Gương điển hình Chi hội trưởng phụ nữ

Phú Yên: Chị Bế Thị Ngọc Lan năng nổ, nhiệt tình

15 năm tham gia công tác Hội, chị Bế Thị Ngọc Lan (37 tuổi), dân tộc Tày, chi hội trưởng Phụ nữ buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Hội và phong trào phụ nữ địa phương, góp phần không nhỏ trong việc đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây.

Với vai trò chi hội trưởng phụ nữ, chị Lan luôn tìm cách quan tâm đến công tác tập hợp đoàn kết hội viên phụ nữ. Để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phụ nữ trong buôn, chị thường xuyên sâu sát, chia sẻ với chị em, tích cực vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội, vận động chị em không nghe theo lời kẻ xấu, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo theo đạo trái phép; vận động chị em chung tay xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác thải bừa bãi, xây dựng tường rào, hố xí hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Với một địa phương còn nhiều khó khăn như Mả Vôi, chị Lan luôn đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái, vận động chị em đoàn kết giúp nhau lúc ốm đau hoạn nạn, nghèo khó. Thông qua mô hình “Hội Phụ nữ cơ sở nhận giúp đỡ ít nhất 1 địa chỉ an sinh xã hội”, Hội LHPN xã giúp chị Hờ Rét, một phụ nữ Ê Đê nghèo trong buôn 150.000 đồng/tháng. Nhà Hờ Rét nghèo không có đất ruộng, rẫy làm ăn, chị lại là phụ nữ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, trong đó có 1 đứa con bị khuyết tật. Chị Lan đã vận động chị em trong buôn góp quần áo cũ và vẫn đổi ngày công giúp đỡ gia đình chị mỗi khi có việc cần. Chị còn nỗ lực làm cầu nối cho phụ nữ địa phương vay vốn làm ăn, vận động chị em đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Chị phấn khởi cho hay: Hiện tại, trong buôn có 53 hộ vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ trên 1,2 tỉ đồng. Để biết cách trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng đồng vốn vay hiệu quả hơn, chị em còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng sắn, trồng nấm rơm, chăn nuôi heo bò… Chị cùng với cán bộ, hội viên trong chi hội thành lập các CLB Phụ nữ không hút thuốc lá, Gia đình 5 không 3 sạch... trên địa bàn. Qua đó tuyên truyền vận động phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ thói quen hút thuốc lá ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thực hiện tốt các tiêu chí để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững... Với những đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ và công tác Hội ở Đức Bình Tây, nhiều năm nay, chi hội phụ nữ buôn Mả Vôi luôn xếp loại vững mạnh, bản thân chị Lan nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội các cấp. Mới đây, chị vừa được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen là phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu trong giai đoạn 2014-2017.

Hà Tĩnh: Chị Lê Thị Nhân giàu lòng nhân ái

Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn 2 – xã Xuân Hồng (Nghi Xuân), chị Lê Thị Nhân được bà con nhân dân trong vùng nể phục và yêu quý bởi sự nhiệt tình, cống hiến cho phong trào phụ nữ trong suốt 15 năm qua. Là chi hội trưởng năng động, chị Nhân đã vận động được 145 hội viên trong chi hội tham gia mô hình tiết kiệm với số tiền 90 triệu đồng cho 20 hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Cuối kỳ, chi hội trích 4 triệu đồng ủng hộ cho 5 chị có hoàn cảnh khó khăn. Gương mẫu, tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình chị Nhân đã ủng hộ thôn, xã xây dựng nhà văn hóa và các hạng mục với số tiền trên 200 triệu đồng; đồng thời tham gia đóng góp ngày công trồng bờ rào xanh nhà văn hóa thôn, chỉnh trang nhà ở, vườn hộ, xây dựng rãnh thoát nước trong thôn. Chi hội chị Nhân nhận đảm nhiệm xây dựng tuyến đường xanh- sạch- đẹp, để bà con nâng cao ý thức, làm theo, chị Nhân đã ngày 2 lần trực tiếp đi gom sạch phân trâu bò trên những tuyến đường trong thôn; đồng thời phân công các gia đình hội viên có trách nhiệm tự quản các tuyến đường, cùng chung sức làm cho đường làng, ngõ xóm sạch sẽ và mỗi người dân từng bước hình thành nếp sống văn minh. Không chỉ vậy, chị Nhân còn là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi với 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có uy tín, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên. Cơ sở dịch vụ của chị đã bao tiêu hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm của nhân xã Xuân Hồng, Xuân Lam, giúp hội viên phụ nữ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá.

