Tại sao trẻ bị tăng động

Một trong những câu hỏi đầu tiên của các bậc cha mẹ là: Tại sao? Điều gì đang xảy ra? Tôi đã có sai lầm gì để gây ra bệnh cho cháu?

Có rất ít bằng chứng là hiện nay ADHD tăng lên do các yếu tố xã hội hoặc do phương pháp nuôi dạy trẻ.

Hầu hết đều chứng tỏ nguyên nhân rơi vào lĩnh vực thần kinh và di truyền. Tuy nhiên yếu tố môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ các rối loạn và đặc biệt là mức độ tật chứng và khổ sở mà trẻ phải gánh chịu. Nhưng nếu chỉ riêng các yếu tố này thì không thể đủ gây ra bệnh. Các bậc cha mẹ nên chú tâm vào việc tìm kiếm và chọn các phương thức tốt nhất để giúp đỡ cho con họ.

Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu tìm ra nguyên nhân của bệnh để tìm cách chữa trị và hy vọng một ngày gần đây có thể phòng ngừa được bệnh ADHD.

Một điều hết sức quan trọng là các nhà khoa học đã tìm ra rất nhiều bằng chứng là bệnh ADHD không xuất phát từ môi trường gia đình mà là từ các nguyên nhân sinh học.

Điều này có thể làm vơi đi gánh nặng tội lỗi mà các bậc cha mẹ đã tự buộc tội cho bản thân mình trong việcgây ra bệnh cho các cháu.

Trong vài thập kỷ gần đây , các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra bệnh ADHD. Một số giả thuyết đã trở nên không đúng nữa và một số khác thì lại là động lực kích thích, thúc đẩy các nhà khoa học hướng tới những nghiên cứu mới.

Một số tác nhân môi trường

- Có thể có sự liên quan giữa việc sử dụng thuốc lá và rượu trong suốt quá tình mang thai trẻ và nguy cơ mắc ADHD trong các thế hệ tiếp theo. Đó cũng là cảnh báo tốt nhất nên bỏ rượu và thuốc lá khi có thai.

- Nồng độ chì cao trong người các cháu. Từ khi chì không được phép có trong sơn, xăng thì thấy mức độ nhiễm độc không xẩy ra nữa. Những đứa trẻ sống trong những ngôi nhà đời cũ dùng sơn có chì hoặc ăn uống ở những ống nước có chứa hợp chất có chì thì có thể có nguy cơ bị bệnh ADHD.

Chấn thương não

Là một giả thuyết nguyên nhân được đưa ra từ rất sớm. Một số trẻ bị chấn thương sọ não có một số dấu hiệu hành vi tương tự như ADHD nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ trẻ bị ADHD có chấn thương não.

Phụ gia thức ăn và đường

Đã có các giả thiết rằng rối loạn ADHD gây ra bởi đường tinh luyện hoặc các phụ gia thực phẩm và các triệu chứng ADHD bị trầm trọng thêm bởi những chất này. Năm 1982 Viện nghiên cứu sức khoẻ Hoa Kỳ đã có 1 hội thảo chuyên đề để giải đáp khoa học cho vấn đề này. Kết quả chỉ ra rằng chế độ ăn kiêng chỉ có tác dụng hữu ích cho 5% trẻ bị ADHD, chủ yếu là các trẻ bị dị ứng thức ăn. Một nghiên cứu mới đây về tác dụng của đường đối với trẻ, sử dụng xen kẽ một ngày dùng đường, ngày sau dùng chất thay thế. Không ai trong số cha mẹ, nhân viên hay trẻ em được biết là dùng chất gì. Kết quả cho thấy đường không có một tác dụng đáng kể nào tới hành vi và học tập của trẻ. Trong một nghiên cứu khác , người ta cho trẻ em được các bà mẹ cho là mẫn cảm với đường dùng Aspartame thay cho đường. Một nửa số bà mẹ được thông báo là con họ được cho đường, nửa còn lại được biết là con họ được cho Aspartame . Nửa số bà mẹ nghĩ là con họ dùng đường đã đánh giá con họ bị tăng động nặng hơn trẻ khác và họ cũng là những người khắt khe hơn với hành vi của trẻ.

Di truyền

Rối loạn tăng động giảm chú ý thường xảy ra có tính chất gia đình, đó được xem  là do ảnh hưởng của gen di truyền.

