Phân tích nhân vật tôi trong văn bản lão Hạc

Trở đi trở lại trong sáng tác của nhà văn Nam Cao là hình ảnh người nông dân và người trí thức. Họ là nơi để nhà văn kí thác những quan điểm về nghệ thuật và cuộc đời, nơi nhà văn bộc lộ tâm sự của mình. Người trí thức trong sáng tác của ông là những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh sống đầy nghiệt ngã. 

Những kiếp đời mòn mỏi, sống mòn, sống thừa, bị áo cơm ghì sát đất. Đau khổ hơn, họ lại là người trí thức - người luôn ý thức được những nỗi khổ đau của mình trước cuộc đời. Nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một con người như vậy.

Ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc được nhà văn giao cho rất nhiều trọng trách. Nhân vật này đứng thứ hai sau nhân vật lão Hạc, vừa như người chứng kiến vừa như người tham gia vào câu chuyện của nhân vật chính, vừa đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện vừa trực tiếp bày tỏ thái độ, tình cảm, tâm trạng của bản thân. Đó cũng là chỗ gần gũi và khác cách kể chuyện trong tiểu thuyết - tự truyện Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng.

Ông giáo cũng là một con người có hoàn cảnh sống đầy những khó khăn. Tuổi trẻ ông đã từng đi nhiều nơi, vào tận Sài Gòn với những niềm tin và bao khát khao cao đẹp. Một con người như thế rồi cũng bị ném trả lại vùng nông thôn nghèo khổ, nơi hi vọng bị diệt trừ và 11 tưởng chỉ là một giấc mộng mãi không thành. 

Những cuốn sách mà ông đã nâng niu quý trọng “mỗi lần mở một quyển ra, chưa kịp đọc dòng nào, tôi đã thấy bừng lên trong lòng tôi như một rạng đông cái hình ảnh tuổi hai mươi trong trẻo, biết yêu và biết ghét...”, rồi cũng phải tự tay mình bán đi vì con ốm, vì đã cùng đường đất sinh nhai. Đọc những trang văn của Nam Cao, mặc dù nhà văn không hề miêu tả kĩ cuộc sống của ông giáo nơi quê nhà nhưng tôi cứ có cảm giác một nỗi buồn man mác bao phủ lên cảnh sống của ông.

Ông giáo là một nhân vật giàu lòng yêu thương. Có lẽ chính những điều đó là chỗ gần gùi làm cho ông và lão Hạc xích lại gần nhau hơn. Ông giáo tỏ ra cảm thông, thương xót cho hoàn cảnh của lão Hạc — người láng giềng già, tốt bụng, tìm cách an ủi, giúp đỡ lão. 

Nhất là từ khi thằng con lão Hạc đi xa và khi lão bán cậu Vàng thì ông giáo dường như là chỗ dựa tinh thần, nơi duy nhất của lão Hạc bộc bạch tâm sự của mình. Khi lão Hạc bán cậu Vàng, sang nhà ông giáo với tâm trạng tột cùng đau khổ, thi ông giáo đã ở bên, động viên lão với tấm lòng cảm thông rất mực chân thành. 

Khi lão Hạc bòn mót tất cả để gửi gắm lại phần để dành cho con, phần để dành lo cho hậu sự của mình, trong khi lão càng ngày càng rơi vào cảnh sống đói khổ, thì ông giáo là người duy nhất hiểu lão: “Tôi giấu giếm vợ, thỉnh thoảng giúp ngấm ngầm lão Hạc”. Người hàng xóm tốt bụng và giàu tình thương của lão Hạc khiến ta xúc động và trân trọng, đó là một nhân cách cao cả.

Cũng giống như biết bao nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nam Cao, họ đều là những con người đáng thương. Nếu là một người nông dân bình thường thì cái đói, cái nghèo có lẽ là nỗi khổ duy nhất và lớn nhất. Nhưng với những người trí thức của Nam Cao, họ còn phải gánh trên vai cả nỗi khổ về tinh thần. 

Những con người có học thức ấy luôn bị dày vò, luôn phải trăn trở trong nghĩ suy. Đi hết câu chuyện, ta nhận ra ông giáo là người luôn phải chứng kiến nỗi đau của người khác. Nhìn xung quanh cuộc sống mình không có lấy một niềm vui, một ánh sáng của sự sống. Cuộc đời bi thương, bất hạnh của gia đình lão Hạc, cách nghĩ của chính vợ ông... khiến ông đau xót thốt lên: “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. 

