Chính sách phổ thông đầu phiếu đã được ban hành dưới thời kỳ nào của cách mạng pháp

Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng.

    Sau cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ Chính thức [1]”.

    Ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…[2]”.

Chính sách phổ thông đầu phiếu đã được ban hành dưới thời kỳ nào của cách mạng pháp

Sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 16.

    Ngày 08/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ông Võ Nguyên Giáp (khi ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) đã ký Sắc lệnh số 14 - Sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội, đặt nền móng cho sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 [3].

    Tiếp đó, Chính phủ Lâm thời đã ban hành một loạt Sắc lệnh để xúc tiến các công việc chuẩn bị cho việc Tổng tuyển cử: Sắc lệnh số 39-SL; Sắc lệnh số 51-SL; Sắc lệnh số 71-SL; Sắc lệnh số 72-SL.

    Việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hết sức khó khăn, vừa phải kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng [4]. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước lúc bấy giờ, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên không phải là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc hết sức gay go, phức tạp và quyết liệt.

    Bởi vậy, cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách). Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các nhân sĩ có đủ thời giờ để nộp đơn và vận động tranh cử, và sau khi Hội đồng Chính phủ đồng ý, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký Sắc lệnh số 76-SL về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử.

Chính sách phổ thông đầu phiếu đã được ban hành dưới thời kỳ nào của cách mạng pháp

Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 125.

    Sắc lệnh số 76-SL nêu rõ“Cuộc tổng tuyển cử trong toàn cõi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để bầu đại biểu dự vào Quốc dân Đại hội, trước định mở vào ngày 23 tháng 12 năm 1945, nay hoãn đến ngày chủ nhật 6 tháng 1 năm 1946 [5]”. Theo đó, ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được ấn định lại vào ngày này. Sắc lệnh này cũng quy định hạn nộp đơn ứng cử định đến hết ngày 27/12/1945. Tuy nhiên, những tỉnh nào nhận được chậm Sắc lệnh này, không đủ thì giờ để thông tri cho tất cả các làng, thì Uỷ ban nhân dân tỉnh ấy được phép cứ tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 23/12/1945 và sẽ báo cáo ngay với Bộ Nội vụ.

    Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã diễn ra trong cả nước kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%) [6] và Người đã được đề nghị suy tôn là người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [7].

Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã hoàn toàn thắng lợi. Đó là kết quả của sự đoàn kết toàn dân, lòng yêu nước đồng thời khẳng định sự tin tưởng  tuyệt đối của nhân dân với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Đáp từ của Quốc Hội tại buổi họp toàn thể đại hội lần thứ nhất ngày 2/3/1946 do ông Nguyễn Đình Thi đọc có ghi: “Chính quyền vừa giành được, nền dân chủ cộng hòa đã xây đắp ngay, chế độ phổ thông đầu phiếu được thi hành, và cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng giêng  năm 1946 đã lập nên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam”[8].

---------------------

Chú thích:

1. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 30.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946), Nxb Chính trị Quốc gia,  Hà Nội, năm 1995, tr. 8.

3. https://luutru.gov.vn/sac-lenh-so-14-nam-1945-ve-cuoc-tong-tuyen-cu-de-bau-quoc-dan-dai-hoi.htm

4. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 32.

5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, mục lục 1, hồ sơ 01, tờ 125.

6. https://bachthong.backan.gov.vn/Pages/tin-tuc-su-kien-318/tong-tuyen-cu-bau-quoc-hoi-d-5dc726fc2d2433d7.aspx

7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Quốc hội, hồ sơ 04, tờ 8.

8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Quốc hội, hồ sơ 03, tờ 45.

Trần Thị Hoàn (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Theo: https://luutru.gov.vn/

Trong nhà nước dân chủ, bầu cử được tiến hành để xác định quyền cho những người đại diện nắm giữ những cương vị chính trị. Một vấn đề quan trọng của Hiến pháp là quy định việc nhân dân lựa chọn (bằng cách bầu) đại diện của mình để giữ những chức danh nhà nước ở trung ương và địa phương – cơ sở để cho rằng, nhà nước được nhân dân trao quyền và nhà nước thực hiện quyền lực chừng nào nhân dân còn tín nhiệm. Như vậy, bầu cử là phương thức được sử dụng để quyền lực nhà nước thiết lập ra bởi nhân dân. Vì thế, việc phản ánh trung thực ý chí của nhân dân là vấn đề cốt lõi của mọi cuộc bầu cử.

1. Bầu cử và vai trò của bầu cử

1.1. Bầu cử là quá trình các cử tri của cả nước đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của đất nước.

Ở nước ta, các cuộc bầu cử có tính chất pháp lý rất quan trọng: là một khâu thiết yếu để thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương; là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Bầu cử ở nước ta gồm bầu cử Quốc hội (ở trung ương) và bầu cử HĐND các cấp (ở địa phương).

Mặt khác, thuật ngữ bầu cử ở nước ta được hiểu là có liên hệ mật thiết với khái niệm dân chủ, trong đó những cuộc bầu cử tự do và công bằng là phương thức bảo đảm cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ. Trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân. Cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng.

Bầu cử cũng được hiểu là cách thức nhân dân trao quyền cho Nhà nước. 

Quyền bầu cử là một quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử.

1.2. Vai trò của bầu cử

Ý chí nhân dân là vấn đề quan trọng nhất của bầu cử, bởi vì, chỉ khi bầu cử mang ý chí nhân dân thì ý nghĩa dân chủ đích thực của nó mới đạt được.

Thứ nhất, bầu cử có vai trò hợp pháp hoá chính quyền

Chỉ bằng ý chí nhân dân thể hiện trong bầu cử, chính quyền mới được hợp pháp hóa. Bầu cử là phương thức hợp pháp hóa chính quyền văn minh tiến bộ và có tính phổ biến nhất trong thời đại ngày nay.

Tại khoản 3 Điều 21 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1948 đã nêu rõ: “Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí này được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông và bình đẳng và được thực hiện qua bỏ phiếu kín hoặc qua các thủ tục bỏ phiếu tự do tương tự”.

Điều 25 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (1996) đã trịnh trọng tuyên bố: “Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào… và không có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để: (1) Tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn; (2) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo cho cử tri được tự do bày tỏ ý nguyện của mình; (3) Được tiếp cận với các dịch vụ công cộng ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng”.

Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu (CSCE) khẳng định: Ý chí của nhân dân thông qua bầu cử định kỳ và chân thực là nền tảng cho thẩm quyền và tính hợp pháp của quyền lực nhà nước.

Như vậy, ý chí của nhân dân là nền tảng của quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân lựa chọn cho mình người đại diện và uỷ thác quyền lực cho họ.

Lịch sử phát triển của nhà nước trên thế giới đã trải qua nhiều cách tổ chức chính quyền mà không qua bầu cử. Dân chủ, xét dưới góc độ tổ chức bộ máy nhà nước có nghĩa nhân dân là chủ thể của quá trình tổ chức. Do vậy, các phương thức tổ chức không thể hiện được bản chất đó như truyền ngôi thế tập, sử dụng bạo lực… đang thay đổi theo hướng chuyển sang bầu cử. Trong thế giới hiện đại, các chính quyền thành lập không qua bầu cử, bất luận dù nhằm mục đích gì (kể cả được coi là chính đáng) thường không được các quốc gia, các tổ chức quốc tế công nhận, hoặc có chăng chỉ là sự thừa nhận hết sức dè dặt. Ngược lại, một chính quyền do người dân thành lập thông qua bầu cử theo những nguyên tắc tiến bộ: tự do, công bằng và trung thực, thì về nguyên tắc, chính quyền đó được coi là hợp pháp và được đón nhận một cách tự nhiên trong hoạt động chính trị và trong cộng đồng quốc tế.

Ở Việt Nam, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được”; “Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp muốn nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới, ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và Chính phủ mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài với chính quyền nhân dân”.

Thắng lợi của Tổng tuyển cứ đánh dấu sự trưởng thành của nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội mới, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc (từ ngày 15 đến 21/11/1975) đã quyết định Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Quốc hội xác định thể chế nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất. Do vậy, Quốc hội khóa VI do nhân dân cả nước bầu ra (ngày 25/4/1976) là người đại diện hợp pháp cho toàn thể nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, bầu cử là nền tảng của nền dân chủ

Bầu cử kiến tạo chế độ đại diện – phương thức cơ bản thực hiện quyền lực nhân dân trong nhà nước pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền, ý chí của nhân dân là cội nguồn của quyền lực nhà nước. Đối với công dân, bầu cử là quyền chính trị quan trọng của họ chỉ khi nó dân chủ và mở rộng (tự do). Bầu cử tự do, dân chủ làm tăng tính hiện thực của quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (đối với quyền bầu cử bị động), tăng vai trò thực sự của công dân trong diễn đàn chính trị pháp lý để thành lập nhà nước (đối với thực hiện quyền bầu cử chủ động).

