Tại sao syria bị chiến tranh

Cách đây 10 năm, ngày 15/3/2011 được xem là dấu mốc khởi đầu cho cuộc xung đột tại Syria khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đồng loạt diễn ra trên toàn quốc. 10 năm sau, chính phủ của Tổng thống Syria Assad đã trụ vững qua làn sóng “Mùa xuân Arab”, nhưng không thể xóa đi những vết hằn của một cuộc nội chiến đẫm máu hiển hiện trên khắp đất nước. Gần 400.000 người đã thiệt mạng, hàng triệu người di tản đến giờ vẫn chưa thể trở về quê hương...

Tình hình ở Syria vẫn là “ác mộng giữa đời thường” sau 10 năm nội chiến”. Đó là nhận định của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres khi kêu gọi các bên tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hòa bình, mang lại cuộc sống hòa bình thực sự cho người dân...

Chiến trường Syria. Ảnh: Wbur.

Bức tranh Syria hiện nay sau 10 năm nội chiến

Vào thời điểm này 10 năm trước, từ những cuộc biểu tình nhỏ trong làn sóng “Mùa xuân Arab” đã dần dẫn tới bạo lực và xung đột lan rộng trên toàn đất nước Syria. Sau 1 thập kỷ, cuộc nội chiến Syria đã cướp đi sinh mạng của 388.000 người, trong đó có khoảng 118.000 dân thường và 22.000 trẻ em. Hơn 1/2 dân số Syria đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khoảng 200.000 người mất tích.

Tới nay, chính phủ Syria đã giành lại gần hết quyền kiểm soát lãnh thổ nhưng hạ tầng cơ sở đã bị tàn phá nặng nề và sự chia rẽ dân tộc thì vẫn còn đó. Ngoài ra, sự lan rộng của đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn. Liên Hợp Quốc cảnh báo, nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thì 60% người dân Syria có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay, đặc biệt là người dân tại các khu vực biên giới và các khu vực xung đột.

Chiến tranh kéo dài đã dẫn đến những rạn nứt sâu sắc trong cấu trúc xã hội Syria, ngay cả giữa những người thân, bạn bè hoặc trong cùng một gia đình, giữa những người trung thành hoặc những người chống đối chính phủ, và thời gian chiến tranh càng kéo dài, sự chia rẽ trong xã hội càng sâu sắc.

Một điểm cần nhấn mạnh đó là trẻ em chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc xung đột kéo dài ở Syria. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong vòng 10 năm qua, hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra trong các trại tị nạn ngoài Syria; 3,5 triệu trẻ em thất học; 90% trẻ em Syria đang rất cần được hỗ trợ cả về vật chất và tâm lý. Chúng không biết đến bất cứ điều gì ngoài chết chóc, li tán và tàn phá.

Những điểm mấu chốt khiến tiến trình hòa bình và xây dựng hiến pháp mới ở Syria khó thực hiện

Sau 10 năm xung đột, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, tình hình ở Syria là một cơn ác mộng kinh hoàng, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho nước này. Tuy nhiên, phải nói rằng hy vọng về một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria vẫn còn rất mù mịt.

Những trở ngại chính đối với tiến trình hòa bình Syria phải kể đến đầu tiên đó là xung đột lợi ích giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực có ảnh hưởng lớn về cả quân sự và chính trị ở Syria, và có quyền quyết định thay cho người Syria. Rất nhiều cuộc hòa đàm đã được tổ chức, từ các hội nghị Geneva, các vòng đàm phán Astana, tiếp xúc song phương giữa Mỹ và Nga… nhưng chưa bao giờ đem lại kết quả thực sự.

Có thể nói, cuộc nội chiến Syria đánh dấu thay đổi rõ ràng trong cán cân quyền lực tại Trung Đông từ Mỹ sang Nga. Năm 2015, Nga cử lực lượng không quân tới Syria tham gia chiến dịch chống IS theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad. Chiến dịch do Nga thực hiện đã gặt hái được một số thành quả, không những giúp đẩy lùi IS mà còn tạo lợi thế cho chính quyền al-Assad trên thực địa và củng cố vị thế vững chắc của Nga tại Syria.

Trong khi đó, Mỹ lại tuyên bố rút một phần binh sĩ khỏi Đông Bắc Syria - nơi lực lượng đồng minh người Kurd hoạt động. Các nước châu Âu dường như cũng đang theo Mỹ, bỏ qua những gì đang diễn ra ở Syria, không muốn liên quan. Mỹ và châu Âu đang cố gắng thông qua các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền al-Assad và các thực thể liên quan hòng gây sức ép tiến hành những cải cách chính trị để đổi lại việc bình thường hóa quan hệ quốc tế.

Bên cạnh đó, trong vòng xoáy xung đột lợi ích này còn phải kể đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã đã tìm kiếm chỗ đứng ngay từ đầu ở Syria, để đạt được tham vọng bành trướng ảnh hưởng vào thế giới Arab và ngăn chặn sự lớn mạnh của người Kurd ở Syria.

Thứ hai, là sự chia rẽ trong nội bộ những người Syria. Tổng thống al-Assad có vẻ chưa sẵn sàng đàm phán với các nhóm chính trị đối lập luôn giữ quan điểm buộc ông phải từ bỏ quyền lực. Chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát các thành phố lớn nhất của Syria, nhưng một phần lớn đất nước vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập vũ trang, các phần tử thánh chiến hoặc lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd kiểm soát.

Chính phủ Syria nhận được sự ủng hộ của Nga và Iran, trong khi phe đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ, các cường quốc phương Tây và một số quốc gia vùng Vịnh ủng hộ ở các mức độ khác nhau. Vào tháng 3/2020, tình hình tại Syria cơ bản ổn định, sau khi một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết, với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, nhằm ngăn chặn động thái giành lại quyền kiểm soát Idlib của chính phủ, tuy vậy thỏa thuận này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Thứ ba, khó khăn trong hoạt động tái thiết và cung cấp viện trợ nhân đạo. Chiến tranh kéo dài 10 năm đã biến Syria thành một đống đổ nát và thiệt hại ước tính lên tới 1.200 tỷ USD. Hàng ngàn cơ sở công nghiệp trong tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như khai thác dầu, khí; năng lượng điện; khai khoáng... đã bị phá hủy.

Theo tính toán của giới chuyên gia, chi phí cần thiết cho công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng của Syria dao động từ 300 đến 1.200 tỷ USD, và chỉ tính riêng việc khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ mất từ 10 đến 15 năm; còn việc tái thiết lại các cơ sở hạ tầng, khôi phục lại nền kinh tế và đạt mức phát triển như hồi trước năm 2011 là "nhiệm vụ thế kỷ" đối với không chỉ chính quyền Syria mà còn với cả cộng đồng quốc tế.

Một vấn đề cấp bách khác hiện nay đó là giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Syria. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi mở rộng khả năng tiếp cận hỗ trợ nhân đạo, tăng cường cung cấp viện trợ qua các tuyến biên giới cho những người nghèo. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa thể thực hiện do bất đồng giữa các nước trong Hội đồng Bảo an. Năm ngoái, Hội đồng đã phải giảm số điểm tiếp tế xuyên biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria từ 4 điểm xuống còn một điểm, do sự phản đối của Nga và Trung Quốc.

Bài học lớn nhất từ cuộc nội chiến Syria

Từ tình hình bất ổn ở một loạt các nước Trung Đông – Bắc Phi có thể nhận thấy sự thất bại của làn sóng “Mùa xuân Arab”. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất đầu thế kỷ 21, đã làm thay đổi đáng kể toàn bộ khu vực Trung Đông-Bắc Phi, nhưng chúng không thực hiện được những khát vọng và mục tiêu ban đầu của những người biểu tình.

Cuộc xung đột dần chuyển từ đòi hỏi cải cách, xóa bỏ tham nhũng và thất nghiệp, sang cuộc đấu tranh giữa các giáo phái với việc Hồi giáo hóa các phe đối lập. Sức mạnh của phe đối lập ôn hòa suy giảm với sự xuất hiện của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Các phong trào nổi dậy không chỉ làm thay đổi chế độ mà còn kéo theo cả những hậu quả hết sức nặng nề mà các quốc gia bị ảnh hưởng không dễ gì khắc phục. Những gì đã và đang diễn ra tại Syria, Tunisia, Libya, Yemen, Sudan... chính là hệ quả của phong trào “Mùa xuân Arab”.

