Review sách cha mẹ độc hại

Khi bạn còn nhỏ cha mẹ có nói rằng bạn là đồ vô tích sự, hay nói rằng họ không có đứa con hư hỏng như bạn không? Họ có thường so sánh bạn với đứa con nhà hàng xóm, với con của người bạn cùng cơ quan, có bắt bạn phải có một bảng điểm chói lọi để khoe trước cô dì chú bác trong dòng họ? Và nếu bạn phạm sai lầm, họ trừng phạt bạn bằng những cú tát trời giáng, đánh bạn bằng thắt lưng, bằng roi mây hay những thứ khác?

Khi bạn trường thành, có bao nhiêu quyết định chính trong cuộc sống của bạn đều phải dựa trên sự cho phép của cha mẹ?

Review sách cha mẹ độc hại
Bạn có phải là một đứa trẻ có quá khứ bị bạo hành không?

Nếu câu trả lời của bạn là “có” dù chỉ là một phần nhỏ trong số những câu hỏi trên thì có thể bạn cần cuốn sách này để chữa lành những vết thương đó. Mọi cha mẹ độc hại, bất kể bản chất lạm dụng của họ là gì, về cơ bản đều để lại những vết sẹo giống nhau.

Cuốn sách “Cha mẹ độc hại” viết về chủ đề khá nhạy cảm đó là nạn bạo hành gia đình ở nhiều cách thức khác nhau. Nền văn hóa nước ta rất đề cao gia đình và sự thiêng liêng của nó. Nhưng chúng ta quên mất một thực tế rằng, không phải mọi đứa trẻ đều được sinh ra trong một gia đình lành mạnh, hạnh phúc, và không phải tại mọi thời điểm, những đứa trẻ đều được đối xử đủ đầy.

Những tổn thương mà bố mẹ chúng gây ra về cả thể xác và tinh thần có thể sẽ phá hoại tương lai và cuộc đời của những đứa trẻ. Thời đại ngày nay, có rất nhiều sách báo viết về nạn bạo lực gia đình, về cách dạy con của cha mẹ, tuy nhiên để có một quyển sách hệ thống những kiểu cha mẹ độc hại thì gần như không tìm thấy.

Review sách cha mẹ độc hại
Quyển sách Cha mẹ độc hại – Vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn

Với mong muốn đem lại sự an ủi, chữa lành nỗi đau cho những đứa con trưởng thành từ gia đình độc hại, nhóm Tâm Lý học tội phạm đã dịch cuốn sách này. Hy vọng nó sẽ giúp cho những người có quá khứ bị bạo hành tìm thấy câu trả lời và phương pháp chữa lành tổn thương, tìm lại cuộc sống mới hạnh phúc

1. Bố mẹ độc hại là gì?

Tất cả các ông bố bà mẹ đều có những khiếm khuyết nào đó. Cũng là điều bình thường khi bố mẹ la mắng con cái vào một thời điểm nào đó. Tất cả bố mẹ đều thỉnh thoảng có thể trở nên kiểm soát con cái quá mức. Và bố mẹ cũng chỉ là con người, họ cũng có nhiều vấn đề cá nhân. Và phần lớn trẻ em có thể xử lý với những cơn nóng giận bộc phát của bố mẹ chừng nào mà chúng còn cảm thấy được bố mẹ yêu thương, thấu hiểu.

Nhưng có rất nhiều ông bố bà mẹ sở hữu những khuôn mẫu hành vi tiêu cực, nhất quán đối với cuộc sống của đứa con. Đó là những Bố mẹ độc hại – tức là những bố mẹ gây hại cho đứa con.

Giống như chất độc hóa học, những thiệt hại cảm xúc gây ra bởi cha mẹ sẽ lây lan suốt tuổi thơ đứa trẻ, cho đến khi trưởng thành, và nỗi đau cũng vậy. Có từ ngữ nào tốt hơn “độc hại” để mô tả những bậc cha mẹ đã giáng xuống đầu con mình những chấn thương, lạm dụng, những lời chê bai, và gần như họ còn tiếp tục làm điều đó khi con cái đã trưởng thành?

Review sách cha mẹ độc hại
Những tổn thương mà cha mẹ độc hại gây ra sẽ để lại di chứng suốt đời cho những đứa trẻ

Không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện ra cha mẹ bạn có độc hại, hay đã từng độc hại hay không. Rất nhiều người gặp khó khăn trong “mối quan hệ với cha mẹ”. Chỉ riêng điều đó không có nghĩa cha mẹ bạn là kẻ hủy hoại cảm xúc của bạn. Và nhiều người cảm thấy sức chịu đựng của họ lên tới đỉnh điểm, và họ phân vân tự hỏi không biết mình “bị ngược đãi” hay chỉ là “quá nhạy cảm”.
=> Phần giới thiệu của quyển sách sẽ giúp bạn xác định điều đó.

2. Thông tin cơ bản về sách 

  • Tác giả: Susan Forward, Craig Buck
  • Dịch giả: nhóm Tâm lí học tội phạm.
  • Thể loại: Non-fiction, self-help, psychology, parenting & relationship
  • Năm xuất bản 2002 – Tại Việt Nam: 05-2019
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Thế Giới
  • Số trang: 344
  • Giá sách: 90.300 – 116.100 VNĐ (giá tham khảo trên tiki, fahasa, shopee ngày 19/06/2019)

3. Quyển sách này hướng tới ai

Trước hết, cuốn sách dành cho tất cả mọi người muốn tìm hiểu về chủ đề gia đình, cách giáo dục con cái,.. hoặc đơn giản là yêu thích thể loại sách tâm lí.

Thứ hai, đây sẽ là cuốn sách cần thiết cho bất cứ ai đã từng là nạn nhân của gia đình độc hại, những đứa con từng bị bạo hành hoặc đang bị áp lực bởi chính gia đình của mình. Nếu bạn bị bố mẹ đối xử không đủ đầy theo một nghĩa nào đó và bị tổn thương, thì quyển sách này, ít nhất sẽ cho bạn sự đồng cảm. Vì những ví dụ trong sách là những con người thật, việc thật, sẽ giúp bạn như bắt gặp hình ảnh của mình đâu đó trong những số phận đáng thương kia. Đừng lo lắng, bạn sẽ có những người bạn đồng hành, những lời khuyên, và giải pháp giúp bạn vượt qua những mặc cảm, đứng lên và làm lại cuộc đời, chỉ cần bạn có lòng tin.

Review sách cha mẹ độc hại
Đây sẽ là cuốn sách cần thiết cho bất cứ ai đã từng là nạn nhân của gia đình độc hại

Hoặc cuốn sách cũng rất hữu ích cho những bậc cha mẹ, và những người sắp trở thành cha mẹ, vì nó sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách ứng xử của bản thân sẽ tác động và ảnh hưởng lớn như thế nào tới sự hình thành tương lai, tính cách con trẻ.

Tôi nói vậy, không phải vì muốn đổ lỗi tất cả sự đau khổ và thất bại của những người con lên cha mẹ. Chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, nhưng là khi ta đã trưởng thành và biết suy nghĩ, biết điều khiển cuộc sống của chính ta. Còn cha mẹ phải có trách nhiệm với những gì họ đã gây ra cho ta khi ta còn nhỏ và chưa có quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Mà phần lớn tính cách của con trẻ được hình thành bởi những trải nghiệm từ lúc còn nhỏ ấy, dần dần nó trở thành bản tính khó mà sửa đổi được.

Do vậy, những người đã làm cha mẹ, nên đọc cuốn sách để biết bản thân mình có “độc hại” hay không và nếu có thì hãy tìm cách tiết chế, thay đổi dần sự “độc hại” ấy, để tránh hủy hoại cuộc đời những đứa con của mình.

