Tò vò mà nuôi con nhện phương thức biểu đạt

Ai đã từng ở nhà quê chắc đều biết đến con tò vò và thuộc bài ca dao: "Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn, nó quyện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi! Nhện hỡi nhện đi đằng nào?". Con tò vò được nhân hóa như một người nông dân chăm chỉ lam lũ thương người và vì người nhưng lại bị người ta bội bạc vô ơn.

  • Khói lại bay

Câu chuyện cảm động nên tác giả dân gian đã cho vào truyện "Trinh thử" để cảm hoài những ai có công cưu mang, đùm bọc người khác: "Dã tràng xe cát luống công/ Tò vò nuôi nhện há mong cậy nhờ".

Đặt trong bối cảnh cốt truyện nhân vật Chuột Đực tán tỉnh, ve vãn Chuột Bạch nên "cao giọng" khẳng định "phẩm chất quân tử" có thể bỏ công bỏ của, bỏ cả tình... Dù có như "dã tràng", như "tò vò" nhưng để được "người đẹp" vừa ý cũng sẵn lòng!!! Trở lại bài ca dao, chưa đến mức "nuôi ong tay áo" nhưng bỏ công bỏ của bỏ thời gian, tâm lực "nuôi" những "con nhện" mà chúng lớn lại bỏ đi hết thì "tò vò" phải rất thất vọng, đau buồn?

Tò vò mà nuôi con nhện phương thức biểu đạt
Cổng Tò vò nổi tiếng ở đảo Lý Sơn.

Nhưng có thật là tò vò nuôi nhện không?

Cổ tích kể ngày xưa có vợ chồng nhà nọ ăn ở hiền lành đức độ lấy nhau đã cả chục năm mà vẫn chưa có con. Họ xin con nuôi cho vui cửa vui nhà. Thế là có ba đứa trẻ trong nhà được chăm sóc yêu thương chẳng khác gì con đẻ. Chúng lớn nhanh như thổi và rất yêu thương nhau. Đến tuổi trưởng thành đứa lớn xin bố mẹ đi làm ăn xa. Công việc nhiều, người con về xin cha mẹ đưa cả hai đứa em đi. Chúng đi mãi chẳng về. Cha mẹ già buồn quá chết hóa thành con tò vò...

Thường bị lầm với ong, tò vò giống nhưng nhỏ hơn ong. Màu sắc rất đẹp, phía khoang lưng trên và đuôi màu vàng, lưng nhỏ, phía dưới bụng màu đỏ đen. Theo từ điển sinh học, tò vò là nhóm côn trùng thuộc bộ Hymenoptera phân bộ Apocrita nhưng không phải là ong. Loài tò vò rất có ích trong việc kiểm soát và giữ gìn môi sinh tự nhiên. Trong thời buổi thuốc hóa học đang đầu độc môi trường và con người thì các loài có ích như tò vò giúp nhà nông tiêu diệt sâu bọ gây thiệt hại là rất đáng ca ngợi, vừa đúng với quy luật tự nhiên, vừa không gây hại môi sinh.

Riêng tò vò đã có hơn 10.000 loài, thuộc loài ký sinh (parasitoid) dùng ống đẻ trứng bơm trứng trực tiếp vào cơ thể con mồi, khi trứng nở thì có sẵn thức ăn để sinh trưởng. Như vậy bài ca dao trên chỉ nói về hiện tượng bề ngoài, thực ra vấn đề hoàn toàn ngược lại. Xây tổ xong tò vò đi bắt nhện và tiêm vào thân nhện một chất gây mê rồi mang nhện về tổ, bơm trứng vào con mồi, lấp đất lại. Khi ấu trùng tò vò ra đời đã có sẵn thức ăn dự trữ. Đến nay khoa học vẫn chưa phân xuất được rõ chất "gây mê" mà tò vò "tiêm" vào nhện để trả lời tại sao thức ăn dành cho ấu trùng tò vò vẫn luôn "tươi" như ban đầu. Cái tổ tò vò chẳng khác gì "cái tủ lạnh" tự nhiên tuyệt vời!?