Tại Syria, các cuộc biểu tình leo thang thành một cuộc nội chiến toàn diện. Nhờ sự giúp đỡ của Nga, Tổng thống Bashar Al-Assad cầm quyền từ năm 2000 trở thành nhà lãnh đạo duy nhất có thể cầm cự được trước sự tấn công của các lực lượng đối lập.

Theo một khảo sát quốc tế được tiến hành tại 9 quốc gia Arab bị tác động nhiều nhất của làn sóng “Mùa xuân Arab”, phần lớn người dân tin rằng, tình hình hiện nay tồi tệ và nghèo khổ hơn nhiều so với 10 năm trước đây. Tại Syria, 75% số người được hỏi cho rằng, “Mùa xuân Arab” đã tàn phá đất nước và cuộc sống yên bình của họ.

Rõ ràng là trước những hậu quả của cuộc chiến kéo dài 10 năm tại Syria cũng như tác động tiêu cực của làn sóng “Mùa xuân Arab” tại khu vực, chính quyền các nước cần thực hiện những cải cách kịp thời để hạn chế tình trạng độc đoán tham nhũng, giảm bớt sự phân cực giàu nghèo và quan tâm cải thiện điều kiện sống của người dân, đồng thời cần tự nắm lấy vận mệnh, không nên trông chờ quá nhiều vào sự giúp đỡ từ bên ngoài./.

Mười năm xung đột đã làm cho gần 400.000 người chết, 13 trong tổng số 23 triệu dân [theo thống kê năm 2011] phải di tản, trong số này, hơn 6 triệu người phải tị nạn sang các nước láng giềng. Chiến sự triền miên làm cho nền kinh tế kiệt quệ, hơn 80% người dân sống trong cảnh bần hàn, đồng nội tệ rớt giá thê thảm và vật giá leo thang.

Nhưng đó cũng là một đất nước bị « xẻo » từng mẩu. Damas kiểm soát 2/3 lãnh thổ bao gồm miền nam, miền trung đất nước cùng với vùng duyên hải Địa Trung Hải. Một phần ba lãnh thổ đông bắc nằm trong tay người Kurdistan. Vùng Tây Bắc và một phần nhỏ Đông Bắc do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ. Trong khi vùng biên giới với Irak vẫn còn nhiều ổ Daech hay những nhóm thánh chiến trung thành với IS.

Theo giải thích của nhà địa lý học Fabrice Balanche, trường đại học Lyon 2 với đài RFI, sở dĩ Bachar al Assad vẫn cầm cự được là nhờ vào cộng đồng người người Alawi, nguồn gốc xuất thân của dòng họ Assad, một nguồn lực nội tại đã bị cộng đồng thế giới đánh giá quá thấp ngay từ đầu cuộc nổi dậy.

Người Hồi giáo hệ phái Alawi có vai trò cốt lõi trong việc bảo đảm an ninh cho chế độ. Các tướng lĩnh, nhân viên tình báo chủ yếu được tuyển dụng từ cộng đồng này và họ cũng không thể nào không gắn bó với chính phủ do được hưởng nhiều quyền lợi, nhưng cũng vì nỗi sợ bị trả thù nếu như phe nổi dậy lên cầm quyền.

« Chúng ta cũng nên hiểu rõ rằng Bachar al Assad là trụ cột của một hệ thống phân phối quyền lợi, do chính cha của ông, Hafez al Assad, lập ra từ năm 1970. Ông ấy biết rõ tất cả các thân hào, các tộc trưởng, các tướng lĩnh, những người đã dựng lên cơ cấu này. Bachar al Assad cố ý tìm cách xua đuổi 7 triệu dân khỏi Syria. Với giá này, ông ấy tái lập một khế ước xã hội, bằng cách tái phân bổ cho những người ở lại tài sản của những người bị đuổi đi. Những người ở lại càng trung thành với chế độ bao nhiêu càng không muốn những người chạy nạn trở về thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt bấy nhiêu. »

Cũng trên đài RFI, nhà nghiên cứu Agnès Levallois, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược [FRS], nhắc đến sự hậu thuẫn không gì lay chuyển từ các đồng minh thân cận nhất là Nga và Iran, từ sự can dự của một số nhóm dân quân chủ yếu thuộc hệ phái Shia, như phe Hezbollah ở Liban, Irak, Afghanistan đến chi viện cho quân đội Syria.