Review sách cha mẹ độc hại
Nội dung chính của cuốn sách “Cha mẹ độc hại”

      Phần 1: Nhà trị liệu tâm lý Susan Forward chỉ ra 6 kiểu cha mẹ độc hại. Đó là:

  • Cha mẹ chưa trọn vẹn: Họ không những không đáp ứng được nhu cầu của trẻ, mà trong nhiều trường hợp họ còn mong đợi và yêu cầu con cái phải chăm sóc cho mình. Đứa trẻ sẽ trở thành cha mẹ của chính cha mẹ mình.
  • Cha mẹ kiểm soát: Họ kiểm soát đứa con khi còn bé cho đến khi nó trưởng thành bằng sự tội lỗi, bằng sự đe dọa, bằng tiền bạc. Thậm chí họ còn kiểm soát con cái khi họ đã chết.
  • Cha mẹ nghiện rượu: Họ tạo nên một bầu không khí căng thẳng, bất ổn cảm xúc trong gia đình. Mọi sự chú ý của cả gia đình đều dồn vào ông bố bà mẹ bợm rượu.
  • Cha mẹ bạo hành lời nói: Con trẻ sẽ tin và nội tâm hóa những gì cha mẹ chúng nói bởi chúng không phân biệt được giữa sự thật và lời nói đùa. Liên lục lặp lại những lời nói đùa gây tổn thương con trẻ yếu đuối là hành vi tàn bạo và hủy hoại một con người.
  • Cha mẹ bạo hành thể xác: Bạo lực là thứ công cụ duy nhất mà cha mẹ độc hại sử dụng để đối mặt với các vấn đề về cảm xúc – đặc biệt là cảm xúc giận dữ.
  • Cha mẹ lạm dụng tình dục: Loạn luân có lẽ sự trải nghiệm tàn nhẫn, kinh khủng nhất đối với con người. Đó là sự phản bội niềm tin cơ bản nhất giữa một đứa trẻ với cha mẹ nó.

      Phần 2: Tác giả gợi mở từng cách giải quyết cho mỗi một vấn đề. Giúp đối tượng bị tổn thương có thể          thoát khỏi bóng đen và những nỗi đau quá khứ để sống một cuộc sống vui vẻ phía trước.

Trong cuốn sách Toxic parents, tác giả đã đề cập rằng những đứa con của cha mẹ độc hại thường không thể thay đổi được niềm tin của cha mẹ và gia đình mình (đa số trường hợp là thế) nhưng chúng có thể tự thay đổi bản thân và tiếp tục cuộc sống của mình, thoát khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ, và không lặp lại những hành vi tiêu cực giống như cha mẹ mình.

Bà đưa ra nhiều ví dụ về các nạn nhân bị bạo hành, ngược đãi từ việc hành nghề trị liệu của bà và họ đã có những tiến bộ và phục hồi ra sao trong trị liệu tâm lý. Bà cũng động viên những đứa con của cha mẹ độc hại tiến hành các bước đi cần thiết để giải thoát bản thân họ khỏi nỗi đau do cha mẹ họ gây ra. làm thế nào để điều chỉnh sự tức giận.

Không bao giờ là quá trễ để thay đổi. Cho dù bạn cảm thấy tồi tệ như thế nào trong quá khứ hay bạn có những lối cư xử không lành mạnh ra sao trong hiện tại, bạn vẫn có thể phục hồi từ quá khứ bị cha mẹ bạo hành và có một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa.

5. Thông điệp chính từ cuốn sách

Thứ nhất, cuốn sách lên tiếng cho những đứa con từng bị ngược đãi bởi cha mẹ mình, và cung cấp cho nạn nhân những con đường để lấy lại sự tin tưởng và tính tự chủ. Sự chia sẻ trong cuốn sách như là lời tâm sự, lời động viên và luôn nhắc nhở người đọc rằng, dù thế nào bạn sẽ không cô đơn, luôn có người sẵn sàng lắng nghe bạn, cùng bạn vượt qua những giai đoạn tâm lí khó khăn nhất trong cuộc đời.