Có nghiên cứu chỉ ra rằng 25% những người có quan hệ huyết thống với trẻ bị ADHD cũng bị ADHD trong khi tỷ lệ trong dân số chung là 5%, các nghiên cứu trẻ sinh đôi chứng minh mạnh mẽ vai trò của gien di truyền bệnh ADHD. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nhận diện các gen gây bệnh, kể từ năm 1999, một mạng lưới dữ liệu vẫn tiếp tục hoạt động để chia sẻ các phát hiện về di truyền học phân tử trong bệnh ADHD giữa các nhà khoa học.

BS Nguyễn Mạnh Hoàn

Gọi ngay 043. 6275762 để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn!

1. KHÁI NIỆM VỀ TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

Là một rối loạn sinh học thần kinh, đặc trưng bởi giảm tập trung chú ý rõ rệt kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế.

Các biểu hiện giảm chú ý:

  • Khó duy trì chú ý được lâu so với trẻ cùng tuổi.
  • Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài.
  • Không cẩn thận, không tập trung tỉ mỉ, hay gây sai sót.
  • Ít tuân theo hướng dẫn, ít hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, bài vở
  • Hay làm mất, bỏ quên đồ dùng, đồ chơi.
  • Hay bỏ dở việc này để sang làm việc khác.
  • Né tránh, không thích các hoạt động đòi hỏi nỗ lực tư duy.
  • Khó khăn tổ chức hoạt động.

Các biểu hiện tăng hoạt động:

  • Hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên
  • Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo, hoặc rời khỏi chỗ ở nơi cần phải ngồi yên.
  • Khó khăn khi chơi hoặc tham gia hoạt động tĩnh.
  • Nói quá nhiều.
  • Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi.
  • Khó khăn khi phải chờ đợi.
  • Ngắt quãng, chen ngang vào hội thoại hoặc công việc của người khác.

Ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý: Các biểu hiện trên phải kéo dài trên 6 tháng, xuất hiện trước 12 tuổi, xảy ra cả ở nhà, trường học và nơi công cộng.

Đồng thời rối loạn này cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và các mối quan hệ của trẻ.

Các thể bệnh:

  • Thể tăng động, xung động nổi trội.
  • Thể giảm chú ý nổi trội.
  • Thể kết hợp cả tăng động và giảm chú ý.

Tỷ lệ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý khoảng 4-6%, trẻ nam mắc cao hơn gấp 3 lần trẻ gái.

Các rối loạn đi kèm thường gặp: Rối loạn chống đối, rối loạn ứng xử, rối loạn tic, rối loạn lo âu, trầm cảm, các khuyết tật học tập.

Tại sao trẻ bị tăng động

2. NGUYÊN NHÂN

Hiện nay, nguyên nhân của rối loạn tăng động giảm chú ý chưa được xác định rõ. Một số yếu tố có thể tác động:

Yếu tố sinh học: di truyền, bệnh lý của mẹ khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh, sinh non, sử dụng một số thuốc.

Yếu tố môi trường:

  • Môi trường sống không ổn định: chật chội, đông đúc, ồn ào.
  • Căng thẳng tâm lý trong gia đình.
  • Xem tivi, chơi điện tử, dùng Internet quá nhiều.
  • Một số yếu tố độc hại do ô nhiễm môi trường.

3. KHÁM, ĐÁNH GIÁ TRẺ TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được khám, đánh giá và lập kế hoạch điều trị.

  • Khám thần kinh, nội khoa toàn diện.
  • Đánh giá triệu chứng theo tiêu chuẩn chẩn đoán.
  • Thực hiện một số trắc nghiệm tâm lý: thang tăng động Vanderbilt, thang cảm xúc hành vi CBC-L, trắc nghiệm trí tuệ Raven (hoặc WISC I-V).
  • Tư vấn các biện pháp điều trị, hẹn khám lại

4. CÁCH GIÚP ĐỠ TRẺ CÓ RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

a. Sử dụng thuốc: Là các nhóm thuốc giúp giảm sự tăng hoạt động và tăng độ tập trung chú ý cho trẻ:

  • Nhóm thuốc kích thần (Concerta, Ritalin…).
  • Clonidine.
  • Nhóm an thần kinh (Risperdal).