Nhìn chung, về mặt quân sự, Bachar al Assad đã thắng. Nhưng theo quan điểm của bà Agnès Levallois đánh giá này chỉ mang tính tương đối. Đương nhiên Nga và Iran có một vai trò đáng kể cho sự tồn tại của chế độ Damas, nhưng « vì một lý do này hay khác, lỡ như hai nguồn hậu thuẫn này thay đổi chính sách, đương nhiên ý định đó vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự, nhưng nếu có xảy ra thì Bachar al Assad có lẽ sẽ khó mà cầm cự được bởi vì chế độ không thể đơn độc chống giữ. Hơn nữa, do việc đông đảo người dân bỏ xứ ra đi, rất nhiều giới trẻ không muốn tham gia quân đội, nên Bachar Al Assad cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân để chiến đấu và duy trì chế độ hiện hành. »

Syria : Cơ hội vàng cho Nga và Iran khẳng định vị thế tại Trung Đông

Một điều chắc chắn được hầu hết các nhà quan sát tán đồng, trong ván cờ này, Nga và Iran là những bên thắng lớn. Đối với Matxcơva, sự kiện vượt quá cả khuôn khổ cuộc chơi Syria. Quyết định can thiệp vào Syria năm 2015 là bàn đạp cho phép Vladimir Putin tái khẳng định sức mạnh, vai trò và vị thế quốc tế của Nga cùng sánh vai ngang hàng với Mỹ.

Về điểm này, ông Joseph Bahout, giáo sư ngành Khoa học Chính trị, trường đại học Mỹ tại Beyrouth, trên đài phát thanh France Culture, có phân tích như sau :

« Chính nhờ Syria mà nước Nga lại trở thành tác nhân có quyền tuyệt đối mà Nga từng có trên trường quốc tế, bằng những lá phiếu phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An, chiếc xe ủi quân sự tái chinh phục đất nước cho chế độ Al Assad. Chính nhờ Syria mà Nga tái khẳng định một nguyên tắc quý giá đối với Nga ở cấp độ quốc tế : Không có chuyện lật đổ chế độ bằng một cuộc cách mạng nhân dân. Cũng chính với Syria mà Nga chứng tỏ rằng họ là một đồng minh trung thành, không như nước Mỹ. Cuối cùng, Syria là sàn diễn cho Nga phô bày các loại vũ khí đời mới nhất ».

Nhờ vậy mà gót giầy đinh Nga lại được vang lên ở vùng Trung Đông, khu vực mà Nga đã bỏ rơi sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, cũng như là vùng Địa Trung Hải. Vẫn theo ông Joseph Bahout, « cho dù không thể có được một giải pháp chính trị tuyệt đối cho Syria, nhưng Nga cũng thừa hiểu rằng sẽ không có một giải pháp nào khác nếu không có Nga, hay nếu Nga không là một đối tác chính. »

Với Iran, nước cờ có chút khác biệt. Ông Joseph Bahout cho rằng Teheran « tuyệt đối muốn giữ Syria cùng với Irak và Liban trong tầm ảnh hưởng của mình, do vậy phải ngăn chận bằng mọi giá chế độ bị sụp đổ. Cùng với các nhóm dân quân đến từ Irak hay Liban [Hezbollah], nhờ các chương trình huấn luyện và đào tạo, Iran đã cứu vãn được điều cốt lõi : Con đường hành lang nối Cận Đông đến Địa Trung Hải, chiếm giữ một vị trí quan trọng trên bình diện quân sự, địa chính trị, và cho phép mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran. Và nhất là khi cứu chế độ Assad – Alawi, Iran theo hệ phái Shia cũng ngăn cản được Syria đi theo phe các nước Hồi giáo hệ phái Sunni thù nghịch, đứng đầu là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ».

Nước Mỹ thời Barack Obama tiếp sức cho Nga và Iran ?