Thứ hai, có lẽ quan trọng nhất là, lời nhắn nhủ đến những người đã làm cha mẹ, nếu bạn là cha mẹ độc hại, mong bạn nhìn nhận lại bản thân, ko phải là để trách móc mà là sửa chữa. Bạn sẽ không lặp lại những hành vi độc hại lên con cái bạn và vô tình hủy hoại cuộc đời của chúng.

Với những người khác, hi vọng bạn sẽ không trở thành cha mẹ độc hại của con cái bạn sau này.

6. Cảm nhận của tôi về cuốn sách & Phản hồi từ độc giả.

Bố mẹ tôi không thực sự thuộc một trong các loại cha mẹ độc hại được thảo luận trong cuốn sách này. Họ đôi khi đối xử không đủ đầy, không thỏa đáng, đôi khi kiểm soát, với một chút lạm dụng bằng lời nói hoặc có những lúc lơ là, bỏ mặc cảm xúc và nhu cầu cần được chăm sóc của tôi khi tôi còn nhỏ.

Từ trước đến giờ mọi thứ tôi làm đều nghĩ trước xem là bố mẹ thích hay không, có buồn hay lo lắng hay phải suy nghĩ, ngay cả cố gắng cũng chỉ nghĩ là cố gắng vì bố mẹ, học hành vì bố mẹ, kiếm tiền vì bố mẹ, chưa 1 lần thử nghĩ xem, bản thân ước mơ sống một cuộc sống như thế nào, nên chiều chuộng mình và sống vì mình ra sao. Tôi thậm chí cố làm mọi việc một cách tốt nhất, làm hết mọi thứ trước khi được nhắc nhở, dự đoán hết những thứ nên làm. Tôi sợ làm sai, sợ cái gì không vừa ý thì sẽ phải nghe lời chê trách, đối với tôi, phải nghe lời mắng nhiếc hay mỉa mai từ bố là một điều kinh khủng. Tôi sợ những lần ông to tiếng quát, những lần ông quay đầu lại và trừng mắt nhìn tôi, những điều ấy phải đến trong mơ cũng khiến tôi giật mình.

Dần dần, tôi phản ứng với cách cư xử của bố mẹ – tôi gọi đó là những đối xử không đầy đủ, tôi trở nên lầm lì ít nói, ngại tiếp xúc, ngại phải đối mặt và nói chuyện với bố mẹ, và sau này tôi giữ cả thói quen đó với tất cả người lạ mới gặp. Cho đến bây giờ, vết thương ngày ấy đã lành đi ít nhiều, giữa tôi và bố mẹ vẫn chẳng có gì để tâm sự với nhau.

Review sách cha mẹ độc hại
Tôi chưa từng nghĩ bố mẹ mình “độc hại” thế nào

Bây giờ vẫn giữ thói quen về nhà là ngồi lì trong phòng, thức dậy khi mọi người đã ra khỏi nhà, vì không muốn gặp mặt, vì muốn tận hưởng cảm giác một mình. Và mỗi khi bản thân cảm thấy bị đối xử không đầy đủ, sẽ trở nên bất cần và nguội lạnh, và người ta nghĩ về tôi như thể lãnh đạm là một bản chất từ trong cốt tủy.

Trước khi biết đến cuốn sách này, tôi không hề nghĩ đến việc bố mẹ có thể “độc hại” như thế nào, vì trong suy nghĩ của tôi, bố mẹ luôn là người tốt nhất trên đời, và mọi việc họ làm luôn có lí. Nhưng khi đọc, Tôi thấy hình ảnh mình, có thể liên quan đến một số câu chuyện và nó đã đưa ra những cuộc đấu tranh của riêng tôi và khiến tôi đặt câu hỏi cho chính cha mẹ mình.

Chúng ta chối bỏ bố mẹ mình độc hại bằng cách hợp lý hóa một sự việc, ta sẽ dùng “những lý do tốt” để xua đi những cảm giác đau đớn và không thoải mái. Ví dụ: Bố mẹ tôi la mắng tôi vì muốn tôi nên người, họ đánh tôi vì muốn tôi sống theo khuôn khổ, họ lựa chọn thay tôi vì họ biết cái nào là tốt nhất, họ kiểm soát tôi vì họ quá yêu thương và cần tôi.

