Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường

Việc xác định một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường hay là nền kinh tế thị trường có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh của thế giới ngày nay. Vì thế, các quốc gia và các tổ chức kinh tế thế giới đã đưa ra những tiêu chí, nguyên tắc để xác định một nền kinh tế là thị trường hay phi thị trường, nhằm đảm bảo lợi ích của mình và thành viên trong hoạt động ngoại thương với các đối tác.

Thực tế, Hiệp định GATT 1994 và Tổ chức thương mại thế giới WTO không đưa ra tiêu chí hay định nghĩa để xác định một nền kinh tế phi thị trường hay nền kinh tế thị trường, nhưng các nguyên tắc và hiệp định của WTO được xây dựng dựa trên nguyên tắc của thị trường. Vì thế, các nước gia nhập WTO phải cam kết cải cách kinh tế theo hướng thị trường và tuân thủ các nguyên tắc của WTO, cụ thể[1]:

Thương mại không phân biệt đối xử: Được thể hiện thông qua quy chế tối huệ quốc (MFN) và quy chế đãi ngộ quốc gia (NT). Mục đích của các quy chế này là bảo đảm bình đẳng trong gia nhập thị trường. Ngoài ra, nguyên tắc này còn quy định không có sự thiên vị trong việc hưởng ưu đãi từ Nhà nước về chính sách thuế và trợ cấp…

Thương mại ngày càng tự do hơn: WTO thúc đẩy tự do hóa và gia nhập thị trường, thể hiện thông qua việc cắt giảm và từng bước bãi bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

Đảm bảo tính minh bạch, dễ dự đoán trong chính sách thương mại: Bảo đảm công khai, minh bạch và khả năng giải trình về sự can thiệp chính sách của Nhà nước, các thành viên trong và ngoài nước được bình đẳng trong tiếp cận thông tin…

Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh: Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, giá cả không bị bóp méo, mang tính thị trường (chẳng hạn chống hành vi bán phá giá).

Thúc đẩy sự phát triển và cải cách kinh tế: Thúc đẩy cải cách định hướng thị trường; tạo điều kiện cho Chính phủ khắc phục các dạng “thất bại” của thị trường thông qua ưu đãi thuế quan và thực hiện các dạng trợ cấp được phép, ví dụ, để hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, bảo hộ nền sản xuất trong nước trong trường hợp bị tổn thương…

Như vậy, các nước xin gia nhập WTO phải cam kết cải cách kinh tế theo hướng đáp ứng các yêu cầu thị trường nói trên, tức là không được tạo ra những rào cản bóp méo thị trường. Đặc biệt, vấn đề kinh tế thị trường thể hiện rất rõ trong một số hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới như Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định định giá hải quan, Hiệp định về trợ cấp…

Hoa Kỳ cũng đề ra một số tiêu chí nhằm xác định một nền kinh tế là nền kinh tế thị trường cho các quốc gia đối tác. Cụ thể, đó là các tiêu chí sau đây:

Mức độ chuyển đổi của đồng nội tệ;

Mức độ theo đó mức lương được xác định thông qua đàm phán tự do giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động;

Mức độ theo đó việc liên doanh hoặc các dự án đầu tư nước ngoài được phép thực hiện;

Mức độ sở hữu của Chính phủ hoặc kiểm soát của các phương tiện sản xuất;

Mức độ kiểm soát của Chính phủ về việc phân bổ các nguồn lực, giá cả và sản lượng của doanh nghiệp;

Các tiêu chí khác do Bộ thương mại Hoa Kỳ đưa ra.