Phải chăng dân gian đã hiểu rõ bản chất là tò vò bắt nhện làm thức ăn để nuôi con cho chúng nên có một cách hiểu căn cứ vào thực tế khoa học này: Ngày xưa hiếm nhân công lại phải lao động chân tay vất vả nên nhà giàu thường hay mướn hoặc thuê người ở (thường gọi là "thằng ở"). Có nhà giàu nhận con nhà nghèo làm con nuôi nhưng thực chất là một kiểu mướn hoặc thuê người mà thôi. Bài ca dao chính là sự tố cáo hiện tượng này bằng hình thức ẩn dụ ngụ ngôn. Hiểu theo nghĩa này thì bài ca dao lại thâm thúy sâu sắc vô cùng: Những con tò vò phong kiến kia thật độc ác vô cùng bắt nhện nhà nghèo cho con chúng "ăn thịt"! Liệu có đi xa quá bản chất hình tượng và có phần khiên cưỡng, gán ghép?

Ở nhà quê nhiều người biết đến loài tò vò sinh sống dưới mặt đất, hay gặp nhất khu gần bếp đun nấu. Loài này màu xanh biếc, to bằng nhưng trông rắn rỏi hơn tò vò thường. Trẻ quê gọi là tò vò xanh. Khoa học gọi là tò vò ngọc lục bảo (Ampulex compressa) và mô tả đó là một loại tò vò ký sinh, sử dụng cơ thể của những con gián để sinh trưởng và phát triển. Nó sẽ tiêm nọc độc vào thân gián 2 lần. Lần đầu tiêm làm tê liệt mức độ nhẹ chân trước của gián. Cú tiêm lần hai làm gián không còn ý thức chạy trốn.

Thế là vốn dĩ khỏe mạnh, nhanh nhẹn gián ta trở thành tù nhân ngoan ngoãn theo tò vò về tổ. Gián tự làm sạch râu và hai chân trước để "hiến" tấm thân sạch sẽ cho chính kẻ thù. Khoa học giải thích việc tò vò kích thích gián tự vệ sinh là "để đảm bảo một vật chủ sạch sẽ, không có vi khuẩn, hạn chế cho ấu trùng tò vò bị tổn thương". Tò vò ngọc lục bảo sẽ đẻ một quả trứng trắng, dài khoảng 2mm, trên bụng gián. Sau đó nó thoát ra, lấp kín hang...

Nhìn từ khoa học thì tò vò "ác" thật nhưng lấy đó làm căn cứ để hiểu tò vò biểu trưng cho giai cấp phong kiến thì mối liên hệ quả còn mờ nhạt, lỏng lẻo. Vì nhìn từ thực tế thì tò vò vẫn có ích, thân thuộc với bất cứ gia đình nông dân nào ngày trước?!

Tò vò mà nuôi con nhện phương thức biểu đạt
Tò vò xây tổ.

Nói ngày trước vì hôm nay đô thị hóa quá nhanh, đất vườn thì hiếm, đất ruộng thì xa, hầu hết là nhà xây, sáng choang, tò vò khó kiếm chỗ làm tổ. Mà nó làm tổ chủ yếu bằng đất ruộng, nhưng phải là đất chân ruộng tốt. Rất giống ong ở điểm cần cù, tò vò cái cần mẫn cả ngày xây tổ. Nó đi tha từng hòn đất ướt bé tẹo vo tròn về đắp tổ. Mỗi tổ thường có 5 ngăn tức sẽ có 5 ấu trùng lớn lên trong đó. Xong mỗi ngăn nó để lại một lỗ nhỏ vừa chui.