Những lời biện hộ trên có một điểm chung: chúng biến những điều không thể chấp nhận được thành có thể. Nhìn bề ngoài thì nó trông có vẻ hiệu quả, nhưng sâu bên trong bạn luôn hiểu rằng đâu mới là sự thật.

Những lời khuyên trong quyển sách này, không thực sự áp dụng được với tôi vì tôi không còn bị chi phối nhiều bởi họ nữa, và các tình huống khiến tôi phải “xù” lên cũng không dày đặc và triền miên như hồi trước.

Cuối cùng, tôi muốn nói với các bạn rằng, tôi giới thiệu quyển sách này đến với mọi người vì có thể nó sẽ có ích cho một vài người, tôi biết nhiều đứa trẻ phải chịu nỗi đau đớn và dày vò hơn tôi gấp nhiều lần, bị đánh cắp tuổi thơ và tương lai và thậm chí cả cuộc đời. Tôi không biết chính xác cha mẹ bình thường là gì nhưng cuốn sách này đã nói rõ điều gì là không lành mạnh cho trẻ em và cách đối phó với cha mẹ độc hại.

Sau đây là đánh giá của bạn đọc về bài dịch “Cha mẹ độc hại” của nhóm Tâm lí học tội phạm.

Review sách cha mẹ độc hại
Độc giả rất mong chờ cuốn sách “Cha mẹ độc hại”. Sách vừa được ra mắt vào cuối tháng 5/2019

7. Những đoạn trích hay trong cuốn sách “Toxic Parents”

–&–

Nếu tôi phải chọn giữa việc bị bạo hành tinh thần và thể xác, luôn luôn tôi sẽ chọn bị đánh đập. Anh có thể nhìn thấy vết thương, ít nhất người ta còn thương cảm cho anh. Còn với lời nói ấy hả, nó chỉ khiến mình phát điên. Các vết thương là hoàn toàn không nhìn thấy được. Không ai màng quan tâm đến. Các vết thương trên thân thể liền sẹo nhanh hơn gấp nhiều lần so với những lời lăng mạ và sỉ nhục.

Review sách cha mẹ độc hại
Đoạn trích hay trong cuốn sách “Toxic Parents”

–&–

Rất nhiều người làm cha làm mẹ che giấu hành vi bạo hành lời nói dưới lớp vỏ bọc dạy bảo. Để bào chữa cho những lời độc ác và xúc phạm, họ sử dụng phương cách hợp lý hóa, ví dụ như, “cha mẹ chỉ đang giúp con trở thành người tốt hơn thôi”, hoặc là, “thế giới này rất khó sống, cha mẹ chỉ dạy con cách thích ứng với nó”.

–&–

Trẻ con yếu đuối nhất khi đứng trước cha mẹ chúng. Cha mẹ chính là trung tâm vũ trụ của đứa nhỏ. Và nếu những bậc cha mẹ cái-gì-cũng-biết này nghĩ xấu về mình thì chắc chắn là họ nói đúng rồi.

–&–

Mỗi lựa chọn của bạn dường như đều dính mắc vào mớ tơ vò rối rắm của gia đình. Bạn dần hy sinh đi cảm xúc, lựa chọn và hành vi cá nhân. Bạn không còn là bạn nữa, bạn trở thành một vật kí sinh vào hệ thống gia đình từ lúc nào không hay.

Review sách cha mẹ độc hại
Trích dẫn hay trong cuốn sách “Toxic Parents”

–&–

Chẳng có cuộc ly hôn nào vui vẻ. Ly dị luôn là một nỗi đau không thể tránh khỏi cho tất cả mọi người trong gia đình, dù nó có thể là hành động tốt nhất trong hoàn cảnh đó. Song việc cần thiết là cha mẹ phải nhận ra họ ly dị bạn đời của mình chứ không phải gia đình. Cả hai cha mẹ phải có trách nhiệm duy trì kết nối với con cái của họ mặc cho sự chia rẽ trong cuộc sống riêng của họ. Tờ giấy xác nhận ly hôn không phải là tấm bằng cho phép cha mẹ ruồng bỏ con cái mình.