Nhưng Nga và Iran làm được tất cả những điều đó cũng vì một nước cờ sai của Mỹ thời Barack Obama. Hẳn nhiều nước châu Âu, đồng minh của Mỹ không thể nào quên được thái độ quay ngoắt của Washington sau khi vạch ra lằn ranh đỏ với Damas trong việc sử dụng vũ khí hóa học. Nhà địa lý học Fabrice Balanche giải thích nguyên nhân sâu xa :

« Cần phải đi sâu vào bối cảnh quốc tế giữa Nga và Mỹ, nghĩa là Barack Obama vừa hoàn tất việc rút lính Mỹ ra khỏi Irak cuối năm 2011. Ông không muốn nhúng tay vào một vũng bùn mới ở Trung Đông và Syria.

Tổng thống Mỹ lúc ấy xem đà đi lên của các nhóm thánh chiến như là một mối nguy hiểm. Ngay từ tháng 11/2012, ngoại trưởng Hillary Clinton đã đưa phe Al Nosra vào danh sách các nhóm khủng bố, đồng thời nói rõ với phe đối lập Syria là có những lằn ranh đỏ không nên vượt qua. Kể từ đó, Hoa Kỳ không muốn dấn thân vào tổ ong vò vẽ này nữa.

Nhưng khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tháng 8/2013, Barack Obama đã nhanh chóng nắm lấy đề nghị của ông Putin tìm kiếm một thỏa thuận với chế độ Syria theo đó Bachar al Assad từ bỏ kho vũ khí hóa học cực kỳ quan trọng của mình và người ta chỉ dừng lại ở đó.

Hoa Kỳ còn nghĩ rằng họ có thể dùng Nga để gây áp lực với Damas nhằm có được những nhượng bộ từ Bachar al Assad. Chính ông Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria đã tiết lộ điều này trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây. Người ta đã lầm, bởi vì cuối cùng họ nhận ra rằng Nga không có ý định gây áp lực với Bachar al Assad.

Hơn nữa, vào thời điểm đó, mục tiêu của Barack Obama là tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhiều cuộc đàm phán bí mật đã bắt đầu ở Oman ngay từ tháng 7/2013. Việc rút lính Mỹ ra khỏi Irak diễn ra tốt đẹp với sự hỗ trợ của Iran. Binh sĩ Mỹ không bị các nhóm thân Iran quấy nhiễu vào thời điểm ra đi.

Do ông Obama đã bắt đầu đàm phán với Iran, nên ông ấy biết rằng các cuộc tấn công Damas sẽ phá hủy mọi niềm tin mà Mỹ đã thiết lập được với Teheran. Vì vậy, mục tiêu là tránh việc Iran hạt nhân hóa khu vực và điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến với Israel .

Để bảo đảm hòa bình, Obama cuối cùng đành phải chọn hy sinh Syria, chúng ta có thể nói như thế và phó thác cho Nga gây áp lực với chế độ Syria. Chỉ có điều cách làm này đã không mang lại kết quả bởi vì Putin chẳng được lợi gì khi buộc Bachar al Assad phải có những nhượng bộ quan trọng. »

Syria : Nỗi nhục cho phương Tây ?

Bachar al Assad giờ tuy « thắng trận » nhưng phải chịu sự bảo hộ của Nga và Iran. Người Nga giờ đã có được các căn cứ quân sự tại Lattaquié, Tartous, Qamischly, Palmyra mà cả ở Damas. Theo ông Fabrice Balanche, Syria giờ chẳng khác gì như chiếc hàng không mẫu hạm, căn cứ quân sự chính của Nga tại Trung Đông.

Syria để Nga kiểm soát vài nguồn tài nguyên thiên nhiên như quặng phốt-phát, khai thác khí ga và dầu hỏa để đánh đổi lấy những thùng hàng vũ khí và hỗ trợ quân sự. Có thể nói, Syria nay đã trở thành một nước vệ tinh cho Nga.

Tóm lại, trong cuộc chơi này, người dân Syria là bên thiệt thòi nhiều nhất. Phương Tây, dù không giao chiến nhưng lại là kẻ đại bại. Chính tại trận địa Syria mà phương Tây bị mất mặt, mất danh dự. Với ông Joseph Bahout, « đó không chỉ là một thất bại địa chính trị, một thất bại đạo đức và lịch sử, mà còn là chiến thắng của sự vô liêm sỉ, của sức mạnh bạo lực, coi thường nhân cách và những chuẩn mực quốc tế ».

Video liên quan

Chủ Đề