Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm học 2022 2023

Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý

Trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, đề án, chương trình để cụ thể hóa các chủ trương và định hướng phát triển giáo dục theo từng năm và cho cả giai đoạn, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh

Thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.

Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên

Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

Năm học 2022-2023, thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học đối với lớp 3.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho Giáo dục và Đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới và triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7, 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương; Trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022-2023.

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và phương án đến năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính.

Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế...

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường các điều kiện bảo đảm và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục. Chú trọng việc thanh tra trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh/thành phố, bộ, ngành; kiểm tra các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; kiểm tra công tác tuyển sinh trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, điều kiện bảo đảm chất lượng; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.

Hội nhập quốc tế trong giáo dục

Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; tăng cường hợp tác và đầu tư với nước ngoài, khuyến khích hợp tác với các cơ sở giáo dục-đào tạo từ các quốc gia phát triển; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam. Tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục phổ thông và các bảng xếp hạng trường đại học có uy tín quốc tế.

Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chủ động phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục

Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.

Theo đó, năm học 2022-2023, cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc sẽ tựu trường sớm nhất trước một tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.

Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2022. Kết thúc học kỳ I trước ngày 15/1/2023, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2023. Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2023.

Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2023.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương, kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học [học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần];

Đối với giáo dục thường xuyên [thực hiện chương trình giáo dục THCS và THPT] thì các lớp 8, lớp 9 cấp trung học cơ sở và lớp 11, lớp 12 cấp trung học phổ thông có 32 tuần thực học [mỗi học kỳ có 16 tuần]. Đối với các lớp  6, 7 cấp trung học cơ sở và lớp 10 cấp trung học phổ thông có 35 tuần thực học [học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần].

Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương. Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hàng năm. Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương. Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học  trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý về nội dung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ở các địa phương bao gồm: Ngày tựu trường, ngày khai giảng; ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ I; ngày bắt đầu và ngày kết thúc học kỳ II; ngày kết thúc năm học;

Ngày thi học sinh giỏi, ngày xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, ngày xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.  Ngày hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học;

Các ngày nghỉ lễ, tết. Thời gian nghỉ đối với giáo viên trong năm học. Các ngày nghỉ khác [nghỉ giữa học kỳ, nghỉ cuối học kỳ, nghỉ theo mùa, vụ, nghỉ tết của đồng bào dân tộc thiểu số, nghỉ lễ hội truyền thống của địa phương].

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trong trường hợp ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thời gian tựu trường và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với quy định tại Điều 1 của Quyết định này để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Các trường hợp đặc biệt phát sinh khác, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.

Đồng thời, báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo tình hình chuẩn bị năm học và tình hình tổ chức khai giảng năm học 2022-2023 trước ngày 10/9/2022; sơ kết học kỳ I trước ngày 31/1/2023; tổng kết năm học, báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí thi đua và đề nghị xét khen thưởng năm học trước ngày 25/6/2023; những quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Video liên quan

Chủ Đề