội tại bản thân các trường và cả những nguyên nhân khách quan thuộc về cơ chế, chính sách.

Trước khi phân tích những bất cập của cơ chế, chính sách, chúng ta có thể điểm qua những nguyên nhân thuộc về nội tại bản thân các trường. Cùng với sự quá “dễ dãi” trong quá trình kiểm định về điều kiện thành lập trường đại học, cao đẳng là sự tăng quá nóng về số lượng các trường đại học, cao đẳng ở nước ta thời gian qua, trong đó có các trường ngoài công lập. Nhiều trường cao đẳng, ĐHNCL đã vội vã ra đời trong khi nguồn vốn còn rất nhỏ bé, không thể đầu tư vào phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ giảng dạy, thậm chí nhiều trường tồn tại nhiều năm mà vẫn phải đi thuê, đi mướn chỗ làm việc, phòng học… Trong điều kiện năng lực yếu kém như vậy, khó có thể đảm bảo được chất lượng đào tạo. Một số nhà đầu tư sáng lập các trường ĐHNCL lại có tầm nhìn ngắn hạn, lấy việc vì lợi nhuận cá nhân làm mục đích chính nên tập trung đào tạo vào những ngành “hot”, tìm đủ mọi chiêu bài để lôi kéo người học nhằm thu lợi nhuận, nhưng lại không chú ý đến việc đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu tư cho giáo dục đại học đòi hỏi phải có nguồn lực vật chất lớn và là dạng đầu tư dài hạn nên những cách làm ăn nhỏ lẻ, chộp giật, ngắn hạn như vậy khiến cho những cơ sở giáo dục ĐHNCL này đánh mất niềm tin của người học, từ đó đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục ĐHNCL chưa theo kịp được nhiều trường đại học công lập, chứ chưa nói đến chuyện tạo ra sự khác biệt còn do những bất cập trong cơ chế, chính sách của Nhà nước. Chủ trương phát triển giáo dục ĐHNCL đã được xác định từ Nghị quyết TƯ 2 Khóa VIII của Đảng và được hoàn thiện trong Nghị quyết TƯ 8 Khóa XI [Nghị quyết 29-NQ/TW];được thể hiện trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội và nhiều văn bản của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng vẫn còn tạo nhiều rào cản cho sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐHNCL. Cụ thể là:

- Chính sách không ngừng bộc lộ sự mâu thuẫn giữa một bên là tính chất thị trường của khu vực giáo dục ĐHNCL, và một bên là mong muốn kìm hãm việc thị trường hóa, tự do hóa và thương mại hóa trong giáo dục đại học, do lo sợ giáo dục ĐHNCL vì lợi nhuận mà có thể làm ảnh hưởng đến tính định hướng và chất lượng trong giáo dục. Biểu hiện cụ thể là trong quy định tài sản là vốn góp được công nhận sở hữu tư nhân, tài sản tăng thêm thuộc sở hữu chung của trường nhằm mục đích làm giảm tính chất “vì lợi nhuận” của các trường, là biểu hiện mâu thuẫn giữa một bên là công nhận mục đích tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư, một bên là hạn chế mức độ lợi nhuận mà họ có thể sở hữu. Điều này sẽ làm giảm động lực của các nhà đầu tư vào giáo dục đại học. Hơn 20 năm phát triển nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có cơ chế “không vì lợi nhuận” cho các cơ sở giáo dục ĐHNCL [cho mãi đến Nghị định số 141/NĐ-CP ra ngày 25-10-2013, một số định chế cụ thể cho trường phi lợi nhuận mới được đưa ra] và càng sợ hãi cụm từ “vì lợi nhuận”. Cùng với đó, các quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐHNCL chưa giải quyết thỏa đáng những vấn đề về chủ sở hữu và quyền quản lý làm giảm sự thu hút nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục đại học.

Các chính sách của Nhà nước trong suốt hai thập kỷ qua buộc các cơ sở giáo dục ĐHNCL được hình thành trong khuôn khổ pháp lý như các doanh nghiệp và hoạt động không khác gì các doanh nghiệp, tạo ra sự “bất bình đẳng” trong cuộc cạnh tranh giữa giáo dục ĐHNCL và giáo dục đại học công lập. Bởi lẽ, giáo dục được quan niệm không chỉ là một ngành có ý nghĩa kinh tế mà còn có cả ý nghĩa văn hóa, xã hội, chính trị, do đó giáo dục đại học công lập nhận được nhiều “ưu đãi” từ phía Nhà nước. Về nguồn lực, sự bao cấp của ngân sách công đối với trường công không chỉ là kinh phí thường xuyên, kinh phí mục tiêu, kinh phí dự án, mà còn là đất đai và hạ tầng, trong lúc trường ngoài công lập chẳng những không được hưởng sự đầu tư nào mà còn phải đóng thuế. Nhiều trường đại học gặp khó khăn trong vấn đề có quỹ đất sạch và phải mất rất nhiều vốn để có đất, do đó rất khó có nguồn lực đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện còn 15 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập chưa tiến hành xây dựng trường tại địa điểm đã đăng ký. Một số trường có đất nhưng vốn đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị hạn chế nên dạy học cầm chừng như Đại học Tài chính và Ngân hàng Hà Nội, Đại học Công nghệ và quản lý Hữu nghị… Giảng viên các trường đại học công lập được trả lương bằng ngân sách, được đào tạo, nâng cao trình độ, thậm chí cử đi đào tạo nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước[4]… Sinh viên đào tạo trong chỉ tiêu được nhà nước hỗ trợ kinh phí hàng năm nhưng ở các cơ sở giáo dục ĐHNCL này, sinh viên lại không nhận được sự hỗ trợ nào, thậm chí còn phải đóng thuế thông qua học phí [hiện các trường ĐHNCL vẫn phải đóng thuế 10% thu nhập, trước đây là 25%]. Đầu tư cho giáo dục đại học đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong điều kiện vốn ít, các trường không nhận được khoản vốn vay ưu đãi đầu tư cho giáo dục. Các trường ĐHNCL phải tự xoay xở mọi vấn đề để nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở học phí của sinh viên. Do đó, để có chất lượng đào tạo bằng trường công thì “học phí” của sinh viên ngoài công lập phải cao hơn rất nhiều so với các trường công lập. Trong điều kiện thu nhập của người dân Việt Nam không cao, chắc chắn họ sẽ chọn trường công, sức hấp dẫn của các trường ĐHNCL đối với người học bị giảm sút. Vì vậy, có một thực tế là nhiều cơ sở giáo dục ĐHNCL gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Có nhiều trường chỉ tuyển sinh được 50 – 60% chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ tuyển được 20 – 30% chỉ tiêu[5]. Chính vì vậy, họ lại rơi vào cảnh không có nguồn lực để tiếp tục duy trì và đảm bảo chất lượng như ban đầu chứ chưa nói đến việc cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo.

Không thu hút được sinh viên đến học, nhiều trường phải đứng trước nguy cơ đóng cửa, phải tìm cách để hạ thấp chỉ tiêu, dẫn tới việc chất lượng đầu vào của sinh viên các trường ngoài công lập thấp hơn chất lượng của sinh viên các trường công lập. Đối tượng người học của các cơ sở giáo dục ĐHNCL chỉ là đối tượng “vét” của các trường đại học công lập, những người không vào được trường công nhưng mong muốn được học đại học và có tiền. Điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của sinh viên các trường ngoài công lập so với sinh viên trường công lập. Trước nguy cơ đóng cửa, một số trường đã “làm liều” bằng cách tuyển cả những thí sinh không đủ điều kiện. Lý lẽ mà họ đưa ra là thà chịu phạt để tồn tại, còn hơn phải đóng cửa, tức đồng nghĩa với việc mất hết vốn liếng. Điều này lại càng làm cho định kiến của xã hội về các trường ngoài công lập trở nên xấu hơn, thậm chí nhiều cơ sở tuyển dụng lao động còn từ chối không nhận sinh viên các trường ngoài công lập. Vì vậy, các cơ sở giáo dục ĐHNCL bị luẩn quẩn trong vòng bế tắc, khó có điều kiện để tồn tại, chứ chưa nói đến việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.

Làm thế nào để giúp các cơ sở giáo dục ĐHNCL phát triển, huy động được nguồn lực rất lớn từ trong xã hội cho giáo dục đại học và khẳng định được lợi thế của mình so với giáo dục đại học công lập, có được một vị thế vững chắc trong bản đồ giáo dục đại học Việt Nam? Điều này không thể chỉ đơn thuần cần sự nỗ lực của chính bản thân các trường ĐHNCL mà còn cần cú hích từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.

2. Kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện về cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Thứ nhất, Nhà nước cần phân biệt rõ trường ĐHNCL “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” để có chính sách riêng cho từng loại trường này

Chính sách của Nhà nước thời gian qua thể hiện sự “nhùng nhằng” giữa một bên muốn thu hút nguồn lực cho giáo dục, nên phải thừa nhận kinh tế thị trường và lợi nhuận của nhà đầu tư, nhưng một bên muốn hạn chế lợi nhuận của họ do lo sợcó thể làm tổn thương người học khi nhà đầu tư bán một món hàng [dịch vụ giáo dục thường khó kiểm định trước] không xứng với giá trị - nhằm chạy theo lợi nhuận trước mắt. Chính điều này vừa giảm động lực thu hút nguồn lực cho giáo dục đại học vừa làm cho các nhà đầu tư cho giáo dục gặp khó trong quá trình phát triển. Các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đều bị đánh đồng là “vì lợi nhuận” và bị đối xử như doanh nghiệp, nên không cạnh tranh được với các cơ sở giáo dục đại học công lập được bao cấp, hỗ trợ từ Nhà nước. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần phân biệt rõ các trường ĐHNCL “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận”. Hiện nay, chúng ta đã chính thức thừa nhận trường đại học “không vì lợi nhuận” là những trường mà chủ sở hữu được hưởng lợi nhuận không vượt quá mức lãi suất của trái phiếu Chính phủ và phần còn lại được tái đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo. Khái niệm “không vì lợi nhuận” nên hiểu là “không vì lợi nhuận tối đa”, nhưng có thể chấp nhận một mức lợi nhuận “hợp lý” cho những người góp vốn, có như vậy mới khuyến khích các nhà đầu tư. Theo ý kiến một số người, mức lợi nhuận “hợp lý” có thể quy định cao hơn lãi suất tiền tiết kiệm của ngân hàng. Bởi ở nước ta chưa có nhiều tỷ phú đến mức dám bỏ ra vài chục/vài trăm tỷ mà không tính đến việc thu lợi nhuận. Tuy nhiên, việc thể chế hóa cho mô hình trường phi lợi nhuận ở nước ta trong hoàn cảnh chi tiêu chủ yếu vẫn dùng tiền mặt là rất khó, đặc biệt là chính sách tài chính và kế toán. Vì vậy, cùng với việc quy định chặt chẽ, chúng ta còn phải đẩy mạnh hoạt động kiểm toán, kiểm soát bởi nếu chúng ta không kiểm soát được mức chi cho các hoạt động của từng trường thì không thể đảm bảo được việc toàn bộ lợi nhuận được tái đầu tư cho phát triển. Với việc làm rõ và xác định đúng các cơ sở giáo dục ĐHNCL “không vì lợi nhuận”, chúng ta cần có chính sách công bằng giữa các cơ sở giáo dục ĐHNCL “không vì lợi nhuận” với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Chính sách đối với các cơ sở giáo dục ĐHNCL “không vì lợi nhuận” giống với chính sách đối với cơ sở giáo dục đại học công lập,ví dụ như hai loại trường đều được quyền tham dự các đấu thầu cung ứng dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, sinh viên và giáo chức hai loại trường đều được bình đẳng trong việc hưởng các loại tài trợ của Nhà nước, như vậy sẽ tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở này, vừa thu hút được nguồn lực lớn trong xã hội cho giáo dục đại học, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách của Nhà nước vẫn còn hạn chế như hiện nay.

Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn thừa nhận, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ĐHNCL “vì lợi nhuận” phát triển và có chính sách giống như chính sách đối với doanh nghiệp. Các trường vì lợi nhuận sẽ có lợi thế trong việc đào tạo những ngành nghề chuyên môn mà thị trường đang đòi hỏi và có triển vọng thu nhập tốt. Để kiểm soát lợi nhuận của những trường ngoài công lập vì lợi nhuận này, Nhà nước không nên có những cơ chế “hạn chế” như trước đây mà phải nâng cao năng lực kiểm định chất lượng và các yêu cầu về việc công khai, minh bạch… để các trường này luôn đảm bảo tương xứng giữa chất lượng và học phí mà người học phải bỏ ra.

Thứ hai,thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; đảm bảo bình đẳng, công khai, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh

Thực tế trong các cơ sở giáo dục ĐHNCL, có những trường có chiến lược đầu tư dài hạn, có uy tín về chất lượng đào tạo nhưng cũng có những trường yếu kém về chất lượng. Chính vì vậy, để khắc phục những định kiến xã hội về giáo dục ĐHNCL, đánh đồng chất lượng các trường, dẫn tới hiện tượng không chấp nhận tuyển dụng sinh viên ngoài công lập… cần nhanh chóng thực hiện việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Như vậy, những trường ĐHNCL có chất lượng tốt sẽ được cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh với các trường đại học công lập. Nhà nước thực hiện thứ tự ưu đãi về giáo dục đại học cho những trường đại học có chất lượng đào tạo tốt chứ không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Nhà nước thong qua Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nơi cơ sở giáo dục ĐHNCL đặt trụ sở để thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ,… căn cứ vào kết quả xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong giáo dục đại học để chia sẻ nguồn lực cho phát triển

Không chỉ đẩy mạnh sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập, Nhà nước còn khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học này nhằm phát huy hết nguồn lực, thế mạnh của các loại trường. Các trường đại học công lập cần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện sự tự chủ, đặc biệt là về tài chính và nhân sự, về việc sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, các trường ĐHNCL có thể hợp tác, trao đổi với các trường công lập về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của mình. Sự hợp tác ấy sẽ thúc đẩy cả giáo dục đại học công lập và ngoài công lập phát triển, đồng thời thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam có những sự nhảy vọt.

Thực tiễn 20 năm qua chứng minh rằng, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục ĐHNCL phát triển là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện ở nước ta thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Để huy động nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội cho giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục ĐHNCL, từ đó cải thiện vị trí giáo dục đại học Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới thì rõ ràng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cho giáo dục ĐHNCL đang là vấn đề cấp bách hiện nay./.

[1] Xem: vietnamnet.vn/vn/giao-duc/165643/pho-thu-tuong---con-nuoi--keu-du-qua-.html

[2] Xem: //www.vietnamplus.vn/dai-hoc-ngoai-cong-lap-20-nam-van-chua-tao-duoc-niem-tin/248777.vnp

[3] Xem: //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tao-san-choi-binh-dang-giua-dai-hoc-cong-va-tu-849694.htm

[4] Xem: //www.vietnamplus.vn/dai-hoc-ngoai-cong-lap-20-nam-van-chua-tao-duoc-niem-tin/248777.vnp

[5] Xem: //www.thanhnien.com.vn/giao-duc/cong-bang-cho-truong-ngoai-cong-lap-38192.html

[Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14[294], tháng 7/2015]

Video liên quan

Chủ Đề