Là người giàu lòng yêu thương nhưng ông cũng bất lực trước hoàn cảnh của người khác. Lão Hạc luôn bên ông, luôn chia sẻ với ông tâm sự những suy ngẫm về cuộc đời nhưng rồi, ông giáo có giữ nổi lão Hạc ở lại cõi đời này đâu. Kết thúc, lão vẫn chết một cách thê thảm, đáng thương. Vợ ông giáo có cái nhìn lệch lạc về lão Hạc nhưng ông cũng chỉ ngậm ngùi “bởi thị khổ quá rồi, có bao giờ thị nhìn thấy nỗi khổ của người khác đâu”. Ta thấy ông giáo là một nhân vật vừa đáng thương vừa đáng trọng.

Những triết lí ông rút ra về nỗi buồn trước cuộc đời và con người đã tạo cho ông một tiếng nói riêng trong truyện. “Chao ôi, đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”. 

Ông giáo không chỉ tỏ ra rất hiểu vì sao mà vợ ông lại không chịu giúp lão Hạc và cảm thông với những nỗi khổ của thị. Ông giáo chỉ buồn mà không nỡ giận và còn nhắc nhở mình phải cố tìm hiểu họ, đồng cảm với họ. Mặt khác ông còn buồn vì thấy lão Hạc gần như làm ngơ trước sự giúp đỡ của ông làm cho hai người dần xa nhau. 

Nhưng khi biết lão Hạc xin bả chó của Binh Tư, nghe câu nói đầy mỉa mai của y dành cho lão Hạc thì ông còn buồn hơn. Ông cảm thấy thất vọng trước sự thay đổi cách sống do không chịu đựng được đói khổ, “túng ăn vụng, đói làm càn” của một người vốn có bản tính trong sạch, giàu lòng tự trọng như lão Hạc. Ông giáo buồn vì bản năng đã chiến thắng nhân tính mất rồi! Nhưng sau cái chết bất ngờ và bi thảm của lão, tâm trạng của ông lại biến chuyển, có thêm những suy nghĩ khác.

Trước hết ông thấy cuộc đời không thật đáng buồn vì có những cái chết mang tinh thần hi sinh đầy cao đẹp như của lão Hạc. Cái chết cho thấy nhân tính đã chiến thắng, lòng tự trọng vẫn giữ chân con người trước bờ vực của sự tha hóa. Ông giáo ngỡ ngàng nhận thấy: “nhưng cuộc đời lại đáng buồn theo một nghĩa khác” là ở chỗ, những người tốt như lão Hạc, đáng thương, đáng thông cảm như thế nhưng cuối cùng vẫn có hoàn cảnh bế tắc, hoàn toàn vô vọng, vẫn phải tìm đến cái chết như là cứu cánh duy nhất, như là sự giải thoát tự nguyện và bất đắc dĩ.

Và càng đáng buồn hơn vì không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa cái chết của lão. Tâm trạng của ông giáo chứa chan một tình yêu thương và lòng nhân ái sâu sắc nhưng cũng thâm trầm với giọng điệu buồn và bi quan. Chỉ còn đó một chút niềm an ủi với vong linh người vừa chết kia là ông giáo cố gắng giữ trọn lời hứa, giữ trọn mảnh vườn để có dịp gặp và trao tận tay người con trai lão Hạc.

Có một điều không phải dễ dàng bạn đọc nào cũng nhận ra rằng: người đau khổ nhất truyện chưa hẳn đã là những con người nhỏ bé, bất lực như lão Hạc, con lão Hạc, Binh Tư,... mà lại là ông giáo - con người biết tất cả mọi nỗi đau của mọi kiếp người mà đành bất lực “ngậm đau khổ để gửi vào im lặng”.

Xây dựng nhân vật ông giáo, Nam Cao như muốn tặng cho lão Hạc một người bạn để an ủi, chia sẻ nhưng cũng với nhân vật này, nhà văn muốn bày tỏ quan điểm, suy ngẫm về kiếp người và cuộc đời. Ta như bắt gặp hình bóng của Nam Cao trong ông giáo. Những nét tương đồng của nhân vật này và nhà văn như một lời tâm sự chân thành mà tác giả gửi vào trang viết. 

Văn là người. Một trái tim ấm nóng tình nhân đạo, lòng yêu thương với con người cứ bùng lên mãnh liệt trong trang viết của Nam Cao. Có thể không thể thay đổi cuộc đời của những người trí thức trong sáng tác của mình nhưng ta vẫn tin rằng dù cuộc đời có nghiệt ngã đến đâu thì họ vẫn giữ được những nét nhân cách đáng trọng của mình.

Phân tích nhân vật tôi trong văn bản lão Hạc

Bài văn phân tích nhân vật Ông giáo trong truyện ngắn "Lão Hạc" số 3

“Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Giăng sáng). Quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh đó đã chi phối sáng tác cả đời của nhà văn Nam Cao.

Những trang văn của ông được viết lên bởi tấm lòng nhân đạo cao cả, bởi trái tim không thôi trăn trở về số kiếp khổ đau của con người. Những Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, những Thứ, Điền, Hộ,… đang ngụp lặn trong dòng đời nhiều cay đắng. Họ ám ảnh ta bằng chính cuộc đời của họ. Trong đó hình ảnh Lão Hạc cứ mãi chập chờn.

Cũng giống như biết bao nhân vật của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, lão Hạc là một cố nông nghèo khổ. Cùng với nhân vật người trí thức, người nông dân là đối tượng mà tác giả dành nhiều sự ưu tâm nhất. Trong sáng tác của Nam Cao, môi trường, hoàn cảnh sống thường hiện hình qua cái đói, cái nghèo, miếng ăn và các định kiến xã hội. Lão Hạc sống suốt đời trong sự bủa vây của cái nghèo, cái đói.

Đã nghèo, lại goá vợ, lão sống một mình trong cảnh “gà trống nuôi con”. Cũng như bao nhiêu cố nông nghèo khổ ở nông thôn, lão Hạc không có ruộng cày. Toàn bộ gia tài của lão chỉ có vẻn vẹn một con chó và một mảnh vườn. Mảnh vườn ấy có được là do vợ lão “cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu”.

Đó là mảnh vườn còm cõi, hoa màu của nó cũng chỉ đủ để lão bòn mót. Cho nên, lão phải đi làm thuê, làm mướn, đem sức mình đổi lấy miếng ăn. Miếng ăn, cái đói, cái nghèo đã tạo nên gia cảnh, tạo nên cái số kiếp của lão. Lão rất thấm thìa cái cảnh tủi nhục của mình. Có lần lão chua xót nói với ông giáo kiếp người như lão chỉ nhỉnh hơn kiếp của một con chó.

Cũng vì nghèo đói, lão Hạc trở thành người cha phải bó tay trước hạnh phúc của người con trai độc nhất. Vì không có tiền cưới vợ nên con trai lão không lấy được người mình yêu. Anh tính bán mảnh vườn lo cưới vợ nhưng nghe lời bố lại thôi. “Lão thương con lắm. Nhưng biết làm sao được.

Đó là tình thương đầy bất lực của người cha. Rồi cũng chính cái đói, cái nghèo đã cướp đi mất đứa con trai duy nhất. Không chịu nổi cái nhục của kiếp nghèo, anh con trai lão phẫn chí bỏ làng, bỏ cha, “kí giấy xin đi làm đồn điền cao su…”. Ta không cầm nổi nước mắt khi nghe lão kể lại việc con đi : “Tôi chỉ còn biết khóc chứ còn biết làm sao được nữa ? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu có còn là con tôi.

Câu chuyện lão kể lại như đang xảy ra. Lão đã khóc, lão đang khóc, đang đau nỗi đau xé ruột của một người cha hoàn toàn bất lực trước cuộc sống của người con. Vì nghèo đói, lão cũng phải bán nốt cậu Vàng – người bạn duy nhất, điểm tựa tinh thần, sợi dây duy nhất gắn lão với thằng con trai. Và cũng vì nghèo đói, vì biết bao gánh nặng ở đời, lão đã phải lựa chọn, một sự lựa chọn đầy nghiệt ngã, bi đát: cách chết của một con chó.

Cả cuộc đời của lão không có lấy một bữa no. Nghèo khổ cứ dần dần lấy đi của lão tất cả, đẩy lão vào bước đường cùng không có lấy một lối thoát. Số phận, cuộc đời của lão cũng là một điển hình cho số phận bi đát của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng.

Nếu chỉ dừng lại ở đây, Nam Cao cũng chỉ là một nhà văn tả thực bình thường. Chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao luôn làm ấm nóng trái tim người đọc, luôn làm cho người ta tin vào cuộc đời dù cuộc đời còn nhiều cay đắng, bất hạnh. Ở Lão Hạc là một niềm tin bất diệt vào con người. Dù trong hoàn cảnh nào thì các nhân vật của Nam Cao đều cố gắng vươn lên ánh sáng, đều khao khát được sống đúng là con người. Lão Hạc dù nghèo khổ, bất hạnh nhưng ta nhận ra ở người cha già ấy những nét nhân cách thật đáng trọng.