Các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ. Khi gặp tác dụng không mong muốn (rối loạn ăn, ngủ, đau đầu…), cha mẹ cần liên lạc với bác sỹ và tuân theo hướng dẫn.

b. Hướng dẫn chung cho cha mẹ

  • Luôn đưa ra những quy tắc cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn. Trẻ cần hiểu rõ chính xác cha mẹ mong muốn gì ở mình
  • Hãy giao việc cho trẻ, điều này giúp trẻ có cảm giác về trách nhiệm và nâng cao lòng tự trọng của trẻ.
  • Lập một danh sách những việc phải làm để giúp trẻ ghi nhớ.
  • Thói quen là điều đặc biệt quan trọng với trẻ. Hãy đặt ra thời gian biểu nhất định về giờ ăn, giờ làm bài tập, giờ xem TV, giờ đi ngủ và giờ thức dậy. Hãy luôn tuân thủ theo thời gian biểu.
  • Tìm điểm mạnh của trẻ (vẽ, toán, kỹ năng vi tính…) để khuyến khích trẻ.
  • Chấp nhận một số hạn chế của trẻ để thông cảm, tránh chế giễu trẻ.
  • Thường xuyên nói với trẻ rằng bạn yêu và luôn sẵn sàng giúp đỡ trẻ.
  • Tạo cho trẻ chú ý nghe nhìn khi bạn nói.
  • Nên cho trẻ chơi trò chơi tĩnh đòi hỏi tư duy, tránh chơi game điện tử, trò chơi bạo lực.
  • Cho trẻ tham gia thể dục, thể thao vừa sức.
  • Luôn nhắc trẻ luật lệ, nội quy trước khi đến nơi công cộng.
  • Thái độ luôn kiên trì, nhưng dứt khoát, đôi khi ra lệnh. Giao việc và có phần thưởng tích cực mỗi khi trẻ làm một điều đúng đắn.
  • Nếu trẻ mắc lỗi cần kiên trì nhắc nhở, giải thích, kiểm soát hành vi. Nếu không sửa lỗi có thể phạt bằng hình thức phù hợp như mất quyền lợi, thời gian tách biệt… Tránh đánh mắng trẻ.

c. Giúp trẻ trong học tập

  • Thiết lập thói quen, thời gian biểu cho việc làm bài tập ở nhà (giờ học, nơi học).
  • Hạn chế những kích thích gây xao nhãng trong giờ học (tiếng ồn, TV, điện thoại, những thứ vụn vặt trong tầm với…).
  • Chia nhỏ nhiệm vụ hoặc bài tập để giúp dễ thực hiện hơn và đỡ gây bối rối cho trẻ. Giao thời gian cho mỗi nhiệm vụ.
  • Giúp trẻ bắt đầu một nhiệm vụ (VD: cùng đọc đề bài, cùng làm những mục đầu tiên). Quan sát khi trẻ làm tiếp những mục sau và đưa ra những phản hồi. Giảm dần sự giúp đỡ.
  • Khen ngợi khi trẻ có nỗ lực và hoàn thành bài tập. Trợ giúp trẻ một cách tích cực, không chỉ trích và giúp đỡ trẻ cùng sửa những lỗi sai nếu trẻ mắc phải.
  • Nhắc nhở trẻ làm bài tập và đưa ra những khuyến khích động viên: khi nào con làm xong bài tập thì con có thể được xem Tivi.
  • Hãy chỉ học trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó dừng lại. Không ép trẻ học quá mức hoặc quá lâu.
  • Nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc kèm trẻ học, hãy tìm người trợ giúp như: gia sư, nhờ các anh chị lớn… Điều này tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng và tuổi của trẻ.
  • Thường xuyên giữ liên lạc với giáo viên. Trao đổi những khó khăn và những điểm tích cực của trẻ. Trẻ cần phải ngồi gần giáo viên nhất để nhận được sự giúp đỡ cần thiết.
  • Khuyến khích tham gia các sinh hoạt nhóm, đoàn thể.

MỘT SỐ ĐỊA CHỈ THAM KHẢO

  • Các cơ sở thăm khám tâm thần trẻ em: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện tâm thần Hà Nội, Bệnh viện tâm thần trung ương I, Viện sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương.
  • Các bệnh viện Nhi và Sản -Nhi các Tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc…
  • Các trung tâm tâm lý dành cho trẻ em, một số cơ sở giáo dục đặc biệt
  • Một số trang web: http://www.additudemag.com/; http://addresources.org/

Bs Thành Ngọc Minh và CS
Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương