Những giá trị của lễ hội có truyền trong đời sống xã hội hiện nay

Múa rồng ở lễ hội Ðền Ðô [Bắc Ninh]. Ảnh: VŨ ANH TUẤN

Từ xa xưa, lễ hội truyền thống đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của nhân dân, đáp ứng khát vọng trở về cội nguồn, sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh - hiện thực, là nơi người dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa.

Với hơn 8.000 lễ hội từ quy mô làng, xã đến quốc gia, cùng với những nét tích cực, lễ hội truyền thống, dưới tác động của con người hiện đại, đang đặt ra nhiều vấn đề "phi văn hóa". Chúng tôi đã trao đổi ý kiến với GS, TS Ngô Ðức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia về một số vấn đề liên quan đến lễ hội hiện nay.

- Thưa Giáo sư, lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa lớn đối với người dân Việt Nam. Với một "diện mạo" lễ hội phong phú, đa dạng, những năm gần đây, rất nhiều lễ hội đang xảy ra những vấn đề nổi cộm gây bức xúc. Qua việc quan sát thực tế cũng như kiểm tra các lễ hội trong những năm qua, theo GS, đang tồn tại những vấn đề gì làm ảnh hưởng đến tính văn hóa của hoạt động lễ hội?

- Theo thống kê của chúng tôi, cả nước có gần 8.000 lễ hội và chia làm năm loại, một là lễ hội dân gian, thứ hai là lễ hội lịch sử cách mạng, thứ ba là lễ hội tôn giáo, thứ tư là lễ hội du nhập từ nước ngoài vào, thứ năm là lễ hội văn hóa thể thao và du lịch - đây là loại hình lễ hội mới, phát triển từ khi chúng ta đổi mới và hội nhập. Hiện nay, đối với hoạt động lễ hội đang nổi cộm một số vấn đề, đó là: số lượng du khách đang tăng nhanh đến mức đột biến quá lớn với các lễ hội, đặc biệt là phía bắc, làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý, một số lễ hội dân gian tổ chức có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống, phai mờ bản sắc dân tộc. Tình trạng lập nhiều ban thờ đặt nhiều hòm công đức, nhiều khay, đĩa, để tiền giọt dầu còn phổ biến ở nhiều di tích, làm suy giảm yếu tố tâm linh, coi nặng giá trị vật chất, gây phản cảm trong sinh hoạt xã hội.

- Ðiều này có phải vì chúng ta có quá nhiều lễ hội, thưa Giáo sư?

- Bản thân lễ hội luôn có yếu tố tích cực. Những biểu hiện tiêu cực là do người thực hành. Sau một thời gian bẵng đi và tái lập lại hội thì có nhiều khái niệm lệch lạc. Cái đó tất nhiên thôi. Trong sự lệch lạc thì do cách tổ chức, cũng có cái là do môi trường lễ hội dễ nảy sinh những cái tiêu cực. Chẳng hạn như đi lễ hội thì thờ cúng tín ngưỡng là đúng rồi vì lễ hội là tâm linh, nhưng người ta lại lợi dụng lễ hội để kiếm lợi, buôn thần bán thánh, cúng thuê, lễ thuê...

Còn có một mặt tiêu cực cũng không kém phần tai hại là do cách làm, cách quan niệm lễ hội đi theo những xu hướng không giữ lại truyền thống đa dạng như ngày xưa. Lễ hội của chúng ta ngày xưa là đa dạng lắm. Có những tỉnh như Hưng Yên ngày xưa có đến hàng nghìn lễ hội của các làng. Tổ chức trong cùng một mùa nhưng vì nó có nét riêng, người làng này đi xem lễ hội của làng kia vì nó có cái gì đó mà làng mình không có. Còn lễ hội bây giờ có xu hướng đồng loạt, khiến cho một số lễ hội nhàm chán, giống hệt nhau về hình thức.