Trong sáu tiêu chí đưa ra, chỉ năm tiêu chí đầu các quốc gia đối tác có khả năng hoàn thiện và đáp ứng; riêng tiêu chí cuối cùng là điều rất khó khăn cho các quốc gia đối tác khi hợp tác với Hoa Kỳ, bởi lẽ đây là một điều khoản rất mơ hồ, các quốc gia đối tác không thể đáp ứng được nếu không có sự đồng thuận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Luật Chống bán phá giá của Hoa Kỳ còn cho phép sử dụng các phương pháp kinh tế thị trường để xác định giá trị thông thường trong các trường hợp kinh tế phi thị trường nếu như ngành công nghiệp liên quan ở nước bị kiện chứng minh được là ngành công nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Theo đó, các tiêu chí để xác định ngành công nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường bao gồm:

Hoàn toàn không có sự can thiệp của chính phủ vào việc định giá và số lượng sản xuất;

Ngành công nghiệp không phải do nhà nước sở hữu;

Tất cả các chi phí đầu vào kể cả vật chất và phi vật chất (trừ một phần không đáng kể) tạo thành tổng giá trị hàng hóa phải được thanh toán theo giá thị trường.

Trên thực tế, những tiêu chí này rất khó thỏa mãn và rất hiếm có trường hợp một ngành công nghiệp ở nước có nền kinh tế phi thị trường được coi là hoạt động theo cơ chế thị trường để được áp dụng các phương pháp kinh tế thị trường trong điều tra bán phá giá vào Hoa Kỳ.

Theo pháp luật Hoa Kỳ về chống bán phá giá, một nước có nền kinh tế phi thị trường là nước mà DOC đánh giá là có nền kinh tế vận hành không theo các nguyên tắc về chi phí và cấu trúc giá thông thường.

DOC suy đoán là tất cả các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong đó mọi quyết định của doanh nghiệp về giá đều chịu sự chi phối, can thiệp của chính phủ. Vì vậy hầu hết tất cả các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa đều bị xếp vào nền kinh tế phi thị trường. Cho đến cuối năm 2005, có 12 nước đã bị DOC kết luận là nền kinh tế phi thị trường (NME) trong các vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có Việt Nam.

Hiện tại, Ủy ban liên minh Châu Âu chia các nước có nền kinh tế phi thị trường ra làm 3 nhóm:

Trung Quốc, Kazakhstan, Ukraine, và Việt Nam: những nước được nhận diện là tiến trình cải cách về cơ bản đã thay đổi nền kinh tế của họ và đã dẫn tới sự nổi lên của một số công ty có thể ưu tiên hưởng các điều kiện của nền kinh tế thị trường.

Những nước có nền kinh tế phi thị trường khác là thành viên của WTO  tại thời điểm khởi xướng vụ kiện  chống  bán  phá  giá,  như  Albania,  Armenia, Geogia,   Kyrgyzstan,  Cộng  Hoà Moldova  và Mongolia. Những nước này được đối xử như những nước trong nhóm đầu tiên.

Azerbaijan, Belarus, Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều  Tiên, Tajikistan,  Turkmenistan,  và Uzbekistan (từ ngày 1/8/2004): các nhà sản xuất từ những nước này không được hưởng quy chế  đối xử nền kinh tế thị trường nhưng có thể được hưởng quy chế đối xử riêng.

Tuy nhiên, có thể coi những nước khác là những nước có nền kinh tế phi thị trường vì mục đích của các vụ kiện chống bán phá giá. Quy chế đối xử mà Uỷ ban có thể dành cho các nước có nền kinh tế phi thị trường luôn thay đổi tuỳ thuộc vào tình trạng thực tế ở một số quốc gia có tên trong danh sách. Ví dụ như Liên Bang Nga đã được gạch tên khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường và trở thành nước có nền kinh tế thị trường vào năm 2002.  footnote OJ (2002) L305/1; hầu hết các nước Tây và Trung Âu đã được gạch tên khỏi danh sách này sớm hơn Liên Bang Nga.

Cách tiếp cận linh hoạt hơn của Uỷ Ban còn thể hiện ở một số phương diện khác. Vì thế, Quy định chống bán phá giá tạo cho nhà xuất khẩu trong hai nhóm danh sách đầu tiên đã đề cập ở trên có cơ hội được hưởng quy chế đối xử nền kinh tế thị trường, nghĩa là chứng minh họ hoạt động theo những điều kiện của nền kinh tế thị trường và không chịu sự can thiệp đáng kể của Chính phủ. Nếu như yêu cầu hưởng quy chế đối xử nền kinh tế thị trường được chấp nhận, thì cuộc điều tra sẽ tiếp tục như là nhà sản xuất xuất khẩu kinh doanh trong các điều kiện thị trường thông thường.