Trước hết, đó là một người cha giàu tự trọng, ở đời, nhiều khi nghèo đi với hèn. Cái nghèo đôi lúc làm méo mó nhân cách con người, làm họ bị tha hoá, biến chất. Những ngày tháng gần cuối cuộc đời, khi đã “có đồng nào, cụ nhặt nhạnh” đưa cả cho ông giáo, lão chỉ bòn củ khoai, củ chuối cho qua ngày. Ông giáo “giấu giếm vợ thỉnh thoảng giúp đỡ ngấm ngầm lão”. Nhưng lão từ chối sự giúp đỡ đó “một cách hách dịch”.

Cũng vì tự trọng, vì thương con lão quyết không ăn vào một đồng của con. Cũng vì tự trọng mà trước khi chết, lão nhịn ăn để lại tiền làm ma vì không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng. Sự tự trọng đó là nét nhân cách đẹp, đáng trân trọng của một lão bần cố nông. “Đói cho sạch, rách cho thơm” thật đúng với trường hợp của lão Hạc.

Nhưng điều quan trọng nhất làm cho nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao để lại niềm cảm động và cảm phục khôn nguôi nơi bạn đọc chính là tấm lòng yêu thương con hết mực của lão. Cả cuộc đời đói khổ chính là sự thử thách tình phụ tử của lão và cũng chính là cả cuộc đời lão dành trọn tình yêu thương cho con. Vì thương con, yêu con nên lão luôn bòn mót, dành dụm tất cả cho con.

Trong từng nếp nghĩ của lão Hạc bao giờ cũng thấm đẫm đức hi sinh cao cả. Trước khi đi phu, anh con trai biếu lão ba đồng bạc, để lại cho lão con chó, dặn lão “bòn vườn đất với làm thuê làm mướn cho người ta thế nào cũng đủ ăn”. Nhưng lão đã tự xoá đi cái quyền sở hữu của mình đối với mảnh vườn ấy. Sau khi con đi, lão tự nhủ không động đến những gì là của con. Lão dành dụm tất cả với hi vọng gom góp để con lão khi trở về sẽ đủ tiền cưới vợ.

Vì không đủ tiền cưới vợ, nên con lão phẫn chí bỏ đi làm đồn điền cao su. Vì vậy, lão Hạc rất thương con. Nhưng lão không thể làm gì cho con nên lão chỉ biết khóc. Những giọt nước mắt của một người đàn ông đau khổ, của một người bố giàu lòng thương yêu con nhưng bất lực trước đói nghèo khiến người đọc thấy xót xa, quặn thắt.

Tinh yêu thương con lão gửi cả vào cậu Vàng hay yêu thương, chăm sóc cậu Vàng cũng chính là biểu hiện của tình yêu thương con vô hạn. “Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một người giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn…, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó”.

Với lão Hạc, cậu Vàng không những là một người bạn chia sẻ những vui buồn của cuộc sống mà quan trọng hơn, cậu Vàng chính là sợi dây duy nhất nối cha con lão gần nhau, nuôi dưỡng hình ảnh người con trai trong trái tim của lão. Tình cảm với cậu Vàng không chỉ là biểu hiện của tấm lòng nhân ái, yêu thương loài vật mà còn là biểu hiện xúc động của tình phụ tử cao đẹp.

Vì thế ta càng thấu hiểu hơn nỗi đau khổ và những giọt nước mắt ân hận của lão sau khi bán cậu Vàng : “Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Lão nhận mình là kẻ bất nhân, tên lừa đảo đối với một con chó vốn tin yêu mình. Nếu không phải là người yêu thương cậu Vàng hết mực thì lão Hạc không thể có những tâm trạng dằn vặt như thế sau khi bán con chó.

Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con của lão Hạc là cái chết bi phẫn ở cuối thiên truyện. Đó là một cái chết không hề bình thường. Lão chọn cái chết tức tưởi, quằn quại trong đau đớn như cái chết của một con chó: “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên,… Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội”. Phải chăng, lão Hạc chọn cách chết đó như muốn trừng phạt chính bản thân mình khi đã bán cậu Vàng ?

Phân tích nhân vật tôi trong văn bản lão Hạc
Ảnh minh họa (Nguồn internet)