Hồ chí minh sống ở huế bao lâu

Nếu Nghệ An là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Bác Hồ kính yêu, thì kinh đô Huế xưa là nơi in đậm dấu ấn thời niên thiếu của Người và gia đình. Ở lứa tuổi quan trọng nhất của việc hình thành nhân cách và tích lũy tri thức, Bác Hồ đã ở Huế. Người dân Huế tự hào khi Huế là vùng đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và định hướng con đường cứu nước- cứu dân của Bác, hình thành con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

 Hình ảnh người thanh niên Nguyễn Ái Quốc [Bác Hồ] thời trẻ

Thời kỳ thứ nhất khi Người ở Huế cũng là lúc Kinh đô Huế diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là những sự kiện có tác động đến tình hình xã hội- kinh tế cũng như ảnh hưởng đến nhận thức của người dân Huế. Năm 1896, Trường Quốc Học ra đời. Năm 1897, cầu Trường Tiền được xây dựng nối hai bờ sông Hương. Năm 1899, hoàn thành xây dựng phố Trường Tiền và chợ Đông Ba. Năm 1901, ra đời khách sạn và hãng buôn mang tên Bogaert, sau đổi thành Morin vào năm 1907.

              Về mặt xã hội, tiếng Pháp và một phần văn minh, văn hóa Pháp đã xâm nhập vào đời sống dân chúng, quan lại và cả vị vua Việt Nam lúc bấy giờ là Thành Thái. Nhà vua cắt tóc ngắn, mặc đồ Tây, thích lái xe, lái thuyền. Là vị vua có tư tưởng duy tân và chống Pháp nên năm 1907, Vua Thành Thái bị thực dân Pháp buộc thoái vị và đưa Hoàng tử Vĩnh San mới 7 tuổi lên ngôi với niên hiệu Duy Tân. Trong nước, phong trào duy tân và phong trào Đông du của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu diễn ra mạnh mẽ và được nhân sĩ, trí thức khắp cả nước hưởng ứng…..

Năm 1895, ông Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Huế để tham dự kỳ thi Hội. Ông đưa  vợ là bà Hoàng Thị Loan và hai con cùng vào Huế. Thời ấy các sĩ tử trẩy kinh thi Hội, thi Đình bằng đường Thiên lý, con đường nối giữa ba kỳ khúc khuỷu, gập ghềnh. Khó khăn nhất là vượt các truông cát ở Quảng Bình, Quảng Trị. Hành trình trẩy kinh vất vả như một cuộc trường chinh. Kỳ thi này bảng vàng không có tên ông. Nhờ sự giúp đỡ của ông Cao Xuân Dục- Toàn tu Quốc sử quán và ông Khiếu Năng Tĩnh- Tế tửu Quốc tử giám- mà Nguyễn Sinh Sắc được vào học ở Quốc tử giám- trường Đại học duy nhất ở Việt Nam thời bấy giờ- chuẩn bị cho kỳ thi năm sau. Trong ngôi nhà này, ngày ngày bà Hoàng Thị Loan- mẹ của Bác Hồ- cần mẫn dệt vải cùng chồng nuôi con và giúp chồng ôn thi để thỏa chí nguyện khoa cử. Cuộc sống của gia đình Bác trong ngôi nhà này dù nghèo nhưng đầm ấm, yên vui. Có thể nói những hình ảnh về xã hội, về cuộc sống, về con người đầu tiên mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung nhận thức và bắt đầu có những trăn trở là cuộc sống và con người ở Huế.

             Ngôi nhà thứ hai ở Huế gắn bó với gia đình Bác, đó là ngôi nhà ở làng Dương Nỗ- xã Phú Dương – Phú Vang. Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ hai không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học cho các con của mình. Hai anh em Khiêm, Cung cũng theo cha về đây, một phần để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình cho bà Loan, một phần để cụ Sắc có điều kiện dạy học cho hai con. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được cha chính thức khai tâm cho mình. Trong số những học trò của cụ Sắc, Nguyễn Sinh Cung tuy nhỏ tuổi nhất nhưng rất thông minh xuất sắc. Những tri thức mà Người tiếp thu được cùng với sự dạy bảo của cha  về “Nhân, Nghĩa” đã trở thành  nền móng cho sự phát triển về đạo đức, về học vấn sau này của Người.

Sống ở Làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hoá, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hoà nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được sống trong tình cảm yêu thương chan hoà, nhân hậu, bao dung của những người dân quê chất phác; được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân lam lũ. Đời sống gần gũi với người dân lao động ở đây đã góp phần hình thành nên cội nguồn yêu thương người lao động nghèo trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung- Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Năm 1900, ông Nguyễn Sinh Sắc được triều đình cử đi chấm thi Hương ở Thanh Hóa, Nguyễn Sinh Khiêm  đi theo để giúp đỡ cha, Nguyễn Sinh Cung trở lại Thành Nội sống cùng mẹ tại nhà 112 Mai Thúc Loan. Tại ngôi nhà này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung lúc ấy mới 10 tuổi đã chứng kiến một việc đau buồn, mẹ mất sau khi sinh em Nguyễn Sinh Xin được một tháng rưỡi. Đó là một ngày mưa lạnh cuối tháng Chạp năm Thành Thái thứ 12, tức đầu tháng 2 năm 1901. Một cậu bé 10 tuổi, mẹ mất, em còn nhỏ, cha đi công cán xa, trước hoàn cảnh bi thương ấy, bà con ở đây đã tự đứng ra lo lắng  mọi việc chôn cất cho bà Hoàng Thị Loan.

Người dân Thành Nội Huế đã an táng bà Hoàng Thị Loan tại Núi Bân- xóm Hành- Phường An Tây- Thành phố Huế. Mộ Bà nằm trên đồi thông, phía trước là núi Kim Phụng. Năm 1922, gia đình đã cải táng đưa về quê nhà. Bây giờ đây, nhiều người dân Huế, khách du lịch thường ghé thăm địa chỉ này như một sự tưởng nhớ về người mẹ đã sinh ra một vĩ nhân;  một điển hình phụ nữ Việt Nam: chịu thương chịu khó, hy sinh tất cả vì chồng,con.

Từ Thanh Hóa, nghe tin vợ mất, ông Nguyễn Sinh Sắc trở về Huế và đưa các con về Hoàng Trù quê ngoại. Như vậy, từ năm 1895 đến năm 1901 là 6 năm để lại nhiều kỷ niệm thời niên thiếu khó quên của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Huế.

Tháng 5 năm 1901, năm Thành Thái thứ 13, ông Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh của Bác Hồ- đậu Phó bảng khoa thi Hội. Nhân dịp này, ông Nguyễn Sinh Sắc làm lễ "Vào làng" cho hai con trai, Nguyễn Sinh Khiêm có tên mới là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Sinh Cung có tên mới là Nguyễn Tất Thành. Ở quê nhà, Nguyễn Tất Thành cũng được cha xin vào học lớp dự bị Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Trên tường của lớp học có dòng chữ“ Liberte’- Egalite’- Fraternite’  ”- nghĩa là Tự do- bình đẳng- bác ái. Sau này, khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã kể lại với nhà báo Men-đơ-sơ-tam của tờ báo “ Ngọn lửa nhỏ” năm 1923 rằng “ Vào trạc 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do- bình đẳng- bác ái”. Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy”.

Giai đoạn thứ hai Bác Hồ ở Huế, đó là từ năm 1906 đến năm 1909. Năm 1906, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào Huế nhận chức Thừa biện bộ Lễ và đưa hai con Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành cùng vào theo. Lúc này Nguyễn Tất Thành đã bước sang tuổi 16- là thời kỳ bắt đầu có những nhận thức sâu sắc về xã hội.

       Khu vực vườn hoa này trước đây là địa điểm trường Tiểu học Pháp Việt Đông Ba. Từ năm 1906 đến 1908, hai anh em Bác Hồ học ở trường này.  Trong kỳ thiprimaire [tương đương tốt nghiệp tiểu học], Nguyễn Tất Thành là một trong 10 học trò giỏi nhất của trường được thi vượt cấp vào hệ Thành chung trường Quốc Học.

 Năm 1908,  Nguyến Tất Thành vào học ở trường Quốc Học Huế niên khóa 1908-1909

  Trường Quốc học được thành lập ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 [năm 1896] và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Ban đầu trường Quốc Học có tên đầy đủ là “Quốc học Pháp tự trường môn”. Đây là Trường Pháp Việt chủ yếu của toàn xứ Đông Dương và là nơi thu hút tuổi trẻ của cả Trung Kỳ.

  Vào thời kỳ đầu tiên, trường Quốc Học chỉ là những dãy nhà tranh- vốn là trại lính thuỷ quân Hoàng gia được cải tạo lại. Năm 1915 Trường Quốc học được xây dựng lại, những dãy nhà tranh được phá bỏ thay thế vào đó là hai dãy nhà lầu xây gạch, lợp ngói kiên cố theo kiểu Tây Âu, về cơ bản kiến trúc đó được duy trì đến ngày nay.

Ở trường Quốc Học, Nguyễn Tất Thành có dịp được tiếp xúc với những người thầy Việt Nam có tinh thần yêu nước như thầy Hoàng Thông; người đã từng du học Pháp, biết rõ về văn hóa, văn minh Pháp như thầy Lê Văn Miến. Những hiểu biết về tình hình đất nước và thế giới qua những cuộc chuyện trò với các thầy đã giúp cho Nguyến Tất Thành hiểu rõ hơn bản chất của thực dân Pháp với chính sách gọi là “ khai hóa thuộc địa” mà thực chất là cướp nước, bóc lột, vơ vét tài nguyên, đàn áp người yêu nước. 

Dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp, Vua Việt Nam chỉ là hư vị,  nội điện chỉ là nơi Vua cư trú, mọi chính lệnh, chiếu, chỉ .. người Pháp đồng ý mới được thi hành.

Những năm Nguyễn Tất Thành ở Huế trùng hợp với thời kỳ lịch sử mà Lê-nin đã nhận xét “ đó là thời kỳ mở đầu sự thức tỉnh châu Á”.

             Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Nga năm 1905, nhiều dân tộc phương Đông đã vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Phong trào này cũng tác động đến Việt Nam. Những lời kêu gọi thiết tha, nóng bỏng nhiệt tình yêu nước và cách mạng của các nhà nho duy tân lúc đó như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu có sức lôi cuốn mạnh mẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt tinh thần của đất nước, trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi từ Bắc chí Nam. Phong trào mở trường học chữ quốc ngữ, học khoa học, mở hội buôn, cắt tóc ngắn, gọi nhau là “ đồng bào” nổ ra khắp nơi.

             Tháng 4 năm 1908, một phong trào kháng thuế cự sưu rầm rộ, to lớn chưa từng có với hàng chục ngàn người tham gia, khởi đầu ở Quảng Nam sau đó lan ra khắp các tỉnh Trung Kỳ, từ Phú Yên đến Hà Tỉnh, Thanh Hoá. Phong trào này, còn gọi là vụ Trung kỳ dân biến. Ngọn lửa kháng sưu chống thuế âm ỉ bấy lâu ở Thừa Thiên Huế bùng lên mạnh mẽ. Người học trò trường Quốc Học Huế Nguyễn Tất Thành hăng hái tham gia với vai trò là thông ngôn. Cuộc đấu tranh chống thuế ghi sâu trong ký ức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã từng kể lại với đồng chí Vũ Kỳ- thư ký riêng của Người rằng “ Mình tham gia với tư cách là một người thông ngôn. Khi đồng bào nói chưa đúng thì mình thêm vào cho đúng để chọi lại với Pháp. Khi bọn Pháp nói những gì làm cho uy thế của đồng bào kém đi thì mình thông ngôn lại để lấy lên tinh thần đấu tranh của đồng bào. Cứ thế mà đồng bào ùa lên làm cho bọn Pháp không thể nào ngăn chặn được”.

          Cuộc đấu tranh chống thuế của đồng bào Thừa Thiên Huế tháng 4/1908 kéo dài trong nhiều ngày và bị dìm trong biển máu. Sau cuộc tham gia chống thuế ấy, Nguyễn Tất Thành bị mật thám truy nã gắt gao. Năm 1909, người thanh niên yêu  nước Nguyễn Tất Thành rời Huế, đi dần vào các tỉnh Bình Định, Phan Thiết rồi Sài Gòn và bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước của mình. 

Có thể nói, Huế là mảnh đất gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí minh và gia đình Người trong 10 năm, mảnh đất này là nơi đã  giúp cho người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành hiểu thế nào là sự bất lực của vua triều Nguyễn và tội ác của thực dân Pháp. Huế là nơi lưu giữ ngôi mộ của người mẹ hiền và cũng là mảnh đất bao bọc gia đình Bác trong những ngày khó khăn. Điều quan trọng hơn là từ Huế, Nguyễn Tất Thành hình thành tư tưởng phải đi sang phương Tây để tìm đường cứu nước. Cũng tại Huế hiền hòa mà quyết liệt, cũng là nơi lần đầu tiên Bác Hồ đứng bên cạnh những người nghèo khổ để  đấu tranh chống kẻ thù.

   Huế sâu nặng trong lòng Người, chính vì thế mà trước lúc đi xa, Người vẫn muốn được nghe một câu hò Huế.  Đó là nỗi nhớ của một người con xa quê.

   Huế đã trở thành quê hương thứ hai trong trái tim Người.

                                                                                                     V.X

  • Sách luôn là người bạn đồng hành, là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống con người. Trong thời đại công nghệ thông tin, khi các phương tiện...

  • Cứ mỗi khi tháng 5 về, chúng ta lại hướng về lễ kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Sinh...

  • Nhiều năm qua, tại TP Hà Nội tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn hoạt động một cách ngang nhiên và ngày một tinh vi hơn tại nhiều địa điểm khác nhau, không được xử...

  • Quận Liên Chiểu [Đà Nẵng] thông báo khẩn tìm người từng đến quán bún bò, mỳ quảng Bốn Linh [Đặng Minh Khiêm – Đặng Huy Tá, tổ 25 phường Hòa Minh] - nơi vừa...

  • Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội [Handico] kỷ luật cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Hacinco đối với ông Nguyễn Văn Thanh.

  • UBND TP. Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc điều chỉnh khung thời gian năm học 2020-2021 và thời điểm tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022....

Video liên quan

Chủ Đề