Hiến pháp năm 1946 coi việc “thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” là một trong ba nguyên tắc của chính thể mới và nền dân chủ nhân dân. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) cũng khẳng định “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Điều này như một nguyên lý phổ biến trên thế giới trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền thực thi dân chủ.

Trong một nền dân chủ đại diện, bầu cử tự do và công bằng đóng vai trò nền tảng để nhân dân quyết định cơ cấu chính trị và chính sách tương lai của họ. Nếu nhân dân không tín nhiệm các nhà lãnh đạo, họ có quyền bỏ phiếu bãi nhiệm các nhà lãnh đạo đó vào thời điểm ấn hành các cuộc bầu cử.

Về bản chất, bầu cử không những là con đường kiến thiết chế độ đại diện mà nó cũng chính là phương thức để nhân dân loại bỏ những người đại diện. Do vậy, để nhân dân giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước, chế ngự sự tha hóa, lạm  quyền của quyền lực nhà nước một cách có hiệu quả, đồng thời đối với việc đổi mới chế độ bầu cử, cần xây dựng cơ chế cụ thể và hữu hiệu quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử của nhân dân. Điều 7 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu HĐND bị các cử tri và HĐND bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Chính vì tầm quan trọng của việc khẳng định chủ quyền nhân dân, trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới bộ máy nhà nước ở nước ta không thể không nói tới đổi mới chế độ bầu cử.

Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước là một đặc điểm quan trọng của nhà nước pháp quyền. Quyền lực của nhân dân là tối thượng. Bản thân nhà nước không tự nhiên có quyền mà do nhân dân ủy quyền; quyền lực của người cầm quyền có thể bị tước bỏ, quyền lực của nhân dân thì không ai có thể tước bỏ được.

Mặt khác, bầu cử, thực chất là sự chuyển giao quyền lực nhân dân sang nhà nước. Bằng bầu cử, nhân dân lựa chọn thành lập ra cơ quan đại diện và ủy thác quyền lực cho họ. Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình chuyển giao quyền lực ấy mà phát sinh một hệ lụy ngoài mong muốn của nhân dân: mặc dù được nhân dân ủy thác trao cho quyền lực, song không phải ở đâu, bao giờ, nhà nước (thông qua các cơ quan nhà nước) cũng phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và không phải bao giờ quyền lực nhà nước cũng được thực hiện trong phạm vi, mức độ mà nhân dân trao cho. Do vậy, quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát và giới hạn, nhằm loại trừ một nghịch lý là quyền lực nhà nước của nhân dân nhưng lại đe dọa chính nhân dân. Vì thế, bầu cử không chỉ đơn thuần là việc lựa chọn người đại diện, mà còn là phương thức quan trọng để nhân dân giám sát, thậm chí chế ngự quyền lực nhà nước. Bầu cử là phương thức giám sát trực tiếp của nhân dân đối với cơ quan dân cử.

Thứ ba, bầu cử phản ánh tương quan lực lượng chính trị xã hội

Một chế độ bầu cử dân chủ cần bảo đảm tính cân đối, hợp lý, đại diện rộng rãi cho các bộ phận trong cơ cấu xã hội. Đến lượt nó, tính cân đối, hợp lý trong bầu cử, trước hết phụ thuộc vào bản chất, đặc điểm của chế độ chính trị, phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội và phụ thuộc vào “thiết kế” của nhà làm luật.

Chế độ bầu cử dân chủ là chìa khóa cho đồng thuận xã hội, là phương thức quan trọng để hòa hợp dân tộc. Diễn biến chính trị ở nhiều quốc gia trong lịch sử thế giới hiện đại đã cho chúng ta thấy rằng, để giải quyết khủng hoảng chính trị hay những xung đột xã hội, một trong những việc thường được các nước tiến hành là tổ chức tổng tuyển cử, vì kết quả bầu cử thể hiện “mẫu số chung” giữa các phe phái, các lực lượng, các bộ phận xã hội trong việc lựa chọn chính quyền. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, không phải tất cả các cuộc bầu cử đều phản ánh ý chí chung đó. Nếu có sự gian lận, dối trá trong bầu cử, hay bầu cử được tiến hành trong điều kiện bạo loạn, niềm tin của nhân dân bị giảm sút, hoặc việc lựa chọn một “mô hình” bầu cử không phù hợp, thì chế độ bầu cử không những không giải quyết được các mâu thuẫn xã hội, mà ngược lại, nó có thể lại làm gia tăng các xung đột xã hội. Do vậy, bất luận trong xã hội nào, chế độ bầu cử không những cần dựa trên các nguyên tắc của bầu cử tự do, tiến bộ và công bằng, mà nó cần được thiết kế phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mỗi thể chế chính trị, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Xây dựng đồng thuận xã hội chính là việc đi tìm tiếng nói chung của các lực lượng, các giai cấp, các sắc tộc, các tín ngưỡng, các bộ phận trong cơ cấu xã hội. Thông qua bầu cử, tiếng nói chung đó được chuyển hóa thành cơ quan đại diện. Chính vì vậy, Nghị viện/Quốc hội được nhân dân trao cho chức năng lập pháp. Thông qua hoạt động lập pháp, sự đồng thuận được cơ quan đại diện chuyển hóa thành pháp luật, thành các quyết sách của Nhà nước. Nhà khai sáng kiệt xuất Jean-Jacques Rouseau đã viết: “Lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt tới”. Chế độ bầu cử có vai trò nền tảng để kiến tạo sức mạnh tập thể đó.

Thực tế cho thấy, những con số trong tỷ lệ phiếu bầu phản ánh mối tương quan lực lượng trên chính trường và là câu chuyện “được – mất” của các lực lượng chính trị trong xã hội. Tuy nhiên, tương quan lực lượng chính trị xã hội chỉ được phản ánh, đánh giá đúng, khách quan nếu bầu cử công khai, không gian lận. Đã gian lận trong bầu cử thì không thể nói đến ý chí nhân dân. Ở các quốc gia phát triển và trong thể chế chính trị đa nguyên đa đảng, nếu như ý chí của nhân dân được phản ánh trung thực, kết quả bầu cử là thước đo của sự phát triển và giá trị của các xu hướng chính trị, phục vụ nhu cầu thông tin chính trị của mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội.

2. Khái lược lịch sử bầu cử Quốc hội ở Việt Nam

Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích của chế độ thực dân. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà, song Tổng tuyển cử phải bảo đảm tính hợp pháp, tính chính thống của bộ máy nhà nước. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử Quốc dân đại hội. Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử. Đây là sắc lệnh quan trọng đầu tiên ở nước ta quy định về bầu cử. Cùng với việc ban hành các sắc lệnh về Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời cũng công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đầu tiên để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 39/SL về lập một Uỷ  ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi, Uỷ ban này đã soạn thảo xong bản dự thảo. Ngày  02/12/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành tiếp Sắc lệnh số 71/SL và Sắc lệnh số 72/SL để bổ khuyết Sắc lệnh số 51/SL về thủ tục ứng cử và bổ sung số đại biểu bầu cho một số tỉnh. Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 76 quyết định hoãn việc Tổng tuyển cử đến ngày 06/01/1945 (trước đây, Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ Tổng tuyển cử vào ngày 23/12/1945). Tiếp đến là Nghị định số 161 ngày 29/12/1945 và Nghị định số 31 ngày 28/01/1946 của Bộ Nội vụ quy định thể lệ bầu cử HĐND và Uỷ ban hành chính xã, tỉnh, huyện, kỳ.

Kế thừa và phát huy tinh thần của các văn bản trên, hầu hết các bản Hiến pháp của Nhà nước ta đều quy định bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND theo các nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 4 Hiến pháp năm 1959; Điều 7 Hiến pháp năm 1980; Điều 7 Hiến pháp năm 1992; Điều 7 Hiến pháp năm 2013; riêng Hiến pháp năm 1946 chưa quy định nguyên tắc bỏ phiếu bình đẳng). Các nguyên tắc bầu cử còn được cụ thể hoá trong các đạo luật về bầu cử đại biểu Quốc hội: Luật năm 1959, Luật năm 1980, Luật năm 1992, Luật năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2001); trong các đạo luật về bầu cử đại biểu HĐND: Sắc lệnh số 63/SL, ngày 22/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về tổ chức các HĐND và Uỷ ban hành chính; Sắc lệnh số 04/SL, ngày 20/7/1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về bầu cử HĐND và Uỷ ban hành chính các cấp; Sắc lệnh số 136/SL ngày 29/11/1949 ấn định thể lệ bầu và kiện toàn các HĐND thị xã và thành phố; Pháp lệnh quy định thể lệ bầu cử HĐND các cấp, ngày 18/01/1961; Pháp lệnh quy định một số điểm về bầu cử và tổ chức HĐND và Uỷ ban hành chính các cấp trong thời chiến, ngày 01/4/1967; Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 1989; Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 1994; Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003.

Riêng bản Hiến pháp năm 1946, quy định về việc bỏ phiếu tự do: “Chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín” (Điều 17). Đây chính là sự kế thừa từ Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ thứ ba là: tiến hành Tổng tuyển cử tự do theo phổ thông đầu phiếu trong cả nước để bầu ra Quốc hội đầu tiên.

Những năm năm mươi của thế kỷ trước, trong điều kiện kháng chiến và củng cố chính quyền địa phương, Chính phủ ban hành một số văn bản mới về bầu cử. Thông tư số 314/TTg ngày 04/10/1953 của Thủ tướng Chính phủ quy định về bầu cử Uỷ ban hành chính kháng chiến, quy định giải tán HĐND xã, triệu tập Hội nghị đại biểu nhân dân xã thay cho HĐND.

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là cơ sở mang tính xuất phát điểm cho chế độ bầu cử ở nước ta những năm tiếp theo và sau này. Bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc Tổng tuyển cử ấy không chỉ thể hiện ở kết quả bầu cử, mà quan trọng hơn là “đường đi, nước bước”, nội dung và tinh thần của các nguyên tắc bầu cử được áp dụng trong Tổng tuyển cử. Chế độ bầu cử đã trở thành công cụ phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Chế độ bầu cử đã trở  thành công cụ pháp lý thành lập các cơ quan bầu cử, hợp pháp hoá vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ đối với bộ máy nhà nước.

3. Một vấn đề về bầu cử được quy định trong Hiến pháp 2013

Thực tiễn của Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đều cho thấy, dù bằng hình thức bầu cử nào, trực tiếp hay thông qua đại biểu của mình thì quyền bầu cử, nhất là quyền bầu ra bộ máy nhà nước vẫn là một trong những quyền quan trọng nhất của mỗi công dân và cũng là yếu tố quan trọng nhất góp phần quyết định có hay không quyền lực nhà nước của nhân dân.

Về nguyên tắc bầu cử

Khoản 1 Điều 7 Hiến pháp 2013 quy định: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân, toàn diện, công khai và dân chủ rộng rãi của bầu cử. Bầu cử là công việc của mọi công dân, là sự kiện chính trị trọng đại của xã hội, đòi hỏi sự bảo đảm để công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử. Nguyên tắc bình đẳng bảo đảm để mọi công dân có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt, nhằm bảo đảm sự khách quan trong bầu cử, không thiên vị. Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, Nhà nước có các biện pháp bảo đảm để đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ chiếm tỷ lệ thích đáng trong bộ máy của mình. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp bảo đảm để cử tri trực tiếp lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước bằng lá phiếu của mình, không qua khâu trung gian. Cùng với các nguyên tắc khác, nguyên tắc này là điều kiện cần thiết bảo đảm tính khách quan của bầu cử. Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn, để sự lựa chọn đó không bị ảnh hưởng bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài.

Các nguyên tắc bầu cử nêu trên thống nhất với nhau, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Các nguyên tắc bầu cử còn quy định quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm những quy định về bầu cử.

Về quyền bầu cử của công dân

Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình ở cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử, bỏ phiếu, tức là khả năng chủ động trong lựa chọn của công dân.

Ở nước ta, quyền bầu cử được coi là quyền chính trị rất quan trọng, là vinh dự của công dân. Công dân thực hiện quyền đó tự nguyện. Vì tính chất quan trọng của quyền bầu cử nên quyền bầu cử chỉ được quy định cho những người bình thường về mặt thần kinh, đạt đến độ chín của sự phát triển tâm, sinh lý nhằm bảo đảm cho họ có sự lựa chọn chính xác và độc lập. Tại Khoản 1 Điều 17 của Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Điều 27 của Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Ngoài các quy định về độ tuổi là cần thiết bảo đảm độ chín chắn trong sự lựa chọn của cử tri, pháp luật nước ta không quy định điều kiện nào khác.

