Phỏng vấn điểm yếu của bạn là gì

Khi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường đặt ra các hỏi để cân đo trí thông minh của các ứng cử viên. Và bạn phải làm gì khi đứng trước câu hỏi: "Anh chị hãy nói về điểm mạnh và điểm yếu của mình"? Nên nói dối hay nói thật?

5 mẹo sau đây sẽ giúp bạn vượt qua được thử thách đó: 1. Đề cập tới một kỹ năng cụ thể

Bạn có thể nói ra điểm yếu của mình dựa trên một kỹ năng cụ thể. Ví dụ "Tôi rất quan tâm đến dịch vụ khách hàng. Tôi thường dành thời gian để đến gặp khách hàng. Nhưng cũng chính điều này đã gây cho tôi nhiều trở ngại vì họ ở những khu vực địa lí khác nhau."
2. Điểm yếu của bạn? Và bạn làm gì để khắc phục chúng?

Điều này thể hiện những nỗ lực vượt mọi khó khăn của chính bản thân bạn. Ví dụ "Tôi thực sự không tự tin khi diễn thuyết trước đám đông. Vì thế, tôi phải tham gia một câu lạc bộ thuyết trình để có thể khắc phục những nhược điểm đó". Ví dụ khác: "Hiện tại tôi chỉ biết nói tiếng Anh. Và tôi nhận thấy rằng, khi xã hội ngày càng phát triển thì như thế vẫn chưa đủ. Vì vậy, tôi sẽ học thêm tiếng Nhật để phục vụ cho công việc của tôi sau này."
3. Những điểm yếu có thể không liên quan đến công việc

Nếu có khiếu hài hước, đôi khi bạn có thể đưa ra một số điểm yếu không liên quan đến công việc bạn định xin tuyển. Chẳng hạn: "tôi là người nấu ăn tồi" hay "tôi không biết nhảy". Bằng cách này, nhà tuyển dụng sẽ tin rằng, bạn có thể đảm nhiệm được vị trí mới bởi điểm yếu của bạn chẳng liên quan gì đến công việc cả!
4. Không nên nói dối

Không ai có thể hoàn hảo về mọi mặt. Vì thế, đừng bao giờ nói với nhà tuyển dụng rằng bạn không có bất cứ điểm yếu nào. Hãy trung thực với chính bản thân mình vì không gì có thể che mắt được người phỏng vấn.
5. Không đưa ra câu trả lời chung chung

Nhà tuyển dụng sẽ thích những câu hỏi ngắn gọn, đơn giản và thực tế. Họ không có thời gian để tưởng tượng ra những lời bạn nói nếu chúng quá bóng bẩy hoặc quá chung chung. Ví dụ "Tôi là một người cầu toàn" hay bất cứ một câu nào tương tự như thế.

Điểm cuối cùng bạn cần chú ý là: khi nói đến điểm yếu của mình hãy kèm theo những việc làm, những bước đi mà bạn đã và đang thực hiện để khắc phục chúng. Cùng với sự tự tin, tính chuyên nghiệp chắc chắn cuộc phỏng vấn của bạn sẽ thành công.

  Theo: VTV

Cách nhanh nhất làm cho một cuộc phỏng vấn trở nên tồi tệ đó là tránh những câu hỏi do người phỏng vấn đặt ra. Một câu hỏi mà hầu như ứng viên nào cũng thích “né” đó là “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”

Hầu hết các ứng viên đều nhanh chóng trả lời với những câu bằng những điều không thật, chẳng hạn như “Tôi là người nghiện công việc” hoặc “Tôi là người hoàn hảo”. Những câu trả lời như vậy chẳng những buồn tẻ, mà chúng còn là những câu trả lời quá quen thuộc đối với người phỏng vấn. Khi nghe những câu trả lời như vậy, người phỏng vấn thường “vặn” lại ứng viên, chẳng hạn như “Đó hình như không phải là một điểm yếu. Tại sao anh [chị] không nói cho tôi nghe điểm yếu thực sự của mình?”

