Mất tích cực của chính sách hạn chế sinh đẻ

BNEWS Đầu năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng luật kế hoạch hóa gia đình, cho phép tất cả các cặp vợ chồng có con thứ hai. Vậy trong một năm qua, chính sách mới này thực sự có hiệu quả?

Chính sách mới này đã có hiệu lực từ tháng 3/2017 sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ XII chính thức thông qua.

Theo "Diễn đàn Đông Á" số mới ra, trong Đại hội trên, ông Wang Pei'an, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã báo cáo trong năm 2016, số trẻ sinh ra tại các bệnh viện trung ương lên tới 18.460.000 trẻ và tỷ lệ sinh đạt 1,7% - mức cao nhất kể từ năm 2000.

Tiến bộ ban đầu này là nhờ nỗ lực của Chính phủ và xã hội Trung Quốc trong năm qua.

Để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ hai, Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc đã xem xét “Sửa đổi luật dân số và kế hoạch hóa gia đình”. Dự thảo mới này nhằm thực hiện “chính sách hai con toàn diện” và khuyến khích các cặp vợ chồng nên có hai con.

Trong dự thảo, chính phủ đã chú ý sử dụng thuật ngữ “khuyến khích” thay vì “cho phép”.

Khuyến khích sinh sản trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực của xã hội Trung Quốc. Ví dụ, nhiều đài truyền hình đang nỗ lực tạo ra một bầu không khí tôn trọng gia đình và khả năng sinh sản, thông qua các chương trình truyền hình về Lễ hội Mùa xuân thường niên.

Tuy nhiên, chính sách hai con không dễ gì giải quyết được các vấn đề về dân số ở Trung Quốc. Gia tăng dân số hàng năm trong năm 2016 là 17.860.000 người, nhiều hơn so với năm 2015 là 1.310.000 người. Song ở một số tỉnh, tỷ lệ sinh sản năm 2016 vẫn còn thấp hơn so với năm trước đó.

Theo Ủy ban Quốc gia về sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình, kể từ đầu năm 2016, hơn một nửa trong số 90 triệu cặp vợ chồng mới có phụ nữ ở độ tuổi từ 35 trở lên.

Geng Linlin, Phó Giám đốc Trung tâm lâm sàng, Viện Nghiên cứu Khoa học thuộc Ủy ban này lưu ý rằng phần lớn trong số những người phụ nữ này cảm thấy khó khăn trong việc sinh con thứ hai.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của học giả về dân số Liang Jianzhang, 70-80% cặp vợ chồng Trung Quốc muốn có hai con, nhưng chỉ có 3% “dám” sinh con thứ hai. Trong thập kỷ tới, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ giảm xuống còn khoảng 40%.

Do đó, nhiều khả năng tỷ lệ sinh trong năm 2018 sẽ giảm mạnh. Ngay cả với những thay đổi chính sách, các yếu tố xã hội khác cũng đang tiếp tục cản trở tỷ lệ sinh.

Trong một cuộc khảo sát được Ủy bay này thực hiện hồi năm 2015, rất nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con thứ hai do áp lực tài chính, công việc nuôi dạy con cái và thiếu người chăm sóc. Các yếu tố xã hội hạn chế tỷ lệ sinh cũng rất đa dạng, từ phân biệt đối xử lao động nữ cho đến ô nhiễm môi trường, sử dụng hóa chất phổ biến hoặc tiếp xúc với bức xạ điện từ.

Tất cả những yếu tố trên ảnh hưởng đến khả năng và mong muốn tiếp tục sinh đẻ của người dân. Kết quả là ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm cách ra nước ngoài để thực hiện ước mơ của họ về việc sinh con thứ hai.

Các nhà nghiên cứu và chuyên gia ủng hộ Chính phủ Trung Quốc phải có thêm các biện pháp. Liang Jianzhang đã lập luận rằng “ngay khi có một kế hoạch đầy tham vọng thì phải có các biện pháp thích hợp để thực hiện”.