Lễ hội là thiêng, không phải là đến vui chơi, mà đến để thờ cúng các vị thần linh, rồi có các hoạt động để vui chơi tưởng nhớ tới các vị thần đó. Nhưng hiện nay chúng ta có xu hướng làm giảm tính thiêng, trần tục hóa các lễ hội. Một số lễ hội đưa yếu tố mới vào. Thí dụ lễ hội Lảnh Giang lại đưa các trò chơi đương đại vào. Nên hiểu, nếu lễ hội mà như cuộc sống đời thường thì chẳng còn là lễ hội nữa. Lễ hội hiện nay bị thương mại hóa, là nơi để kiếm lời.

- Vậy theo Giáo sư đâu là nguyên nhân của những tiêu cực của các lễ hội?

- Những tiêu cực của hoạt động lễ hội vừa qua, có thể do mấy nguyên nhân như sau. Thứ nhất là sự quá tải về số lượng khách tham gia lễ hội. Vì theo điều kiện lịch sử tự nhiên để lại, khuôn viên của di tích, danh thắng, không gian tổ chức lễ hội có giới hạn nhưng lượng du khách đến tham gia quá lớn, dẫn đến tình trạng quá tải, lộn xộn, ùn tắc giao thông, tư thương nâng giá dịch vụ làm phiền lòng du khách, chính điều đó tạo nên sự phản cảm, làm biến dạng bức tranh đẹp đẽ của lễ hội Việt Nam chúng ta.

Nguyên nhân nữa là sự mất cân đối giữa nguồn lực đầu tư và hiệu quả tổ chức. Ở một số địa phương, lễ hội được tổ chức bằng ngân sách nhà nước nhưng lại kém hiệu quả, gây lãng phí tiền của. Cùng với đó là sự ganh đua về tổ chức lễ hội, nhiều lễ hội dân gian thì kéo dài quá thời gian quy định. Tổ chức thiếu căn cứ khoa học, làm cho nội dung nhiều lễ hội trùng lặp, không thể hiện được bản chất đặc trưng và việc khai thác, phát huy các hình thức diễn xướng, các trò chơi, các hoạt động thể thao dân gian còn hạn chế. Bên cạnh nghi thức đã được định hình thì có biểu hiện pha tạp, vay mượn và làm cải biên, biến dạng nghi lễ, lễ thức dân gian và có nguy cơ phai mờ bản sắc lễ hội. Việc tu bổ di tích và sử dụng nguồn thu công đức ở một số nơi thiếu hiệu quả, dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội. Một số địa phương coi di tích, lễ hội là nguồn lợi, chỉ chú trọng khai thác giá trị kinh tế và phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội.

Vấn đề cuối cùng là công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, chưa làm cho người dân hiểu rõ giá trị của lễ hội, công đức danh nhân, cảnh quan di tích để cùng chung tay bảo vệ.

- Là hình thức sinh hoạt văn hóa lâu đời, theo Giáo sư, những giá trị nào của lễ hội cần được gìn giữ, phát huy để phù hợp với nhịp sống hiện đại?

- Lễ hội có năm giá trị đặc biệt phù hợp với cả con người trong thời đại ngày nay.

Thứ nhất, lễ hội đáp ứng tâm thức trở về nguồn. Vì con người càng tiến tới cái hiện đại thì càng có tâm thức trở về cội nguồn, trong đó có cội nguồn dân tộc, cội nguồn tự nhiên, cội nguồn lịch sử và tự nhiên xã hội của mình. Thí dụ đến lễ hội Hai Bà Trưng thì người ta học lại bài học lịch sử Hai Bà Trưng.

Thứ hai, thông qua lễ hội người ta muốn biểu thị sức mạnh của làng, của cộng đồng người. Qua lễ hội Ðền Hùng người Việt Nam muốn nói về sức mạnh cố kết cộng đồng dân tộc. Ðiều này chúng ta hiện nay cũng rất cần, xây dựng biểu tượng Hùng Vương như một biểu tượng cội nguồn dân tộc, có sức mạnh để đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ ba, lễ hội tạo điều kiện để con người sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Lễ hội xưa là một dịp quan trọng của đời sống nhân dân. Hiện nay con người có nhiều dạng sáng tạo văn hóa, nhưng vẫn cần sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng. Lễ hội đáp ứng yêu cầu này.

