Hủy án do đánh giá chứng cứ không đúng năm 2024

Trong quá trình giải quyết vụ án nói chung và giải quyết vụ án Hành chính nói riêng, việc thu thập và đánh giá chứng cứ có ý nghĩa hết sức quan trọng để giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của các bên đương sự có liên quan trong vụ án. Nhưng do có nhiều thiếu sót trong việc điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm đã có quyết định chưa chính xác. Nên dẫn đến việc giải quyết của cấp phúc thẩm phải sửa toàn bộ bản án của cấp sơ thẩm. Xét thấy cần thiết nêu lên phân tích để rút kinh nghiệm chung, cụ thể:

1.Nội dung vụ án và kết quả giải quyết vụ án của Tòa án.

Ngày 31/8/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định số: 2207/QĐ-UBND: Về việc thu hồi diện tích 8.812 m2 đất do Trạm Thủy sản Núi Cốc đang quản lý tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, để tạm giao cho UBND huyện Đại Từ quản lý theo quy hoạch (gọi tắt quyết định số 2207).

Ngày 16/01/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định số 116/QĐ-UBND: Về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bến tàu du lịch hồ Núi Cốc và khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng ăn uống và khu neo đậu tàu, trạm sửa chữa bảo dưỡng tàu (gọi tắt quyết định số116).

Ngày 26/8/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định số 1671/QĐ-UBND: Về việc điều chỉnh một số nội dung Quyết định số 2207/QĐ-UBND ngày 31/8/2013: Về việc thu hồi diện tích 6.377 m2 đất do Trạm Thủy sản Núi Cốc đang quản lý tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, để tạm giao cho UBND huyện Đại Từ quản lý theo quy hoạch (do không thu hồi diện tích 2.435 m2 đất thống kê nhầm của các hộ dân sử dụng hợp pháp – Chi tiết có phụ lục kèm theo- gọi tắt quyết định số 1671).

Ngày 02/8/2013, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành văn bản số 1549/UBND-NC: Về việc giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án xây dựng bến tàu Hồ núi Cốc, giao cho UBND huyện Đại từ áp dụng, xây dựng cơ chế để bồi thường, hỗ trợ cho các hộ đang sử dụng đất bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án xây dựng bến tàu hồ núi Cốc.

Ngày 17/01/2014, UBND huyện Đại từ ban hành quyết định số 402/QĐ-UBND: Về việc phê duyệt phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án: Đầu tư xây dựng khu bến tàu du lịch hồ Núi Cốc và khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng ăn uống và khu neo đậu tàu, trạm sửa chữa bảo dưỡng tàu, tại xã Tân Thái, huyện Đại từ, tỉnh Thái Nguyên,(gọi tắt quyết định số 402).

(Kèm theo quyết định có mục lục danh sách18 hộ trú quán tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, thuộc diện được hỗ trợ, bồi thường theo quyết định, trong đó 07 hộ có đất đang quản lý, sử dụng bị thu hồi gồm: Hộ ông Trần văn Hồng; Hộ ông Dương Văn Hà; Hộ ông Đỗ Quốc San; Hộ ông Trần Văn Thụy; Hộ bà Đặng Thu Hà; Hộ bà Phùng Thị Thanh; Hộ bà Đỗ Thị Huyền).

Do không đồng ý với quyết định số 402, nên 07 hộ gia đình trên đã có đơn khởi kiện với lý do: Diện tích đất 07 hộ đang quản lý, sử dụng có nguồn gốc nhận chuyển nhượng lại của ông Đào Quốc Minh, người cùng địa phương, nguồn gốc đất ông Minh khai phá từ năm 1986, mục đích trồng rừng và chè, đến năm 2000; 2001 chuyển nhượng lại cho các hộ, việc chuyển nhượng có xác nhận của UBND xã Tân Thái. Không phải là đất của Trạm Thủy sản núi Cốc, nên khi nhà nước thu hồi phải đền bù, không chấp nhận việc nhà nước hỗ trợ. Đề nghị Tòa án ND huyện Đại từ xét xử hủy một phần quyết định số 402, phần có liên quan đến quyền lợi.

