Ý nghĩa của từ phước huệ song tu

Phước Huệ Song Tu là vừa tu Phước vừa tu Huệ cùng một lúc.

Tu Phước : Là tạo nhiều Công Đức, làm những việc có lợi ích cho nhiều người, luôn làm việc lành, việc từ thiện, việc bố thí tiền của, dạy miễn phí, trị bệnh miễn phí v.v…làm những việc như vậy chúng ta sẽ có được nhiều phước đức cao cả.

Tu huệ : Cúng thời tụng niệm, thiền định công phu, càng tịnh định thì trí càng mở, huệ càng khai, nên việc niệm Phật, tụng kinh, thiền định, nghiên cứu kinh sách đều giúp cho mở khai trí tuệ, là tự mình có được ngọn Đuốc Thiên Từ Huệ gọi là phát huệ, để soi sáng sự hiểu biết một cách sâu rộng, vượt qua những duyên nghiệp cuộc đời, vượt qua sự luân hồi chuyển kiếp. Nhờ biết tu huệ để đạt trí tuệ, giúp ta sáng suốt nhận định rõ ràng và vững vàng trên bước đường tiến hóa.

Phải làm hai thứ Phước và Huệ cùng một lúc cũng gọi là tu Phước Đức lẫn Trí Tuệ. Có Phước Đức thật nhiều mà thiếu phần Trí Tuệ thì cũng giống như người có tiền của thật nhiều mà không minh định được hướng đi, còn người dù có Trí Tuệ thật nhiều mà thiếu Phước Đức thì cũng giống như người minh định được hướng đi mà thiếu phương tiện để đi, càng thiếu phương tiện để đi thì rất vất vả trên bước hành trình của mình.

Phước Huệ Song Tu cũng là phương pháp tu nhanh, tu tắt cho kịp thuyền chiều chuyến chót, khi thời gian của tuổi đời ngắn ngủi lại phải phí bao công sức cho cuộc đời giả tạo nầy. Nên việc nhận định Tu Huệ phải là điểm chính, còn tu phước là sự trợ duyên cho Tu Huệ, nhằm giúp sức cho Tu Huệ đang hóa trình điểm hướng cao cả càng được thuận lợi hơn.

Ai là người còn đang dễ duôi trước cuộc đời, đang tìm mọi cách biện hộ cho Tham, Sân, Si; bao che cho những thứ mừng, giận, yêu, ghét, thương, vui, sợ đang dày dò ở mắt, tai, mũi, lưỡi và thân ý của mình, mà bản thân đang tự đấm say cuồng nhiệt thì hãy tỉnh ngộ, hãy trở về với Tuệ Giác làm sự nghiệp đích thực của mình, trở về với bổn tâm thanh tịnh Như Lai, vì bổn tâm thanh tịnh Như Lai thì con người ai cũng đang sẳn có.

Tuệ Giác là Trí Giác Ngộ, là Tâm Như Lai, hay gọi là Tâm Phật, tâm ấy rất chơn thật, rất an nhiên, rất tự toại Như Lai. Mỗi người ai cũng đều có sẳn Tâm Phật nhưng tự mình tìm lấy, Dù tu tại gia hay xuất gia thì mục đích chính vẫn là Giải Thoát. Đầu tiên tầm gỉai thoát thì phải hiểu biết bằng tâm chân thật của mình.. Đã đi theo con đường tiến hóa giải thoát là Tu Huệ, thì dù tại gia hay xuất gia, cũng đều phải tìm cầu giải thoát. Mà sự giải thoát chỉ có thể tìm thấy trong ánh sáng của Trí tuệ, đó là ánh sáng Pháp Đạo chớ không phải như việc tích lũy công đức hữu vi là tìm thấy bên trong. hay phải đem thân gởi chốn am mây cùng cốc mới gọi là tu giải thoát.

Nói đến Tìm cơ giải thoát, xin cảm tác một bài thơ:

Sanh tử trần gian chẳng vững bền,

Nào hay sống thác giả đò quên.

Còn đi, còn đến, còn cao thấp,

Hết đến, hết đi, hết dưới trên.

Nhựt Nguyệt Càn Khôn đều vắng bặc,

Âm Dương Vũ Trụ cũng buồn tênh.

Tìm cơ giải thóat thông bờ bến,

Mới đặng rõ bày hướng tiến lên.

*

       *   *

Giải thoát là phương tối nhiệm hành,

Thóat vòng duyên nghiệp dẫu bao quanh.

