Bài học kinh nghiệm về luân chuyển cán bộ

Luân chuyển (LC) cán bộ theo Nghị quyết 11 của Trung ương là một chủ trương lớn nhằm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, từ đó tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn. Trong quá trình triển khai Nghị quyết 11, các cấp ủy Đảng ở TPHCM đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Luân chuyển gắn với quy hoạch

Bài học kinh nghiệm về luân chuyển cán bộ

Ông Nguyễn Phương Nam (trái), Quận ủy viên, Chủ tịch UBND P12 Q3 TPHCM đang vận động giáo dân hiến đất mở hẻm. Ảnh: H.HIỆP

Thống kê 5 năm trở lại đây, 24 quận - huyện ở TPHCM đã LC 1.586 cán bộ (trong đó nữ chiếm 35%), riêng các quận 3, 5, Hóc Môn, Bình Thạnh, mỗi nơi LC trên 100 người. Ở khối sở - ngành, trong 927 cán bộ LC có 204 cán bộ trẻ (22%).

Hầu hết cán bộ LC được đào tạo bài bản về chuyên môn, chính trị, nghiệp vụ và đa số trong diện quy hoạch dự bị. Qua LC, cán bộ có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý toàn diện, sát cuộc sống hơn.

Tuy nhiên, việc LC cán bộ trẻ còn ít so với số cán bộ “cứng tuổi”: LC 345 cán bộ trẻ dưới 35 tuổi (tỷ lệ 25%) so với LC 679 cán bộ trên 46 tuổi (tỷ lệ 42,8%).

Đã như vậy, do không được LC sớm, nên tại Đại hội Đảng bộ khối quận - huyện, sở - ngành TP (nhiệm kỳ 2006 - 2010), tỷ lệ cán bộ trẻ LC không trúng cử khá cao (44/145 cán bộ trẻ được cấp ủy cũ giới thiệu không trúng cử, tỷ lệ 30,34%).

Bên cạnh đó, có người gặp phải khó khăn khi hòa nhập, thậm chí lâm vào tình thế “bất hợp tác”; có người coi thời gian LC như “đi nghĩa vụ 3 năm”, nên không tận tâm…

Đây là những bài học bổ ích cho công tác chuẩn bị nhân sự của các cấp ủy cho nhiệm kỳ sắp tới (2010 - 2015).

Khó khăn của 130 đơn vị thuộc khối sở - ngành, tổng công ty ở TPHCM là có nhiều đơn vị không có hệ thống cơ sở trực thuộc; một số ít đơn vị có hệ thống ngành dọc nhưng khi LC cán bộ lại về quá xa, nhiều nơi chưa có nhà công vụ.

Khó nhất là các tổng công ty khi LC cán bộ từ nơi có thu nhập cao đến tăng cường đơn vị yếu kém (có thu nhập thấp) để làm nhiệm vụ củng cố. Chính vì vậy, nhiều đơn vị bị động, chưa xây dựng kế hoạch LC gắn với quy hoạch cán bộ.

“Con đường tắt”...

Tại một số cuộc giao ban giữa Thường trực Thành ủy TPHCM và bí thư 24 quận - huyện cho thấy, một vài cấp ủy ngại tiếp nhận cán bộ LC hoặc chưa quan tâm đúng mức để giúp đỡ cán bộ LC, nhất là đối với cán bộ giữ vị trí cấp phó. Có nơi giao quá nhiều việc phức tạp, trái với sở trường cán bộ LC như giải quyết tranh chấp, các vụ việc tồn đọng. Có trường hợp không LC cán bộ về đơn vị đang có tình trạng “khép kín hoặc thiếu hụt cán bộ” như quy định, mà đưa về đơn vị đã ổn định nhằm mục đích… cơ cấu cấp ủy cao hơn.

Điều này vô tình làm mất cơ hội phát triển của nguồn cán bộ tại chỗ. Ngược lại, có cán bộ chủ chốt một quận (Thành ủy TPHCM duyệt quy hoạch là chủ tịch và bí thư quận), nhưng lại được LC lên sở - ngành làm lãnh đạo mà bản thân cán bộ được LC và Quận ủy… ngỡ ngàng, chưa kịp chuẩn bị cả tư tưởng lẫn chuyên môn.

Trước đây, có trường hợp bố trí cán bộ sau LC gặp nhiều khó khăn, nhiều đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại nơi LC nhưng chưa bố trí được vào các chức vụ thích hợp hoặc cao hơn sau luân chuyển. Kinh nghiệm rút ra từ bài học ở các đơn vị là, cần xác định rõ cán bộ LC sẽ là dự nguồn chủ chốt của cấp nào và những ban, ngành nào, từ đó cân nhắc thời điểm, thời gian LC đối với từng cán bộ.