Tòa án nhân dân huyện Đại từ đã thụ lý, giải quyết vụ án đã xác định: Diện tích đất của 07 hộ có nguồn gốc nhận chuyển nhượng lại của ông Đào Quốc Minh, nguồn gốc đất ông Minh chuyển nhượng lại cho 07 hộ trong diện tích đất nhận khoán trồng cây lâm nghiệp theo hợp đồng số 17 ngày 24/6/1992 với Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc, trên diện tích đất của xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc được Nhà nước giao tại quyết định số 111/TTg-CP ngày 11/4/1975 của Thủ tướng Chính Phủ. Đến năm 2000 và 2001 ông Minh làm giấy chuyển nhượng tài sản hoa màu, cây cối trên đất trong diện tích đất nhận khoán của Xí nghiệp Thủy sản núi Cốc cho các hộ. Do đó, xác định là đất của Xí nghiệp Thủy sản hồ núi Cốc (nay là Trạm thủy sản núi Cốc).

Tại bản án số 03/2015/HCST, ngày 13/8/2015 của Tòa án ND huyện Đại từ đã Quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của những người khởi kiện.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đại Từ, nên 07 người khởi kiện của các hộ gia đình nêu trên đã có đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử: Hủy bản án sơ thẩm.

Vụ án được giải quyết theo trình tự phúc thẩm, quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm, người khởi kiện có yêu cầu Tòa án thẩm định tại chỗ, thu thập chứng cứ bổ sung.

Ngày 03/6/2016, Tòa phúc thẩm Hành chính – Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã thụ lý, giải quyết vụ án đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã phát biểu ý kiến và đề nghị: Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 205 luật Tố tụng hành chính, tuyên xử: Sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, theo hướng chấp nhận một phần kháng cáo của người khởi kiện, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người khởi kiện.

Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên, quyết định: Chấp nhận một phần kháng cáo của người khởi kiện, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người khởi kiện, hủy một phần quyết định số 402, phần có liên quan đến quyền lợi của những người khởi kiện.

2.Những nội dung cần rút kinh nghiệm

1.2: Yêu cầu khởi kiện của những người khởi kiện không đồng ý với quyết định số 402 với lý do: Diện tích đất bị Nhà nước thu hồi không phải là đất của Trạm thủy sản núi Cốc, mà nhận chuyển nhượng lại của ông Đào Quốc Minh, khi bị Nhà nước thu hồi không được bồi thường, không đồng ý Nhà nước hỗ trợ khi thu hồi đất, đề nghị Tòa án hủy một phần quyết định số 402, phần có liên quan đến quyền lợi của những người khởi kiện. (Có nghĩa là nhà nước thu hồi đất không đúng đối tượng người sử dụng đất).

Theo báo cáo của UBND xã Tân Thái, ý kiến của người bị kiện, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định, đã xác định: Nguồn gốc đất của những người khởi kiện là nhận chuyển nhượng đất; tài sản trên đất của hộ gia đình ông Đào Quốc Minh. Nguồn gốc đất của hộ ông Đào Quốc Minh chuyển nhượng cho các hộ là do sử dụng đất có nguồn gốc đất của Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc được nhà nước giao và quản lý từ năm 1975 (Theo quyết định số 111/TTg-CP ngày 11/4/1975). Năm 1992 xí nghiệp Thủy sản núi Cốc giao khoán cho hộ ông Đào Quốc Minh sử dụng lâu dài để trồng cây lâm nghiệp (Theo hợp đồng số 17 ngày 24/6/1992). Đến năm 2000 và năm 2001 ông Minh làm giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cây cối, hoa màu cho các hộ dân nêu trên. Phía gia đình ông Minh cũng không được cấp GCNQSD đất theo quy định. Nên đây vẫn là đất của Xí nghiệp thủy sản Hồ núi Côc quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả phúc tra của Tòa án cấp phúc thẩm xác định: Tại biên bản thẩm định tại chỗ ngày13/4/2016 của Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên, đã xác định: Theo bản đồ địa chính 299, tờ số 7 đo đạc năm 1985-1986, không thể hiện khu vực đất của 07 hộ khởi kiện. Bản đồ trích đo địa chính khi thực hiện dự án đầu tư từ bản đồ địa chính lập năm 2008 đã thể hiện có các thửa đất của các hộ khởi kiện đã quản lý, sử dụng.

