Đề tài thi khoa học kỹ thuật

Những người “trong cuộc” đều có chung nhận xét là chúng ta đã đi quá xa trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học, nên dừng lại để tránh những hệ lụy nặng nề.

Dù gặp nhiều sóng gió dư luận và cả COVID-19, nhưng cuộc thi Khoa học kỹ thuật [KHKT] quốc gia học sinh trung học năm học 2020 – 2021 vẫn diễn ra tại Thừa Thiên - Huế, từ ngày 25-27.3.

Một hiện tượng đáng lưu ý: Theo thông báo từ Ban tổ chức cuộc thi, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất.

Đáng nói là, đề tài tương tự: “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật [học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình] đã giành giải Nhất KHKT tỉnh Ninh Bình năm 2019.

Hai tác giả đạt giải Nhất năm 2019, hiện đã ra trường, hai năm sau, không hiểu sao đề tài tương tự lại đạt giải Nhất quốc gia năm 2021.

Trước khi cuộc thi diễn ra, báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh những bất cập, tồn tại của cuộc thi như các đề tài vượt quá tầm của học sinh, mang tính chất hoang tưởng, không thực chất, không có tính ứng dụng, các dấu hiệu tiêu cực, sao chép của hàng loạt đề tài đạt giải.

Năm nay, vẫn tiếp tục xuất hiện các đề tài “khủng” vượt quá tầm hiểu biết, khả năng của học sinh phổ thông hoặc đã được cày nát qua nhiều năm là “chữa ung thư” và “cánh tay rô bốt”, “điều trị xơ vữa động mạch”, “hoại tử”, "thiết bị thông minh hỗ trợ người khiếm thị"... đạt giải cao.

Nếu có thống kê đầy đủ, tôi tin rằng tỷ lệ trùng lặp đề tài/dự án, ý tưởng của cuộc thi qua các năm là rất lớn. Một điều trùng hợp nữa, là hầu hết các đề tài, dự án không có khả năng ứng dụng, sản xuất tung ra thị trường.

Như Báo Lao Động đã có nhiều bài phân tích, học sinh trung học chưa đủ độ chín về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo, không có điều kiện và thời gian sáng tạo, nghiên cứu KHKT một cách bài bản, chuyên nghiệp. Vì vậy, cuộc thi tất yếu sẽ sinh ra đối phó, “luồn lách” và đủ hình thức khác nhau để có sản phẩm, có giải.

Là nhà giáo, tôi được nhiều đồng nghiệp là học trò, bạn bè, người thân đang công tác trong ngành giáo dục khắp mọi miền đất nước tâm sự, chia sẻ về cuộc thi KHKT của học sinh. Tất cả đều có chung nhận xét ban đầu cuộc thi có mục đích tốt, nhưng sau đó cuộc đua thành tích, danh hiệu đã đẩy cuộc thi đi quá xa, theo hướng không thực chất, không hiệu quả, gây lãng phí vô cùng lớn, áp lực và nguy hại nhất là làm cho học sinh quen với cách ứng xử dối trá, không trung thực.

“Cuộc thi KHKT đã đi quá xa theo hướng tiêu cực và không thực chất. Hãy dừng lại càng sớm càng tốt, tránh để lại những hệ lụy không đáng có cho thế hệ trẻ”- nhiều giáo viên bày tỏ nguyện vọng tha thiết lên Bộ trưởng Bộ GDĐT-Bộ KHCN.

Có nên bãi bỏ các cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh không?

Một cuộc thi cấp quốc gia có 91 đề tài đoạt giải. Trong số đó có 12 đề tài đoạt giải nhất là dấu hiệu đáng mừng, vì sân chơi khoa học kỹ thuật đã thu hút nhiều học sinh tham gia. 

Nhưng nó cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi nghi ngờ vì các đề tài đoạt giải có độ khó cao so với khả năng thực tế của học sinh. Thậm chí là không tưởng với một đề tài về ứng dụng trong điều trị ung thư nếu không có sự hỗ trợ từ người lớn có chuyên môn.

