Bernie madoff là ai

Từ một khởi đầu khiêm tốn, Madoff vươn mình thành một nhà tài chính giàu có, để rồi rốt cục đối mặt mức án 150 năm trong nhà tù.

Gây dựng uy tín và khai thác tâm lý

Kẻ lừa đảo Madoff bắt đầu sự nghiệp tài chính vào năm 22 tuổi với số tiền vỏn vẹn 5.000 USD kiếm được từ những công việc làm thêm trong mùa hè, trong đó có công việc làm vườn, sửa đường ống nước, ở thành phố quê hương New York. 

Năm 1960, sau khi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân về khoa học chính trị, Madoff thành lập công ty đầu tư chứng khoán mang tên Bernard L Madoff Investment Securities. Dần dần, Madoff trở nên nổi tiếng khắp Phố Wall khi công ty của ông ta trở thành một trong những nhà tạo lập thị trường lớn nhất ở đây. Sau đó, Madoff được trao ghế Chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq.

Madoff cùng hai con trai tại văn phòng công ty. Ảnh đăng tải tại Financialish

Phần lớn thời gian trong đời, Madoff sống trong một căn hộ trị giá 7 triệu USD ở khu Manhattan, New York, nhưng đồng thời sở hữu một dinh thự xa hoa ở bang Florida. Tuy những khách hàng chính giao tiền cho Madoff quản lý là các định chế tài chính và các ngân hàng, không ít khách hàng của ông ta là những người giàu có mà trùm lừa này làm quen trong những câu lạc bộ sang trọng ở khu vực Bờ Đông của nước Mỹ. Vài người trong số những khách hàng lớn nhất của Madoff là những “con cá béo” mà ông ta “câu” được ở câu lạc bộ mang tên Palm Beach Country Club ở Florida.

Vẻ hấp dẫn của Madoff đối với những vị khách hàng giàu có này nằm ngay ở chính vẻ tự tin thoải mái toát ra từ con người ông ta. Bầu không khí ở những nơi Madoff xuất hiện cứ như thể sáng bừng lên bởi trí óc tài chính thông suốt của con người này. Trong những buổi chơi golf ở câu lạc bộ, những lời thì thầm của Madoff đã khiến bao người có tiền xiêu lòng.

Những người “được” nộp tiền cho quỹ của Madoff được xem là được hưởng đặc quyền. Madoff tỏ ra kén cá chọn canh khi không phải ai muốn giao tiền ông ta cũng nhận.

Madoff còn ranh ma hơn khi đội thêm cho mình chiếc lốt của một nhà từ thiện. Với vai trò này, Madoff duy trì địa vị của ông ta trong thế giới thượng lưu và không chỉ có thế, các quỹ từ thiện ở nhiều nơi cũng tin cẩn “dâng” tiền cho Madoff. Một Giám đốc được tờ New York Times phỏng vấn thậm chí còn cho rằng, đối với cộng đồng người Do Thái, chứng chỉ quỹ của Madoff là một dạng “trái phiếu kho bạc Mỹ với độ rủi ro bằng 0”.

Mật ngọt chết ruồi, những khách hàng của Madoff

Madoff hứa hẹn, và cũng đã thực hiện, mức lãi trên 10%/năm cho các nhà đầu tư. Bản cáo trạng mà tòa án dành cho Madoff cho hay, một số khách hàng còn được Madoff trả cho mức lãi lên tới 46%/năm. Tuy nhiên, Madoff chưa bao giờ cho khách hàng biết là làm thế nào ông ta có thể đem tới cho họ những mức lợi nhuận phi thường như vậy. 

Không chỉ ở Phố Wall mà ở hầu khắp các thị trường tài chính khác trên thế giới, những mức lợi nhuận mà Madoff hứa hẹn có thể được xếp vào hàng hiếm gặp.Với mức lợi nhuận hấp dẫn cùng với uy tín gây dựng được, Madoff đã lấy được tiền của rất nhiều khách hàng máu mặt.

Một trong những nạn nhân “cao cấp” nhất của Madoff là Elie Wiesel. Người đoạt giải Nobel Hòa bình này đã mất trắng toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời vào tay Madoff. Chưa hết, quỹ từ thiện của ông cũng bị Madoff “thịt” mất 15,2 triệu USD. Quỹ từ thiện Wunderkinder Foundation của đạo diễn Hollywood lừng danh Steven Spielberg cũng đầu tư gần 70% số tiền mà quỹ này có cho Madoff và tất nhiên, mất sạch sành sanh.

Ngoài những vị khách hàng cá nhân giàu có trên, danh sách những nạn nhân của Madoff cứ dài ra theo năm tháng với sự tham gia của các ngân hàng và định chế tài chính. Đối tượng này rót tiền cho các quỹ đầu cơ của Madoff theo sự khuyến khích của các công ty tư vấn.

Sau này, khi mọi chuyện vỡ lở, người ta mới thấy danh sách nạn nhân của Madoffcòn có quản lý đội bóng chày New York Fred Wilpon, ông chủ quỹ tài chính Sterling Equities, Hiệu trưởng Trường đại học luật Massachusetts, Tập đoàn chứng khoán Nomura Holdings tại Tokyo, Ngân hàng Neue Privat tại Zurich với những thiệt hại không nhỏ. Liên hiệp Ngân hàng tư Thụy Sỹ mất 1 tỷ USD, ngân hàng Emilio Botin mất 3 tỷ USD...

Ước tính chung, có trên 13.000 nạn nhân là các cá nhân và tổ chức đã “sập bẫy” của Madoff.

Qua mặt cả Ủy ban chứng khoán và Giao dịch Mỹ

Một trong những vấn đề mấu chốt đặt ra là tại sao không ai phát hiện được dấu hiệu bất thường nào ở công ty của Madoff, cho dù Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ [SEC] đã 8 lần tổ chức các cuộc điều tra nhằm vào công ty này trong vòng 16 năm kể từ năm 1992. 


Tranh biếm họa của Dave Granlund đăng trên Eideard mỉa mai việc Madoff đã qua mặt SEC để lừa 50 tỷ USD như thế nào.

Ông Harry Markopoulos, một người làm việc trong một công ty đối thủ của Madoff đã cố gắng tìm hiểu xem tại sao Madoff có thể đưa ra được những mức lãi phi thường để thu hút các nhà đầu tư, nhưng rốt cục là không thể. Vì thế, ông Markopoulos kết luận rằng, chắc chắn các quỹ đầu tư của Madoff có vấn đề.

Sau đó, từ năm 2001 trở đi, nhà tài chính này đã nhiều lần phản ánh lên SEC sự nghi ngờ của mình. Sau khi thôi làm việc trong công ty, ông Markopoulos vẫn dành thời gian để tìm hiểu sự thật về mức lợi nhuận béo bở ở công ty của Madoff.

Vào năm 2005, ông Markopoulos gửi lên SEC tại New York một tài liệu dài 21 trang, trong đó kết luận rằng, công ty Madoff Investment Securities “là một chương trình lừa đảo Ponzi lớn nhất thế giới”. Tiền lãi trả cho các nhà đầu tư thực chất là tiền của người gửi sau. Vậy SEC kết luận ra sao?

“Chúng tôi không phát hiện bằng chứng nào về sự gian lận”, một bản ghi nhớ của cơ quan này khẳng định. Các nhà chức trách chỉ cho rằng, ngài Madoff đã vi phạm luật chứng khoán vì hoạt động với tư cách một nhà tư vấn không có đăng ký.

Tự thú

Rốt cục, vụ việc cho tới tận tháng 12/2008 mới bị phơi bày hoàn toàn.

Khi đó, các nhà đầu tư bị kẹt vốn vì khủng hoảng tài chính đã đòi rút 7 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư của Madoff, khiến nhà tài chính này không biết kiếm đâu ra tiền để trả cho họ. Vào ngày 9/12/2008, Madoff đã đề nghị trả thưởng sớm cho nhân viên, rồi sau đó một ngày, ông ta mời hai nhân viên cấp cao của công ty tới căn hộ ở Manhattan mà có nguồn tin cho rằng đó chính là hai con trai ruột của ông ta. Tại đây, Madoff thú nhận với hai người này rằng, công ty chứng khoán của mình chỉ là “một sự dối trá lớn… về cơ bản là một chương trình Ponzi khổng lồ”.

Ngày 11/12/2008, Cục Điều tra Liên bang Mỹ [FBI] đã ghé thăm Madoff và yêu cầu ông ta giải thích về sự thất thoát số tiền khổng lồ có thể lên tới 50 tỷ USD. “Chẳng có sự giải thích vô tội nào cả”, Madoff nói với các nhà chức trách. Ông ta cũng nói luôn là mình đã phá sản và sẵn sàng ngồi tù. Có lẽ đây là những lời thành thật nhất mà Madoff đã từng nói trong sự nghiệp tài chính của ông ta.

Việc số tiền 50 tỷ USD của các nhà đầu tư đã bị Madoff tiêu tán đi đâu vẫn còn là một tấm màn bí mật. Có nhiều giả thiết về sự “bốc hơi” của số tiền này, như Madoff mắc sai lầm trong đầu tư và lỗ đậm, Madoff mất tiền vì cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, Madoff vung tay quá trán cho lối sống vương giả, hay Madoff đã trả lãi quá nhiều cho các nhà đầu tư… Nhưng tất cả cũng chỉ là giả thiết.

Trong phiên tòa xét xử hồi tháng 3/2009, Madoff đã thú nhận toàn bộ 11 tội danh gồm có các tội gian lận, khai man, trộm cắp, rửa tiền… lĩnh án mức án kỉ lục 150 năm tù giam. Mãi đến đầu tháng 10/2011, các nạn nhân của Madoff mới bắt đầu nhận được séc bồi thường với tỷ lệ khoảng 4,6 xu cho 1 đồng đầu tư [tức chỉ lấy lại được chưa đến 5% tài sản]. Quá trễ, đã có ít nhất 8 nạn nhân cao tuổi chết không nhắm mắt trước khi cầm được tấm séc trong tay.

Đỗ Tiến

GD&TĐ - Bắt chước theo mô hình lừa đảo Ponzi, Madoff đã xây dựng nên công ty giao dịch chứng khoán lớn nhất Phố Wall với cuộc sống vô cùng sung túc.

Sau hơn hai thập kỷ, mánh khóe của ông bị phanh phui, để lộ vụ lừa đảo có quy mô lớn nhất trong ngành tài chính Mỹ.

Cuộc đời siêu lừa Mỹ

Sinh năm 1938 tại New York, Mỹ, Bernard Madoff lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động nhập cư từ Đông Âu. Ông cùng anh trai thành lập công ty môi giới chứng khoán nhờ số tiền tiết kiệm từ công việc nhân viên cứu hộ và lắp vòi phun nước.

Năm 1960, Madoff tốt nghiệp Trường Đại học Hofstra rồi tiếp tục theo học Trường Luật Brooklyn nhưng bỏ ngang sau một thời gian ngắn. Cùng năm, ông thành lập công ty đầu tư chứng khoán Bernard L. Madoff Investment Securities nhờ 500 USD tiền tiết kiệm.

Khởi điểm, công ty giao dịch cổ phiếu penny, loại cổ phiếu được giao dịch với mức giá thấp hơn 5 USD/cổ phiếu, hoặc cổ phiếu của các công ty nhỏ, không được niêm yết trên sàn chứng khoán lớn.

