Hồi ức là gì

Tuổi thơ tôi là những ký ức đẹp không thề nào quên được. Giá mà có ai đó tặng tôi một chiếc vé  trở về tuổi thơ tôi. Tuổi thơ tôi không dữ dội, không ồn ào. Tuổi thơ tôi bình dị lắm.

Tuổi thơ trong tôi là…

Là ngày tôi còn bé xíu ở nhà chờ mẹ đi làm về. Tôi vẫn thường ngồi một mình trước thềm nhà ngóng mẹ về, vì tôi biết mỗi lần mẹ về đều có một chiếc bánh nhỏ hay trái gì đó làm quà cho tôi, dù là thứ gì đi chăng nữa tôi vẫn thấy vui lắm. Những lúc chờ mẹ về tôi cũng tự chơi một mình, lấy gạch vẽ lên thềm bất cứ điều gì tôi nghĩ ra…

Hồi ức là gì

Là ngày tôi bắt đầu cắp sách vào lớp một, bữa đầu tiên đúng như câu ca “Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt nhòa, em vừa đi vừa khóc, cô vỗ về an ủi…”. Tôi ngồi học mà không yên cứ nhìn ra ngoài cửa lớp, có mẹ đứng đó tôi mới an tâm, mẹ về là tôi khóc òa lên, sợ sệt tất cả mọi người trong lớp… Ấy vậy mà chỉ hai tuần sau đó tôi đã có bạn đồng hành mỗi sáng hai đứa dắt tay nhau đến trường trên con đường làng yên bình không cần mẹ đón đưa nữa, những buổi học cũng vui hơn. Tối về, tôi ê a những con chữ, con số, rồi hát tặng mẹ những bài hát cô dạy trên lớp.

Tôi nhớ nhất một lần bị cô chấm điềm C môn tập viết, vì sợ mẹ la mà tôi không dám về nhà, đến trưa cả nhà tá hỏa đi tìm tôi, còn tôi thì ngủ ngon lành trên băng ghế trong lớp học. Lúc ba mẹ tới nơi, tôi sợ lắm, cứ nghĩ thế nào cũng bị đòn roi cho mà coi. Khi mới nhìn thấy ba mẹ là tôi mếu máo rồi xin lỗi bị điểm thấp, nhưng không ngờ mẹ tôi chỉ chạy đến ôm tôi và trách "Sao không chịu về nhà, lần sau không được vậy nữa, điểm thấp thì về vòng tay xin lỗi mẹ nghe chưa?". Và từ đó trở đi tôi luôn về nhà thật sớm và đúng giờ.

Là những năm tháng tiểu học với tôi là một khoảng trời thật tuyệt. Hồi đó tuy nhà khó khăn, không có tiền nhưng tôi chẳng cảm thấy quê hay ngại ngùng gì cả. Tôi và bạn bè cùng mua chung một bọc nước siro, hay quả cóc, kẹo bim bim, rồi cứ tan học là cả đám rủ nhau về nhà con Khế để hái ổi, hái me (là biệt danh của đứa bạn thân tôi cho đến bây giờ, cứ gọi khế hoài nên chẳng bao giờ tôi nhắc đến cái tên thật mỹ miều “Ngọc Lan” của nó).

Hồi đó tôi cũng chỉ học một buổi mà chẳng học thêm gì cả, nên chiều nào học bài xong là chạy qua nhà mấy đứa bạn cùng xóm chơi năm mười, chơi keo, chơi ô quan rồi nhảy dây đủ kiểu… Có lẽ ấn tượng nhất là trò chơi “ba mẹ”. Cả đám chia vai, đứa làm ba mẹ, đứa làm con cái, đứa làm bác sĩ rồi bày ra một gia đình nhỏ nhỏ ở góc cây bơ, đám con trai lấy bao đựng gạo, cây củi làm thành cái gọi là “nhà” (giờ nghĩ lại nó giống cái tổ chim bự bự thì đúng hơn). Đám con gái thì lấy lon sữa làm nồi nấu cơm, ra vườn hái mấy cây rau bé xíu, rồi mấy nắm gạo nấu lên là thành một bữa ăn, nghĩ lại hồi đó cứ ý như diễn viên ấy, diễn như thật luôn…

Là những ngày gần nghỉ hè là giờ ra chơi nào cũng thi nhau bắt ve, lấy hoa phượng làm thành những con bướm xinh rồi ép vào trang vở. Ngày hè của tôi đúng là hè thật sự luôn chứ không như bây giờ. Hè của tôi là mỗi ngày mẹ phân cho nhổ xong cỏ cho một đám cà rốt, xong rồi thì đi đâu chơi cũng được, nhổ cỏ xong là lang thang cùng con bạn Khế đi bắt cào cào, đi thả diều ở đồng cỏ, là mỗi tối lại cùng nhau chơi năm mười hay nhiều khi là cùng nhau đi hù ma mấy đứa bạn…

Là những lần bị mẹ đánh đòn vì đi chơi quên về ăn cơm, mẹ phải đi khắp xóm để tìm, là những lần cả nhà chở nhau trên một chiếc xe đi chơi hội chợ… Là những tối ngồi học bài nhưng vẫn lén lút đọc truyện “Cô tiên xanh”… Tôi mê nhất là truyện này, chỉ canh nhỏ bạn trong lớp mua là mượn về đọc liền…

Đó là những ngày thật tuyệt, sau này gia đình tôi đi làm ăn nơi khác nên đã chuyển nhà. Tôi con bé ngày đó còn nhỏ lắm nên chẳng suy nghĩ nhiều, cứ nghĩ chuyển nhà là vui nên tôi háo hức lắm. Hôm bữa mẹ mua bánh kẹo về cho tôi mời các bạn đến nhà chia tay mà tôi lại thấy vui, còn được nhận nhiều quà lắm, quà còn hơn ngày sinh nhật ấy chứ. Riêng con Khế mang nguyên bộ búp bê của nó mà tôi rất thích tặng tôi nữa chứ. Và thế là một cuộc sống mới lại đến, nhưng tôi bắt đầu nhớ mọi người, và lúc này tôi cũng đã lớn hơn, tự nhiên tôi thèm được về lại cái xóm nhỏ của tôi, thèm gặp các bạn của tôi lắm, nhưng hồi đó làm gì có điều kiện để tôi có thể trở về chứ.

Hồi ức là gì

Tôi cũng quen dần với cuộc sống mới của tôi, rồi thời gian cũng trôi đi, thấm thoắt cho đến một ngày tôi lên đại học và gặp lại con Khế, mọi kỷ niệm ùa về. Hai đứa cùng ôn lại những kỷ niệm ngày ấy thật vui, không biết có còn được quay trở về như ngày thơ bé ấy không nữa, giá mà có cỗ máy vượt thời gian của Đôrêmon thì tốt biết mấy nhỉ…

Đó là tuổi thơ mà tôi muốn trở về, nghe nó có vẻ cũng bình thường như với tôi đó lại là những hồi ức quý giá nhất trong tôi. Có lần tôi trở về chốn cũ ấy nhưng mọi thứ đã khác, nơi ấy giờ là phố xá tấp nập, nhà cửa cao tầng san sát, các bạn nhỏ bằng tuổi tôi hồi đó đi học suốt ngày, hễ rãnh thì cầm điện thoại, iPad, hoặc chỉ ở nhà thôi. Tôi chẳng còn thấy ai chơi trò nhảy dây hay nhất là trò nấu cơm bằng lon đựng sữa nữa... Tuổi thơ ấy tôi đã chẳng thể nào được nhìn lại một lần nữa rồi… Giá mà một lần thôi cho tôi quay về là một con bé ngày ấy thì thật hạnh phúc biết bao. Tôi muốn mình lại là con bé ngày ấy vô ưu vô lo, và được sống thật vui vẻ, lại được cùng các bạn hàng xóm chơi những trò chơi, được ngủ thật ngon lành trong ngôi nhà ván ngày đó…

Cuộc sống ngày mỗi ngày đi qua đều sẽ để lại những kỷ niệm tuyệt vời. Hãy luôn trân trọng nó, hãy để một ngày nào đó ta lớn lên, trong ta luôn là những hồi ức thật đẹp và ta luôn ước ao được quay trở về…

Phạm Thị Minh Trang

Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.

Hồi tưởng có nghĩa là gì?

Nhớ lại những sự việc đã qua.

Từ hồi có ý nghĩa gì?

① Về, đi rồi trở lại gọi là hồi. ② Cong queo. ③ Hồi, một thiên tiểu thuyết gọi một hồi.