Còn một nhu cầu nữa là lễ hội cân bằng đời sống hiện thực và tâm linh, hướng về những giá trị tốt đẹp và cao cả. Lễ hội là môi trường tâm linh để cân bằng với đời sống hiện thực. Các cụ ngày xưa có kiểu thư giãn, tháo khoán trong lễ hội, theo đó con người không bị bó buộc nữa, tạo nên sự hòa đồng...

Lễ hội là nơi cất giữ, lưu giữ và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau, điều đó làm cho văn hóa của chúng ta trường tồn và bảo đảm sự thống nhất.

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này.

THÀNH NAM thực hiện

Từ xa xưa, con người đã nhận thức sự nhỏ bé của mình trước thiên nhiên và ghi nhận những hiện tượng bí ẩn của tự nhiên như một sự linh thiêng. Vì vậy, người xưa tiến hành những lễ thức để bày tỏ tôn kính với tự nhiên. Từ thời nguyên thủy, lao động và vui chơi giải trí thường đan xen trong các lễ thức, dần hình thành các lễ hội mang bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia. Giá trị văn hóa của lễ hội nói chung và của lễ hội ở vùng ĐBSCL nói riêng hình thành từ đó...

Lễ giỗ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị ở huyện Phong Điền. Ảnh: DUY KHÔI

Lễ hội ở thời kỳ sơ khai vẫn chưa được tách riêng ra khỏi các hoạt động sống khác của con người, lúc đó còn là lễ hội nguyên hợp, tức là vẫn chưa có sự tách bạch giữa lễ và hội. Các nghi lễ thờ cúng ban đầu chỉ thuần túy để bày tỏ tấm lòng của con người, dần dần được hoàn thiện để mang tính thẩm mỹ. Hoạt động lao động sản xuất thường xuyên của con người ngày càng đòi hỏi phải có thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, nên những yếu tố mang tính thẩm mỹ và các hoạt động vui chơi giải trí cũng ngày càng phát triển để trở thành nhu cầu không thể thiếu trong các hoạt động cộng đồng. Mặt khác, trải qua thời gian dài, cũng có một số yếu tố đã được tách hẳn ra khỏi cái ban đầu và chỉ còn mang tính giải trí thuần túy, như các trò chơi dân gian trong lễ hội. Và đây cũng chính là tiến trình hình thành và phát triển của lễ hội dân gian người Việt[1].

Lễ hội nói chung, lễ hội dân gian người Việt nói riêng đều bắt nguồn từ tín ngưỡng của một cộng đồng [một tôn giáo, một nhân thần hoặc một nhiên thần] nên yếu tố tâm linh trong lễ hội của cộng đồng khá đậm nét. Rõ ràng, điều cột chặt con người trong một cộng đồng không chỉ là quan hệ kinh tế, quan hệ xã hội, mà còn là quan hệ tinh thần. Sự thiêng liêng trong lễ hội đã dẫn dắt toàn bộ tính chất và hành động hội. Nó được biểu hiện trong lễ thức, nghi thức, các hoạt động văn hóa trong lễ hội, nhằm tôn vinh những gì đẹp đẽ và lương thiện. Người ta coi việc đi hội, trẩy hội là sự nhập cuộc một cách thành kính trước các giá trị thiêng liêng của đất nước và của dân tộc[2].

Lễ hội Kỳ yên là lễ hội truyền thống lâu đời, có hầu khắp các địa phương ở Nam Bộ. Trong ảnh là buổi hát bội trong dịp cúng đình. Ảnh: DUY KHÔI

Lễ hội cho dù thuộc loại hình nào đi nữa thì bao giờ cũng là để tôn vinh nhân vật được phụng thờ. Nhân vật được phụng thờ này có thể là nhiên thần, nhân thần hay đơn giản hơn đó chỉ là vị thần trong ý niệm. Dù thuộc loại hình nào thì nhân vật được phụng thờ phải có công với làng xã, quê hương đất nước. Chính vì những nhân vật được phụng thờ có công hộ quốc ti dân hoặc là những nhân vật lịch sử có công trạng thật sự nên người dân mới xây đình, dựng miếu, lập chùa để phụng thờ, tạ ơn. Và lễ hội dân gian người Việt bao giờ cũng mang ý nghĩa tôn kính, biết ơn đối với nhân vật mà mình phụng thờ.

Tiến trình lễ hội này theo chân của người Việt trên bước đường Nam tiến. Ban đầu, khi đặt chân đến vùng đất này, họ không khỏi lo sợ trước cảnh tượng hoang vắng, trời nước mênh mông, rừng rậm hoang vu, thú dữ rình rập… hoàn cảnh sống khác biệt nơi quê nhà. Tất cả đã làm cho họ có ý niệm về thần chi phối. Vùng đất mới với điều kiện tự nhiên khác xa quê cha đất tổ nên những tín ngưỡng và lễ hội được mang theo cũng không phù hợp. Vì vậy, một số nội dung tín ngưỡng và lễ hội ban đầu đã được thay đổi. Nhưng dù có thay đổi thì những giá trị văn hóa mang tính cốt lõi trong hệ thống lễ hội dân gian người Việt vẫn luôn được bảo tồn. Đó là lòng tôn kính, biết ơn các nhân vật phụng thờ trong lễ hội và sự trở về nguồn cội của con người mỗi khi lễ hội diễn ra.

Những giá trị văn hóa của lễ hội được thực hành và thể hiện rõ trong đời sống dân gian của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Đặt chân đến miền đất xa xôi, trước những khó khăn về thiên tai địch họa của buổi ban đầu khẩn hoang, người Việt đã cầu viện đến Thần, Phật... mong được phù hộ để có cuộc sống bình an. Cuộc sống dần ổn định, cơ nghiệp phát triển, họ cho rằng đó là kết quả từ nỗ lực của bản thân và sự che chở, cứu giúp của các vị Thành Hoàng, Bà Chúa Xứ, Mẹ Nam Hải... Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn, họ đã lập các điểm thờ tự, ngày đêm hương khói, tổ chức lễ hội hằng năm. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, xuất hiện những vị anh hùng dân tộc: Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Văn Tồn... Để tri ân, nhân dân đã lập đền thờ, hoặc đưa các vị anh hùng vào các điểm thờ tự đã có. Lễ hội tưởng nhớ các anh hùng lịch sử được tổ chức hằng năm ở vùng Tây Nam Bộ là minh chứng phương danh các vị mãi sống trong lòng dân tộc.

Như vậy, lễ hội dân gian người Việt vùng Tây Nam Bộ hàm chứa lòng tôn kính và biết ơn đối với nhân vật phụng thờ - những nhân vật đã có công đem lại cuộc sống an lành, độc lập tự do cho quê hương xứ sở. Đó cũng chính là đạo lý "uống nước nhớ nguồn" ngàn đời của dân tộc. Bên cạnh đó, lễ hội dân gian người Việt vùng Tây Nam Bộ còn mang bản chất trở về cội nguồn của dân tộc. Đó là cội nguồn tự nhiên mà con người là một bộ phận; cội nguồn của cộng đồng; cội nguồn với những con người đã sáng tạo ra văn hóa và lịch sử...

Trong đời sống hiện đại với những bước tiến vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người càng có nhu cầu tìm lại nguồn cội của mình để khẳng định nguồn gốc cộng đồng và bản sắc văn hóa. Nền văn hóa cổ truyền mà trong đó lễ hội là một hiện tượng tiêu biểu, có thể đáp ứng những nhu cầu ấy. Thế nên, lễ hội truyền thống vẫn được xem trọng và thu hút ngày càng nhiều người[3]. 

Trần Phỏng Diều

--------------------------------

[1] Nguyễn Quang Lê [2014], Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, NXB Khoa học Xã hội, tr.24-26.

[2] Trương Thìn [1993], "Lễ hội và du lịch ở Việt Nam", in trong cuốn "Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại", Đinh Gia Khánh - Lê Hữu Tầng [chủ biên], NXB Khoa học Xã hội, tr.208.

[3] Ngô Đức Thịnh [1993], "Những giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền và nhu cầu của xã hội hiện nay", trong cuốn "Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại" [Đinh Gia Khánh - Lê Hữu Tầng [chủ biên], NXB Khoa học Xã hội, tr.286.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề