Bệnh bảo thủ trì trệ là gì năm 2024

Trì trệ là một căn bệnh trầm kha mà nguyên nhân của nó nằm trong mỗi người, mỗi tổ chức và mỗi một tế bào xã hội. Muốn chữa căn bệnh này phải có những biện pháp tổng thể, bởi các nguyên nhân này quấn vào nhau, tác động lên nhau và sẽ vô ích nếu chỉ chữa bệnh theo một hướng.

Mỗi người phải đặt cho mình những mục tiêu lớn hơn, công ty phải tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, lãnh đạo phải sâu sát với bên dưới hơn, phải lắng nghe ý kiến của họ.

Ai cũng biết trì trệ là một căn bệnh. Và rất khác với những căn bệnh nan y khác, trì trệ là một căn bệnh rất khó chữa nhưng không phải vì không có thuốc, không có bác sĩ cao tay, mà chủ yếu là do bệnh nhân không chịu chữa, thậm chí còn chống đối quyết liệt với các cố gắng chữa chạy. Căn bệnh này có trong mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi một cơ cấu xã hội và các yếu tố này tác động lên nhau một cách hữu cơ, tạo ra sự trì trệ tổng thể của cả một hệ thống.

Một điều cực kỳ nguy hiểm là trì trệ thường rất gần nghĩa với ổn định. Hai từ này thường đi song hành với nhau. Ai cũng muốn có sự ổn định, nhưng ổn định quá lại dẫn đến trì trệ. Với một con người cũng vậy, với một công ty cũng vậy.

Một thanh niên mới vào đời mơ ước có được một việc làm ổn định, một thu nhập tương đối, sau đó là mua xe, mua nhà, cưới vợ, có con... Anh phấn đấu không ngừng để đạt được những mục đích đó. Thế nhưng khi đạt được những mục đích đó rồi, rất nhiều người đi chững lại, thoả mãn với thành quả, và thế là trở thành người trì trệ trong suy nghĩ, trong công việc, không thích phiêu lưu mà chỉ thích những công việc ổn định đã được tạo dựng. Và rồi anh sẽ dừng lại, không phấn đấu, không trau dồi và hơn thế còn là nhân tố cản trở bước tiến của những người khác.

Với một công ty, quá trình dẫn đến trì trệ có phần phức tạp hơn bởi ở đây, có rất nhiều yếu tố tác động. Và một trong những yếu tố đó chính là yếu tố con người: những con người thích sự ổn định, không thích phiêu lưu, ngại đổi mới sẽ cảm thấy hài lòng với hệ thống ổn định cũ và cho rằng như vậy là đủ. Do vậy công ty càng thành đạt trong quá khứ, các managers càng thành đạt thì nguy cơ trì trệ càng cao.

Nhân tố tác động thứ hai là cơ chế: Một cơ chế quan liêu, bao cấp sẽ rất dễ dàng dẫn đến trì trệ. Trên quan liêu sẽ không biết dưới nghĩ gì, muốn gì, có năng lực như thế nào, không đánh giá được hết khả năng sáng tạo của dưới. Những đề xuất từ dưới sẽ bị vứt vào giỏ, thay vào đó là các kế hoạch từ bên trên. Dần dần dưới hoàn toàn không còn hứng thú để đề xuất những sáng kiến của mình, chỉ thụ động chờ chỉ thị của trên. Họ cũng không cần phải phấn dấu và suy nghĩ gì, vì tất cả đã được trên suy nghĩ rồi, lo rồi.

Và cuối cùng, thiếu cạnh tranh là một nhân tố quan trọng dẫn đến sự trì trệ trong mỗi người cũng như đối với mỗi công ty. Nếu chỗ làm của anh đã ổn định, đồng lương tương đối cao của anh đã được đảm bảo, thì ắt rằng ý muốn phấn đấu của anh, ý thức vươn lên của anh sẽ càng ngày càng giảm đi, nhất là sau khi đã vướng bận vợ con.

Một công ty làm ăn phát đạt, dễ dàng, không bị cạnh tranh bởi các đối thủ sẽ rất nhanh chóng rơi vào tình trạng trì trệ. Hàng chất lượng chưa cao cũng bán được, dịch vụ chưa tốt cũng không sao vì khách hàng chẳng còn ai để lựa chọn. Tất cả những điều đó không sớm thì muộn sẽ dẫn đến tư tưởng bảo thủ, không chịu đổi mới. Và rồi các đối thủ xuất hiện, công ty này sẽ xoay sở không kịp, sẽ bị qua mặt và cuối cùng sẽ bị đào thải hoặc sống lay lắt.

Chính vì thế một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ là một môi trường tốt để cho mỗi cá nhân, mỗi bộ phận, mỗi công ty phát triển. Mâu thuẫn là động lực của phát triển, Mác đã từng nói như vậy. ở đây có thể chuyển thành: cạnh tranh là động lực của phát triển.

Như thế, trì trệ là một căn bệnh rất dễ gặp, bởi khởi nguyên của nó nằm trong mỗi một người chúng ta, mỗi một bộ phận, mỗi một tổ chức. Gặp một môi trường thiếu cạnh tranh, gặp một cơ chế quản lý không khuyến khích sự sáng tạo, cái tư tưởng trì trệ cố hữu trong mỗi người sẽ ngày càng phát huy "sức mạnh" tàn phá âm ỉ của mình.

Nguyên nhân của căn bệnh trì trệ là như vậy. Vậy thì phải chống trì trệ như thế nào? Đây là một câu hỏi khó, khó trên phương diện lý thuyết, và càng khó hơn trên phương diện thực hành. Như đã phân tích ở trên, căn bệnh trì trệ có ba nguyên nhân chính: tính bảo thủ và trì trệ trong mỗi người, cơ chế quản lý và môi trường xung quanh. Vậy thì chữa căn bệnh này ta cũng phải bắt đầu từ những vấn đề này.

Thứ nhất, mỗi người phải đặt ra cho mình những mục tiêu lớn hơn nữa, những hoài bão và ước mơ lớn hơn nữa. Chớ thoả mãn với những gì mình đang có. Phải luôn nhớ rằng, trong cuộc sống, dừng lại nghĩa là thụt lùi. Và phải luôn tiến về phía trước. Ta có thể nhìn xuống để thấy rằng ta đã hơn nhiều người, nhưng luôn luôn phải nhìn lên để thấy ta còn thua nhiều người. Và chúng ta phải tin tưởng vào chính mình, vào sức mạnh tập thể, bởi sự tự ti cũng là một nguyên nhân của trì trệ. Mà muốn tự tin thì phải luôn trau dồi, luôn học hỏi và luôn có tư tưởng tiến công để giành chiến thắng. Một người không có hoài bão lớn, không tin vào khả năng của chính bản thân mình sẽ không bao giờ làm được điều gì nên chuyện và sẽ dùng mọi lý lẽ để biện hộ cho sự "cẩn trọng" của mình, cản trở sáng kiến của những người xung quanh.

Thứ hai, công ty phải tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thi cử, tuyển chọn chức vụ, khen thưởng những cá nhân có tinh thần học hỏi, đồng thời phải cương quyết loại bỏ những cá nhân không cầu tiến, không chịu trao dồi kiến thức, đặc biệt là trong đội ngũ manager. Những triển vọng, khả năng thăng tiến luôn được tạo ra, cũng như nguy cơ bị thụt lùi, bị qua mặt sẽ làm cho tính tích cực trỗi dậy, lấn át cái trì trệ, bảo thủ trong mỗi người.

Thứ ba, lãnh đạo phải sâu sát với bên dưới hơn, phải lắng nghe ý kiến của họ, phải tạo điều kiện cho họ thực hiện các sáng kiến khả thi của họ. Phải tin tưởng bên dưới hơn nữa, vừa quan tâm theo dõi, nhưng vừa phải cho họ những quyền hạn nhất định, đừng quan tâm theo kiểu o bế, bao cấp toàn bộ. Và hãy mạnh dạn cho dưới thử nghiệm những ý tưởng của họ, đừng quá cẩn trọng và sợ thất bại. Nếu thành công, đó sẽ là một động lực tốt để họ tiếp tục sáng tạo, tiếp tục đi lên. Nếu thất bại, đó cũng là một bài học tốt. Không tin vào khả năng bên dưới, sợ họ không đủ sức, sợ họ thất bại, cũng như không phản ứng chưa đúng mực thì bên dưới thất bại, đó chính là một trong những nhân tố làm nên tính bảo thủ, trì trệ, khiến bên dưới thu vào vỏ ốc, giữ mình cho yên thân mà không dám thực hiện những kế hoạch và dự án mới.

Như vậy, trì trệ là một căn bệnh trầm kha mà nguyên nhân của nó nằm trong mỗi một người, mỗi một tổ chức và mỗi một tế bào xã hội. Muốn chữa căn bệnh này phải có những biện pháp tổng thể, bởi các nguyên nhân này quấn vào nhau, tác động lên nhau và sẽ vô ích nếu chỉ chữa bệnh theo một hướng. Cơ chế dù có tốt đến mấy, thiếu sự tích cực trong mỗi người cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Cạnh tranh lại rất dễ dẫn đến đấu đá, đố kị, thậm chí làm hại nhau. Một người dù cầu tiến đến đâu, trái lại, gặp một môi trường thiếu tính cạnh tranh, gặp một cơ chế không phát huy sáng tạo, sẽ dần dần bị thui chột.