–&–

Nhiều người tin rằng một khi các bậc cha mẹ thích kiểm soát đã mất thì họ sẽ được tự do, nhưng ‘sợi dây rốn’ tâm lý không chỉ có độ dài xuyên lục địa mà còn vươn ra từ dưới nấm mồ nữa…

… Kết quả là, những người con đã trưởng thành của các bậc cha mẹ thích kiểm soát thường có một cảm giác rất mơ hồ về bản thân. Họ gặp phải khó khăn trong việc nhìn nhận bản thân như là những thực thể tách biệt với cha mẹ mình. Họ không thể phân biệt được nhu cầu của bản thân với nhu cầu của cha mẹ. Họ cảm thấy bất lực.

–&–

Cha mẹ sử dụng lời trách cứ như một phương tiện để kiểm soát, nên dù trẻ có làm gì chăng nữa, họ cũng sẽ tìm ra thứ không vừa ý để trách mắng. Đứa con trở thành ống xả những bực dọc, thành người phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì không may xảy đến với cha mẹ chúng.

–&–

Nếu bạn là con của người nghiện rượu, bí quyết để kiểm soát cuộc sống của bạn là nhớ rằng bạn có thể thay đổi mà không cần cha mẹ phải thay đổi. Sự tồn tại của bạn không nhất thiết phải phụ thuộc vào cha mẹ bạn. Bạn có thể vượt qua chấn thương tâm lý thuở nhỏ và ảnh hưởng của họ lên cuộc sống trưởng thành của bạn, cho dù cha mẹ bạn vẫn tiếp tục nghiện rượu. Chỉ cần bạn chủ động lảm những điều cần thiết.

–&–

[Lời tâm sự của Kate] Cả cuộc đời mình, tôi luôn bị ám ảnh rằng tôi không xứng đáng để được hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng đó là lý do vì sao mà tôi không bao giờ kết hôn … không bao giờ có được mối quan hệ tốt đẹp … không bao giờ cho phép bản thân mình có được một sự thành công thực thụ nào cả.

Review sách cha mẹ độc hại
Lời tâm sự của một nạn nhân trong gia đình độc hại

–&–

“Bí mật của gia đình” là một gánh nặng gia tăng đối với những đứa trẻ bị ngược đãi. Với việc không thể nói ra về sự ngược đãi, những đứa trẻ bị đánh đập đã cắt bỏ mọi hi vọng được sự giúp đỡ về mặt cảm xúc.

Nơi mua sách… 

  • Tiki: Mua tại đây
  • Fahasha: Mua tại đây
  • Shopee: Mua tại đây

Lời Kết:

Nếu bạn là một đứa trẻ có quá khứ bị bạo hành, tôi có một lưu ý nho nhỏ trước khi bạn lựa chọn quyển sách này, đó là bạn nên sẵn sàng chuẩn bị tâm lí trước khi đọc, vì có những mẩu chuyện, những hoàn cảnh, những con người được nêu ra trong sách sẽ khiến bạn nhớ lại những vết thương có thể đã khép miệng từ lâu trong lòng bạn, một lần nữa cựa quậy, nó khiến bạn khó chịu, khiến bạn thổn thức và nghẹn ngào trong một thời gian ngắn.

Tôi biết những phân tích của mình ở trên nghe có vẻ khá khô khan, nhưng đó là vì hiệu ứng của cuốn sách mang lại, khi bạn đọc sách, cũng hãy nhớ rằng có những đoạn bạn sẽ thấy khó hiểu.

Và hãy nhớ, trên con đường tìm lại chính mình, bạn không hề đơn độc. Nếu trong quá trình đó bạn gặp khó khăn , bạn cần một người để tâm sự thì đừng lo… Tôi ở đây, lắng nghe bạn

1880 views