Kẻ thù hung ác của chủ nghĩa xã hội là gì

15:09, 26/05/2021

BHG - “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đã đi xa nhưng lời cảnh tỉnh đó của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc, Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. Bởi những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế và toàn cầu hóa, cùng với quá trình hội nhập, các trào lưu tư tưởng xấu du nhập vào Việt Nam đã và đang chi phối đến tư tưởng và hành động của không ít cán bộ, đảng viên khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sa vào tham ô, tham nhũng...

Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh - Nguồn: voh.com.vn

Làm thế nào để ngăn chặn sự thoái hóa, biến chất và yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong điều kiện hiện nay để xây dựng một chiến lược cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng? có rất nhiều nội dung, trong đó, tìm hiểu, học tập một cách sâu sắc và thực hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về quét sạch chủ nghĩa cá nhân là chìa khóa quan trọng nhất.

Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh - Nguồn: voh.com.vn

Khi nói về một số cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm, chậm tiến, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói chung, các đồng chí ấy rất trung thành với Đảng, với nhân dân, nhưng tư tưởng và tác phong chưa thuần, đang mang một “ba lô chủ nghĩa cá nhân” hoặc nặng, hoặc nhẹ”. Người chỉ rõ nguyên nhân của chủ nghĩa cá nhân là: “Sinh trưởng trong một xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình ít hoặc nhiều vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, thói quen...Vết tích xấu xa nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ, đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.

Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là “chỉ lo mình béo, mặc thiên hạ gầy”; là việc gì cũng chỉ nghĩa đến lợi ích riêng của mình trước hết; chỉ biết “mọi người vì mình” mà không lo “mình vì mọi người”.

Chủ nghĩa cá nhân là một thứ gian xảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ người ra đi xuống dốc. Nó là một thứ vi trùng rất độc đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như: tham ô, lãng phí, quan liêu, tham danh, trục lợi, thích địa vị, thích quyền hành... nó phá từ trong phá ra, là bạn đồng minh của chủ nghĩa đế quốc và thói quen truyền thống lạc hậu, nguy hiểm hơn kẻ thù bên ngoài.

 “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”,  là mối nguy hại cho Đảng và cả dân tộc. Vì cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Nó đẻ ra mọi thói hư tật xấu như: lười biếng, so bì, kiêu căng, kèn cựa, lãng phí, tham ô, bè phái, địa phương chủ nghĩa...

Theo Người, muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân. Muốn giữ gìn sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin thì trước hết tự mình phải trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi cơ quan, đơn vị, cũng như của cả sự nghiệp của cách mạng. Bởi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, chủ nghĩa cá nhân chống phá chúng ta từ trong nội bộ, làm suy yếu ta, tiếp tay cho địch. Còn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cá nhân đã đẻ ra muôn vàn thứ bệnh làm tha hóa, biến chất đội ngũ cán bộ của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng. Vì vậy, muốn thành người cộng sản chân chính phải chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh kiên quyết phê phán chủ nghĩa cá nhân và không ngừng kêu gọi mọi người kiên quyết đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày 5.9.1950 tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Có thể nói đây là vụ án tham nhũng điển hình xảy ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, quân và dân ta còn gặp muôn trùng khó khăn, ăn đói, mặc rét nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì việc đưa vụ án này ra xét xử công khai trước công đường không chỉ vạch trần các hành vi tham nhũng, sa đọa của kẻ phạm tội mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, tham ô trộm cắp tài sản Nhà nước, sống sa đọa đang nhởn nhơ ở ngoài xã hội.

Trong kháng chiến chốn Pháp, Đại tá Trần Dụ Châu, vốn cũng là một người cách mạng, nhưng khi làm Cục tưởng Cục Quân nhu, đã lợi dụng chức vụ, bớt xén phần cơm áo vốn đã rất kham khổ, thiếu thốn của bộ đội ta để cùng đồng bọn sống phè phỡn, trụy lạc...Vụ án được đưa ra khởi tố, đưa ra tòa án quân sự, y bị lĩnh ấn tử hình. Trần Dụ Châu và gia đình chống án lên Bác Hồ, xin được khoan hồng. Vụ án đã gây ra nỗi đau buồn sâu sắc. Nhưng đối với loại sâu mọt đục khoét nhân dân, trị một người để cứu muôn người, dù rất đau lòng. Người đã ký lệnh bác đơn chống án của Trần Dụ Châu. Vụ án đã được thi hành.

Qua đó, có thể thấy: Bác Hồ rất đề cao phép nước, “nhân trị” đi đôi với “pháp trị”. Người hết lòng thương yêu, dạy bảo cán bộ. Nhưng ai sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm hại đến tính mệnh và tài sản của nhân dân, làm mất thanh danh, mất uy tín của Đảng và Nhà nước,  thì dù họ có là cách mạng kỳ cựu, là bộ trưởng, thứ trưởng gì đi nữa, thì vẫn phải được đem ra xét xử theo đúng pháp luật và đó là một giải pháp cực kỳ hữu hiệu để kiên quyết đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội.

Hiện nay, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, nước ta còn chịu sự tác động không nhỏ từ mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện quá độ lên CNXH, khi cái mới và cũ còn tồn tại đan xen, cái tiến bộ đang dần hình thành và tàn dư của xã hội cũ chưa bị loại bỏ hoàn toàn thì chủ nghĩa cá nhân vẫn có môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển với những biểu hiện ngày càng phức tạp và vô cùng tinh vi. Thực tế này đã được Đại Hội XIII tiếp tục chỉ rõ: “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân”. Đó là một trong những thách thức lớn đối với sự sống còn của chế độ, làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”… Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng này là do “bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Điều đó dẫn đến một hệ lụy vô cùng nguy hại: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Một khi chủ nghĩa cá nhân có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển sẽ là mối nguy hại vô cùng to lớn cho Đảng và dân tộc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do vậy, trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chủ động đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay là việc làm cần thiết, thường xuyên và là lương tâm, trách nhiệm của những người cộng sản chân chính.

Đặng Ngọc Mai [Trường Chính trị tỉnh Hà Giang]

“Chủ nghĩa cá nhân” trong tác phẩm Đạo đức cách mạng và giải pháp chống chủ nghĩa cá nhân đối với cán bộ, đảng viên hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng. Người coi đó là cuộc đấu tranh trực tiếp liên quan tới vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng.

Ngày đăng : 07/09/2021 Xem với cỡ chữ

Bản in

Tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm về công tác xây dựng Đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, góp phần hình thành tư tưởng lý luận, thực tiễn về công tác xây dựng Đảng và có ý nghĩa đối với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Người viết vào tháng 12 năm 1958, dưới bút danh Trần Lực, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức cách mạng, về chống chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích về nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân, giải thích về sự tồn tại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, trong các cơ quan đảng và chính quyền của chúng ta. “Từ khi có chế độ của riêng thì xã hội chia thành giai cấp, giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, do đó có mâu thuẫn xã hội, có đấu tranh giữa các giai cấp và từ đó, người nào cũng thuộc vào hoặc giai cấp này hoặc giai cấp khác... Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân”[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của Chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”[2]. Nó chính là kẻ thù lớn nhất, nguy hiểm nhất, là cội nguồn của nhiều thứ “giặt bên trong”. Hồ Chí Minh phân tích: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất cứ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”[3]. Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoàikhông đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra.

Chủ nghĩa cá nhân gây ra nguy hại lớn về biểu hiện xa rời quần chúng nhân dân của cán bộ, đảng viên, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lênh. Kết quả là quần chúng, không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”[4]

Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn trái ngược với đạo đức cách mạng, “chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc”[5]. Người coi việc chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên, kiên quyết, lâu dài và gian khổ, không kém cuộc đấu tranh chống kẻ thù ngoại xâm, vì tư tưởng Cộng sản chủ nghĩa phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là dày xéo lên lợi ích cá nhân... Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Chống chủ nghĩa cá nhân là để giải phóng con người khỏi những thói hư, tật xấu của chính mình, vì sự tiến bộ của mỗi con người. Tất cả vì con người là bản chất của Chủ nghĩa Cộng sản”[6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng muốn chống chủ nghĩa cá nhân thì mỗi cán bộ đảng viên phải biết thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ. Người khẳng định: “Nếu đảng viên sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm, cho nên khi sai lầm thì các đồng chí ấy sẵn sàng và kịp thời sửa chữa, không để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to”[7]. Bởi thực tế như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra “có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. Họ không biết rằng: có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”[8]

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trong thời gian qua Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết cấp bách để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn. Nước ta trải qua thời chiến cũng như thời bình; từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; qua giai đoạn khép kín hệ thống và giai đoạn chuyển đổi sang hội nhập quốc tế, tất cả các giai đoạn đều xuất hiện chủ nghĩa cá nhân và trong mỗi thời kỳ chủ nghĩa cá nhân lại có những biểu hiện khác nhau với những mức độ khác nhau. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, chủ nghĩa cá nhân càng bộc lộ rõ. Trong những năm qua, quá trình đấu tranh với những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng chính là quá trình đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, chúng ta càng phải coi trọng việc giữ gìn các giá trị đạo đức cách mạng, đề cao chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Đây là yêu cầu cơ bản, thường xuyên và cấp bách.

Trong giai đoạn hiện nay, biểu hiện của Chủ nghĩa cá nhân trước hết ở lối sống buông thả, hưởng thụ vì lợi ích cá nhân vị kỷ, tìm mọi cách, bằng mọi giá thực hiện cho bằng được ý đồ cá nhân, coi tập thể, tổ chức, coi sự thành bại của công việc ở dưới lợi ích cá nhân. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về “chống chủ nghĩa cá nhân”, nhiều Đại hội và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận diện và xác định rõ những nguy cơ của đất nước, trong đó có “giặt bên trong”. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ cụ thể 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, làm cơ sở đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, nhận diện và xử lý những tập thể và cá nhân vi phạm, đồng thời làm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Đó là sức sống, sự cụ thể hóa, sự lan tỏa của tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người.

Trong thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, công cuộc chống “kẻ thù bên trong” đã đạt được những kết quả cụ thể với bước đi vững chắc, thể hiện ở việc phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân vi phạm, không có vùng cấm. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “”tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[9]. Đồng thời, từng bước đấu tranh, đẩy lùi một bước chủ nghĩa cá nhân với những căn bệnh của nó, như: cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương, vô cảm; những tiêu cực trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng… ở một số cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền. Trong đấu tranh đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ; việc xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. “Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao, góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”[10].

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới nguội”, hiệu quả chưa cao, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở...Tự phê bình và phê bình nhiều nới mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao...Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”[11]. Điều đó chứng tỏ cuộc chiến đấu chống “kẻ thù bên trong” vẫn còn cam go và đòi hỏi sự phấn đấu, kiên trì, bền bỉ, quyết liệt hơn nữa.

Để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Một là, các cấp ủy đảng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của mà Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Mỗi cán bộ, đảng viên có kế hoạch học tập, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tư cách đảng viên; khắc phục mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, mô hồ mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu và những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Hai là, giữ vững các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng. Yêu cầu các tổ chức đảng khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt hạn chế, yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ hiện nay.

Ba là, phát huy vai trò của Nhân dân, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát cán bộ, công chức, có cơ chế để nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, kịp thời khen thưởng những cá nhân, cơ quan báo chí đã tích cực đấu tranh, phê phán những hành động sai trái, góp phần phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Bốn là, xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thực hiện việc kiểm soát quyền lực của của cán bộ, công chức đặc biệt là những người đứng đầu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Quy định số 08-Qđi/TW của Ban Chấp hành Trung ường về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.

Năm là, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào vi phạm tư cách thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn con nguyên giá trị đối với việc xây dựng đạo đức cho cán bộ, đảng viên; giá trị trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay; giá trị đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Việc nghiên cứu những nội dung trong tác phẩm Đạo đức cách mạng là để mỗi chúng ta tự hoàn thiện đạo đức của mình, để vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cũng như phục vụ cho công tác giảng dạy là cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc./. Tân Linh

[1], [2], [3], [4], [5],[6], [7],[8]:Hồ Chí Minh sự hội tụ tinh hoa tư tưởng đạo đức nhân loại, NXB Văn hóa - Thông tin, H.2007, tr.14, tr22, tr20, tr14, tr21, tr19,tr20.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.2, tr.173.

11.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr.74, 95

[11]: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, HN.2016, tr.22.

Lê Thùy Trang

Lần xem: 1349

Go top

Bài viết khác

Video liên quan

Chủ Đề