Về bầu HĐND và UBND

Điều 6 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước trước nhân dân”. Những quy định trên đây là đúng đắn nhưng còn chung chung, chưa cho ta thấy được phương thức thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân trong bầu cử.

Khắc phục hạn chế này, Hiến pháp 2013 đã quy định rõ hơn, cụ thể hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6). Về mặt bầu cử, cho dù được tiến hành dưới hình thức dân chủ trực tiếp hay dân chủ đại diện thông qua đại biểu của mình thì quyền bầu cử, nhất là quyền bầu ra bộ máy nhà nước là một trong những quyền quan trọng nhất của mỗi công dân có tuổi từ mười tám trở lên, vì nó là yếu tố góp phần quyết định có hay không quyền lực nhà nước của nhân dân. Tại Khoản 1, Điều 123 Hiến pháp 2013 quy định: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Như vậy, theo quy định này, HĐND ở địa phương nào thì do nhân dân địa phương ấy trực tiếp bầu. Nhưng trong điều kiện nhân dân không thể trực tiếp thì ít nhất cũng phải thông qua các đại biểu và cơ quan đại biểu của mình để bầu ra UBND ở các cấp theo đơn vị hành chính lãnh thổ, điều đó là khoa học và cần thiết cho một bộ máy chính quyền của nhân dân. Về điểm này, Khoản 1 Điều 114 của Hiến pháp 2013 quy định rõ: “UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”.

Hiến định quyền của nhân dân trong việc trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại biểu của mình để bầu ra bộ máy chính quyền ở địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó phản ánh tính nhân dân của Nhà nước ta.

Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây thì nội hàm của dân chủ trực tiếp và cách thức để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp, cũng như các quy định cụ thể để tăng cường hơn tính hiệu quả của dân chủ đại diện, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử và bộ máy nhà nước chưa được làm rõ. Do đó, Điều 29 Hiến pháp 2013 quy định “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Với quy định này, công dân thực hiện dân chủ thông qua trưng cầu dân ý cùng với bầu cử và các hình thức dân chủ trực tiếp khác.

Về Hội đồng bầu cử quốc gia

Thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia và thiết chế Kiểm toán Nhà nước là 2 thiết chế hoàn toàn mới trong Hiến pháp năm 2013, đều do Quốc hội thành lập. Điều 117  Hiến pháp 2013 quy định: “1- Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. 2- Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. 3- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định”.

Việc hiến định thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia trong Hiến pháp lần này nhằm thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình và cũng là thể chế hoá một trong những quan điểm chỉ đạo của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm khoá XI đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử”; “nghiên cứu, bổ sung một số thiết chế độc lập như cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan bầu cử quốc gia”. Đồng thời, nó cho thấy các nhà lập hiến mong muốn sẽ khắc phục những hạn chế của công tác bầu cử trong thời gian qua, chuyên nghiệp hóa hoạt động tổ chức bầu cử trong thời gian tới. Với việc quy định Hội đồng bầu cử quốc gia, quyền bầu cử sẽ được một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp do Quốc hội thành lập thực hiện; bảo đảm được tính khách quan trong chỉ đạo, điều hành, tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức công tác bầu cử; bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng thông qua cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, thông qua Đảng đoàn Quốc hội và thông qua việc lựa chọn nhân sự vào các cơ quan này, đồng thời khắc phục được một số hạn chế trong công tác bầu cử ở nước ta hiện nay. 

Bầu cử là yếu tố quan trọng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ và là biểu hiện, thước đo của dân chủ. Mỗi cải cách chế độ bầu cử là một việc làm phức tạp, đòi hỏi những cố gắng và phụ thuộc vào sự khát khao vươn tới dân chủ của mọi lực lượng trong xã hội và đó chính là nền tảng cho việc cải cách chính trị. Chính vì thế, dân chủ hóa hoạt động bầu cử là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh hoàn thiện hệ thống chính trị, xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân ở nước ta. Tuy nhiên, mọi thay đổi về bầu cử trong Hiến pháp chỉ có ý nghĩa tích cực nếu như nó phục vụ cho việc bảo đảm ý chí nhân dân, bởi lẽ ý chí nhân dân là bản chất dân chủ của bầu cử, là nguyên tắc của mọi nguyên tắc bầu cử.

PGS, TS. Phan Trọng Hào

Thư ký khoa học chuyên trách, Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguồn Tạp chí Tổ chức Nhà nước