Như vậy, căn cứ vào tài liệu trên thì trước khi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành các quyết định số 2207 và quyết định số1671, thì diện tích đất bị thu hồi đã có người đang quản lý sử dụng đất, trong đó có 07 hộ là người khởi kiện, đều là người có quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, 07 người khởi kiện đều xác nhận, không nhận được quyết định thu hồi đất của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên mà theo quy định của pháp luật được nhận, quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 39 luật Đất đai năm 2003. Do đó những người bị thu hồi đất không thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Cũng tại biên bản thẩm định tại chỗ ngày13/4/2016 của Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện rõ: Bản đồ hiện trạng của xí nghiệp Thủy sản Hồ núi Cốc đo đạc và nghiệm thu tháng 8/1993, đã thể hiện có đường tỉnh lộ ĐT 270 Đại từ đi xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên, đường nằm trên bình độ 50, phía dưới đường có thể hiện thửa đất số 215 diện tích 400 m2 , và diện tích đất phía dưới đường ( phía tà luy âm về phía mặt hồ) không thể hiện là loại đất gì, kể cả hồ nước.

Căn cứ vào hợp đồng nhận khoán đất đồi và rừng số 17/HĐ-KT ngày 24/6/1992 giữa Xí nghiệp thủy sản hồ Núi Cốc với ông Đào Văn Minh (Đào Quốc Minh), thể hiện xí nghiệp giao cho gia đình ông Minh khu đất có gianh giới:

– Phía Nam từ cầu Trắng.

– Phía Bắc giáp với nhà ông Việt.

– Từ đường phân thủy đỉnh đồi xuống đến rìa đường. (được xác định là đường ĐT 270).

Tại phiên tòa xét xử thì người đại diện cho người bị kiện đã xác định: Vị trí “rìa đường” được xác định trong phạm vi lộ giới của đường ĐT 270 (Hành lang và lòng đường). Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, quy định:

“Đối với đường tính từ mép chân mái đường đắp và từ mép đỉnh mái đường đào hoặc từ mép ngoài rãnh dọc hay rãnh của đỉnh trở ra hai bên, cụ thể:

– Hệ thống đường tỉnh lộ là 10m.”

Như vậy, lộ giới đường ĐT270 có chiều rộng ra hai bên tới mép đường là 20m.

2.2: Căn cứ vào quyết định số 2207 thể hiện: Vị trí khu đất được xác định theo Trích lục bản đồ địa chính(chỉnh lý) tờ số 44 và 47 tỷ lệ 1/2000 thuộc xã Tân Thái, huyện Đại từ, do văn phòng Đăng ký QSD – Sở Tài nguyên và Môi trường xác lập tháng 8/2011.

Căn cứ vào trích lục bản đồ địa chính (chỉnh lý) tờ số 44 và 47 do người đại diện của người bị kiện cung cấp (kèm theo công văn số 806/CV-TNMT ngày 27/11/2014) về việc: Trả lời theo nội dung công văn số 141/CV-TA ngày 05/9/2014 của Tòa án nhân dân huyện Đại Từ, thể hiện: Toàn bộ diện tích đất của 07 hộ, người khởi kiện, cùng với nhiều hộ khác có vị trí nằm ngoài phạm vi lộ giới đường ĐT270 về phía bên tà ly âm (ngoài phạm vi 20m quy định của đường).

Căn cứ vào quyết định số 2280/QĐ-UB ngày 09/9/1997 của UBND tỉnh Thái Nguyên, về việc ban hành bản quy định về quản lý khai thác và bảo vệ hệ thống đại thủy nông Núi Cốc. Tại Điều 1 Chương II Phạm vi và mục tiêu, nguyên tắc bảo vệ công trình quy định:

+ Hệ thống công trình bao gồm:

– Toàn bộ vùng lòng hồ ứng với cao trình 48,25 m(mức nước thiết kế cao).

Tại phiên toà phúc thẩm người đại diện của người bị kiện xác định: Diện tích đất xung quanh mặt hồ núi Cốc có vị trí từ cao trình 48,25 m trở xuống, thì không thể hiện trên bản đồ địa chính (Có nghĩa là toàn bộ diện tích đất của 07 hộ,những người khởi kiện, cùng với nhiều hộ khác có vị trí trên cao trình 48,25m).

Từ những tài liệu, chứng cứ đã phân tích ở trên, thì có căn cứ xác định: Diện tích đất của 07 hộ gia đình ( người khởi kiện vụ án) là không nằm trong diện tích đất hợp đồng nhận khoán đất đồi và rừng số 17/HĐ-KT ngày 24/6/1992, giữa: Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc với ông Đào Văn Minh như Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định. Nên Tòa án cấp sơ thẩm đã phân tích và lấy đó làm căn cứ đê bác yêu cầu khởi kiện của những người khởi kiện là không có cơ sở. Cũng có nghĩa phần diện tích đất của 07 hộ gia đình ( người khởi kiện trong vụ án) là không thuộc đối tượng điều chỉnh theo quyết định số 402 của UBND huyện Đại Từ, như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định.