Chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của việt nam

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài trả lời phỏng vấn báo The Straits Times (Singapore) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp diễn ra WEF ASEAN 2018.

Chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của việt nam

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam nhất quán với

chính sách hội nhập kinh tế quốc tế khu vực và toàn cầu

Ngài có thể cho biết một số trường hợp tiêu biểu phản ánh tinh thần kinh doanh của Việt Nam trong việc hoạch định chính sách?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn và rất năng động trong khu vực ASEAN. Với tinh thần liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong hoạch định chính sách, chúng tôi luôn xác định chính sách phải tạo ra động lực, cơ hội cho doanh nghiệp và người dân kinh doanh. Đồng thời, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của chính sách cũng như năng lực thực thi chính sách của các cơ quan nhà nước. Tinh thần đó được thể hiện trong hoạch định chính sách như:

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam có chính sách tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Luật Đầu tư năm 2014 đã tạo dựng một khuôn khổ chính sách đầu tư mới với tư duy mới về quản lý nhà nước, theo đó nhà đầu tư được kinh doanh trong tất cả các ngành nghề không bị cấm. Chính phủ đã chọn năm 2016 là năm “Quốc gia khởi nghiệp” và triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Những chính sách này tạo nên một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ ở Việt Nam và năm 2017 số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, với gần 127.000 doanh nghiệp được thành lập, bằng 1,6 lần số doanh nghiệp thành lập mới của năm 2011.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo đó tích cực cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm ít nhất 50% số lượng điều kiện kinh doanh hiện hành; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; yêu cầu kết nối dịch vụ công ở cấp độ 4; hoàn toàn thông quan điện tử, bỏ các hồ sơ bằng văn bản giấy; giảm số lượng kiểm tra thông quan từ 30% xuống còn 10%. Bản thân tôi thường xuyên gặp và đối thoại với doanh nghiệp để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tháo gỡ các khó khăn trong kinh doanh. Đồng thời, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong cải cách hành chính.

Thứ ba, tinh thần kinh doanh của Việt Nam còn được phản ánh trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn phát triển của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy hội nhập và liên kết kinh tế là động lực thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Tuy là một nền kinh tế có trình độ phát triển chưa cao, nhưng Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)... với những cam kết sẽ giúp thúc đẩy tinh thần kinh doanh và hoàn thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đang xấu đi, Việt Nam sẽ có lập trường như thế nào đối với chủ nghĩa bảo hộ? Ngài đánh giá như thế nào về mức độ tự do thương mại trong ASEAN?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thực tiễn phát triển của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cho thấy, thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Bảo hộ không phải là giải pháp cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Kể từ khi đổi mới và mở cửa từ cuối thập niên 80, Việt Nam nhất quán với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực cũng như trên toàn cầu, thể hiện rõ qua việc tham gia ASEAN, APEC, ASEM và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả những hiệp định thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA… Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại quốc tế gia tăng, Việt Nam ủng hộ tăng cường hệ thống thương mại đa phương tự do, công bằng, minh bạch và dựa trên luật lệ quốc tế.

ASEAN là một trong những khu vực đi đầu về liên kết kinh tế trên thế giới và hiện đang nỗ lực tăng cường hơn nữa mức độ tự do hóa nội khối cũng như mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Bối cảnh mới mang tới nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, gia tăng vị thế của Việt Nam trong thương mại, đầu tư và chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn giúp Việt Nam có thể tranh thủ các khuôn khổ hợp tác, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Việc thực hiện các FTA đã ký kết giúp Việt Nam gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng dòng thương mại, đầu tư, đa dạng hóa đối tác và tham gia vào các chuỗi giá trị do phương Tây dẫn dắt. Thứ hai, xu hướng chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế như: (i) thúc đẩy thay đổi tư duy trong hoạt động hoạch định chính sách và vận hành doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất của toàn xã hội; (ii) thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thu hẹp khoảng cách về công nghệ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị; (iii) mở ra cơ hội phát triển dịch vụ và thương mại dịch vụ xuyên biên giới cho Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực. Thứ ba, biến đổi khí hậu và các FTA thế hệ mới là động lực thúc đẩy hội nhập liên kết kinh tế theo hướng bền vững.

Dưới đây là khuyến nghị chính sách của từng chủ đề nghiên cứu:

1. Nông nghiệp và thương mại tự do

  • Tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, hoàn thiện các chính sách cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực sang EU 
  • Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, sau thu hoạch trong ngành nông lâm thủy sản
  • Đổi mới, phát triển và kết nối các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, kết nối kinh doanh với khoa học công nghệ và phát triển doanh nghiệp
  • Hoàn thiện thể chế, quản lý nhà nước và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục các điều kiện và rào cản thương mai, giảm thiểu rủi ro trong thương mại quốc tế
  • Xây dựng các thương hiệu quốc gia cho từng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá phát triển thị trường

2. Sự phát triển của tiền kỹ thuật số

  • Cần chủ động và sớm chuẩn bị các giải pháp thông qua công cụ thuế và khuôn khổ quy định pháp luật. Cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền điện tử kĩ thuật số tại Việt Nam
  • Liên tục theo dõi, đánh giá tình hình triển khai các đồng tiền kĩ thuật số trên thế giới và các tác động đối với Việt Nam liên quan đến: dòng vốn, thanh toán quốc tế, thanh toán biên mậu và du lịch…., từ đó có các biện pháp phù hợp
  • Nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền kỹ thuật số

3.  Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

  • Nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế và FTA thế hệ mới
  • Xây dựng các giải pháp, chính sách để thực hiện có hiệu quả các FTA thế hệ mới
  • Đề xuất chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế
  • Đề xuất chính sách, giải pháp bảo đảm các nguồn lực cần thiết để tham gia hội nhập có hiệu quả khi tham gia các FTA thế hệ mới

Nội dung chi tiết của các khuyến nghị chính sách có thể tìm thấy trong file pdf đính kèm