Mặc dù “chính sách hai con toàn diện” của Trung Quốc có thể tạm thời giải tỏa việc giảm tổng dân số và lực lượng lao động đang có nguy cơ bị thu hẹp, nhưng vấn đề khó khăn hơn là Chính phủ Trung Quốc phải có những giải pháp nào để làm chậm cơ cấu dân số đang lão hóa và suy giảm trong thời gian dài hạn.

Liệu các chính sách về kế hoạch hóa gia đình có nên được bãi bỏ hoàn toàn hay không?

Tháng 11/2016, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã công bố một bản báo cáo rất quan trọng chỉ ra rằng những thay đổi lối sống có thể dẫn đến sự chậm trễ trong hôn nhân và sinh đẻ.

Để tránh rơi vào “bẫy sinh đẻ thấp” - khi mà sinh sản và hành vi sinh sản của người dân tiếp tục giảm bất chấp các biện pháp chính sách tích cực - Trung Quốc cần phải tiếp tục nới lỏng hoặc thậm chí xóa bỏ các hạn chế về sinh sản.

Ngày 5/3/2017, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nêu trong Báo cáo công tác của chính phủ rằng “để thích ứng với việc thực hiện chính sách hai con toàn diện, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cần phải được tăng cường”. Đây dường như là một bước đi đúng hướng.

Tuy nhiên, để khuyến khích các cặp vợ chồng có con thứ hai, Chính phủ Trung Quốc nên xem xét đưa ra thêm biện pháp để hỗ trợ và trợ cấp các chi phí liên quan đến cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế và việc làm.

Điều này sẽ giảm bớt áp lực nuôi trẻ và giúp điều chỉnh một số gánh nặng xã hội và tài chính vốn làm nản lòng các cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc ngày nay.

>>> Trung Quốc sẽ tạo hơn 50 triệu việc làm mới ở thành thị đến năm 2020

Theo chính sách "một con" của Trung Quốc, các gia đình sống ở thành phố chỉ được phép sinh một con. Gia đình ở nông thôn được phép sinh hai con, nếu con đầu là nữ. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng. Mức phạt được chính quyền các địa phương tự định ra tính theo thu nhập của gia đình vi phạm và nhiều yếu tố khác.

Sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách "một con" nhằm hạn chế tốc độ tăng dân số, Trung Quốc đã ngăn chặn được 400 triệu người ra đời kể từ đó đến nay, giúp kiềm chế dân số ở mức khoảng 1,35 tỷ người như hiện nay. Ngoài một số ưu điểm, chính sách này cũng gây nhiều tranh cãi vì những hệ lụy do nó gây ra như làm tăng tỷ lệ nạo phá thai và các vấn đề xã hội liên quan khác. Các tổ chức xã hội ước tính, do thói "trọng nam khinh nữ" vẫn còn khá nặng nề trong xã hội nên khi áp dụng chính sách "một con", mỗi năm hàng nghìn thai phụ bị ép phải phá thai, nhất là các trường hợp phá thai hơn sáu tháng, dẫn đến những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Theo Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước này gia tăng đến mức nghiêm trọng. Ở thành phố, tỷ lệ này hiện là 120 nam - 100 nữ, còn ở nông thôn là 130 nam - 100 nữ. Do đó, trong một thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ "thừa" từ 30 đến 40 triệu nam giới, có nghĩa là cứ năm đàn ông thì có một người không lấy được vợ. Những người chỉ trích cho rằng, chính sách "một con" gây bất công với người già và làm giảm lực lượng lao động của quốc gia.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng Trung Quốc đang đứng trước thực trạng tỷ lệ sinh giảm mạnh gây xáo trộn cấu trúc dân số. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm còn 1,5 và 1,6 kể từ những năm 90 của thế kỷ 20, tức là một phụ nữ Trung Quốc ở tuổi sinh đẻ chỉ sinh trung bình 1,5 hay 1,6 con. Trong khi đó, từ năm 2012, lực lượng lao động của Trung Quốc đã bắt đầu giảm 3,45 triệu người/năm và có thể sẽ giảm tám triệu người/năm sau năm 2023. Số người ở độ tuổi 60 trở lên sẽ lên tới 400 triệu người và sẽ chiếm 1/4 tổng dân số vào đầu những năm 2030, cao hơn nhiều so mức 1/7 hiện nay.