Có thực sự là sản phẩm của học sinh?

Mỗi lần đọc tên các đề tài, tôi và nhiều đồng nghiệp tự hỏi: "Liệu đây đã thật sự là sản phẩm của học sinh?". Và cuộc thi đã thật sự khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng những kiến thức được thầy cô truyền đạt vào thực tiễn? Cho các em sân chơi bổ ích, giúp các em có "đất" thể hiện và trải nghiệm?

Và thú thật, đây không phải là lần đầu tiên tôi trăn trở về cuộc thi này. Vì trong mấy năm trở lại đây, tôi đã có dịp chứng kiến một số chuyện dở khóc dở cười xoay quanh cuộc thi.

Là cuộc thi nhằm giúp học sinh thỏa sức sáng tạo, say mê tìm tòi nghiên cứu khoa học thì vai trò chính phải là học sinh. Thầy cô chỉ phụ trách hỗ trợ giúp đỡ các em. 

Nhưng nhiều trường đang làm ngược lại. Sợ học sinh không thể nghĩ ra đề tài. Không tham gia cuộc thi thì ảnh hưởng đến thành tích chung nên ở một số trường, phần việc "nặng nhọc" này được chia đều cho các tổ chuyên môn.

Đầu năm, trường sẽ yêu cầu giáo viên đăng ký đề tài thi khoa học kỹ thuật. Tổ nào cũng lo lắng, loay hoay. Đến hạn, dù muốn dù không các giáo viên cũng cố nộp cho được một đề tài. Và ôi thôi, đủ chuyện dở khóc dở cười. Có đề tài nghe tên thì "hoành tráng" mà chẳng có chút khả thi nào. 

Có đề tài thì có khả năng thực hiện nhưng kinh phí trên trời. Một số đề tài khác lại khiến người ta nhanh chóng thất vọng vì chỉ cần vào Google gõ một cái là ra...

Giáo viên "mất ăn mất ngủ"

Đầu năm, bạn tôi cũng được yêu cầu tìm đề tài cho cuộc thi khoa học kỹ thuật. Bạn lo lắng, mất ăn mất ngủ. Sau mấy tuần không tìm ra đề tài, nghe người quen mách nước, bạn quyết định vào các nhóm giáo viên THCS trên mạng hỏi mua.

Và thật may là cuối cùng một đồng nghiệp trên mạng cũng chịu bán lại đề tài thi mấy năm trước với giá vài trăm. Thế là yên tâm đem nộp. Cứ theo cách làm này thì cuộc thi khoa học kỹ thuật không còn là cuộc thi của học sinh nữa. Nó là cuộc "chạy đua" thành tích của các trường, là "nỗi sợ" của giáo viên.

Tôi tiếp tục ngao ngán khi tìm hiểu quy trình thực hiện đề tài của nhiều nơi, nhiều trường. Là cuộc thi của học sinh nhưng nhiều giáo viên khi được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho học sinh lại bắt tay vào làm, tự mình hoàn thiện sản phẩm. Học sinh chỉ việc học thuộc bài thuyết trình và tập trình bày sao cho thật ấn tượng. Chính điều này khiến cuộc thi trở nên hình thức, không đem lại "giá trị" thật sự.

Để là sân chơi của học sinh 

Vậy nên để cuộc thi khoa học kỹ thuật trở nên thú vị, là sân chơi của học sinh, các trường nên bắt đầu từ việc khuyến khích học sinh mạnh dạn nêu ý tưởng; thành lập các câu lạc bộ để học sinh có "đất" thể hiện khả năng sáng tạo của mình. 

