So sánh giá vàng trong nước và thế giới năm 2024

VOV.VN - Giá vàng SJC đang chênh với giá vàng thế giới hơn 15 triệu đồng/lượng. Đây là khoảng cách rất lớn, bị chi phối bởi tâm lý khách hàng, và sự độc quyền trong nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC.

Vàng vốn được xem là tài sản tích trữ an toàn của người dân bên cạnh tiền đồng Việt Nam và một số loại ngoại tệ khác như USD, Euro... Không những thế, đối với các nhà đầu tư thì vàng còn được coi là một kênh đầu tư hiệu quả, an toàn và ổn định bên cạnh các kênh đầu tư khác với biên độ biến động lớn hơn như bất động sản và chứng khoán.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước đã trải qua nhiều biến động trong những năm gần đây, đặc biệt là có sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới. Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ, nhập lậu vàng cùng những bất ổn khác cho nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, sự chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới đã có lúc lên đến đỉnh điểm gần 20 triệu đồng mỗi lượng. Và ở thời điểm hiện tại (chiều 3/10/2023), khi giá vàng thế giới đã tiệm cận mốc 1.800 USD/ounce, nhưng thấp hơn so với giá vàng SJC tới trên 15 triệu đồng/lượng.

So sánh giá vàng trong nước và thế giới năm 2024

Khoảng cách giữa giá vàng SJC và vàng thế giới ngày càng giãn rộng. (Ảnh minh họa: KT)

Giới phân tích thị trường cho rằng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đang giống như một "vùng đệm" cho giá vàng trong nước trước những biến động của giá quốc tế. Khoảng cách này thường xuyên co giãn theo biến động của giá vàng thế giới: Nếu giá vàng thế giới tăng thì chênh lệch rút ngắn, và ngược lại, giá vàng thế giới giảm thì chênh lệch lại giãn rộng ra.

Song, nếu xem khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới là một "thước đo" cho sự chênh lệch cung - cầu vàng trong nước thì thị trường vẫn đang bị thiếu cung. Như vậy, nếu kịch bản này còn kéo dài, thì với xu hướng tăng của giá vàng SJC như hiện nay thì trong thời gian tới, sự chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường sẽ bị nới rộng thêm, và khoảng cách hơn 15 triệu đồng/lượng như hiện nay là rất khó để phá vỡ.

Không nên đầu cơ, "lướt sóng" vàng

Thị trường vàng Việt Nam thường bị yếu tố tâm lý chi phối mạnh, đặc biệt là thời điểm cuối năm và đầu tháng Giêng âm lịch khi Ngày Vía Thần Tài đến gần. Ở thời điểm hiện nay, nhiều người tỏ ra sốt ruột khi tình trạng vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới quá lớn nhưng các cơ quan quản lý lại chưa có một động thái mạnh mẽ nhằm kiểm soát tình trạng này.

Giới chuyên gia đã không ít lần đưa ra khuyến cáo, giá vàng thế giới và Việt Nam chênh lệch cao sẽ tạo nguy cơ buôn lậu vàng vì giới buôn lậu mua rẻ trên thị trường nước ngoài và bán trong nước với giá cao.

So sánh giá vàng trong nước và thế giới năm 2024

Người dân không lên đầu cơ, "lướt sóng" vàng vì giá khó lường. (Ảnh minh họa)

Theo phân tích của Th.s Nguyễn Ngọc Hân, Đại học Kinh tế TP.HCM - chuyên gia trong lĩnh vực kim loại quý, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tác động nhiều nhất đến giá vàng trong nước là do trung bình mỗi năm số lượng vàng khai thác tại Việt Nam rất ít, không đủ đáp ứng được nhu cầu trong nước nên buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu vàng thế giới. Nhu cầu nhập khẩu khá lớn nhưng nguồn cung lại hạn hẹp do đó giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá vàng thế giới.

Th.s Nguyễn Ngọc Hân cho rằng, cần tận dụng tối đa nguồn lực của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong việc sản xuất vàng miếng để tối thiểu hóa chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, cần xử phạt nghiêm khắc các hành vi nhập lậu vàng, vi phạm quyền độc quyền sản xuất vàng miếng của NHNN, lợi dụng chênh lệch giá để kinh doanh vàng miếng trái phép, nhất là vào thời điểm hiện nay khi mà giá vàng miếng trong nước đang chênh lệch rất lớn so với giá vàng thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, mức chênh hiện tại giữa giá vàng trong nước và thế giới như hiện nay là quá cao. Nguyên nhân chính của thực tế này là do thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thị trường quốc tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở Việt Nam chỉ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được quyền nhập khẩu vàng, từ đó phân phối ra thị trường. Do đó, nguồn cung không dồi dào và đẩy giá mặt hàng này lên cao. Ông Hiếu khuyến cáo người dân không nên đầu cơ, "lướt sóng" đối với kim loại này trong thời gian ngắn bởi thị trường vàng rất bất định, không thể biết được giá vàng lên xuống như thế nào.

Vàng SJC "một mình một chợ"?

Chia sẻ trên Báo Người Lao động, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long phân tích phân tích: Nghị định 24 của NHNN đã góp phần tạo sự ổn định thị trường vàng, nhưng một số quy định trong nghị định này không còn phù hợp. Thị trường vàng SJC đang "một mình một chợ" và nảy sinh nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là giá vàng SJC quá cao so với vàng thế giới.

Nguyên nhân là do NHNN độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC dẫn tới cầu lớn, cung có hạn khiến giá vàng SJC tăng cao và chênh lệch lớn với thế giới. Vì vậy, để thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC và thế giới, cần xóa bỏ độc quyền vàng SJC và cho phép nhiều thương hiệu vàng khác cùng tham gia, TS. Ngô Trí Long đề xuất.

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá vàng tháng 9/2023 tăng 0,94% so với tháng trước; tăng 4,91% so với tháng 12/2022; tăng 7,83% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, giá vàng tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước.