Cách mạng tháng 8 bắt đầu từ ngày nào năm 2024

hắng lợi dồn dập của khởi nghĩa ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng ở Nam Kỳ và Sài Gòn đến lúc chín muồi.

Gần một tuần sau khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi, cơn bão táp cách mạng bùng lên ở Sài Gòn - một trong những địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước ta.

Vừa được tin Nhật đầu hàng, Xứ ủy Nam Kỳ lập tức thành lập Ủy ban khởi nghĩa vào ngày 15/8/1945. Ủy ban khởi nghĩa gồm các ủy viên: Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu (Chủ tịch), Nguyễn Văn Trấn (Phó Chủ tịch), Huỳnh Văn Tiểng (Thường trực), Nguyễn Văn Tư (Thường trực), Hoàng Đôn Văn và Kiều Công Cung; đặt trụ sở tại đường Côlômbe (Sài Gòn).

Tối 16/8/1945, Xứ ủy triệu tập Hội nghị mở rộng tại Chợ Đệm (Chợ Lớn) bàn về khởi nghĩa. Đại đa số các đồng chí tham gia Hội nghị đồng ý khởi nghĩa, nếu không sẽ bỏ lỡ thời cơ; có một số đồng chí không tán thành vì sợ Nhật đàn áp.

Sau khi tranh luận thẳng thắn, với tinh thần thận trọng, Hội nghị quyết định: xúc tiến việc hoàn thiện chuẩn bị khởi nghĩa; đưa Việt Minh ra công khai, sẵn sàng chờ tin Hà Nội; hễ Hà Nội khởi nghĩa thì Xứ ủy họp lại lập tức để quyết định ngày khởi nghĩa ở Sài Gòn và chỉ định Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.

Sau Hội nghị của Xứ ủy, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành rất khẩn trương ở Sài Gòn. Số lượng các đội Công đoàn xung phong và Thanh niên Tiền Phong được tăng cường. Các đội tự vệ được trang bị thêm vũ khí.

Để thăm dò thái độ và tác động đến quân đội Nhật ở Sài Gòn, Xứ ủy cử các đồng chí Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn đến Tổng hành dinh Đông Nam Á của Nhật để giải thích đường lối của Mặt trận Việt Minh, yêu cầu quân đội Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Sáng ngày 19/8/1945, 50.000 đoàn viên Thanh niên Tiền Phong tổ chức tuyên thệ lần thứ hai tại vườn Ông Thượng để biểu dương lực lượng. Chiều tối 20/8/1945, tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, Việt Minh trình bày chương trình hành động, hô hào quần chúng đứng lên giành độc lập dưới cờ Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm xuất hiện ở nhiều nơi.

Ngày 20/8/1945, Việt Minh ra công khai ở thành phố Sài Gòn. Cùng ngày, tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi truyền vào như luồng điện gây chấn động cả thành phố.

Sáng 21/8/1945, trong khi hàng chục xe loa cắm cờ đỏ sao vàng chạy khắp thành phố Sài Gòn thì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Nam Kỳ lại được triệu tập tại Chợ Đệm để định ngày giờ phát lệnh khởi nghĩa và chỉ định Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Trong Hội nghị này, chủ trương và kế hoạch khởi nghĩa vẫn chưa được nhất trí cao trong Xứ ủy. Do đó, Hội nghị quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm trong đêm 22 rạng ngày 23/8/1945 để thăm dò phản ứng của Nhật.

Đồng thời, Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Chợ Đệm tiếp tục họp định ngày giờ và cách thức khởi nghĩa ở thành phố Sài Gòn; huy động lực lượng nông dân “vành đai đỏ” vũ trang kéo vào thành phố.

Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền ngày 25/8/1945. (Ảnh Tư liệu)

Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền ngày 25/8/1945. (Ảnh Tư liệu)

Ngày 22/8/1945, Ban Trung ương Thanh niên Tiền Phong ra tuyên bố đứng trong Mặt trận Việt Minh và sẽ tranh đấu với ba khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập”, “Chính phủ dân chủ cộng hòa” và “Chính quyền về tay Việt Minh”.

Sáng ngày 23/8/1945, được tin Tân An đã khởi nghĩa thành công nhanh gọn mà quân Nhật không phản ứng gì, Hội nghị Xứ ủy mở rộng lập tức quyết định: “Tối 24 phát động khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 25 huy động chừng một triệu nhân dân nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận, chủ yếu là Gia Định, Chợ Lớn, có cả Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và đoàn các tỉnh lên dự để rút kinh nghiệm và lãnh chỉ thị mới, tất cả làm tổng biểu tình vũ trang xem như hoàn thành việc giành chính quyền ở Thủ phủ miền Nam”. Ủy ban hành chính Nam Bộ được chỉ định gồm 9 ủy viên.

Cũng trong ngày 23/8/1945, Việt Minh thành phố vận động nhân dân tẩy chay cuộc biểu tình do chính quyền bù nhìn và lực lượng phản động trong cái gọi là Mặt trận quốc gia thống nhất tổ chức để đón Nguyễn Văn Sâm vào Nam Bộ thực thi “chức trách Khâm sai đại thần”.

Tối 23/8/1945, tại trụ sở Thanh niên Tiền Phong ở số 14 đại lộ Sácnê (Charner), trước đại biểu các đảng phái, Việt Minh trân trọng giới thiệu chương trình hành động, kêu gọi toàn dân đoàn kết, quyết tâm giành độc lập, tự do; khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh” được tất cả các đảng phái, tổ chức tôn giáo nhiệt liệt tán thành.

Sáng ngày 24/8/1945, một lá cờ búa liềm bay phấp phới trên nóc nhà số 272 đường Sátxơlu Lôba (Chasseloup Laubat).

Quần chúng nhân dân tụ họp đông đảo ngắm nhìn cờ Đảng.

Ngày 24/8/1945, Ban Trung ương Liên đoàn Công chức Nam Bộ ra thông báo có tính chất “mệnh lệnh”, yêu cầu tất cả các công chức ở Nam Bộ phải cộng tác với Việt Minh.

Từ chiều ngày 24/8/1945, khắp thành phố Sài Gòn hừng hực khí thế khởi nghĩa. Các khẩu hiệu “Bảo Đại thoái vị”, “Nguyễn Văn Sâm từ chức”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chế độ dân chủ cộng hòa”, “Chính quyền về tay Việt Minh, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm” được đăng trên các báo, in trên truyền đơn, áp phích phổ biến khắp thành phố.

Việt Minh công khai kêu gọi nhân dân tham gia cuộc mít tinh ngày 25/8/1945.

Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền trên Đại lộ Norodom ngày 25/8/1945. (Ảnh Tư liệu)

Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền trên Đại lộ Norodom ngày 25/8/1945. (Ảnh Tư liệu)

Đúng như kế hoạch đã định, 18 giờ ngày 24/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa.

Chấp hành lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, từ 20 giờ, các đội Thanh niên Tiền Phong xung kích gồm hàng nghìn đội viên ưu tú, đa số là đoàn viên Tổng Công đoàn mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản, được vũ trang triển khai lực lượng đánh chiếm các cơ sở trọng yếu trong thành phố như: Kho bạc, Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Sở Bưu điện, dinh Thống đốc Nam Kỳ, Sở Chữa cháy, Sở Công an, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bốt cảnh sát, các vùng lân cận trại lính Nhật, khu Pháp kiều, khu vực trại lính Pháp,... Trong lúc các đội xung kích chiếm các công sở thì thanh niên, công nhân có vũ trang trên các xe cam nhông cắm cờ chạy khắp thành phố để cổ động và phòng ngừa bọn lưu manh, phản động.

Đến 22 giờ ngày 24/8/1945, tất cả bộ máy cai trị của chính quyền bù nhìn trong thành phố đã về tay cách mạng, trừ dinh Toàn quyền, cảng Hải quân, Đông Dương Ngân hàng, sân bay Tân Sơn Nhất vì Nhật không chịu nhượng bộ. Khâm sai Nguyễn Văn Sâm bị bắt tại dinh Khâm sai lúc 22 giờ cùng ngày. Trước 0 giờ ngày 25/8/1945, một cây cột cao, mỗi bề 2m, bao vải đỏ ghi tên 9 ủy viên Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ được dựng lên tại ngã tư Sácnê - Bôna (Bonard).

Cũng từ nửa đêm 24/8, hàng chục vạn quần chúng nhân dân từ các vùng ngoại thành Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Đông, Bình Xuyên, Chợ Đệm..., từ các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, với băng cờ, gậy gộc, dao găm, giáo, mác, súng,... ồ ạt tiến vào thành phố Sài Gòn. Cả thành phố vang lên những tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu: “Đả đảo Khâm sai Nguyễn Văn Sâm”, “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”,...

Rạng sáng ngày 25/8/1945, Sài Gòn bừng dậy trong không khí cách mạng hào hùng. Các đường phố tràn ngập cờ, biểu ngữ. Tiếng hô khẩu hiệu quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vang dội trong thành phố. Cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại của quần chúng bắt đầu từ nhà thờ Đức Bà diễu qua các đường phố Catina (Catinat), Bengíchcơ (Belgique), Kítsơnê (Kitchener), Bôna, hội tụ trước dinh Đốc lý thành phố, nơi được chọn làm trụ sở của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.

Từ trên bao lơn của trụ sở, đồng chí Phạm Ngọc Thạch thay mặt Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ công bố danh sách Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ; Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trần Văn Giàu báo cáo tình hình khởi nghĩa trong toàn quốc, yêu cầu đồng bào hoàn thành cuộc khởi nghĩa bằng sự phê chuẩn danh sách Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ, kêu gọi nhân dân quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn thay mặt Xứ ủy đọc lời kêu gọi nhân dân quyết tâm ủng hộ, bảo vệ cách mạng.

Trong không khí hào hùng, đồng chí Nguyễn Lưu, đại diện Tổng Công đoàn Nam Bộ, đọc lời hứa của giai cấp công nhân, nhân dân lao động cùng toàn thể nông dân sát cánh bên nhau quyết giữ vững chính quyền cách mạng.