Có hình thức khen thưởng hợp lý đối với những sáng tạo dù nhỏ nhưng hữu ích. Trong quá trình dạy học, giáo viên cũng cần quan tâm hơn đến việc khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm thay vì giáo viên làm hộ, làm thay như hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét về quy trình tổ chức cuộc thi. Tránh trường hợp áp đặt số lượng đề tài, khiến các đề tài ra đời "như gà đẻ trứng" mà chất lượng thì còn nhiều vấn đề phải bàn cãi.

HOÀNG PHƯỚC

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 có sự góp mặt của 141 dự án. Ban tổ chức đã trao 12 giải nhất, 19 giải nhì, 26 giải ba và 34 giải tư cho các nhóm học sinh. Như vậy, có 91/141 dự án giành giải [chiếm 64,5%]. 7 dự án lọt qua vòng phỏng vấn và được lựa chọn dự thi quốc tế.

Điều gây chú ý, tên đề tài nghiên cứu của 12 dự án đoạt giải nhất đều giải quyết những vấn đề khó của cuộc sống như: "Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo" [THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh]; "Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ" [THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM]; "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" [THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh]…

Thậm chí một số đề tài đòi hỏi quá trình nghiên cứu sâu như: "Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ" [THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư Phạm Hà Nội]; "Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch" [THPT Ngô Quyền và THPT Nguyễn Trãi, Hải Phòng]…

Không ít người cho rằng tên các đề tài nghiên cứu đoạt giải cao đều “khủng” và rất khó. Kiến thức cần phải vận dụng nghiên cứu ở các đề tài này đến sinh viên đại học năm cuối còn khó nắm bắt chứ chưa nói đến các em học sinh lứa tuổi trung học.

Thậm chí, ngay sau khi 12 đề tài nghiên cứu đoạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021, trên mạng xã hội và báo chí đã đặt nghi vấn đề tài: "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" [THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình].

Tên đề tài này gần trùng với tên đề tài: “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật [học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình] đã giành giải Nhất KHKT tỉnh Ninh Bình năm 2019.

Câu hỏi dư luận đặt ra là liệu 2 đề tài nghiên cứu này có phải là một hay không? Bởi hai tác giả đạt giải Nhất KHKT tỉnh Ninh Bình năm 2019 hiện đã ra trường.

Dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" của nhóm học sinh Đinh Hoàng Nam và Nguyễn Trần Đạt, Trường THPT Hoa Lư A [Ninh Bình] đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 [Bìa trái] và sáng chế “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật [học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A] đoạt giải đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Ninh Bình năm 2018 – 2019 [bìa phải]

12 dự án đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021:

1. "Vi tảo biển - nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho ấu trùng ngao dầu" [THPT Việt Đức và THPT Chu Văn An, Hà Nội].

2. "Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ" [THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM].

3. "Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch" [THPT Ngô Quyền và THPT Nguyễn Trãi, Hải Phòng].

4. "Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lý học sinh trong trường học" [Tiểu học - THCS - THPT Victory, Đăk Lăk].

5. "Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư" [THPT chuyên Lam Sơn và THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa].

6. "Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ" [THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư Phạm Hà Nội].

7. "Nghiên cứu, định danh loài sinh vật trung gian và trực tiếp gây viêm, hoại tử vết thương trên da người ở vùng nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre và định hướng giải pháp trong phòng trị hiệu quả cho người dân" [THPT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre].

8. "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" [THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh].

9. "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" [THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình].

10. "Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo" [THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh].

11. "Kích thích tư duy Toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch" [THCS Nguyễn Tri Phương, Thừa Thiên Huế].

12. "Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học" [THPT chuyên Lào Cai, Lào Cai].

Theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2020, có 11 đối tượng được xét tuyển thẳng vào đại học, trong đó có thí sinh đoạt giải Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia. Cụ thể:

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải.

Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải tư trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp THPT, được ưu tiên xét tuyển vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải;

Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, nếu chưa tốt nghiệp THPT được bảo lưu đến hết năm tốt nghiệp THPT.

Video liên quan

Chủ Đề