Sang đầu thập niên 70 của thế kỉ trước, Madoff gia nhập nhóm phát triển hệ thống giao dịch điện tử, tiền thân của sàn chứng khoán Nasdaq. Công việc kinh doanh của ông rất phát đạt.

Bernard L. Madoff trở thành một trong những công ty xây dựng thị trường chứng khoán lớn nhất Phố Wall; đồng thời, là một trong những công ty tiên phong về giao dịch trên máy tính.

Đến năm 1974, các nhà đầu tư có thể giao dịch chứng khoán dễ dàng, không cần môi giới, Madoff dần nhận được những giao dịch lớn. Ông cũng trở thành Chủ tịch sàn Nasdaq trong những năm 1990, 1991 và 1993. Thời điểm đó, Madoff rất được kính trọng và được các nhà quản lý liên bang coi như cố vấn đáng tin cậy. Cuộc sống của ông tương đối dư dả với khối tài sản lớn.

Tuy nhiên, đằng sau hình tượng được nhiều người mến mộ, Madoff đã thực hiện một vụ lừa đảo vô cùng phức tạp, phỏng theo mô hình lừa đảo Ponzi. Khi giao dịch với khách hàng, Madoff luôn hứa hẹn mức lãi khổng lồ, cách biệt so với các công ty giao dịch khác. Trong khi thực tế, ông sử dụng tiền mặt từ các nhà đầu tư mới để trả cho người cũ.

Madoff thuyết phục khách hàng cho phép ông mua hàng loạt cổ phiếu theo chỉ số S&P 100 và giảm thiểu rủi ro bằng cách mua - bán quyền chọn dựa trên chỉ số này. Ông làm giả tài liệu, gửi cho khách hàng dù những giao dịch này chưa từng được thực hiện.

Thậm chí, gửi kèm số liệu giả về các khoản lợi nhuận để chiếm lòng tin của khách hàng. Khi khách hàng muốn rút tiền, ông phải bù vào những khoản không có thật từ tài khoản cá nhân ở Ngân hàng JPMorgan Chase.

Madoff đã duy trì những phi vụ lừa đảo trong nhiều năm, vượt qua cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm 1990, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1998 và hậu quả sau vụ tấn công 11/9. Ông có thể qua mặt giới chức khi kiểm tra giấy tờ.

Năm 2001, một bài báo đăng tải trên Barron nghi ngờ Madoff sử dụng quyền lực điều khiển thị trường để sinh lời cho nhà đầu tư. Nhưng Madoff đã phủ nhận việc này. Chỉ sau sự cố tháng 12/2008, khi thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhiều khách hàng đòi rút tiền, sự việc mới đổ bể.

Madoff đã thú nhận với hai người con trai bản chất thực sự trong công việc kinh doanh của mình. Ông bị bắt vào tháng 12/2008. Tháng 3/2009, tòa tuyên án Madoff với 11 tội danh gồm lừa đảo, rửa tiền và khai man, lĩnh án tù 150 năm.

Madoff mở công ty đầu tư chứng khoán năm 1960.

Quy mô vụ bê bối

Mô hình Ponzi do Madoff chủ mưu đã lừa đảo tiền từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động như nông dân, giáo viên, thợ cơ khí đến những nhà đầu tư giàu có đến từ Vịnh Ba Tư, Bãi biển Palm, bang Florida. Các tổ chức từ thiện, quỹ hưu trí và các nhà tài trợ của trường đại học cũng là nạn nhân của Madoff.

Là người gốc Do Thái, Madoff ngang nhiên lừa đảo những chính trị gia nổi tiếng bằng cách giả vờ quan tâm đến những hoạt động từ thiện của người Do Thái. Ông đã thành công chiếm đoạt tài sản của Elie Wiesel, người đoạt giải Nobel Hòa bình và sống sót sau thảm họa Diệt chủng người Do Thái [Holocaust], hay quỹ từ thiện của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg.