Lâu nay cán bộ từ cấp dưới chuyển công tác lên cấp trên chủ yếu là diện điều động nhằm phục vụ cho bố trí, sắp xếp cán bộ hoặc bổ sung nguồn cán bộ thiếu hụt của cấp trên. Nhưng qua thực hiện Nghị quyết 11 của Trung ương về LC cán bộ, mới thấy còn một số việc chưa làm được bao nhiêu, nhất là ở cấp TP, chẳng hạn LC cán bộ từ cấp dưới lên cấp trên để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo cho cấp dưới.

Thông thường, cán bộ phải trải qua một chặng đường dài, có khi rất dài, đến khi có điều kiện làm lãnh đạo thì tuổi đã cao, lỡ luôn cấp ủy mới. Chính vì vậy, có ý kiến đề nghị, cần lựa chọn những cán bộ trẻ ở cấp dưới có triển vọng và được đào tạo cơ bản, để LC lên cấp trên nhằm đào tạo, bồi dưỡng, sau đó đưa trở lại làm lãnh đạo ở cấp dưới.

Cách làm này giúp cán bộ có điều kiện tiếp cận những chủ trương, chính sách bao quát, học hỏi kinh nghiệm ở cấp trên và quan trọng là giúp họ tự tin, bản lĩnh để nắm bắt, giải quyết tốt công việc khi trở về cấp dưới. Đây cũng được coi là “con đường tắt” để đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ kế cận vững vàng cho cấp dưới.

“Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, đưa công tác này thành nền nếp thường xuyên. Trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ, việc bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, các huyện không phải là người địa phương và không giữ chức vụ quá lâu ở một địa phương, đơn vị cần được tiếp tục mở rộng. Kết hợp thực hiện cơ chế thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”.

(Trích phát biểu của đồng chí Hồ Đức Việt, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị cán bộ toàn quốc năm 2009 tại TPHCM)

Tuấn Sơn

Rút kinh nghiệm một số hạn chế trong luân chuyển cán bộ (LCCB) giai đoạn trước, khi triển khai xây dựng kế hoạch LCCB cho giai đoạn 2017 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng đã tổ chức hội nghị chuyên đề quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng công tác LCCB. Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: Thẳng thắn phân tích nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong LCCB giai đoạn trước, Ban Thường vụ Huyện ủy nhận thấy có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về cơ sở nhưng cán bộ luân chuyển không đóng góp được nhiều cho cơ sở; không ít đồng chí vì ngại va chạm, ngại địa phương mà thu mình, khép kín. Khắc phục hạn chế đó và rút kinh nghiệm công tác luân chuyển, trước khi triển khai cả giai đoạn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt yêu cầu LCCB đến tất cả cán bộ thuộc diện luân chuyển và cấp ủy đảng, chính quyền tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. 

Về chính sách luân chuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng phân tích và chỉ rõ, phần nhiều hạn chế trong công tác của cán bộ luân chuyển là do ngại va chạm, không mạnh dạn tự phê bình và phê bình đối với cán bộ xã. Bởi ở các xã hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều cán bộ xã có quan hệ anh em họ hàng cho nên khi cán bộ từ huyện luân chuyển về gặp rất nhiều cái khó. Đó là, bất đồng ngôn ngữ, không am hiểu phong tục tập quán... Làm không khéo, cán bộ luân chuyển dễ bị cô lập, mà làm khéo để vừa lòng mọi người thì công việc không trôi. Tháo gỡ vướng mắc đó, sau rất nhiều cuộc bàn thảo kỹ lưỡng, từ năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng quyết định thực hiện chính sách giữ nguyên chức vụ, biên chế của cán bộ luân chuyển tại đơn vị cũ chứ không cắt biên chế về xã như trước. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, nếu cắt biên chế cán bộ luân chuyển về xã thì xã giảm một biên chế, kéo theo đó là quỹ tiền lương, chế độ ở xã cũng giảm vì phải tăng chi cho một vị trí lãnh đạo. Nhưng khi giữ nguyên biên chế, chức vụ của cán bộ luân chuyển tại cơ quan cũ thì xã chẳng giảm gì mà lại tăng người làm. Theo chính sách này, cán bộ luân chuyển cũng mạnh dạn, thẳng thắn hơn khi quyết định công việc. Để tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt cho cán bộ luân chuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy cho rằng, chính sách luân chuyển giữ nguyên biên chế ở cơ quan cũ có nhiều ưu điểm hơn. Hạn chế của chính sách này là biên chế cán bộ huyện đủ nhưng giảm người làm tại huyện. Nhưng khi anh em hiểu yêu cầu tăng cường nhân lực cho xã là cần thiết trong giai đoạn hiện nay thì mọi người đều vui vẻ vì việc chung mà gánh vác thêm.

Bằng cách làm thận trọng, rõ ràng, từ năm 2016 - 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng đã điều động, luân chuyển 14 đồng chí. Trong đó, luân chuyển từ huyện về xã 11 đồng chí (khối đảng, đoàn thể có bảy đồng chí, cơ quan khối chính quyền có bốn đồng chí); luân chuyển từ xã lên huyện có ba đồng chí (trong đó hai đồng chí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc khối chính quyền; một đồng chí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khối đảng). Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng, tất cả cán bộ luân chuyển đều có tiến bộ rõ rệt, trình độ chuyên môn, chính trị, năng lực công tác được nâng lên, đóng góp nhiều trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Đặc biệt với cách làm bài bản, khoa học, cán bộ luân chuyển đã hỗ trợ, giúp nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt ở xã nâng cao ý thức học hỏi kinh nghiệm công tác, điều hành. Hiệu quả giải quyết công việc ở cấp xã được nâng lên, hạn chế dần tình trạng “huyện làm thay xã” như nhiều năm trước. 

Trao đổi với chúng tôi về quãng thời gian luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang (giai đoạn 2018 - 2020), đồng chí Nguyễn Thế Trung, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Ảng cho biết: “Thời gian đầu khá khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ; thói quen, tác phong làm việc của một số cán bộ xã cũng khác. Thí dụ như tiếp khách bữa trưa có vài chén rượu thì cán bộ nghỉ cả chiều, công việc bê trễ, nhân dân phải chờ đợi nhiều. Nhận thấy vấn đề ấy, tôi đã cùng tập thể Đảng ủy xã bàn bạc, ban hành nghị quyết chấn chỉnh lề lối, tác phong cán bộ, công chức với các yêu cầu cụ thể: “không rượu trưa”, “không bỏ nhiệm sở”... Hằng tuần, Đảng ủy đều tổ chức nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng đồng chí, không để tình trạng cả năm mới đánh giá một lần. Thời gian đầu, người nói này nói nọ, nhưng sau thấy hiệu quả công việc trôi chảy, nhân dân tin tưởng, quý mến thì mọi người đều tự điều chỉnh và nghiêm túc chấp hành. Đặc biệt, người đứng đầu phải gương mẫu trong công việc thì anh em mới tin tưởng làm theo”. 

Luân chuyển sau đồng chí Nguyễn Thế Trung gần một năm, đồng chí Hà Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch đã chủ động học hỏi kinh nghiệm những người tiền nhiệm. Cùng với đó, đồng chí Hà Minh Tiến dành thời gian về từng bản lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu sát với từng lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo từng quý, từng năm. Theo đồng chí Minh Tiến, trước ở huyện, việc của đồng chí là tổng hợp và tham mưu triển khai, ít tiếp xúc với nhân dân nên khi về xã thấy khác hoàn toàn. Mỗi ngày đều tiếp nhận kiến nghị, đề xuất từ nhân dân; giải quyết các việc sự vụ liên quan nhân dân cho nên đồng chí phải dành thời gian tự nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật các văn bản chế độ, chính sách để giải quyết công việc kịp thời, chính xác. Cùng với quan tâm lắng nghe ý kiến tham mưu từ cán bộ, công chức xã, đồng chí phải giải thích để mọi người hiểu. Làm như thế, anh em vừa hiểu rõ căn cứ áp dụng, vừa cảm thấy được ghi nhận, tôn trọng…

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác của cán bộ luân chuyển, đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng, cho rằng: Không chỉ cán bộ luân chuyển trưởng thành hơn, nắm bắt công việc toàn diện hơn, được nhân dân tín nhiệm tin tưởng; tại các xã có cán bộ luân chuyển về đã làm tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ thực chất, đúng năng lực, trình độ. Do đó, hằng năm rà soát quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý của các xã tăng lên đáng kể về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, tại hai xã Búng Lao và Ẳng Cang, cán bộ luân chuyển đã chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, tác phong lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các xã có cán bộ luân chuyển được nâng lên rõ rệt. Công tác kết nạp đảng viên có nhiều chuyển biến, từ năm 2016 đến  nay, toàn huyện kết nạp 771 đảng viên. Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả rõ rệt. 

Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng sẽ thực hiện LCCB giữa các phòng, ban, ngành ở huyện và LCCB từ huyện về xã, từ xã lên huyện. Hằng năm, căn cứ vào quy hoạch, huyện sẽ điều động, luân chuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, trưởng, phó phòng, ban, ngành ở cấp huyện về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Huyện ưu tiên thực hiện LCCB đối với các xã khó khăn về cán bộ chủ chốt, chưa đạt chuẩn, nhằm củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã và tạo điều kiện cho cán bộ không đạt chuẩn đi học chuyên môn, chính trị. Với các phòng, ban có cán bộ trong diện quy hoạch, luân chuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng yêu cầu phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nguồn quy hoạch, cán bộ trẻ đưa về xã để rèn luyện, thử thách, tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác, cống hiến.

Bài và ảnh: LÊ LAN