Gương điển hình Chi hội trưởng phụ nữ

Chị Lê Thị Nhân (áo đỏ) tặng quà các gia đình khó khăn trên địa bàn


Mỗi năm vào các dịp ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc, từ nguồn tiết kiệm của gia đình, chị hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật vươn lên trong học tập với số tiền từ 30 đến 50 triệu đồng/năm. Chị cũng đã cưu mang, tạo việc làm cho những phụ nữ đơn thân như chị Trần Thị Thảo ở xã Xuân Liên, chị Nguyễn Thị Quyên ở xã Xuân Yên; giúp đỡ, kèm cặp cháu Lê Văn Mạnh mồ côi cha đã một vài lần vi phạm pháp luật từng bước tiến bộ, nay đã có việc làm ổn định tại Hà Nội. Hết mình vì phong trào, chị Lê Thị Nhân đã được Trung ương Hội tặng bằng khen và vinh dự là đại biểu dự Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước và biểu dương gương điển hình tiên tiến, xuất sắc của Trung ương Hội.

Lâm Đồng: Chị Ka Thuyền tâm huyết với phong trào phụ nữ

Năng động, nhiệt tình trong công tác Hội, gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua, quan tâm chăm lo đời sống cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn... là những đức tính nổi bật của chị Ka Thuyền,Chi hội trưởngChi hội phụ nữ thôn Nausri, xã Lộc Nga, TP. Bảo Lộc. Chị cho biết chính công tác hội đã giúp chị cảm thấy cuộc sống thêm ý nghĩa.

Với đặc thù chi hội có đông hội viên là người đồng bào dân tộc,theo đạo Tin Lành và sống chủ yếu bằng nghề trồng chè và cà phê,chị đã vận dụng linh hoạt tình hình thực tế tại địa phương tích cực tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng tuầntổ chức sinh hoạt định kỳ vào ngày chủ nhật, xây dựng mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” thu hút 50 hội viên tham gia.

Gắn bó với hội viên phụ nữ, chị đãkịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của chị em trong thôn là muốn xây dựng nhà ở trong khi kinh tế của gia đình còn hạn hẹp, chị đã mạnh dạn trao đổi với những người có nhu cầu sửa chữa và xây dựng nhà mới, được chị em đồng tình hưởng ứng, thống nhất, bàn bạc thành lập mô hình“Tổ phụ nữ giúp nhau không lấy lãi xây dựng nhà đẹp”. Ban đầu mô hình có 05 chị tham gia góp vốn xoay vòng giúp xây dựng 01 căn nhà trị giá 200 triệu, đến nay có 30 chị tham gia xây dựng được 17 căn nhà khang trang, sạch đẹp, mức thấp nhất là 180 triệu, cao nhất là 280 triệu.

Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào hoạt động của tổ chức hội, chị Ka Thuyền cònluôn quan tâm đến các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời vận động chị em trong chi hội tham gia giúp đỡ. Đối với những hộ khó khăn có con trong độ tuổi đến trường, nhưng không có điều kiện cho con đi học, chị đã tiếp cận, động viên và kịp thời vận động quyên góp, ủng hộsách, vở giúp các em được đến trường.

Là người Chi hội trưởng tận tâm hết lòng vì công việc,Chị xứng đáng là gương điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ và nhiệm vụ công tác Hội thời gian qua.

Cà Mau: Chị Tình sống có … tình

“Thực hiện việc học tập và làm theo Bác, bản thân tôi luôn ý thức phải gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, đồng thời triển khai đến tất cả hội viên trong tổ, chi hội. Tôi nghĩ rằng, mỗi cá nhân cần đặt ra mục tiêu để học tập và làm theo Bác. Với bản thân, tôi đặt cho mình mục tiêu tiết kiệm thời gian, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, vận động chị em hội viên cùng thực hiện để có tiền giúp đỡ hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo. Đây là những việc làm thiết thực, hiệu quả nhất để giúp chị em vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo”, chị Hà Ngọc Tình, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ, Chi hội Phụ nữ ấp Hàng Còng, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, chia sẻ.

Gương điển hình Chi hội trưởng phụ nữ

Chị Tình (thứ 4 từ phải sang) cùng hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Hàng Còng dâng hương kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những mô hình mà chị Tình xây dựng, tuy nhỏ về vật chất, song lại có ý nghĩa thiết thực, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cán bộ, hội viên. Đó là việc phát động chị em thực hành tiết kiệm tiền 500 đồng/ngày và 5.000 đồng/tháng; tất cả hội viên của tổ với 45 chị đăng ký thực hiện tiết kiệm điện, nước sinh hoạt trong gia đình bình quân được từ 1,2 triệu đồng/năm, tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt trong gia đình trên 15 triệu đồng. Phát động xây dựng hũ gạo tình thương được 1.050kg gạo, giúp cho 66 lượt chị với số gạo là 830kg gạo, số còn lại gởi tặng bếp cháo từ thiện của Bệnh viện huyện.

Từ cách nghĩ, cách làm của chị, nhiều mô hình, các cuộc vận động đã được triển khai thực hiện, đi vào nền nếp, giúp cho Tổ Phụ nữ và Chi hội Phụ nữ ấp Hàng Còng được đánh giá cao, trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ học tập và làm theo Bác.

Riêng chị Tình, ngoài việc huy động chị em đóng góp tiền giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, chị luôn gần gũi, động viên và sẵn sàng giúp đỡ hội viên lúc khó khăn, hoạn nạn. Chị Tình cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật mượn tiền mua Bảo hiểm y tế với số tiền 9,5 triệu đồng; nhận giúp đỡ 9 hội viên nghèo bằng nhiều hình thức: Hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hỗ trợ hộ nghèo tiền, gạo và các hiện vật khác trên 15 triệu đồng. Ngoài ra, khi thấy trên địa bàn có hội viên nghèo bị bệnh tật, không có điều kiện điều trị, chị Tình vận động đột xuất những người thân, người dân địa phương và xuất tiền cá nhân để giúp họ vượt qua khó khăn. Chị đã vận động giúp đỡ chị Nguyễn Thị Ngân (xã Hòa Tân, TP. Cà Mau); anh Phạm Văn Phụng, chị Nguyễn Thị Điệp, chị Lê Hồng Cẩm, chị Trần Thanh Huệ (ấp Hàng Còng)… số tiền hơn 30 triệu đồng, giúp họ có thêm kinh phí điều trị bệnh.
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội, chị Tình luôn giữ ấm hạnh phúc gia đình, sắp xếp thời gian hợp lý, vừa làm kinh tế với thu nhập trên 150 triệu đồng/năm vừa lo chu đáo cho các con. Hàng năm gia đình chị đều được xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu.

Chị Trần Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã: “Chị Hà Ngọc Tình là cán bộ Hội năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, có nhiều sáng tạo trong chỉ đạo công tác Hội và phong trào phụ nữ. Chị thực sự là điển hình cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn noi theo”.

Với nhiệt huyết, cống hiến trong công tác Hội Phụ nữ, chị Hà Ngọc Tình vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, từ tỉnh đến địa phương. Song có lẽ, đối với bản thân chị, niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy cuộc sống của hội viên ngày một ổn định, ấm no.

Ngọc Quỳnh, Lê. T. Th. Tâm (Nghị Xuân), Bích Hồng-baodatmui.vn