Lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa nào?

Tin tức - Sự kiện  

Ý nghĩa cờ đỏ sao vàng những năm đầu xuất hienj (1940-1942)

Page Content

Bối cảnh ra đời

          Những năm 1940, 1941, thực dân Pháp ra sức đàn áp, bóc lột mọi tầng lớp nhân dân ta, trong khi đó phát xít Nhật lại lăm le hất cẳng Pháp, hòng độc chiếm Đông Dương. Chưa bao giờ họa ngoại xâm, họa nô lệ đè nặng lên vận mệnh dân tộc đến vậy. Trên đất nước ta, khắp ba kỳ Bắc - Trung - Nam liên tục nổ ra các cuộc khởi nghĩa: Bắc Sơn (27/9/1940), Đô Lương (13/1/1941) và khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940). Tuy lần lượt thất bại, nhưng các cuộc khởi nghĩa này đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện khát vọng tự do, độc lập dân tộc.

          Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Vừa đặt chân lên địa đầu Cao Bằng, Người đã sớm nhận định tình hình và xúc tiến triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ Tám, nhằm đề ra nhiệm vụ cho cách mạng nước ta trong bối cảnh lịch sử này.

          Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ Tám nêu rõ: “Các dân tộc Đông Dương bị dưới hai tầng áp bức, bóc lột của Pháp - Nhật", và “Dẫu là anh tư bản , anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách nặng nề của đế quốc là không sống nổi. Quyền lợi của giai cấp bị cướp giật, vận mệnh của dân tộc nguy vong không lúc nào bằng". Hội nghị xác định: “Quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải được đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc", và: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp không đòi lại được".

          Theo tinh thần của Hội nghị, ngày 19/5/1941, Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nêu rõ: “Đặt lợi quyền dân tộc cao hơn hết thảy", và" “Sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn là thành thực muốn đánh đuổi Pháp, Nhật để xây dựng nên nước Việt Nam tự do, độc lập"(*).

          Như vậy, nếu ở thời kỳ đầu thành lập Đảng mà tiêu biểu là cao trào cách mạng 1930 -1931, cách mạng Việt Nam đồng thời làm cả hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến (“phản đế, phản phong") thì ở thời kỳ này, cách mạng Việt Nam đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, lên trên hết thảy. Nhiệm vụ này làm thay đổi cả hình thức và nội dung đấu tranh, nên cần lựa chọn các biểu tượng đấu tranh mới để tập hợp mọi lực lượng xã hội. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện lúc này là biểu tượng thỏa nguyện mọi lực lượng cách mạng Việt Nam.

          Nhiều tư liệu và nhân chứng lịch sử cho biết: Cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940). Theo Nhà văn Sơn Tùng, thì đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (quê ở thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) là người được Xứ ủy Nam kỳ giao trọng trách vẽ mẫu(*) Cờ đỏ sao vàng theo ý tưởng của các đồng chí lãnh đạo trong Xứ ủy, đặc biệt là sự gợi ý của hai đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Thị Minh Khai; và ông đã làm bài thơ giải thích ý nghĩa của Cờ đỏ sao vàng, trong đó có câu: "Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc/ Nền cờ thắm máu đào vì Nước/ Sao vàng tươi da của giống nòi".

           Báo Việt Nam độc lập số ra 107, ngày 1/10/1941, trong mục “Vườn văn" có bài thơ “Cờ đỏ ngôi sao" cũng nói về ý nghĩa Cờ đỏ sao vàng, nên có thể cho rằng Cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trước ngày 1/10/1941, và trước đó không lâu, tức ngày 23/11/1940.

          Bài thơ “Cờ đỏ ngôi sao" (không rõ tác giả) nội dung có nhiều ý giống với bài thơ giải thích ý nghĩa Cờ đỏ sao vàng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (do Nhà văn Sơn Tùng sưu tầm). Nhưng tựu trung lại, Cờ đỏ sao vàng xuất hiện vào những năm 1940, 1941 là hệ quả của thực tiễn cách mạng Việt Nam lúc đó. Nó cũng như tinh thần của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ Tám. Từ ngọn cờ của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trở thành ngọn cờ tập hợp khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo. Trước khi Mặt trận Việt Minh ra đời, biểu tượng cờ đỏ sao vàng luôn tiềm ẩn trong tâm hồn các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam, chỉ chờ tới cao trào là biểu hiện hữu hình ra thực tế, đó là lúc yêu cầu giải phóng dân tộc, tự do, độc lập của đất nước trở lên cấp bách, bức xúc nhất.

          Là biểu tượng nhiều ý nghĩa

          Những ngày trong lao tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hai lần nhắc tới Cờ đỏ sao vàng trong thơ của Người (tập “Nhật ký trong tù" viết năm 1942). Ở bài thơ “Không ngủ được", Bác viết: “Một canh… hai canh… lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh".

          Sao vàng ấy mang hồn Nước, là khát vọng tự do, độc lập dân tộc, là tương lai sán lạn của cách mạng. Năm canh không ngủ được vì “lo nỗi nước nhà", lo lắng cho cách mạng Việt Nam, lúc chợp mắt thiếp đi thì sao vàng năm cánh (với ý nghĩa trên) lại hiện về trong giấc mơ của Người. Thật là một giấc mơ đẹp, lạc quan cách mạng!

          Và, khi đọc một tin ngắn đăng trên tờ báo Ung Minh (của Trung Quốc lúc đó) có tựa đề “Ở Việt Nam có biến động", Người đã làm một bài thơ trong đó có nói tới Cờ đỏ sao vàng: “Thà chết chẳng cam nô lệ mãi/ Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền/ Xót mình giam hãm trong tù ngục/ Chưa được xông ra giữa trận tiền" (Nghe tin ở Việt Nam có biến động).

          Người gọi Cờ đỏ sao vàng là cờ nghĩa, là gọi theo bối cảnh lần đầu tiên nó xuất hiện tại khởi nghĩa Nam kỳ. Điều này được khẳng định trong lần họp đầu tiên (10/1946) của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi bàn về việc thông qua Quốc kỳ và Quốc ca. Trong buổi họp đó Bác nói:

- Thưa đoàn Chủ tịch! Thưa các vị đại biểu Quốc hội! Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam kỳ khởi nghĩa, nó đã tung bay trên khắp đất nước. Chính cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á. Cờ đã có mặt trên khắp nước Việt Nam. Vậy thì… trừ 25 triệu đồng bào, còn không có ai có quyền thay đổi…".

Gọi Cờ đỏ sao vàng là cờ nghĩa, Bác có ngầm ý chuyển tinh thần của Mặt trận Việt Minh vào đó. Dưới ngọn cờ ấy, toàn thể nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam đoàn kết thành một khối, tiến hành cuộc giải phóng dân tộc, giành tự do và độc lập.

Trong bài thơ “Cờ đỏ ngôi sao" thì màu cờ đỏ chính là “nhiệt huyết của đồng bào". Người Việt Nam có khái niệm về “nghĩa đồng bào" để chỉ tình nghĩa của những người cùng nòi giống, cùng một đất nước. Giải thích ý nghĩa Cờ đỏ sao vàng, Nguyễn Hữu Tiến cũng đã đề cập đến nghĩa đồng bào ấy: “Nền cờ thắm máu đào vì Nước/ Sao vàng tươi da của giống nòi".

Ra đời trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ngọn Cờ đỏ sao vàng đã trở thành biểu tượng của cách mạng Việt Nam tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, và chỉ mấy năm sau đó làm nên Cách mạng tháng Tám, lập ra nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông nam Châu Á.

Ngọn cờ ấy trở thành Quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (10/1946) và của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Dưới Cờ đỏ sao vàng đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, nhân dân ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ngày nay đang vững bước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng là gì?

Ý nghĩa của lá cờ với nền màu đỏ tượng trưng cho màu của cách mạng, máu của các anh hùng, ngôi sao vàng tượng trưng cho linh hồn dân tộc và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp tham gia cách mạng sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết kháng chiến.

Cờ đỏ sao vàng 5 cánh chính thức trở thành quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào khi nào?

Quốc kỳ Việt Nam nền đỏ sao vàng đã được Quốc hội Việt Nam chính thức công nhận trong bản Hiến pháp nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9/11/1946: “Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh”.

Ý nghĩa của lá cờ Việt Nam là gì?

Ý nghĩa của lá cờ với nền màu đỏ tượng trưng cho màu của cách mạng, máu của các anh hùng, ngôi sao vàng tượng trưng cho linh hồn dân tộc và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp tham gia cách mạng sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết kháng chiến.

Quốc kỳ Việt Nam có hình gì?

Tiếp đó, tại Điều 142, Hiến pháp năm 1980; Điều 141, Hiến pháp năm 1992 và Điều 13, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn: Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa ngôi sao vàng năm cánh.