Đánh giá phim the hurt locker

Bộ phim về đề tài chiến tranh Iraq "The Hurt Locker" đã được các nhà phê bình phim New York bầu chọn là Phim xuất sắc nhất trong năm.

Tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh Iraq "The Hurt Locker" đã được các nhà phê bình phim New York (NYFCC) bầu chọn là Phim xuất sắc nhất trong năm.

Trước đó bộ phim của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow cũng đã nhận được sự tôn vinh tương tự từ Hiệp hội các nhà phê bình phim Los Angeles.

Tài tử George Clooney của "Up In The Air" được NYFCC bình chọn là Nam diễn viên xuất sắc nhất, trong khi bên cánh nữ, người chiến thắng là Meryl Streep với phim "Julie And Julia"./.

“Tính bất thình lình của cuộc chiến là một cơn nghiện mạnh chết người, vì chiến tranh là một thứ ma túy” (Chris Hedge). Câu mở đầu đã cho khán giả ấn tượng về một phim chiến tranh, và cách khai thác chiến tranh dưới một góc độ lạ.

Sau đó là mặt đất khô rang đầy sỏi đá được quay với góc rất thấp và máy chuyển động không ngừng, rô bốt thám sát hiện trường xuất hiện xen lẫn hình ảnh dân chúng kéo nhau chạy hối hả, quân lính khẩn trương nhảy xuống từ xe quân sự…Một không khí hoang mang bất thường bao trùm tất cả.

Bộ phim đã bắt đầu bằng nhiệm vụ cuối cùng của Thompson, sỹ quan phá bom trong nhóm Bravo’s Company, cùng với hai sỹ quan yểm trợ Sanborn và Owen. Thompson tử nạn, James đến thay vị trí này, và ngày đầu tiên làm nhiệm vụ của James cũng đầy những tình huống không thể lường trước.

Cho tới phút thứ ba mươi của bộ phim, khi bộ phim đã giới thiệu được chủ đề phim, không gian (Baghdad) , thời gian phim (2004), các nhân vật chính (phần nào tính cách và mối quan hệ giữa họ) – nghĩa là làm được khá trọn vẹn những công việc mà một phần mở đầu phim cần làm, tên phim không xuất hiện. Khán giả bị cuốn vào bối cảnh câu chuyện, vào những sự kiện ly kỳ, thậm chí họ quên rằng đang xem một bộ phim hư cấu. The Hurt Locker có hơi hướng của điện ảnh trực tiếp (Cinema verite) ngay từ những phút đầu của bộ phim. Và sự có mặt của một tựa đề, dẫu là The Hurt Locker hay gì đi nữa cũng có thể phá vỡ cái khí quyển của một thiên phóng sự chiến trường mà đạo diễn và cộng sự đã dày công tạo dựng.

Kathryn Bigelow đã không chọn những diễn viên gạo cội nổi tiếng cho bộ phim của mình. Vào vai James, Sanborn và Owen là những diễn viên ít tiếng tăm, lý do được cho là “điều đó sẽ nhấn mạnh tính căng thẳng vì những gương mặt diễn viên ít quen thuộc cũng sẽ tạo ra tính bất định, không thể dự báo trước (Dawson, Nick (2009). “Time’s Up: Kathryn Bigelow’s The Hurt Locker”. The Times). Mặt khác, đây cũng là một khía cạnh của khuynh hướng hiện thực trong The Hurt Locker. Gương mặt diễn viên ít được công chúng biết đến, giống như con người từ đời thực bước thẳng vào màn ảnh. Hóa trang và phục trang được thực hiện để họ có bề ngoài giống như bất kỳ người lính bình thường nào trong quân đội Hoa Kỳ. Khán giả hầu như không cần bận tâm suy xét xem diễn xuất của diễn viên trong phim này có tốt bằng các phim trước, tạo hình có phù hợp hay không, tất cả những gì họ thấy là câu chuyện của những người lính trên phim.

Đúng như tính chất nhiệm vụ của những người lính này, sự kiện được thuật lại trong phim chứa đựng trong nó một ngòi nổ thường trực. Ngòi nổ này có thể được gài cắm ở nhiều vị trí khác nhau, từ những nhân vật phụ (chủ hàng thịt, người bấm điện thoại di động kích hoạt mìn giết chết Thompson), ngay từ nhân vật chính (James tung hỏa mù đánh lạc hướng kẻ đặt bom hay trêu đùa đồng sự của anh ta?), từ những sự kiện bất thường có tính ngẫu nhiên (chiếc taxi lao vào hiện trường phá bom). Người xem (và cả nhân vật) không thể đoán được chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra, bởi vậy luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Mỗi lần đi làm nhiệm vụ là mỗi lần người lính cận kề cái chết, nhất là với sỹ quan trực tiếp làm nhiệm vụ. Đó là một trạng thái rất đặc biệt, một cái chết được “treo” lơ lửng, thách thức và hăm dọa ( “phá bom thế nào để khỏi chết” trở thành tuyên ngôn nhà binh của James). Ý thức rõ điều này, Kathryn đã truyền không khí bất ổn đầy hoang mang đó vào tác phẩm điện ảnh này bằng việc sử dụng 04 máy quay nhẹ (lightweight) và 04 (hoặc hơn) đội quay phim làm việc đồng thời. Những máy quay nhẹ này đã đáp ứng tính cơ động cao của những cảnh quay mang tính chất phóng sự chiến trường. Bốn đội quay làm việc đồng thời đã thu được hơn 200 giờ phim, với kết quả cuối cùng là 131 phút phim được trình chiếu. Việc 4 đội quay làm việc cùng lúc cung cấp cho phim những góc độ cực kỳ phong phú về hoạt động chiến trường, chẳng hạn một loạt các hành động diễn ra đồng thời (trong thời gian phim): James đi vào sâu hiện trường và thực hiện nhiệm vụ phá bom, Sanborn và Owen yểm trợ bên ngoài, các lực lượng yểm trợ khác, người dân địa phương, kẻ đứng sau vụ đặt bom… Máy quay luôn ở trạng thái động, các cú lia máy, các góc máy cao thấp được khai thác triệt để…với mục tiêu bám đuổi diễn biến sự kiện, hành động của nhân vật. Về điểm này thì bộ phim mang đậm tính hiện thực tài liệu. Các thủ pháp khác như slomo xuất hiện (đoạn bom nổ và Thompson hy sinh) không thường xuyên. Thời gian thực bị bóp méo đi , nhưng cái ấn tượng khủng khiếp về sức ép của những khối thuốc nổ lại được thể hiện khá đầy đủ.

Trong sách Tìm hiểu phim của Warren Buckland, Kathryn Bigelow được nhắc tới như một đạo diễn “ở một chừng mực nào đó đã phá vỡ nguyên tắc của các thể loại bằng việc kết hợp chúng trong cùng một bộ phim và kiến tạo ra những thể loại lai”. Điều này đúng với trường hợp của The Hurt Locker, một phim hư cấu theo khuynh hướng hiện thực rõ nét, một hiện tượng bán tài liệu.