Trong trường hợp yêu cầu hưởng quy chế  đối xử  nền kinh tế thị trường bị Uỷ ban từ chối thì nhà xuất khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường vẫn có thể yêu cầu được công nhận là họ không chịu sự can thiệp của Nhà nước xét về mặt tính giá xuất khẩu và yêu cầu được tính biên độ phá giá riêng. Đây được gọi là quy chế đối xử riêng và nên được trình cùng lúc với yêu cầu hưởng quy chế đối xử nền kinh tế thị trường.

Nếu  yêu  cầu  hưởng  quy  chế  đối  xử  nền  kinh  tế  thị trường bị từ chối thì việc xác định giá trị thông thường sẽ dựa trên chi phí và giá cả của nhà sản xuất tại ‘nước tương tự’. Đây là một quốc gia có nền kinh tế thị trường và được coi là có tiêu chuẩn thích hợp để so sánh. Nước tương tự không cần phải có mức độ phát triển giống hay có thể so sánh được với các nước có nền kinh tế phi thị trường.

Đơn đề nghị được hưởng quy chế đối xử nền kinh tế thị trường phải đến tay Uỷ ban Châu Âu trong vòng 21 ngày kể từ ngày khởi xướng. Ngoài ra, có 10 ngày để đưa ra ý kiến về việc lựa chọn trước nước tương tự.

Khi yêu cầu được hưởng quy chế đối xử nền kinh tế thị trường đến tay Uỷ ban, một cuộc xác minh sơ bộ sẽ được thực hiện. Nếu thấy rằng nhà xuất khẩu xứng đáng được hưởng quy chế đối xử nền kinh tế thị trường thì Uỷ ban có thể quyết định thực hiện một chuyến điều tra thực địa để chứng thực yêu cầu này. Trước khi đi đến quyết định cuối cùng, Uỷ ban sẽ thông báo cho nhà xuất khẩu có liên quan về quyết định sắp tới của họ và nhà xuất khẩu sẽ có 10 ngày để đưa ra ý kiến của mình. Quyết định cuối cùng về yêu cầu được hưởng quy chế đối xử nền kinh tế thị trường không được muộn hơn 3 tháng kể từ ngày khởi xướng.

Cho đến khi Uỷ Ban có quyết định về quy chế đối xử nền kinh  tế  thị  trường  thì nhà xuất  khẩu vẫn phải  hoàn thành bảng câu hỏi điều tra thông thường, trừ những phần có liên quan đến danh thu bán hàng và chi phí nội địa. Bản trả lời bảng câu hỏi điều tra phải đến tay Uỷ ban trong vòng 40 ngày kể  từ  ngày có thông báo khởi xướng. Nếu yêu cầu hưởng quy chế đối xử nền kinh tế thị trường được chấp nhận thì nhà xuất khẩu sẽ phải trả lời nốt những phần còn lại của bảng câu hỏi điều tra có liên quan đến bán hàng nội địa và chi phí trong khoảng thời gian do Ủy ban quy định. Khoảng thời gian quy định thường là 30 ngày kể từ ngày Uỷ ban có quyết định công nhận quy chế đối xử nền kinh tế thị trường.


Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
  • nền kinh tế phi thị trường là gì
  • ,

    Đăng lúc: Thứ tư – 02/03/2016 17:21

    Trong bối cảnh các vụ điều tra chống bán phá giá ngày càng gia tăng và có xu hướng phức tạp, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu những mức thuế chống bán phá giá cao do Việt Nam bị nhìn nhận là nền kinh tế phi thị trường, bài viết của Luật sư/Thạc sỹ Phạm Vân Thành đã có những phân tích về tác động của việc bị đối xử là nước có nền kinh tế phi thị trường đến các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc chống bán phá giá và một số khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ điều tra chống bán phá giá của nước ngoài.

    Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường

    Các vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam (tính theo nước, đến tháng 12/2015). Nguồn: VCA

    Khi Việt Nam đàm phán gia nhập WTO, Hoa Kỳ là thành viên đưa ra yêu cầu nhằm đưa một phương pháp thay thế vào nội dung cam kết gia nhập để tính toán giá trị thông thường trong điều tra chống bán phá giá có liên quan tới các nhà xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù đã đấu tranh trong quá trình đàm phán, nhưng cuối cùng Việt Nam phải chấp nhận cam kết thời gian bị phân biệt đối xử là 12 năm (cho đến 2018).

    Nguy cơ bị tính toán bất lợi trong điều tra áp thuế chống bán phá giá

    Kể từ khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã thể hiện những bước tiến quan trọng trong nỗ lực tự do hóa thương mại, phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường với việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA).

    Việc tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định FTA đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.  Một trong các cơ hội đó là sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Tuy nhiên, sự gia tăng xuất khẩu này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể là nguy cơ các nước kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng.

    Đặc biệt, do Việt Nam vẫn bị nhiều nước đối tác coi là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên trong các vụ việc điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá, cơ quan điều tra sẽ sử dụng phương pháp dùng dữ liệu của nước thay thế có nền kinh tế thị trường để tính mức thuế chống bán phá giá cho nền kinh tế phi thị trường. Cách tính toán này không phản ánh giá trị thực của hàng hóa bị điều tra và làm thổi phồng biên độ phá giá, dẫn đến thuế chống bán phá giá cao hơn so với giá thực tế.

    Vì vậy, Việt Nam luôn ở vào thế bất lợi và gặp nhiều khó khăn khi kháng kiện các vụ việc chống bán phá giá. Trong nhiều vụ việc, hàng hóa của Việt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá rất với mức thuế chống bán phá giá “hủy diệt” lên đến vài trăm phần trăm, đặc biệt trong các vụ điều tra áp thuế của Hoa Kỳ.

    Đơn cử như trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp (kiện kép) đối với sản phẩm đinh thép từ một số nước trong đó có Việt Nam, cũng với lý do Việt Nam bị coi là nước có nền kinh tế phi thị trường nên trong quá trình điều tra DOC đã sử dụng nước thay thế trong tính toán giá trị đầu vào, kết quả là mức thuế chống bán phá giá DOC áp dụng cho các doanh nghiệp bị đơn Việt Nam lên đến 323,99% và mức thuế chống trợ cấp từ 288.56% – 313.97%.

    Đây có thể coi là mức thuế “hủy diệt” đối với các doanh nghiệp bị đơn. Với mức thuế này, doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất mặt hàng này để xuất khẩu cho các đối tác trước nữa, trong khi đó, theo doanh nghiệp thì Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất và chủ yếu của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa doanh nghiệp phải từ bỏ thị trường Hoa Kỳ đối với sản phẩm đinh thép đã bị áp thuế này.

    Tính đến thời điểm tháng 12/2015, Việt Nam đã chịu 61 vụ điều tra chống bán phá giá của nước ngoài. Các vụ việc có chiều hướng gia tăng và tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong đó, dẫn đầu các nước điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Brazil, Malaysia, Thái Lan….

    Gia tăng nguy cơ đánh trùng thuế

    Hai trong các nguyên tắc cơ bản của WTO là mức thuế phải được áp một cách bình đẳng đối với tất cả các thành viên dựa trên nguyên tắc Đối xử Tối huệ quốc (MFN) và cam kết thuế trần sẽ không được tăng trừ phi các thành viên đàm phán với nhau. Tuy nhiên, WTO vẫn có một số ngoại lệ đối với hai nguyên tắc cơ bản nêu trên, hai trong số đó là biện pháp chống bán phá giá và biện pháp thuế đối kháng.

    Hiện nay, nhiều thành viên WTO có xu hướng điều tra cùng một lúc hai biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với cùng một sản phẩm của một nước có nền kinh tế phi thị trường mặc dù Hiệp dịnh GATT 1994 không cho phép việc đánh trùng thuế lên cùng một sản phẩm. Đây bị coi là một hành vi thương mại không công bằng.