Bộ trưởng phụ trách Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia Lý Bân cảnh báo, nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình như hiện nay thì tỷ lệ sinh còn giảm, dẫn tới sự sụt giảm mạnh tổng dân số. Do đó, đã đến lúc Trung Quốc cần sửa đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình vì có những điều kiện thuận lợi như tỷ lệ sinh thấp đang ở mức ổn định, số dân ở độ tuổi lao động đang nhiều và gánh nặng hỗ trợ người già tương đối nhẹ. Bộ trưởng Lý Bân nhấn mạnh, nếu sửa đổi chính sách này ngay sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc cho phép tất cả các cặp vợ chồng được sinh hai con. Theo bà, sự gia tăng dân số khi thay đổi chính sách là có thể dự báo trước và nó sẽ không ảnh hưởng nhiều nguồn lương thực, giáo dục, sức khỏe hay nguồn lao động.

Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết, những thay đổi đối với chính sách một con sẽ sớm được áp dụng, cho phép thêm nhiều cặp vợ chồng được sinh thêm con thứ hai. Cụ thể, những thay đổi này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ quý I-2014 tại một số khu vực. Các cặp vợ chồng được phép sinh hai con nếu như một trong hai vợ chồng là con một. Giới chức trách Trung Quốc đang trong quá trình tính toán số lượng các cặp vợ chồng đủ điều kiện được sinh thêm con thứ hai trước khi những quy định cụ thể về chính sách dân số mới được thông qua. Chính quyền các cấp ở Trung Quốc cũng đang đánh giá những vấn đề có thể gặp phải khi ban hành chính sách mới. Tân Hoa xã cho biết, nguồn lương thực dự trữ và dịch vụ công của Trung Quốc có thể phục vụ nhu cầu của 1,43 tỷ người vào năm 2020 và 2,5 tỷ người vào năm 2033.

Mức tăng dân số thấp kỷ lục

Số liệu do Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, tổng dân số Trung Quốc tính đến cuối năm 2021 là 1,4126 tỷ người, chỉ tăng 480 nghìn người so năm 2020. Đây là mức tăng trưởng dân số ròng thấp nhất trong vòng 60 năm qua.

Cả năm 2021, chỉ có 10,62 triệu em bé được sinh ra, tỷ lệ sinh đạt 0,718%, liên tiếp 2 năm dưới mức 1%, là tỷ lệ sinh thấp nhất trong vòng 72 năm qua; giảm tới 43,6% so năm 2016, thời điểm Trung Quốc bắt đầu cho phép sinh con thứ hai sau nhiều năm kiên trì chính sách dân số khắt khe chỉ cho phép sinh duy nhất một con.

Theo ông Dương Kim Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Dân số và Gia đình thuộc Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, những năm quan, sự phát triển dân số ở nước này đứng trước những biến đổi có tính bước ngoặt, xu thế tăng trưởng dân số giảm sút mạnh, số trẻ em sinh ra duy trì ở mức thấp, tình trạng già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng, gánh nặng sinh đẻ, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em trở thành nhân tố chính cản trở việc sinh con của người dân.

Còn theo ông Ninh Cát Triết, Cục trưởng Cục thống kê Nhà nước Trung Quốc, tỷ lệ sinh năm 2021 thấp, có nguyên nhân chủ yếu là số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở liên tục giảm, độ tuổi từ 15 đến 49 giảm tới 5 triệu người so năm 2020, trong đó, số phụ nữ trong độ tuổi 21 đến 35 giảm tới 3 triệu người. Ngoài ra, quan niệm về sinh nở có nhiều thay đổi, độ tuổi kết hôn và sinh con muộn hơn, mong muốn sinh con của người trẻ giảm, cũng là nguyên nhân của hiện tượng này. Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng lớn về kinh tế, thu nhập, tâm lý xã hội, những hạn chế về đi lại, tiếp xúc cũng tác động đến việc sinh con đẻ cái của người dân Trung Quốc.