Ở nơi chấp ngã, lòng không chấp,

Nương chỗ tranh đua, dạ chẳng tranh.

Nương chỗ vọng tâm, tâm bất vọng,

Ở nơi biến tánh, tánh vô sanh.

Nội thân, ngọai thể đều thông thóat,

Thóat ấy chính là bậc Thánh anh.

Mục đích của việc Tu Huệ là đạt được giải thoát với nổ lực khai mở được con mắt Trí Huệ Bát Nhã cho chính mình, để khai tâm, mở Đạo. Đạo Thầy luôn mở rộng vòng tay để đón nhận bao nhiêu bậc duyên lành, căn cơ, sứ mạng, nhưng cũng do tự mình khai tâm, mở trí để tiếp nhận được Đạo Thầy tự có nơi mỗi con người. Người xả thân tìm cầu Pháp Đạo là tìm cầu sự đón nhận trực chỉ Tây Phương mà không còn chuyển luân nơi trần gian thêm kiếp nào nữa cả. Người có thọ hành Pháp Đạo phải biết rằng mỗi Pháp Đạo tuy khác nhau hình thức động tác nhưng giống nhau là luyện Tinh Khí Thần để kết tựu Kim Thân Thánh Thể, nhờ có Thánh Thể nên khi bỏ xác phàm thì hồn có Kim Thân để ngự vào, để sống cõi vô vi thanh nhẹ, không còn cảnh bụi trần, nghiệp tục, khổ đau. Pháp Đạo có những động tác vận hành đều là phương pháp tạm mượn bên ngoài để chuyển luyện cái đạt được bên trong, khi đạt được cái chuyển luyện bên trong thì việc tạm mượn bên ngoài cũng từ từ thu gọn lại rồi tựa hồ như không còn nữa, ví như tuy không ai để ý tới hơi thở của mình mà lúc nào hơi thở cũng vận hành không hề dừng nghỉ, nên cũng không gì quá quan trọng ở phương tiện bên ngoài mà làm sai lệch hướng đi.

Chúng ta nên tin rằng một khi tư tưởng trí Tuệ còn thì Đạo trong ta còn, giữ trí tuệ là giữ Đạo, muốn có được nhiều trí tuệ nhờ giữ tâm thanh tịnh, tâm càng thanh tịnh thì trí tuệ càng mở, trí tuệ là tư tưởng Phật vẫn còn mãi ngời sáng, luôn tồn tại và phát triển trong ta.

Chỉ có con đường chính yếu để ta tìm về ngôi xưa vị cũ là phương pháp tu Huệ được kết hợp phần trợ duyên của Tu Phứơc. Điều quan trọng là chớ quá nặng vì chữ tu Phước mà không tu Huệ thì có thể quen phú quý và hạnh phúc giả tạo mà quên hẳn con đường tu hành để phải đắm chìm vào Sắc Tài, phù danh, ảo vị…

Hãy luôn tu Huệ để phân biệt rõ Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã… mà mau chóng tu để giác ngộ. Như vậy, Phước giúp thuận đường tu, Huệ giúp mau đạt cứu cánh là Giác Ngộ.

Khi ta có được trí tuệ thì ta mới thật sự sáng suốt mà giúp cho người khác sáng suốt. Trí tuệ không sợ đánh mất, lại giúp ta thóat khỏi vô minh, còn tiền của vật chất thì không thực sự của mình, vì hôm nay ta còn nắm giữ nó nhưng ngày hôm sau có thể buông bỏ tất cả. Người có Pháp Đạo như người có ngọn Đuốc Thiên tự chủ để đi không lệ thuộc vào người khác. ánh sáng Đuốc Thiên Trí Tuệ từ tịnh định của Pháp Đạo mà thành, nhờ phương pháp của Pháp Đạo vận hành đúng cách thì hiệu quả mới cao và không sợ sai đường lạc hướng. Muốn hành Pháp Đạo đúng cách thì phải tầm sư học Đạo, thọ nhập Pháp Môn để được Giáo Sư Pháp Đạo truyền chỉ từ mật tâm và bí quyết rõ ràng, để khỏi thất lạc Chơn Truyền Chánh Pháp.

Tóm lại: Phước Huệ Song Tu là phương pháp tu tập rất tranh thủ thời gian một cách
nghiêm túc, vừa hành việc thiện vừa rèn trí tuệ, là mục đích kiến tánh, để được giác ngộ giải thoát. Giác ngộ Giải thoát thật sự là tìm được Chân Lý gốc gọi là Nguyên Chân Lý, là việc tu tập đã đến ngày đắc thành chánh quả cao siêu.