    Thông thường, đối với nước có nền kinh tế thị trường, khi cùng áp dụng biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp đối với một mặt hàng cụ thể từ nước có nền kinh tế thị trường, DOC tiến hành cộng thêm đủ mức thuế đối kháng để loại bỏ trợ cấp xuất khẩu trên giá xuất khẩu của sản phẩm. Lý do cho sự điều chỉnh này là DOC giả định rằng trợ cấp xuất khẩu có tác động làm giảm giá của hàng hóa xuất khẩu; nếu không có sự điều chỉnh này, hàng hóa xuất khẩu được hưởng lợi từ trợ cấp xuất khẩu sẽ chịu hình phạt kép.

    Song, đối với nước có nền kinh tế phi thị trường thì áp dụng hai loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mang lại một kết quả khác. Cụ thể, trong thực tiễn điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ cũng như EU, DOC hay EC đã sử dụng nước thay thế.

    Với phương pháp sử dụng số liệu nước thay thế này, chi phí sản xuất và giá nội địa của nền kinh tế phi thị trường cũng đã bị loại bỏ và và được thay thế bởi chi phí và giá nội địa của nước thay thế mà có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trừ phi cơ quan điều tra đã điều chỉnh giá trị thông thường để phản ánh tác động của trợ cấp nội địa của nước phi thị trường bị điều tra, cơ quan điều tra sẽ so sánh giữa giá trị thông thường cao hơn so với mức giá xuất khẩu.

    Doanh nghiệp chủ động đảm bảo lợi ích chính đáng

    Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam được bị nhìn nhận là nước có nền kinh tế phi thị trường theo cam kết trong WTO, hơn nữa các đối tác thương mại lớn và là thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU vẫn chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ bị thiệt hại do việc áp dụng phương pháp tính giá trị thay thế từ nước thứ ba để tính toán giá trị thông thường trong các vụ điều tra chống bán phá giá của nước ngoài.

    Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tích cực và đặt ra các phương án giải quyết, đấu tranh đem lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp mình trong các cuộc điều tra chống bán phá giá của các cơ quan điều tra nước ngoài, đặc biệt là các vụ điều tra thuộc các nước vẫn chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

    Cụ thể, các doanh nghiệp nên có một bộ phận chuyên trách về pháp lý đặc biệt liên quan đến lĩnh vực pháp luật chống bán phá của WTO và của các nước đối tác nhập khẩu thường xuyên của doanh nghiệp. Trong các vụ điều tra chống bán phá, cụ thể trong quá trình tính toán biên độ phá giá, để giá trị thông thường được tính sát với giá thực tế nhằm mang lại lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, ngoài nguồn lực sẵn có, các doanh nghiệp nên thuê dịch vụ tư vấn pháp lý của các văn phòng/công ty luật.

    Trong quá trình giải quyết vụ việc chống bán phá giá, các doanh nghiệp nên có sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Cục Quản lý cạnh tranh (VCA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội của ngành mình để có các thông tin cập nhật, kinh nghiệm cũng như phương hướng xử lý vụ việc.

    Nhằm tránh bị các cơ quan điều tra áp dụng phương pháp nước thay thế (surrogate country) khi tính toán giá trị thông thường trong tính toán biên độ phá giá và giảm nguy cơ bị đánh trùng thuế trong các vụ kiện kép (AD-CVD), các doanh nghiệp cần chứng minh ngành sản xuất của mình hoạt động một cách độc lập, không có sự kiểm soát của chính phủ, và theo cơ chế thị trường. Đồng thời, hợp tác với cơ quan điều tra để tránh bị áp mức thuế AFA.

    Ngoài các khuyến nghị nêu trên, để tránh liên quan đến các vụ điều tra chống bán phá giá của nước ngoài, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cũng nên cân nhắc việc tăng giá xuất khẩu của sản phẩm bằng cách đưa các giá trị gia tăng vào sản phẩm như cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu kỹ thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu.

    Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)