Năm 2016, khi Trung Quốc tuyên bố kết thúc chính sách một con kéo dài hơn 36 năm, để thực hiện chính sách hai con, dân số tăng trưởng ròng trong năm lên tới 9,06 triệu người, đã đem lại một tín hiệu tích cực. Tuy vậy, những năm sau đó, dân số tăng trưởng ròng liên tục giảm, chỉ còn 5,3 triệu người năm 2018 và 480 nghìn người trong năm 2021. Theo nhiều chuyên gia, chi phí sinh nở và nuôi dạy con cái ở khu vực thành phố rất đắt đỏ; cùng với quá trình đô thị hóa, một lượng lớn lao động nhập cư không có hộ khẩu vào thành phố làm thuê và sinh sống, chi phí cao, lại không được bảo hiểm thanh toán dịch vụ y tế khiến hàng triệu người dân nhập cư chưa có ý định sinh con.

Mức tăng dân số thấp kỷ lục dấy lên những lo ngại trong xã hội Trung Quốc về già hóa dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động trong trung và dài hạn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Từ cho phép đến khuyến khích sinh con thứ ba

Ngày 31/5, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua chính sách dân số mới, chính thức cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh ba con cùng nhiều giải pháp thực hiện. Song chính sách mới chưa thể đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao tỷ lệ sinh, duy trì tăng trưởng dân số.

Lý giải về điều này, ông Dương Kim Thụy cho rằng, chính sách cho phép sinh ba con có mục tiêu là thúc đẩy mức sinh hợp lý và sự phát triển dân số cân bằng trong dài hạn. Song thời gian thực hiện chưa đủ dài, các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ và khuyến khích sinh đẻ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, ban hành nên chưa thể đem lại hiệu quả rõ rệt trong ngắn hạn.

Để khuyến khích người dân sinh con thứ ba, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt giải pháp đồng bộ như hủy bỏ thu phí đối với công dân sinh vượt quá số con theo quy định; giảm gánh nặng học tập cho trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục, đưa các dịch vụ chăm sóc trẻ em dưới 3 tuổi vào diện giảm trừ thuế thu nhập, miễn phí bảo hiểm sinh con thứ ba, trợ cấp các chi phí chăm sóc, nhà trẻ...

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng ra các quy định để thúc đẩy thực hiện chính sách dân số mới. Theo đó, phần lớn các địa phương điều chỉnh tăng từ 30 đến 90 ngày nghỉ thai sản cho phụ nữ sinh con, tăng mức hỗ trợ về chăm sóc, giáo dục trẻ em và bảo đảm quyền lợi cho các gia đình tích cực thực hiện chính sách dân số mới.

Đơn cử như tỉnh Chiết Giang đưa việc xây dựng xã hội thân thiện với sinh đẻ vào các nội dung cải cách cốt lõi để trở thành khu vực thịnh vượng trong tương lai. Thành phố Tô Châu dự kiến đầu tư 400 triệu nhân dân tệ cho phát triển dịch vụ nhà trẻ và mầm non. Thành phố Phàn Chi Hoa nỗ lực cải thiện dịch vụ hỗ trợ sinh đẻ, dự kiến sẽ trợ cấp thai sản cho người dân. Tỉnh Quảng Đông xây dựng giải pháp tổng thể cho người già và trẻ em, xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em để bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em...

Nhìn chung, chính sách dân số mới cùng các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh con thứ ba nhận được sự quan tâm rất lớn trong xã hội Trung Quốc. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp xây dựng môi trường xã hội thân thiện với sinh đẻ, sẽ quyết định đến việc hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy phát triển dân số cân bằng lâu dài của nước này.