NGỌC ÁNH HỘ

Chánh Đạo: Phước Huệ Song Tu
Ngày 21/12/2016
==========

     Hôm nay người cũng còn đang bệnh, căn bệnh hoành hành thân thể hơn 1 tuần, kháng sinh càng ngày càng kháng, trước đây chỉ cần 3-5 ngày dùng thuốc đơn giản là hết bệnh, bây giờ dùng thuốc đó không ý nghĩa gì cả, phải uống thuốc kháng sinh loại mới, bệnh mới thuyên giảm, rồi thời gian nữa chắc vi khuẩn cũng kháng luôn những thứ này, chẳng biết lấy gì điều trị, tệ thật. Ngẫm bệnh của mình nhìn lại cuộc sống, cũng có phần giống như thế…

     Đó là chuyện bản thân, bây giờ nói chuyện “Phước Huệ song tu”. Đây là lời Đức Thầy chỉ dạy, cũng là phương châm cho các phật tử tu hành trong xã hội hiện đại.

     Tại sao thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế Đức Phật không truyền dạy mọi người phước huệ song tu này mà tùy theo căn cơ từng người mà cho pháp môn, có lẽ thời đó con người còn chơn chất, thánh thiện, chưa bị tác động bởi cuộc sống bên ngoài nhiều như bây giờ, nên khi ta đọc kinh thấy các vị đệ tử chỉ cần được Phật khai ngộ là họ đạt đến thành tựu A la hán chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng còn ngày nay xã hội giống như con vi khuẩn kháng thuốc ở trên. Chính vì vậy Phước Huệ song tu lại được đặt lên hàng đầu, trong đó pháp môn Tịnh Độ là cứu cánh.

     Bây giờ chúng ta đi từng phần: Phước là gì? Phước là phước thiện, là những điều thiện chúng ta cần làm, đây là phước hữu lậu. Vậy làm phước thiện gồm những gì?

      Đầu tiên chúng ta phải nhớ Thập thiện nghiệp [tịnh tam nghiệp: thân khẩu ý]

Thân làm miệng nói ý nghĩ suy

Gìn giữ ba tên chẳng dễ gì

Nếu có quyết tâm không phiền lụy

Nhược bằng đau khổ nghiệp mang đi

      Khi chúng ta huân tập Thập thiện nghiệp thì tâm chúng ta sẽ giảm lại tham sân si; miệng chúng ta sẽ không nói lời ác nữa mà chỉ thường nói điều lành; thân của ta không làm chuyện sai quấy, không sát sanh, không còn trộm cắp, tà dâm.

     Thực hành Thập thiện nghiệp khi làm việc phước thiện sẽ có kết quả cao hơn, vậy những việc phước thiện tiếp theo là gì?

  • Bố thí: Giúp đỡ bằng tài vật. 
  • Pháp thí: Truyền kinh sách, truyền lời Phật dạy, giúp cho mọi người quay về Chánh Đạo.
  • Vô úy thí: Giúp người khác lời khuyên vượt qua được nổi đau khổ, lo lắng, sợ hãi.
  • Còn thứ nữa đó chính là phóng sanh, tôi gọi là bố thí sinh mạng.

     Mỗi sự bố thí đều có những ý nghĩa riêng. 

    Vậy khi bố thí gặp kẻ lừa gạt ta thì sao? Trước đây tôi cũng khó chịu nhưng sau này hiểu đạo thì chuyện đó bình thường. Bởi vì mình bố thí không phải cho người khác mà thật sự  mình đang bố thí cho mình. Việc bố thí phải đi từ tâm, rồi mới thể hiện bằng hành động và lời nói. Do đó một khi bố thí xong thì quên đi, những gì mình đã cho đi rồi thì nó không còn của mình nữa [nó thuộc về người được bố thí rồi] nếu mình vẫn còn suy nghĩ đến những thứ mình cho, có nghĩa là mình chưa thật sự bố thí, như vậy ta sẽ rước thêm phiền não, không an lạc, không có ý nghĩa.

     Hiện nay nhiều phật tử và những thiện nhân thường hăng say làm từ thiện, bố thí, họ tìm nhiều cách để giúp người khác có miếng cơm, manh áo, có tiền, có công việc,… Đây là nghĩa cử cao cả. Tuy nhiên đây không phải là cứu cánh của Phật Pháp. Mục đích chính của việc tu hành chính là tu huệ, tâm thanh tịnh, an lạc, thoát ly luân hồi.