Thật chẳng dễ chịu chút nào khi phải tiếp xúc với người luôn tìm cách nắn gân mình. Tuy nhiên, đó là người quyết định sự thành bại của bạn trong cuộc phỏng vấn ấy. Cũng giống như bạn, người phỏng vấn cũng muốn cuộc phỏng vấn diễn ra càng trôi chảy càng tốt, và họ sẽ nhanh chóng cảm thấy tức tối khi họ bị đặt vào vị trí đối lập.

Khi trả lời những câu hỏi liên quan đến điểm yếu nhất của bạn, tôi khuyên bạn nên nói thật một phần. Mặc dù tôi không khuyên bạn nói ra tất cả mọi điểm yếu của mình, nhưng chỉ nói ra một điểm yếu duy nhất thì cũng không phải là một ý tưởng hay. Một sự vừa phải sẽ là tốt nhất. Và bạn nên tập trung vào những điểm yếu mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc bạn đang dự tuyển. Điều này nên là một điểm yếu mà bạn đang trong quá trình sửa chữa. Lưu ý rằng không phải là điểm yếu mà bạn đã sửa chữa được rồi, vì đó đâu còn là điểm yếu nữa.

Người phỏng vấn nhận ra rằng người tìm việc không chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những câu hỏi về điểm yếu nhất. Ngày nay, có môt xu hướng mới trong các vòng phỏng vấn và người phỏng vấn càng ngày càng hỏi những câu hỏi đa dạng, bất ngờ. Làm việc này, người phỏng vấn có thể dễ dàng “cân não” ứng viên và từ các câu trả lời không chuẩn bị trước của ứng viên, người phỏng vấn có thể dễ dàng nhận ra các điểm mạnh , điểm yếu.

Những câu hỏi về “Điểm yếu nhất” tiêu biểu:
• Chúng ta thường có những việc mà chúng không thích làm. Vậy trong công việc hàng ngày của bạn, việc gì bạn không thích làm?

Với mong muốn giúp bạn cảm thấy thoải mái, người phỏng vấn thường đặt những câu hỏi bắt đầu bằng “Chúng ta.” Yếu tố tâm lý phía sau cách sử dụng này đó là giúp bạn cảm thấy như bạn đang nói chuyện với một người bạn, giúp bạn trở nên cởi mở hơn.

• Hãy nhớ lại lần đánh giá gần đây nhất của bạn. Cấp trên trực tiếp của bạn khuyên bạn nên cải thiện điều gì?

Đây là một cơ hội tốt cho bạn khi mà cấp trên trực tiếp của bạn cho bạn những lời khuyên để bạn hoàn thiện mình. Những người phỏng vấn thường biết rõ điều này và hy vọng rằng bạn sẽ tiết lộ một vài chi tiết về bản đánh giá gần đây nhất của bạn.

• Hãy mô tả một dự án bạn đã thực hiện mà kết quả không giống như bạn mong đợi.

Người phỏng vấn nhận thấy rằng người tìm việc sẽ tiết lộ nhiều hơn khi họ được yêu cầu kể một câu chuyện. Và người phỏng vấn thường cho rằng bạn càng nói nhiều thì bạn càng bộc lộ nhiều điểm yếu của mình.

• Bạn cảm thấy bạn phù hợp nhất với lĩnh vực nào trong công việc của mình?

Câu hỏi này rất giống với câu hỏi về “Điểm yếu nhất”. Tuy nhiên, người phỏng vấn tin rằng cách đặt câu hỏi như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin hơn và dễ dàng trả lời hơn.

Kết luận: Dù bạn có muốn tiết lộ những thông tin nhạy cảm trong cuộc phỏng vấn hay không, người phỏng vấn, bằng cách này hay cách khác, sẽ cố tìm hiểu những thông tin mà họ cần về bạn. Người phỏng vấn muốn tìm ra tất cả những lý do tại sao họ không nên thuê bạn, và họ hy vọng những lý do này sẽ do bạn tự nói ra. Hãy chuẩn bị kỹ để đối phó.

  HRvietnam

Chủ Đề