Trong buổi tuyên án của Madoff, một nhà đầu tư mạnh mẽ bày tỏ: “Hắn ta ăn cắp của những người giàu có, ăn cắp của người nghèo, ăn cắp khi làm trung gian. Hắn ta thật vô đạo đức. Sau khi lừa dối các nạn nhân, hắn ta lại để gia đình mình có cuộc sống xa hoa, được nhiều người tin tưởng”.

Tài sản cá nhân của ông gồm nhà cửa, các khoản đầu tư đều bị tịch thu. Thậm chí tài sản trị giá 80 triệu USD mà vợ Madoff khẳng định của riêng cũng bị tịch thu. Ngoài Madoff, anh trai của ông, Peter và 5 cựu nhân viên khác cũng bị kết tội. Trong đó, Peter lĩnh án tù 10 năm vì tham gia vụ lừa đảo.

Ước tính, các nạn nhân đã đưa cho Madoff hơn 19 tỷ USD và số tài sản này đã nhân rộng lên gần 65 tỷ USD, gồm cả lợi nhuận khống trong ít nhất hai thập kỷ. Đến nay, giới chức Mỹ mới thu hồi được khoảng 17 tỷ USD để trả cho các nạn nhân.

Bi kịch với gia đình Madoff chưa dừng lại ở đó. Con trai cả, Mark Madofff, treo cổ tự tử vào năm 2010 vì xấu hổ trước những hành động của cha. Con trai thứ 2, Andrew Madoff, qua đời vào tháng 9/2014 vì bệnh ung thư. Vợ ông, Ruth Madoff, đã cắt đứt liên lạc với chồng sau khi Mark qua đời.

Dù đi đến tình cảnh này, Madoff chưa bao giờ nhận hoàn toàn trách nhiệm về tội danh của mình. Ông cho rằng mình đã thay đổi Phố Wall và nạn nhân có thể đã mất nhiều tiền hơn trên thị trường nếu không nghe lời ông.

Năm 2020, sau 11 năm ngồi tù, Madoff đã yêu cầu được trả tự do sớm vì suy thận giai đoạn cuối, khó sống quá 18 tháng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo The Washington Post, ông cho biết: “Tôi đang bị bệnh nan y, không cách nào chữa trị. Tôi đã phục vụ nhà tù 11 năm, tôi đã phải trả giá cho hành động của mình”.

Nhưng thẩm phán đã từ chối yêu cầu vì không tin rằng Madoff thực sự đã hối hận. Tội danh của ông ta cũng có quy mô lớn chưa từng thấy. Ngày 14/4/2021, Cục Đặc trách Nhà tù Liên bang Mỹ thông báo Madoff đã qua đời tại nhà tù ở Butner, bang Bắc Carolina.

Mô hình Ponzi

Charles Ponzi nổi tiếng với mô hình lừa đảo của mình.

Sau cái chết của Bernard |Madoff, công chúng đã nhìn lại và đối chiếu với kẻ lừa đảo Charles Ponzi, cha đẻ của mô hình Ponzi.

Sinh ra ở Italy năm 1883, Charles Ponzi tiết lộ từng theo học tại Trường Đại học Rome La Sapienza nhưng chưa bao giờ tốt nghiệp. Chàng trai trẻ di cư sang Mỹ vào năm 1903, tham gia một băng đảng trên con tàu S.S Vancouver và bị vét sạch tiền trong túi. Đặt chân lên đất Mỹ, Ponzi chỉ có trong tay 2,5 USD.

Tại vùng đất mới, hắn ta làm rất nhiều nghề như bán rong, rửa bát thuê, nhân viên ngân hàng. Những kiến thức tích luỹ khi làm việc tại ngân hàng cùng với bản tính mưu mô đã tạo dựng nên bức chân dung siêu lừa đảo của thế kỷ 20.

Vào tháng 8/1919, Ponzi tình cờ biết đến phiếu hồi đáp quốc tế [IRC], cho phép người gửi bưu chính thanh toán trước phí tem cho người nhận khi gửi thư hồi đáp. Người nhận lấy phiếu IRC từ bưu điện địa phương, đổi lấy tem bưu chính bằng đường hàng không ưu tiên để gửi thư hồi âm.

Thời điểm đó, giá trị tiền tệ tại Mỹ tương đối ổn định so với vàng trong khi đồng tiền của các nước châu Âu lại mất giá. IRC mua ở bên ngoài nước Mỹ, sử dụng đồng tiền châu Âu có thể đổi ra nhiều tiền mặt hơn tại Mỹ. Ví dụ, mua IRC tại Pháp, có thể bán ở Mỹ với lợi nhuận khoảng 10%.

Lợi dụng điều này, Ponzi đã thu mua phiếu IRC giá rẻ ở các quốc gia khác và gửi tới Mỹ. Sau đó, hắn ta đổi lấy tem và bán lại để kiếm lời. Đây được coi là khoản đầu cơ chênh lệch, không phải hành vi bất hợp pháp. Nhưng Ponzi nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động.

Hắn mở công ty giao dịch chứng khoán, cam kết trả lãi 50% cho các nhà đầu tư trong vòng 45 ngày hoặc 100% trong vòng 90 ngày. Khoản lãi lớn khiến các nhà đầu tư bị thu hút nhưng thực tế, không có khoản lãi nào được tạo ra. Quy trình này vẫn diễn ra ổn thỏa cho đến khi hết nhà đầu tư mới.

Thành tựu trong việc lừa đảo của Ponzi lớn đến mức tên tuổi của hắn ta đã gắn liền với phương pháp mà hắn ta áp dụng. Quy tắc lừa đảo này rất đơn giản: Tiền lấy từ các nhà đầu tư ngày hôm nay được sử dụng để trả các khoản nợ của nhà đầu tư ngày hôm qua.

Bản thân Ponzi có lẽ được truyền cảm hứng từ thành công của William “520%” Miller, nhân viên kế toán trẻ sống tại Brooklyn, Mỹ. Năm 1899, người này đã thu hút các nhà đầu tư cả tin với khoản tiền hơn một triệu USD. Nhưng William cũng từng phải thừa nhận không hiểu Ponzi làm thế nào để kiếm được tiền trong thời gian ngắn.

Các nhà điều tra liên bang cũng chung suy nghĩ tương tự nên đã bất ngờ kiểm tra sổ sách của Công ty Ponzi. Họ phát hiện ra số tiền Ponzi có trong tay là tiền lấy từ các nhà đầu tư trong khi những khoản tiền lãi khổng lồ mà hắn ta hứa hẹn lại “tàng hình”. Họ cũng tìm thấy thư, chứng từ khai gian các khoản tiền lãi mà Ponzi gửi cho các nhà đầu tư.

Ponzi bị kết án 3 năm tù giam cho tội danh lừa đảo qua thư. Sau thời gian thụ án, hắn tiếp tục chịu phạt 9 năm tù giam vì hành vi lừa đảo khác. Nhưng trong thời gian tại ngoại, Ponzi đã chạy trốn đến Florida, sử dụng tên ảo để tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 1934, hắn bị trục xuất về Italy.

Sau Ponzi, Madoff đã áp dụng mô hình lừa đảo này trong gần hai thập kỷ, tạo dựng nên vụ lừa đảo có quy mô lớn nhất trong ngành tài chính. Vụ bê bối được coi là một trong những thất bại nhục nhã nhất của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ [SEC], cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ. Cơ quan này đã không thể phát hiện ra hành vi sai trái của Madoff dù đã điều tra ít nhất 6 lần công ty của siêu lừa từ năm 1992.

Video liên quan

Chủ Đề