     Cũng như “Học Phật Tu Nhân”, muốn học giáo lý Phật để thoát ly sanh tử thì trước tiên ta phải học làm người tốt, học làm thánh nhân. Ở đây cũng thế, Đức Thầy dạy chúng ta “Phước Huệ song tu” là muốn chúng ta trong thời nhân tâm xuống dốc, cuộc sống đầy dẫy đua chen, tranh dành, chiến tranh… thì phước tu là quan trọng, chúng ta làm phước bằng thân, khẩu, ý. Chúng ta khó mà đi thẳng vào tu huệ được khi cuộc sống đang tràn ngập phiền não. Khi chúng ta làm phước là chúng ta đang rèn luyện tứ vô lượng tâm của mình [từ bi hỷ xả]

      Phước thiện là hình thức, trí huệ là nội dung. Chúng ta lấy hình thức để đi vào nội dung, đây chính là cốt lõi của phước huệ song tu. Vì vậy việc tu phước không phải đơn thuần là cho tiền, cho gạo, cho công ăn việc làm, truyền pháp… mà điều quan trọng là chúng ta phải thấy được trí huệ của mình trong những công việc thiện nguyện đó. 

     Tôi có một người bạn đồng tu, cô ta vì chưa nắm bắt được hết vấn đề phước huệ song tu, cứ nghĩ rằng làm cả hai cùng lúc, nên cô ta tìm mọi cách làm phước, bị vướng vào nó, khó thoát ra. Cô ta thường tìm công việc này nọ để có tiền, lấy tiền giúp người, ở đâu có gì khó khăn cô ta liền tìm cách giúp đỡ, bản thân không có tiền, nhưng vì muốn giúp đỡ nên phải suy nghĩ cách kiếm tiền giúp, điều này làm cô ta bị cuốn vào hết chuyện này đến chuyện khác, ngày càng nhiều, mà không có thời gian tu tập niệm Phật, công phu suy giảm, sức khỏe lại không tốt.

     Phước huệ song tu: Phước là bên ngoài, huệ là bên trong. Lấy bên ngoài để từng bước nhìn thấy cái bên trong. Muốn phước huệ song tu chúng ta từng bước huân tập thập thiện nghiệp, tập bốn công đức bố thí, bố thí bằng cả thân khẩu ý. Từ đó tình yêu thương, từ bi hỷ xả sẽ nảy mầm và kết trái, đó là tứ vô lượng tâm. Rồi trí huệ [trí tuệ] sẽ khai mở, chúng ta sẽ đến được bờ giải thoát.

     Đối với người theo pháp môn Tịnh độ, việc phước thiện ta xem như việc niệm Phật, giúp một người, một vật thì ta xem như một Thánh chúng của Tây Phương, dù làm gì, suy nghĩ gì cũng chỉ có A Di Đà Phật, có như thế thì phước thiện hay trí huệ sẽ là một, một  Đức A Di Đà. Tâm ta lúc nào cũng theo Phật A Di Đà thì sợ gì không được tiếp dẫn về Tây Phương…

      Đây chỉ là sự hiểu biết nho nhỏ của bản thân.
==========

Chuyện Bên Thầy

MUỐN CÓ HUỆ THÌ PHẢI BẮT SÂU

   Vào năm 1939 lúc Đức Thầy mở Đạo tại Hòa Hảo, người ta lũ lượt đến viềng Ngài mỗi lúc mỗi đông, kẻ nghe pháp qui y, người nhờ Ngài phát phù trị bịnh.

   Lúc bấy giờ có bà phán Nguyễn thị Ngọ, vợ thông phán tòa án Châu Đốc, là một Phật tử tại gia cũng đến nghe pháp và tìm hiểu coi Ngài như thế nào. Trước đa số thính chúng, bà phán hỏi:

– Bạch Thầy, xin Thầy hoan hỉ cho con biết con tu có huệ hay không?

Đức Thầy tươi cười đáp:

– Bà muốn có huệ thì phải bắt sâu.

Câu đáp ngắn gọn của Ngài khiến bà phán vô cùng kính phục và rất hài lòng.

[Thuật theo Đuốc Từ Bi – PGHH]

Nam Mô A Di Đà Phật

Video liên quan

Chủ Đề