Không chỉ là nhện, tò vò đi bắt nhiều loại côn trùng, là các con sâu xanh béo mập, là các chú chuồn chuồn kim tội nghiệp... tha về nhét đầy trong tổ. Sau khi đẻ trứng, tò vò sẽ tha viên đất cuối cùng bít miệng tổ lại. Nhìn cắt ngang, tổ tò vò xây cuốn thành hình cung, nhỏ và hẹp. Trong dân gian có các khái niệm cổng tò vò, cửa tò vò là căn cứ từ hình dạng cái tổ này. Nhà thơ Nguyễn Bính có bài thơ "Không đề" nổi tiếng có hình ảnh "cửa tò vò" đúng kiểu "chân quê": "Hôm nay dưới bến xuôi đò/ Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/ Anh đi đấy, anh về đâu?/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...".

Ở Quảng Ngãi, trên đảo Lý Sơn có khu du lịch nổi tiếng mà điểm nhấn là "Cổng Tò vò" - một kiệt tác thiên nhiên hoàn toàn thiên tạo, đẹp đến mức còn gọi là "Cổng Thiên đường"...

Trong văn học hiện đại, hình ảnh con tò vò còn ít xuất hiện, trường hợp được nâng lên thành biểu tượng như trong trường ca "Thời tái chế" của Mai Văn Phấn là hiếm hoi: "Con tò vò trong ấy vừa bất chợt hiện trên các giao diện màn hình, mở cánh cửa vào kho trí nhớ, có thể đọc được nhiều tài liệu quý hiếm chưa được giải mã/ Con tò vò bây giờ là đầu mối, tử huyệt, là chìa khóa vạn năng". Thế giới thơ Mai Văn Phấn thường xuất hiện nhiều mô hình, nhiều nhân vật, nhiều loài sinh vật...

Đặt trong chủ đề "thời tái chế" mang khát vọng một sự đổi thay triệt để mới mẻ hơn thì hình tượng "con tò vò" như một đối nghịch với quan niệm tư duy cũ là tò vò nhỏ bé, bất lực "ngồi khóc tỉ ti". Ở đây lại mang một quyền năng đặc biệt "mở cánh cửa vào kho trí nhớ, có thể đọc được nhiều tài liệu quý hiếm chưa được giải mã. Biểu tượng con tò vò bây giờ là "đầu mối, tử huyệt, là chìa khóa vạn năng".

Có tập quán sạch sẽ, tò vò rất kỹ tính trong việc chọn chỗ xây tổ, thường chỗ kín đáo mà thoáng gió, không ẩm quá, không nóng quá. Dân gian quan niệm tò vò xây tổ trong nhà là may mắn cho gia chủ. Nên hiểu rộng hơn thành ngữ "Đất lành chim đậu" là không chỉ có chim, còn là tất cả các loại côn trùng có ích, là tò vò, là ong... Tò vò làm tổ trong nhà rất quý, gia đình sắp có tài lộc, của cải dồi dào, buôn bán phát đạt, quý nhân phù trợ. Nếu tò vò làm tổ ở bát hương lại càng quý. Nếu thấy mất thẩm mỹ nên tìm hình thức che chắn chứ không nên bóc bỏ. Đợi khoảng thời gian dài, khi tò vò xong quy trình lớn lên, bỏ đi mới nên tìm cách cạo gột, lau chùi sạch sẽ...

Vì được chọn nơi đất ruộng tốt, lại qua quá trình nhào luyện nên đất từ tổ tò vò, theo y học cổ truyền là thứ thuốc quý có thể chữa được các bệnh ở trẻ em như  thương hàn, phát ban, thủy đậu, hạ sốt... Lấy tổ tò vò nghiền nát cho vào nước sạch lắc kỹ, lóng lấy nước trong đun sôi để nguội cho người bệnh uống. Theo ngũ hành, những người thuộc mệnh Thổ ở vào "Bích thượng thổ" (đất tò vò) thường gặp may mắn. Họ hợp với mệnh Kim, Hỏa hợp với màu vàng, nâu, đỏ, tím, hồng...